Tôi dằn túi mấy trăm ngàn đồng đi hội chợ nông nghiệp, định mua một ít nước mắm, khô và mật ong, là những đặc sản ở các tỉnh đem về, mà em tôi nói là hội chợ năm ngoái thấy có bán. Các gian hàng bày cả bên trong lẫn ngoài sân nhà thi đấu Phú Thọ, tôi đi mỏi chân mà không kiếm ra gian nào của tỉnh Kiên Giang, Cà Mau. Nhiều gian hàng bỏ trống, không biết có phải do ảnh hưởng của tình hình kinh tế … thế giới? Dù vậy cũng kiếm được mấy chỗ bán mật ong, sản phẩm đem từ Hải Dương và Tây Nguyên vào, giá cả du di, trung bình 100.000 đồng/lít, đóng chai nhiều cỡ, tiện cho mục đích tiêu dùng khác nhau. Tôm khô hiếm, có một chỗ bán coi bộ ngon : to, khô, không nhuộm màu, hỏi giá : 650.000 đồng/kí, (trời!). Còn nước mắm thì phát hiện nước mắm lú. Theo người bán nói thì là nước mắm này được chôn dưới đất nhiều năm rồi đào lên, mùi rất ư là mùi nước mắm, chứ không bị xử lý gần bay mất mùi như các thứ nước mắm thương phẩm bán ở siêu thị. Tiếc là người ta không chứa nước mắm này trong mấy cái ‘tỉn’ như truyền thống, mà đựng trong chai nhựa. Mỗi chai cỡ 1 xị, giá 20.000 đồng. Xét mục đích mua sắm, tôi thoả mãn yêu cầu của riêng mình.

Bèn thong dong đi thăm thú các gian hàng khác. Thấy bốn năm người xúm xít, tôi cũng chụm đầu vô. Trung tâm sự chú ý là một cây con, cao chừng 3 tấc, lá xanh ngọc, to cỡ lá trà, nghe loáng thoáng kêu là cây hoàng ngọc, có khả năng trị bá bệnh, từ lên máu cho tới ung thư dạ dày. Cây mọc tốt trong chậu, cao cỡ 4 tấc thì có thể ngắt làm đôi, cắm trở xuống đất, để trong mát thì mọc rễ thành cây mới. Giá một cây giống gốc chỉ có 10.000 đồng, bán gần hết, chỉ còn 4 cây. Tôi đang phân vân có nên mua một cây không thì đã có hai người nhanh nhẩu mua mỗi người 2 cây. Thế là hết. Đi rảo qua chỗ bày bán cây giống, thấy phần lớn là cây giống mít Thái, ổi Thái, sầu riêng Thái, măng cụt Thái, vú sữa Thái, đến nỗi ‘chùm khế ngọt’ tượng trưng cho quê hương cũng là khế Thái. Hỏi tại sao không bán cây giống xứ mình, bị trợn mắt hỏi lại : Ai mua? Tôi nhìn quanh những người có vẻ là khách hàng, dễ dàng nhận ra họ là thị dân, có lẽ kiếm mua dăm ba cây gì đó để trồng chơi trong sân nhà hay sân thượng, hoặc trong vườn nhà nghỉ ở thôn quê. Không biết họ có thất vọng như tôi hay khoái chí vì được chơi kiểng ngoại?

Có bao nhiêu người trong đám đông hội chợ này là nông dân? Đại đa số người của các gian hàng chắc chắn không phải nông dân, mà là nhân viên dịch vụ thương mại, đóng giả nông dân bằng cách mặc áo bà ba lụa. Cảm nhận của tôi là các nhân viên này đều trẻ, được huấn luyện tiếp thị nhuần nhuyễn, mồm mép đáng nể. Họ dụ người ta uống thử rượu vang, nếm thử mì ăn liền. Hoá ra, dân ta cũng tham ăn tục uống thật : chỗ nào có cho nếm thử hàng mẫu thường đông người hơn mấy chỗ chỉ bày sản phẩm khơi khơi như các công ty phân bón, thuốc trừ sâu. Thích nhứt là chỗ bày ghế mát-xa : các cô chèo kéo khách vào ngồi thử, không tốn tiền gì cả, chỉ bị lấy tên và số điện thoại vô một cái phiếu, vừa ngồi xuống là máy bắt đầu hoạt động, tuy không đã đời như được người mát-xa, nhưng đi lòng vòng mỏi chân rồi nên được ngồi ghế nệm êm cũng thấy sướng. Đi mần cỏ hay cuốc đất về ngồi ghế này chắc còn sướng dữ. Bèn hỏi giá : mười mấy triệu một cái! Chắc là phải bán lúa giống mà mua ghế mát-xa.

Ấy vậy mà cô gái chào hàng bảo là từ hôm qua đến nay đã bán được mấy cái! Mừng thay, nông dân ta khá quá! Bèn ngồi ghế mát-xa nhìn người đi qua đi lại. Họ giống ‘nguyên nông dân’ hơn là hình tượng văn học báo chí Hai Lúa, Sáu Cá, Mười Khoai. Họ cũng giống tôi, chỗ này dòm một cái, chỗ kia ngó sơ sơ, coi có đặc sản gì giá rẻ thì mua chơi. Sâu khuất trong tâm hồn những thị dân mới này ắt còn chút hoài niệm quê nhà, khiến họ ở giữa Sài Gòn đầy nhóc plaza , siêu thị, lại chọn hội chợ nông nghiệp mà đi vẩn vơ, mua một cây hoàng ngọc về trồng trên sân thượng, kiếm cái tỉn nước mắm để làm kỷ niệm, ghé gian hàng tỉnh nhà hỏi cô bán hàng người huyện nào. Sài Gòn là đất tụ hội dân thập phương tứ xứ, nên người ở đây cứ nhớ về tứ xứ thập phương. Nhớ đâu gần hai chục năm trước, lần đầu tiên hội chợ Quang Trung (Thủ Đức) qui tụ tất cả các tỉnh thành về dựng những gian hàng bề thế chất đầy đặc sản địa phương với những người nhà quê lần đầu lên thành phố. Họ hay lắm, dễ thương và đáng trọng. Đi hội chợ lần đó, tôi mới cảm nhận ý nghĩa đất nước trọn vẹn với mấy mươi dân tộc ở những vùng miền, với những đặc sản và đặc trưng văn hoá khác nhau, thấy đất nước quả là phong phú giàu đẹp. Hội chợ bây giờ nặng tính thương mại, mất đi nhiều chất văn hoá. Thì thôi đành vậy. Về tận thôn quê, vô tận làng đồng bào dân tộc mà còn không tìm thấy hồn quê, hồn dân tộc nữa là! Không biết mảnh hồn ấy đang ẩn nhẫn ở đâu?

Lý Lan
Theo SGGP

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *