Những gì đã làm nên hồn làng? Cái cổng làng, mái đình, bến nước, cây đa hay cái giếng ? Không! Những thứ đó làng Việt cổ đâu chả có! Những nét riêng biệt, chẳng làng nào giống làng nào, phải chăng đấy là hồn làng?

Bao đời nay, người dân làng tôi quanh năm vật lộn với hòn đất, làm ra hạt lúa củ khoai. Tưởng chừng người ta chỉ cặm cụi hôm sớm nơi đồng áng, chẳng để ý đến ai, nhưng người lạ cứ thử vào làng mà xem, nếu hỏi thăm đến nhà ai, chủ nhà đang ở đâu, làm gì ngoài đồng, người trong xóm biết hết! Thuở xưa nghèo đói, nhiều người phải tha hương cầu thực, nhưng cũng có người quanh năm không ra khỏi cái cổng làng. Làng có một ông sớm mồ côi cha mẹ, không vợ con, chuyên đi làm mướn, từ việc phạt bờ cuốc góc, móc bùn ao, rào cái giậu tre đến bốc mộ người chết đều nhận làm tất. Lão có dáng đi lạ, cứ mỗi bước người lại như ật ngửa lại đằng sau, mà không phải chân lão thọt, có khi vì thế mà cha mẹ đặt cho cái tên là Thưỡi. Tính lão dở hơi lại hay quên nên ai thuê lão làm gì phải dặn đi dặn lại thật kỹ, rạch ròi. Lão uống rượu suốt ngày, ngơi việc lúc nào là lại tợp một ngụm. Vì thế, hễ ai có việc mượn lão làm, trước tiên, cứ phải đưa lão cút rượu bỏ túi cái đã . Một lần, có chị chửa hoang, lấy dây thắt bụng đến sáu bảy tháng để giấu giếm, rồi “cho” ra khi cái thai đã đủ hình hài đứa trẻ. Chị ta gói đứa bé vào cái mo cau, rồi nắm một nắm cơm to, cũng gói vào mo cau, gói đứa bé thì buộc bằng dải yếm, còn gói cơm thì buộc bằng dây chuối hột, xong xuôi, buộc vào hai đầu đòn gánh, dặn lão rằng sau khi chôn cất xong cái bọc có buộc dải yếm ở gò giữa đồng, về nhà mới được lấy cơm ra ăn. Lão gánh đứa trẻ và mo cơm trên vai vừa đi vừa luôn mồm lẩm nhẩm : “Đằng trước là đứa bé, đằng sau là mo cơm, đằng trước là đứa bé, đằng sau là mo cơm…” Đến khi xong việc, quay về nhà mình, lão mở mo cơm ra ăn thì trong ấy không phải là cơm mà là đứa trẻ! Cái dải yếm dính máu khô vẫn còn đó! Việc này cả làng biết, thành câu chuyện truyền đời. Thời đó, ai đi xa nhớ về làng cũng không quên một ông Thưỡi chuyên bốc mộ thuê, ban đêm say rượu nằm ngủ ngay ở bãi tha ma, bọn trộm định đào mả người ta lấy của bởi có lời đồn nhà giàu kia chôn vàng theo mẹ, đã bị lão đuổi chạy thục mạng vì tưởng lão là hồn ma hiện lên để giữ của. Người như thế không phải làng nào cũng có.

 

 
Ảnh minh họa 

 

Tương truyền, ngày xưa có nhà sư trụ trì chùa làng, do rút ruột ăn bớt oản của những tín chủ dâng lễ đến mà bị dân làng đuổi đi. Khi nhà sư vừa cất gánh quang sọt hành lý lên vai thì ngôi chùa bỗng rùng rùng chuyển động, tượng phật nhảy hết vào đôi sọt theo nhà sư gánh đi. Khi hiểu ra nhà sư lấy oản để cứu giúp người nghèo sắp chết đói, dân làng vô cùng cảm kích, liền chạy theo xin lỗi, khẩn khoản mời sư trở lại chùa. Nhà sư không nghe cứ lặng lẽ bước đi. Tới bờ sông, nhà sư ngoái lại bảo một cụ già làng:

“Xoè tay ra ta cho cái này!”. Nhà sư nhổ vào tay ông lão một bãi nước bọt rồi xuống thuyền qua sông và mất hút. Dân làng cứ đứng trông theo mãi. Chỗ ấy sau này mọc lên một ngôi chùa, gọi là chùa Trông. Ông lão về rửa tay ở ao làng. Mấy ngày sau trong ao xuất hiện giống bèo hoa dâu, sinh sôi rất nhanh, là nguồn phân đạm quý hiếm một thời văn minh lúa nước ở một vùng quê. Nhờ có nghề nuôi bèo dâu mà dân làng khấm khá lên từ đấy.

Sự khác nhau giữa các làng là phong tục lễ hội. Làng tôi có tục rước kiệu thánh. Kiệu gồm một long đình có bốn chân quay gá vào bốn đòn khênh hình con rồng thẳng dài chừng hơn một mét. Tám thanh niên trai tráng lực lưỡng bắp thịt nổi vồng mà khiêng cái kiệu nặng chưa đầy hai tạ vẻ rất khó nhọc, cứ xiêu bên này, vẹo bên kia giằng đi kéo lại rồi xoay tròn như dòng nước xoáy. Mới cất kiệu lên, ai cũng kêu nặng và khó đi. Người làng xì xào, thánh đang phật ý đấy, ngài chưa chịu đi vì dân làng đang có điều gì thất lễ với ngài. Khi tám thanh niên mồ hôi vã ra như tắm, ông chủ tế bá vai một người khiêng kiệu kéo mạnh dắt đi, thế là chiếc kiệu ngoan ngoãn đi theo người điều khiển. Một việc dù nhỏ, đơn giản, không khó khăn gì, nhưng nếu mọi người không hợp sức, không thống nhất tư tưởng và không cùng chí hướng hành động thì cũng không thể làm được. Thông điệp người xưa truyền lại đời sau là thế. Chính tám người khiêng kiệu không cùng cử chỉ nhịp nhàng, thiếu sự chỉ huy thống nhất, đã tự gây khó cho nhau, và việc chung không thành. Bốn cái chân quay ở kiệu tạo ra sự giằng đi kéo lại là tiếng nói người xưa đồng vọng muôn đời!

Làng bây giờ nhiều nơi lên phố. Nhưng miếu thờ thành hoàng làng, miếu thờ cụ tổ làng nghề thì vẫn y nguyên. Những huyền thoại, truyền thuyết ở ngôi làng vẫn thế, những câu chuyện truyền miệng về những con người không giống ai vì lẽ tự nhiên mà tạo nên sự cân bằng của nhu cầu cuộc sống, vẫn thế.

Tạp văn của Vũ Quốc Túy

Theo SCLO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *