Tuy nhiên, đi sâu vào nghiền ngẫm, phân tích đa chiều sự hơn thiệt mà những ý kiến đó đưa ra, ta thấy không ít ý kiến thường là manh mún, không có tính khả thi, nếu không muốn nói là còn…"tối" kiến.
Còn nhớ, hồi đầu năm, sau khi Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức thành công Ngày thơ Việt Nam lần thứ VII tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), tác giả H.N., trên "Văn học quê nhà" đã có bài viết "Có nên bán vé vào cổng Ngày thơ Việt Nam?". Trong bài viết dài tới cả nghìn chữ này, tác giả tập trung vào mỗi một vấn đề, là làm sao để những người yêu thơ được tham dự Ngày Thơ một cách tự do, thoải mái, không phải mất thời gian chờ soát vé và đặc biệt, không phải bỏ tiền túi ra để mua vé. Theo tác giả phân tích thì "Có được công chúng yêu thơ, đến với thơ là rất đáng quý. Ngày hội thơ cũng như ngày hội của nhân dân, cần được nhiều người biết đến, cần được xã hội hóa và không nên bán vé".
Phải ghi nhận thiện chí của tác giả bài viết đối với những người yêu văn học nói chung và người yêu thơ nói riêng, song cái gì cũng phải đặt trong tổng thể. Tại sao các đối tượng khác mỗi khi đặt chân vào Văn Miếu, dù là để tham quan hay để thắp hương bái vọng các bậc tiền nhân đều phải mua vé, còn những người yêu thơ thì được miễn trừ? Phải chăng, chỉ có lòng yêu thơ mới là thiêng liêng, là đáng hưởng ngoại lệ?
Không dừng ở đó (đề nghị không thu tiền vé của người đến dự Ngày Thơ), tác giả H.N. còn nêu "sáng kiến" với Ban Tổ chức, tức Hội Nhà văn Việt Nam, rằng thì việc in giấy mời để gửi cho các hội viên của Hội, cộng với tiền cước phí bưu điện "chắc hẳn cũng chiếm một phần không nhỏ", vậy "tại sao Hội Nhà văn không giảm bớt khâu "giấy mời" để bù cho khoản tương đương thu được từ tiền vé của những đối tượng không phải là nhà văn như học sinh, sinh viên, người cao tuổi và người nước ngoài?".
Ôi chao, sự đời đâu có đơn giản vậy. Với các nhà văn, nhà thơ, nhất là những bậc lão làng, đâu có thể tiết kiệm một đôi nghìn tiền cước phí này để mà thông báo chung chung trên báo, để "ai biết thì đi" được? Chưa kể, trong tờ giấy mời, Ban Tổ chức còn in rõ sơ đồ nơi diễn ra các nghi thức cùng chương trình buổi lễ. Có đâu chỉ vì mấy nghìn tiền vé bù cho mỗi người đến nghe thơ mà bắt Ban Tổ chức phải thất lễ với hội viên của mình như vậy. Đây chắc chắn không phải là một sáng kiến. Không biết bài viết này đã được in trên tờ báo giấy nào chưa, chứ mất một nửa trang báo khổ lớn chỉ để bàn về vấn đề như vậy, quả là hơi… lãng phí.
Tuy cấp độ có khác nhau, song câu chuyện trên bỗng làm tôi nhớ tới ý kiến của nhà văn K. in trên một tờ tuần báo nọ (về vấn đề đãi ngộ đối với những người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật). Trong bài "Tìm người tài và trọng dụng người tài", tác giả đưa thông tin "vừa rồi tỉnh Nghệ An đã cấp đất làm nhà cho văn nghệ sĩ và cầu thủ bóng đá" và bình luận: "Giá như ngành nào, địa phương nào cũng có cách nghĩ, cách làm chí ít được như ở Thanh Hóa, Nghệ An thì càng làm tăng thêm nguồn nội lực cho đất nước".
Tôi thì lại cho rằng, nếu đâu đâu cũng làm như thế thì đất nước càng "tăng nhanh" các văn nghệ sĩ rởm và cầu thủ rởm mà thôi. Bởi, như chúng ta đã biết, chỉ là một chút danh lợi cỏn con sau khi ai đó được kết nạp vào Hội mà đã phát sinh bao điều tiếng, bao chuyện tiêu cực rồi, huống hồ từ cái danh hiệu đó lại còn được gắn với quyền lợi về nhà đất thì chồng đơn xin vào hội cứ gọi là… cao như núi. Rõ ràng, theo tôi, đây không hề là một sáng kiến.
Cũng đặt vấn đề về việc có chính sách ưu ái với người yêu văn học như bài viết của tác giả H.N., trong bài viết "Sách cho thiếu nhi càng nhiều càng đắt" được tải trên trang web của nhà văn Phong Điệp, một tác giả, trước hiện tượng "trẻ em thành thị, nếu không phải "thiếu gia" khó có điều kiện tiếp xúc" với sách (một ý kiến không thật đúng lắm) đã – thông qua nhân vật của mình – nêu kiến nghị: Với nhiều cuốn sách, có thể bỏ đi bìa cứng, và thay vì in 4 màu chỉ cần in 2 màu, thậm chí, với lứa tuổi lớn hơn 10, có thể bỏ bớt một số hình họa và bớt đi màu sắc để sách giảm giá thành, giúp các em có điều kiện mua được sách.
Thật ra, ở thời đại ngày nay, một trong những điều các bậc phụ huynh lo lắng nhất là trẻ em bị hút bởi các loại hình nghe nhìn khác, trong đó có truyền hình và Internet, cũng như ít có sách hay cho thiếu nhi, chứ không phải là việc họ không đủ tiền mua sách cho con.
Theo tôi, hẳn không mấy ông bố bà mẹ lại muốn dành tặng con em mình những cuốn truyện phải giảm bớt độ hấp dẫn về màu sắc để hạ giá thành như cách mà tác giả đưa ra. Cuộc sống có bao điều cần phải tiết kiệm hơn, ai nỡ tiết kiệm ở phần dành cho con trẻ.
Lại nhớ, trước đây, có lần cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trông thấy tờ báo Nhi Đồng in giấy không được trắng, ông đã điện cho những người có trách nhiệm chỉ thị, dù tình hình khó khăn đến đâu cũng phải dành loại giấy sáng rõ nhất để in báo cho các em. Bây giờ chẳng nhẽ chúng ta lại muốn đi thụt lùi sao…
Trong bài viết "Làm sao để có nhiều tác phẩm chất lượng cao" của một tác giả được tải trên trang web của nhà văn Phong Điệp, tôi không khỏi ngạc nhiên trước một kiến nghị: "Nhiệm kỳ này phải suy nghĩ một cơ chế tạo quyền chủ động cho các Hội chuyên môn, nhất là Hội Nhà văn, Hội đông đảo nhất, cũng là Hội khó kiếm ra tiền nhất, có kinh phí khá hơn để tổ chức các hoạt động nâng cao chất lượng hội viên nhằm tạo tác phẩm có chất lượng".
Đúng là, trong điều hành, quản lý Hội, kinh phí nhiều cũng dễ hoạt động hơn thật, song "Làm sao để có nhiều tác phẩm chất lượng cao" thì ý kiến trên chưa phải đã đắc địa. Kinh phí nhiều có thể khiến anh em có nhiều sinh hoạt vui vẻ hơn, đời sống của cán bộ công tác tại Hội được cải thiện hơn, còn nói nhờ thế mà "nâng cao được chất lượng hội viên" thì dứt khoát không phải. Những năm kháng chiến, khó khăn là thế mà sao chúng ta vẫn có một đội ngũ văn nghệ sĩ hùng hậu, thực sự có chất lượng? "Chất lượng hội viên", chất lượng trang viết đâu đơn thuần phụ thuộc vào kinh phí.
Ấy là nói về phương diện vật chất, còn những kiến nghị về mặt quyền lợi tinh thần thì phải nói, không ít văn nghệ sĩ ta vẫn tỏ ra ngây thơ, thật thà. Như cách đây một đôi tháng, đã có nhà văn gửi đăng báo (sau đó được một số trang web cho đăng lại) bài viết có tiêu đề "Có cần "phúc khảo" các cuộc thi văn chương?".
Tên bài thoạt nghe là lạ, gợi sự tò mò, nhưng rồi ngẫm lại, nhất là khi đọc ý kiến của nhà văn, thấy ông nói ông ý thức được rằng "văn chương tự cổ vô bằng cớ" nhưng lại muốn được "phúc khảo" như các môn học khác ở nhà trường nếu sau mỗi giải thưởng, tác giả cảm thấy chưa thỏa mãn, thấy không công bằng.
Dẫn chứng ông đưa ra: Truyện ngắn dự thi năm ấy của ông không được giải nhưng khi gõ vào Google, ông thấy có số người truy cập nhiều gấp gần 100 lần truyện được giải nhất. Điều ấy chứng tỏ Ban Giám khảo chưa được công tâm, cần phải chấm lại.
Theo lý của nhà văn này, thì cứ tác phẩm có đông người truy cập (chưa biết đánh giá, nhận xét của họ thế nào, vì họ nhấp chuột đọc, là máy đã tính thêm lượt rồi. Vả chăng, việc được truy cập nhiều có khi chỉ vì người đọc tò mò bởi một cái… tên bài mà thôi) là tác phẩm hay. Hay mà không được giải nghĩa là Ban Giám khảo "có vấn đề", cần phải có Ban Giám khảo khác để "phúc tra". Nếu vậy thì bao nhiêu Ban Giám khảo cho vừa, và chắc sẽ khó có hồi kết bởi mỗi Ban Giám khảo có thể lại có một quan điểm khác nhau, nó có như bài toán, đáp số rõ ràng, ai cũng thấy đâu? Chưa nói, anh đòi phúc tra thì người ta cũng đòi phúc tra được chứ.
Rõ ràng, ý kiến này là "tối" kiến, như một comment đã nhận xét. Và không phải không có lý khi có người, sau khi đọc bài viết nói trên đưa ra nhận xét, rằng nếu năm ấy, tác giả nọ được giải nhất, hẳn ông không đặt vấn đề "phúc tra văn chương" thế này.
Chưa hết, gần đây, nghe tin Hội Nhà văn Việt Nam đang tổ chức thực hiện cuốn Tuyển tập "Thơ Việt Nam thế kỷ XX", trên một số tờ báo đã đưa ra ý kiến của nhiều tác giả. Trong đó, có một tác giả trẻ tỏ ra không tin tưởng Hội đồng tuyển chọn, cho rằng Hội đồng này rất cảm tính và "đây là một cách tuyển chọn quá cũ theo tên tác giả, mà nhiều người đã trở thành "cây đa cây đề". Từ đó, theo ý kiến của tác giả trẻ này, cần phải có đại diện trẻ trong Hội đồng tuyển chọn.
Trước hết phải thấy rằng, việc chọn thơ hay của cả thế kỷ thì việc ta bắt gặp trong đấy những bài thơ quen thuộc, của các tác giả là "cây đa cây đề" là chuyện hiển nhiên. Chỉ sợ Hội đồng tuyển chọn đưa vào đấy những bài thơ lạ hoắc, không mấy người biết thôi chứ. Còn đòi hỏi phải đủ cả các thành phần trong Hội đồng để chọn chắc gì chất lượng đã được đảm bảo. Đây là làm tuyển thơ, đâu cần phải "mặt trận" như vậy. Rõ ràng, ý kiến nêu trên chưa phải là ý kiến có tính thuyết phục.
Theo tôi nhìn nhận, những ý kiến ít trở thành… sáng kiến đa phần có lý do là tại những người đưa ra ý kiến thường xuất phát từ những quyền lợi cũng như những khúc mắc cá nhân của mình.
Theo Phạm Khải – CAND Online