Họa sĩ Lê Phổ (1907-2001) là sinh viên khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương do Giáo sư Pháp Victor Tardieu là Hiệu trưởng. Sau khi tốt nghiệp, ông được chọn làm phụ tá cho thầy Tardieu và sau đó, được cấp học bổng sang học tại Trường Mỹ thuật Paris. Lê Phổ định cư tại Pháp năm 1936. Từ bấy cho tới khi mất, ông sáng tác, tham gia các hoạt động nghệ thuật tại "kinh đô ánh sáng" và trở thành một họa sĩ gốc Việt được nhiều bậc danh họa trên thế giới biết tiếng.
Mặc dù qua đời đã được tròn 10 năm, song hiện tại Lê Phổ vẫn dẫn đầu danh sách các họa sĩ Việt Nam có tranh được bán nhiều và cao giá nhất. Họa sĩ Lê Phổ còn được lịch sử ngành thời trang ghi nhận là người góp phần quan trọng trong việc cải tiến chiếc áo thụng xưa thành chiếc áo dài truyền thống gần với chiếc áo dài duyên dáng mà các thiếu nữ Việt Nam vẫn mặc hiện nay…
1.Là con trai của quan đại thần Lê Hoan (người từng bị sử sách ghi lại "thành tích" giúp chính quyền thực dân đàn áp nghĩa quân Đề Thám), ngay từ nhỏ, Lê Phổ đã có lối sống thiên về nội tâm. Dáng cao, gầy, quần là áo nếp, mắt luôn nhìn xa vắng, ít nói và khi nói giọng thường nhỏ nhẹ, thời gian học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Lê Phổ luôn được các thầy xếp vào nhóm sinh viên "tinh hoa" của khóa. Bản thân Lê Phổ được đích thân Hiệu trưởng Victor Tardieu trực tiếp hướng dẫn suốt 5 năm học.
Mặc dù là một người Pháp song thầy Tardieu lại rất muốn các cậu học trò bản xứ giữ sao cho được bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Ông thường khuyến khích họ chọn các chất liệu truyền thống là lụa và sơn mài. Thời kỳ đầu, Lê Phổ cũng chọn lụa làm chất liệu để thể hiện tài năng của mình.
Ngay từ năm thứ ba, cùng với các bạn học Vũ Cao Đàm và Mai Trung Thứ, Lê Phổ đã đứng ra tổ chức triển lãm tranh đầu tiên. Ba năm sau, trong vai trò phụ tá cho thầy Tardieu, ông tham dự cuộc đấu xảo tại Paris. Năm sau (1932), ông được cấp học bổng sang học tại Trường Mỹ thuật Paris và từ đây, chàng họa sĩ trẻ có điều kiện đi thăm thú nhiều nước châu Âu, được tiếp xúc và làm quen với các trường phái nghệ thuật, trong đó trường phái Ấn tượng đã ít nhiều để lại bóng dáng trong một số sáng tác thời kỳ này của ông.
Năm 1933, Lê Phổ về nước, tham gia giảng dạy tại chính ngôi trường mà ông vừa học cách đó ít năm. Năm 1935, ông tham gia trang trí nội cung cho Hoàng thành Huế và trở thành họa sĩ vẽ chân dung cho Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương. Một năm sau, ông sang Pháp và quyết định gắn bó "chung thân" với thủ đô Paris. Cũng tại đây, ông gặp và kết hôn với Paulette Vaux, một nữ ký giả của báo Time và Life.
Năm 1938, tại Paris, lần đầu tiên Lê Phổ tổ chức triển lãm phòng tranh của mình. Người xem, đa phần là khách ngoại quốc đã rất thích thú trước những bức tranh vẽ các người đẹp Việt Nam hoặc đang say sưa bên rực rỡ các sắc hoa, hoặc đang mơ màng bên trang sách; rồi tranh thiếu nữ đọc thư tình trong vườn, những cô gái đang phơi áo…
Tranh "Thiếu nữ và hoa" của Lê Phổ. |
Nhận thấy chất liệu tranh lụa có những hạn chế nhất định, không chỉ về khuôn khổ mà bản thân về màu sắc nó cũng khó diễn tả được những điều tác giả cần "nói", Lê Phổ đã chuyển sang vẽ tranh sơn dầu. Cùng với việc thay đổi chất liệu vẽ, nội dung ông đề cập cũng mở rộng, khoáng đạt hơn. Người phụ nữ trong tranh của ông cũng dần vượt ra ngoài lễ giáo ngàn năm để mang một sắc màu "thế tục".
Sau cuộc triển lãm tranh cá nhân đầu tiên, tên tuổi Lê Phổ được các gallery chú ý. Danh họa Matisse còn mời Lê Phổ tới xem tranh của mình và giải thích cặn kẽ ý đồ nghề thuật trong từng bức tranh. Cũng tại Paris, Lê Phổ kết bạn với Foujita, một họa sĩ gốc Nhật nổi tiếng. Sau này, Lê Phổ đã cùng Foujita nhiều lần tổ chức triển lãm chung tại một số nơi trên đất Pháp như Lyon, Avignon, Nice, Bordeaux vào các năm 1957, 1958. Với người bạn học Mai Trung Thứ, năm 1941, Lê Phổ cũng tổ chức chung một cuộc triển lãm tranh tại Alger và hiệu quả là tranh của cả hai đều bán tốt. Năm 1963, Lê Phổ cộng tác với phòng tranh Wally Finday ở Mỹ để tổ chức một số cuộc triển lãm tranh. Và rồi, phòng tranh này đã trở thành một đại diện để ông giới thiệu và quảng bá tác phẩm của mình ra thị trường tranh thế giới.
Tất nhiên, không phải ai cũng đánh giá cao tranh của Lê Phổ. Có người cho rằng, tranh Lê Phổ ít thể hiện chiều sâu nội tâm nhân vật. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng thậm chí còn nhận định: "Đứng ở góc độ người làm phê bình, tôi không đánh giá cao đóng góp của Lê Phổ trong nghệ thuật". Tuy nhiên, với Lê Phổ, ông lại có quan niệm khá giản đơn và rõ ràng: "Tôi vẽ làm sao cho người ta thích và treo lên tường". Trong thực tế, nhiều người thích tranh của Lê Phổ bởi nó thể hiện một sự tươi mát của thị giác. Mới hiểu tại sao trong những bức tranh của mình, Lê Phổ tỏ ra đặc biệt thích sử dụng các gam màu vàng chanh…
2. Mặc dù định cư ở Pháp từ năm 30 tuổi và sống ở đó cho tới khi mất (năm 94 tuổi), song Lê Phổ vẫn nặng lòng cùng cố quốc. Năm 1946, phái đoàn của Hồ Chủ tịch và đồng chí Phạm Văn Đồng sang thương thảo tại Pháp, chính họa sĩ Lê Phổ cùng triết gia Trần Đức Thảo và bác sĩ Trần Hữu Tước đã có những hoạt động quyên góp, ủng hộ đoàn. Mặc dù khi họa sĩ Lê Phổ còn sống, tranh của ông đa phần đều được đặt mua với giá khá cao, song đã có lúc, ông bày tỏ nguyện vọng được tặng mấy chục bức cho Viện Bảo tàng Hà Nội, chỉ với một yêu cầu là nó phải được bảo quản nghiêm túc.
Nếu ai từng theo dõi các phiên đấu giá tranh của Nhà đấu giá Sotheby's tại Hồng Kông hẳn sẽ thấy tranh của Lê Phổ có một vị trí đáng nể so với tranh của các họa sĩ khác ở châu Á, và nếu so với các họa sĩ Việt Nam thì rõ ràng là tranh của ông được định giá cao hơn và cũng bán được nhiều hơn. Như bức "Cô gái với khăn quàng cổ màu xanh" của ông – vào thời điểm tháng 9 năm 2009 – được định giá từ 100 ngàn đến 120 ngàn USD, đứng thứ 3 trong tốp 5 bức tranh có giá bán cao nhất đợt ấy (hai bức tranh cao giá hơn thuộc về hai tác giả nước ngoài). Và vào tháng 10 vừa qua, bức tranh "Giáng sinh" (vẽ năm 1941) của Lê Phổ được Nhà Borobudur đấu giá tại Singapore với mức 200 ngàn USD.
Trả lời câu hỏi, tại sao so với các họa sĩ tài danh khác ở Việt Nam, tranh Lê Phổ lại đứng ở mức giá cao như vậy, nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng cho rằng, lý do cơ bản là vì "chúng đang ở trên một kênh thương mại được điều hành tốt". Và "kênh thương mại" ở đây không phải cái gì khác mà chính là gallery Wally Findlay ở Mỹ, một gallery gần như độc quyền về tranh Lê Phổ, với việc có trong tay cả ngàn bức tranh của ông. Họ có cách tuyên truyền, giới thiệu bài bản. Vả chăng, họ muốn đánh vào tâm lý của người thưởng thức nghệ thuật, khi mà Lê Phổ là một họa sĩ thuộc lớp đầu tiên của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam, và với thị trường trong nước, ông lại thuộc diện "ít được chú ý", cho nên họ càng tin tranh ông để càng lâu càng có giá…
Hiện tại, các nhà kinh doanh tranh đang nuôi hy vọng, trong một tương lai gần, tranh của Lê Phổ sẽ được "kết nối" rộng rãi với thị trường tranh trong nước. Và chỉ khi ấy, tranh của ông mới có bức có thể bán tới giá 1 triệu USD. Còn thì bây giờ, ngay cả cái giá 50 ngàn USD xem chừng không phải lúc nào cũng xuôi.
Trong hơn 70 năm lao động không mệt mỏi, họa sĩ Lê Phổ đã để lại cho đời một di sản dồ sộ, gồm hàng ngàn bức tranh. Hiện tranh ông – ngoài việc nằm trong gallery Wally Findlay và các bộ sưu tập cá nhân – còn được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở Paris. Tại Việt Nam, nghe nói cũng còn chừng hai chục bức, không kể một số bức đã được họa sĩ tặng lại cho các bảo tàng…
Theo CAND Online