Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần thứ tư đang bước vào giai đoạn cuối. Đây là giải thưởng uy tín trong đời sống văn học Việt nhiều năm qua. Dịp này, PV có cuộc trò chuyện với giải Nhất cuộc thi lần trước – nhà văn Hồng Hạnh.
– Với chị, giải thưởng Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 mang đến những gì cho hành trang vào con đường viết lách?
– Đầu tiên, giải thưởng này như là một bệ phóng, giúp người đọc và giới chuyên môn biết đến mình. Tiếp theo, đó là động lực để mình nỗ lực hơn trong từng sáng tác, để trưởng thành qua từng tác phẩm. Nói về giá trị vật chất thì giải thưởng đã mang đến cho tôi số tiền mà lần đầu tiên trong đời mình, tôi mới có được nó: 50 triệu đồng. Trước đó, tôi chưa bao giờ có được số tiền lớn như vậy. Điều đó mang lại cảm giác thật lạ lùng. Và, lúc đó, tôi nghĩ rằng văn chương cũng… bán được chứ, không đến nỗi "rẻ như bèo" như ông Tản Đà từng… than thở (cười).
Trần Thị Hồng Hạnh và nhà văn Bùi Ngọc Tấn tại Mỹ. Ảnh: H.H. |
– Nếu ngày trước, chị không đoạt giải Văn học tuổi 20 thì chị hình dung tình yêu của mình dành cho văn chương như thế nào?
– Tôi sẽ vẫn yêu văn chương và tiếp tục sáng tác thế thôi, dù chỉ để cho riêng mình đọc. Sáng tác với tôi là nhu cầu tự thân. Tôi được sống, được yêu, được làm thượng đế trong cõi riêng của mình. Và, tôi chẳng cần phải thỏa hiệp với bất cứ điều gì cả. Khi viết kịch bản phim truyện, bạn sẽ phải thỏa hiệp với đạo diễn, nhà sản xuất…Nhưng khi viết truyện thì không cần. Ta luôn có độc giả của mình, có bao nhiêu người chê vì không thích, không hợp thì cũng sẽ có bấy nhiêu người khen vì họ thấy hợp, thấy thích.
Sáng tác là một hành trình đơn độc. Ngồi trước máy tính, viết tác phẩm mà nghĩ đến sự tung hô hoặc dè bĩu của đám đông hoặc các nhà phê bình, đồng nghiệp thì mình sẽ không viết được gì cả. Trước trang giấy hay màn hình máy tính, mỗi người viết là một thượng đế và hãy trút cho cạn những nỗi niềm mong mỏi của mình. Nói cho cùng, giải thưởng chỉ là thứ gia vị ngọt ngào cho đời sống của mình, giúp nhiều người biết đến mình.
– Văn đàn thế giới có khá nhiều giải thưởng lớn nhỏ khác nhau để các cây bút thử sức trong lĩnh vực viết lách, theo chị văn đàn Việt Nam có đủ giải thưởng để nâng bước người đam mê văn chương chưa?
– Tôi nghĩ là đã bước đầu, các giải thưởng có đủ sức mạnh lôi kéo những người viết tham gia. Nhưng nói giải thưởng đủ sức để nâng bước người đam mê văn chương thì tôi e chưa đủ. Bởi vì quan trọng không phải là tác phẩm đoạt giải mà những sáng tác sau đó. Những người đoạt giải có được đối xử tốt không, có được chăm sóc để nụ mầm văn chương của họ đơm hoa kết quả hay là vì lý do gì đó mà họ bị bỏ quên… Vấn đề là sau sự phát hiện các nhân tố mới, những người tổ chức sẽ làm gì để động viên họ.
– Chị nghĩ gì về các giải thưởng văn chương của văn đàn Việt Nam hiện nay?
– Nói nghĩ gì thì cũng khó quá. Mỗi giải thưởng có những đặc trưng riêng nên so sánh cũng khó. Nhưng tôi nghĩ là mỗi giải cứ đưa ra tiêu chí của giải và cứ thế mà chấm. Điều quan trọng nhất, là ban tổ chức đừng can thiệp vào công việc của ban giám khảo để tránh lùm xùm. Thêm vào đó, nếu đã là giải thưởng nghề nghiệp thì chỉ nên dùng chính tiêu chí chuyên môn để chấm…
Về mặt vật chất, giá trị giải thưởng của hội nghề nghiệp mang tầm quốc gia mà trị giá giải thưởng quá thấp thì… cũng ái ngại quá. Ngoài ra, nhiều giải thưởng ở ta còn có những tranh cãi, dư luận bên lề này nọ…vì dân viết lách ở ta vốn có thói quen chẳng ai chịu tài của ai bao giờ nên trước một giải thưởng, ý kiến theo kiểu: giời ơi, viết thế mà đoạt giải…cũng là dư luận thường tình. Nếu giải thưởng văn chương quốc gia được bình chọn theo kiểu Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ bình chọn giải Oscar thì…tốt quá. Bởi vì khi mọi hội viên đều có một thẻ biểu quyết và người chiến thắng là người nhận phiếu cao nhất thì chắc điều tiếng sẽ ít hơn.
Ban tổ chức Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần 4 cho biết, đến nay, cuộc vận động này nhận được hơn 70 bản thảo với ba phần năm là truyện ngắn. Các bản thảo viết chủ yếu về đề tài thành thị nhiều hơn là nông thôn, ngoài ra, cũng có đề tài về chiến tranh, gia đình, kinh dị, viễn tưởng khá phong phú… Thời điểm hiện tại, có 70% bản thảo do các cây bút từ phía Nam gửi về, còn lại là phân bổ cho miền Bắc và miền Trung. Bước đầu có thể thấy, đối tượng dự thi giải văn học này không chỉ có sinh viên, học sinh, nhà báo mà còn có nhiều cây bút là thành viên của Hội nhà văn, cây bút chuyên nghiệp…. Thí sinh lớn tuổi nhất của cuộc thi năm nay sinh năm 1940; và không ít bạn trẻ 9X cũng quan tâm gửi tác phẩm tham dự. Một đại diện của ban tổ chức cho biết, như các lần trước đây, hy vọng càng về cuối cuộc thi, bản thảo được gửi về càng nhiều. Tất cả các bản thảo đều được rọc phách chấm để đảm bảo sự khách quan. Ban giám khảo vòng chung khảo giải này là: Nhà văn Lê Văn Thảo – Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà phê bình Lê Ngọc Trà, nhà văn Phan Thị Vàng Anh, nhà báo Thúy Nga (đại diện báo Tuổi Trẻ). |
Theo Thất Sơn – eVan