Bạn rủ tôi đi tìm một cánh rừng. Ở đâu? Chúng tôi giở bàn đồ ra dò. Trong phạm vi thành phố Hồ Chí Minh thì có rừng ở Cần Giờ và Củ Chi, cả hai nơi đều có thể đến tham quan vui chơi vì đều có dịch vụ kinh doanh du lịch giải trí. Ra khỏi thành phố có rừng Nam Cát Tiên nếu đi về miền Đông, hoặc rừng U Minh ở miền Tây. Nhưng mà tôi không định đi xa, bạn bèn quyết định đi Cần Giờ. Đi vào một ngày thường để tránh đám đông người đi nghỉ cuối tuần (nhưng dường như không cần thiết). Và đi bằng xe buýt : từ Bến Thành tới Bình Khánh, qua phà, lên xe buýt khác đi tiếp.

Rừng ở đâu? Tuổi thơ, rừng ở trong cổ tích. Lớn lên, ta đi tìm rừng. Bỏ qua những nhà hàng, nhà nghỉ, quầy lưu niệm, chợ quán… chúng ta thuê xuồng để đi vào rừng sác. Xuồng gắn máy chạy một khúc sông rộng, rồi chuyển qua xuồng chèo tay vô một con rạch nhỏ. Cuối cùng, chúng ta lên một cái cầu ván mà lắt lẻo như cầu tre, rồi theo lối mòn tới một cái chòi. Người chèo xuống đã bỏ chúng ta lại để quay về bến sông, hy vọng đón thêm khách.

Bỗng dưng, giữa rừng chỉ còn bạn và tôi. Ban đầu, chúng ta đứng im nghe ngóng. Tiếng chèo khua nước xa dần. Im ắng. Một con rắn mối bò xẹt qua ngay dưới chân mà không gây tiếng động nào. Không cả tiếng gió, mặc dù ngước nhìn lên cao, trên ngọn cây hình như lá cũng đung đưa. Nhìn quanh chỉ thấy cây. Rừng là đây, chắc vậy. Im ắng đến nỗi chúng ta nghe được hơi thở của chính mình. Không biết làm sao mở miệng, sợ âm thanh mình phát ra chỏi lỏi với tiếng rừng, làm vỡ tan không khí dường như nguyên sơ này.

Vì vậy, chúng ta chẳng nói gì cả, nhẹ bước theo con đường nhỏ xíu đắp đất len lỏi giữa rừng. Cây cối dầm chân trong nước. Hình như thủy triều đang xuống, rễ cây lồi trên mặt bùn, mấy con cá – có lẽ là thòi lòi – chạy lăng quăng, còn mấy con gì thập thò trong những cái lỗ nhỏ, chắc là con còng. Đoán vậy thôi, chứ bạn cũng như tôi đều không phải nhà sinh vật học, từ nhỏ đến lớn cũng không được ai dạy cho kiến thức về rừng, nhất là rừng sác. Nhìn quanh cây cỏ, không thể nói rõ là cây gì? Mắm? Giá? Đước? Tràm? Dừa? Lá? Cói? Sậy? Ô-rô? Cóc kèn?

Theo người chèo xuồng lúc nãy thì rừng này còn nhiều loài thú quí hiếm. Cũng yên tâm là động vật quí hiếm thì mình chớ trông mong nhìn thấy chúng nhan nhản trước mắt. Nhưng cá sấu và khỉ, người chèo xuồng cảnh cáo, phải coi chừng. Đừng có lội xuống sình xuống nước (không, có mướn cũng không dám lội, nguy cơ bị cá sấu táp đứt giò không ghê bằng khả năng bị lún sình hay nhiễm bẩn!) Còn khỉ thì… nhắc tới là có liền. Chắc loài linh trưởng này có khả năng thần giao cách cảm với người ta. Không biết từ đâu, một em nhảy phóc lên cái ba-lô bạn đang đeo trên lưng.

Đương nhiên, tôi giật mình. Nhưng vì đã được cảnh báo, tôi đã không “phơi bày” ra bất cứ cái gì có khả năng khiêu khích tính tò mò và táy máy của loài khỉ. Không cầm không đeo máy chụp hình, điện thoại, bánh trái, cả xách tay cũng không. Tôi mặc áo quần có túi để cất tất cả đồ riêng lỉnh kỉnh, còn bạn thì nhét tất cả vào cái ba-lô, gài kín. Con khỉ già trên lưng bạn rõ là dạn dày kinh nghiệm. Tuy nó không biết cách tháo gút, kéo dây, mở nắp ba-lô, nhưng rõ ràng, nó biết có thể kiếm chác gì đó trong cái ba-lô. Chỉ có điều, nó chưa kịp hành động thì đã bị bạn tống cho một cú đà đao, không biết trúng không, nhưng nó vọt ngay qua cành cây gần đó, trừng đôi mắt nâu trong veo nhìn bạn, khọt khẹt thanh minh, hay mắng mỏ không chừng.

Tôi chưa dứt tràng cười ha hả thì bạn hét một tiếng vang động cánh rừng, và đầu tôi bị giật ngửa ra sau suýt sái cổ. Cha mẹ ơi! Sợi dây thun cột tóc! Tôi quên mất, vì vẫn cột tóc bằng sợi thun này, có hai trái dâu đỏ nho nhỏ bằng nhựa đính vào dây thun, tại người ta chế sẵn vậy, tôi thấy ngộ ngộ và không đến nỗi lòe loẹt nên mua về cột tóc mình cho gọn. Ai ngờ hai trái dâu đỏ ấy bắt mắt một em khỉ. Nó nhảy lên vai tôi, chụp trái dâu, chắc là tính cho vô miệng lủm, nhưng vướng tóc tôi và bị tiếng hét của bạn phải vọt đi với một túm tóc của tôi trong tay. Ôi, tóc tai yêu dấu, đã bạc đã rụng, lại bị khỉ nhổ.

Hẳn là cả cộng đồng khỉ bị tiếng hét của bạn khuấy động. Chẳng mấy chốc, tôi nhìn quanh chỗ nào cũng có khỉ. Và từ lúc đó cho đến khi người chèo xuồng đến đón, chúng ta và bọn khỉ cứ thủ thế gườm nhau. Người chèo xuồng ướm hỏi : Có bị khỉ chôm món gì không. Bạn kiêu hãnh bảo đừng hòng. Vậy là may, chứ ai vô đây cũng bị khỉ trấn lột một hai món gì đó. Sực nhớ chuyện cổ tích kể là những con khỉ già biết đường tới những kho báu sâu trong rừng. Chắc chắn là trong rừng này có ít nhất một kho tàng – lũ khỉ hẳn đem những thứ chúng trấn lột của du khách về giấu trong đó. A! Tôi tìm được một đề tài rồi! Lần sau nhất định đi tìm kho báu trong rừng sác!

Lý Lan
(Báo Sinh viên)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *