Có một điều rất riêng tư, tôi bất đắc dĩ tiết lộ. Ấy là từ nhỏ đến lớn, tôi không hề ngủ một mình. Ở nhà thì tôi ngủ chung phòng với em gái. Khi đi dạy, ở nhà tập thể của giáo viên, hôm nào chị bạn cùng phòng không ở lại đêm, tôi ôm mùng gối đi ngủ nhờ phòng khác có người ở lại. Nửa đêm thức giấc mà cảm thấy vắng vẻ một mình, tôi sợ lắm, không ngủ lại được. Có lẽ do nỗi ám ảnh phim ma tôi xem hồi nhỏ.

Năm đầu đi học ở Wake Forest, tôi ở chung với 7 sinh viên khác trong một căn nhà rất to, nằm trong khu dân cư lân cận chứ không ở trong khuôn viên trường học. Ký túc xá trong trường đa số dành cho sinh viên chưa tốt nghiệp đại học, phần lớn nghiên cứu sinh tự thuê nhà ở ngoài. Ngôi nhà tôi trọ có một bãi đất rộng bên hông, đủ chỗ đậu 8 cái xe hơi. Tôi thường nhìn xe trong bãi mà đoán ai đang ở nhà, chứ thường khi ra vô cửa ít gặp gỡ nhau. Mỗi người có một phòng riêng, mỗi phòng có số điện thoại riêng, kết nối Internet riêng, và những người khác có ti-vi riêng trong phòng. Phòng khách chung cũng có một cái ti-vi, nhưng chỉ có tôi thỉnh thoảng sử dụng.

Tôi yên tâm vì nhà đông thì lúc nào cũng có người này hoặc người kia ở trong nhà. Nhưng đến cuối tuần, những người khác về nhà hay đi chơi cả, tôi ở thư viện về thấy bãi đậu xe trống trơn, tự nhiên cảm thấy lòng mình cũng trống vắng. Vô nhà, cũng thấy im ắng lạ lùng. Tuy ngày thường cũng yên tĩnh vì cửa các phòng riêng luôn đóng kín, khiến các âm thanh trong phòng bị hạn chế. Nhưng tất cả những âm thanh bị nén lại đó vẫn hòa chung thành một thứ “ồn ào” nhất định, tạo một thứ sinh khí trong căn nhà khi có đầy đủ người ở. Khi không còn cái hỗn âm đó, căn nhà như hoang vắng. Tự nhiên, tôi ớn lạnh, nỗi sợ xua tôi chạy ra khỏi nhà.

Nhưng trời đã tối, đêm càng lúc càng lạnh, chung quanh cũng có nhà khác, cách xa xa vì nhà nào cũng có đất trồng cây hay làm bãi đậu xe, bãi cỏ. Tôi đành thu hết can đảm trở vào căn nhà to như một lâu đài nhỏ mà tôi biết chỉ có một mình tôi. Không chỉ là nỗi sợ… ma, mà chính cảm giác cô đơn giày vò tôi. Nỗi buồn xâm chiếm hết tâm trí, đè tôi xuống đáy, khiến tôi chẳng buồn động đậy. Tôi mở ti-vi ở phòng khách chung, tôi mở máy tính nối mạng, gởi e-mail, chat lung tung. Tôi luôn có người thân ở cả bên này lẫn bên kia đại dương, và Internet cùng điện thoại giúp chúng tôi liên lạc nhau dễ dàng. Lúc đó, gia đình quả là cái phao để tôi níu lấy. Nghe tiếng người thân, dù trong điện thoại, trong căn nhà im đến nỗi nghe được cả hơi thở của mình, quả có trấn an được phần nào.

Khoảng nửa đêm, tôi vẫn còn chat trên mạng, nhưng lòng càng lúc càng hoang mang. Cách này không thể duy trì suốt đêm đến sáng, vả lại đêm nay mới là thứ sáu, còn đêm mai đêm mốt mới hết kỳ nghỉ cuối tuần, và còn nhiều tuần lễ sau nữa. Tôi nhủ mình sẽ ráng quen, ráng tập sống một mình, ráng chịu đựng nỗi cô đơn. Đó là cách sống tất yếu của xã hội phương Tây, mà người quen ngụp lặn trong tình cảm gia đình và cộng đồng như tôi phải mất nhiều thời gian để thích nghi. Không luận dở hay hay, nhưng người xa gia đình đi du học phải chấp nhận và thích nghi cách sống đó, ít nhất cũng trong thời gian còn thui thủi một mình.

Lúc thần kinh tôi sắp suy sụp thì có ánh đèn pha bên ngoài. Tôi nhìn qua cửa sổ, đèn pha chói mắt khiến tôi không nhận ra gì cả, sợ đến nỗi tay chụp điện thoại để sẵn sàng gọi số khẩn cấp 911. Nhưng đèn pha tắt, nhờ ánh đèn trong sân, tôi nhận ra xe của Laura. Cảm giác hồi nhỏ mừng mẹ đi chợ về như thế nào thì lúc thấy Laura bước xuống xe ,tôi cũng mừng như thế. Tổng cộng tôi chưa nói chuyện với Laura hơn mười câu, nhưng lúc đó, trong đầu tôi bật lên tiếng reo : “Người của nhà mình về!”. Tôi để cửa phòng riêng mở hé, Laura đi ngang qua, nói : “Hi!”. Chỉ vậy thôi, tự nhiên tôi yên tâm. Tự nhiên tôi thấy căn nhà an toàn như trước. Tự nhiên tôi… buồn ngủ.

Có mấy người bạn, trẻ hơn tôi, thích nghi cuộc sống một mình đậm hơn, khi trở về với gia đình và xã hội Việt Nam, họ bỗng… kỳ cục, bị coi là … Mỹ hóa, trở nên xa cách, khó chơi, nhiễm chủ nghĩa cá nhân, ưa sống… một mình. Tôi có thể do già rồi, hoặc sợ ma, nên không thích cô độc. Nhưng biết cách sống một mình cũng là một kỹ năng cần thiết.

Lý Lan
Báo Sinh viên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *