Ở đồng bằng sông Cửu Long, có một tập quán làm ăn hình thành từ thời khẩn hoang. Vào khoảng tháng 9 âm lịch, nông dân từ miệt Tiền Giang, hay còn gọi là miệt vườn (Cần Thơ, Cửu Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long Xuyên… ) rảnh rỗi việc mùa màng, rủ nhau xuống xuồng ghe xuôi theo con nước lũ về miệt Hậu Giang (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá… ) để bán hàng bông và gặt lúa mướn, sau đó thì trở về quê khi tết nhứt gần kề.

Người Hậu Giang gọi họ là bà con miệt vườn, nhưng những người sính dùng chữ nghĩa thì đặt tên cho những cuộc đời lênh đênh sông nước ấy một cái tên mỹ miều : Khách thương hồ.

Quê tôi nằm dọc theo con sông Bạc Liêu, vì thế mà thuở nhỏ, năm nào tôi cũng được tắm mình trong cái không khí rộn ràng của mùa gặt mướn. Thời điểm bắt đầu là khi gió chướng về. Đó là một ngọn gió rất lạ. Nó tiềm ẩn những huyền diệu của thiên nhiên. Đầu tiên là những ngọn gió giao mùa cứ vần vũ, quật qua quật lại, sau đó là gió chướng sòng xuất hiện. Loại gió này vô cùng phóng khoáng. Nó mang tất cả những mát mẻ của đất trời thổi vào đồng ruộng, xóm làng và tràn ngập lòng ta. Nó làm không gian dậy lên cái hương lúa mới nồng đượm. Chính vì thế mà lòng ta rạo rực, mong chờ một mùa no ấm, mong một cái Tết có áo mới, pháo nổ gần kề… Bỗng nghe dưới bến sông có ai hò : "Bớ ghe sau chèo mau tôi đợi/ Khúc sông này bờ bụi khó qua"… Mới hay, đã bắt đầu mùa bà con miệt vườn về miệt Hậu Giang làm ăn.

Trên dòng sông Bạc Liêu, trăng tháng mười bàng bạc, từng đoàn ghe xuồng nối đuôi nhau kéo về. Tiếng quẫy nước, tiếng khua chèo, tiếng hát hò hòa lẫn với tiếng những con vạc ăn đêm đánh thức những dòng sông lạnh vắng. Tiếng hò của ai đó cất lên : "Đạo nào vui cho bằng đạo đi buôn/ Xuống bể lên nguồn, gạo chợ nước sông"… Khách thương hồ cứ theo dòng nước lũ của sông Tiền qua sông Hậu, rồi xuống Ngã Năm, Ngã Bảy để vào Bảy Xàu, Cổ Cò mà về Bạc Liêu, Cà Mau… Những vùng đất miệt Hậu Giang nổi tiếng phèn chua nước mặn với câu ca : "Chèo ghe sợ sấu cắn chưn/ Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma" với những xóm nhà thưa thớt, đìu hiu bỗng trở nên đông vui, nhộn nhịp. Tại các vàm sông như Ngã Năm, Ngã Bảy – nơi đầu mối thủy lộ tỏa ra nhiều vùng, các hàng quán bán bánh dừa, bánh tét, cháo gà… mở ra. Khách thương hồ mua rồi bán lại một ít trái cây miệt vườn. Riết rồi sinh hoạt mua bán ngày một sầm uất, trở thành những chợ nổi trên sông đặc biệt ở miền Hậu Giang.

Còn tại các xóm làng của Bạc Liêu, Cà Mau, như xóm tôi chẳng hạn, ghe, xuồng đủ loại ken dày ở các bến sông, các đầu kinh thủy lợi… Xuồng, ghe đều có mui, được chằm từ lá dừa nước. Khi tìm được bến đậu, người ta khiêng mui ghe lên bờ để làm loại nhà di động trú mưa nắng. Một tốp ghe thì năm, ba nhân công trai tráng; tốp khác lại là những cặp vợ chồng với con nhỏ nheo nhóc. Họ còn nuôi gà, heo trên những chiếc ghe nhỏ xíu. Sáng sớm, ở đầu các vàm kinh đã thấy ánh lửa bập bùng, rồi khói đốt rơm dâng cao. Đó là những người gặt lúa mướn nấu cơm ăn để đi làm sớm. Họ là những thợ gặt chuyên nghiệp, làm năng suất gấp đôi người địa phương, trời đứng bóng đã thấy họ gặt xong một công lúa. Chính kỹ thuật cắt lúa thấp bằng lưỡi hái trên ruộng lúa ngắn ngày (trái với kỹ thuật thu hoạch lúa của người địa phương) đã được người miệt vườn du nhập vào miền Hậu Giang.

Trên sông, khách thương hồ cất lên giọng hò : "Ngồi buồn vọc nước giỡn trăng/ Nước xao, trăng dợn biết rằng về đâu". Hát thế là hát cho kẻ mới đi gặt, đi buôn xuống miệt Hậu Giang lần đầu hoặc tình cảnh của dân thương hồ ngày nay, chứ ngày xưa, đa phần khách thương hồ đều có bến đậu. Ở làng tôi, vào vụ gặt là gần như 100% gia đình trong xóm đều chứa 5 – 10 người miệt vườn đến trú ngụ. Là người quen cả thôi. Năm ngoái, họ tạm biệt về vườn ăn Tết, thì năm nay, họ lại xuống làm ăn. Nhà tôi là bến đậu của cậu Út, người miệt Cửu Long. Ba tôi kể rằng, đời ông già cậu Út cũng đã ở nhà ông nội tôi để đi gặt rồi, thế nên, tình cảm gắn bó như bà con ruột rà. Cậu Út xuống với mợ Út cùng hai đứa con : thằng Tâm và con Út Mén.

Họ đến thì gia đình tôi mừng. Lũ trẻ sẽ được ăn trái cây miệt vườn và có bạn chơi. Còn người lớn thì lâu ngày gặp lại. Ghe cậu Út năm nào cũng chở một số trái cây gồm mít, xoài, mận… để vừa có cái tặng bà con miền Hậu Giang, vừa bán để kiếm ít tiền lời làm sở phí đi đường. Cũng chẳng biết vì sao ba má tôi lại quý họ như thế? Má tôi bán dùm hàng cho mợ Út, ba tôi thì "dằn" công gặt có giá cao cho cậu Út. Sau một công gặt, còn thời gian rảnh, ba tôi dẫn cậu Út đi bắt cá cạn, hay xin một ít cá lóc, cá rô loại nhỏ của láng giềng tát đìa để cậu Út xẻ khô, làm mắm mang về quê vào cuối vụ gặt. Lúc đó, xóm tôi cứ nhộn nhịp, nhất là về đêm. Má tôi đốt đèn măng xông sau sàn lãn để làm cá mắm với mợ Út. Còn tôi với thằng Tâm và Út Mén thì dẫn trâu đạp rơm giữa khoảng sân rộng. Trăng tháng 10 vằng vặc, lũ trẻ chúng tôi mặc sức nô đùa. Út Mén sợ ma, bị chúng tôi núp trong cộ lúa nhát ma làm nó khóc đến xanh mặt. Gọi con Út Mén là thuở 11 – 12 tuổi, chứ sau này, khi Út Mén 18 tuổi, tôi vụng về gọi nó bằng cô Út Lan. Năm đó, Út Lan về quê, tôi đứng nơ
i đầu sông mà dõi mắt về phía cuối sông và ngọng nghịu cất lên câu hò sông Hậu : "Em về Giồng Dứa qua truông/ Gió đưa bông sậy dạ buồn nhớ ai!".

Đời của khách thương hồ là đời lênh đênh sông nước, rày đây mai đó, vì vậy, có những nỗi niềm sướng khổ rất riêng. Họ là những kẻ hải hồ lang bạt, mượn bốn phương làm nhà, nếm trải nhiều món ngon vật lạ, thuộc làu trăm nẻo xa xôi… Nhưng họ cũng là người chịu nhiều thiệt thòi vì con cái không được học hành, tai ương hoạn nạn, thiếu một quê hương, thiếu những người thân an ủi, đỡ đần. Cái cảnh mà thuở nhỏ thường xảy ra ở xóm tôi là dân gặt mướn tới nơi thì đổ bệnh, không có sức để làm, cho nên, gần Tết mà không có tiền về xứ. Nhớ đến cái bàn thờ gia tiên lạnh lẽo khói hương nơi miền Tiền Giang xa xôi mà chạnh lòng, họ đi nghêu ngao rồi hò rằng : "Cúc mọc dưới sông kêu bằng cúc thủy/ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa/ Gởi thơ thăm hết mọi nhà/ Trước là phụ mẫu sau là thăm em"… Trước tình cảnh ấy, bà con xóm tôi thường mời họ lên bờ, giữ họ ở lại để cùng ăn Tết với gia đình. Cũng nhậu nhẹt, cũng bánh trái để an ủi kiếp đời tha phương. Lớn lên, tôi cứ thắc mắc mãi không biết vì sao và từ bao giờ mà có tập quán làm ăn của khách thương hồ và vì sao, dân miệt Hậu Giang như ba má tôi lại đùm bọc, thương yêu bà con miệt vườn như tình ruột thịt? Phải mãi sau này, khi nghe người lớn tuổi kể lại và qua tìm hiểu đôi chút về lịch sử khai phá Nam bộ, tôi mới sáng mắt ra.

PHAN TRUNG NGHĨA – SCLO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *