Thật ra, Lâm Chiêu Đồng sáng tác ở khá nhiều thể loại chất liệu như sơn dầu, sơn mài, thủy thái họa, thủy mặc, tranh xé dán và đặc biệt là tranh màu nước trên giấy tự tạo. Bản thân Lâm Chiêu Đồng rất say mê với thể loại thuỷ thái họa, thủy mặc và tranh màu nước trên giấy tự tạo. Anh đến với thể loại tranh xé dán đơn giản chỉ vì ở Vĩnh long hầu như chưa có họa sĩ nào sử dụng chất liệu này trong sáng tác, nói cách khác là Lâm Chiêu Đồng muốn thử nghiệm, muốn khám phá khả năng sáng tạo của mình ở một lĩnh vực mới. Kết quả là tranh xé dán đã đưa tên tuổi của Lâm Chiêu Đồng đến với công chúng yêu thích nghệ thuật hội họa và cho anh một chỗ đứng vững vàng ở địa hạt vốn rất khắt khe này.

Trong số những chất liệu cơ bản của hội họa truyền thống không có chất liệu giấy. Chúng bao gồm những chất liệu như sơn dầu, bột màu, màu nước, màu sáp, mực tàu, phấn, chì, than v.v… Sơn mài và lụa cũng được coi là chất liệu truyền thống, nhưng được sử dụng chủ yếu ở phương Đông. Sau này, một mặt, do KHKT phát triển mạnh mẽ, mặt khác, do nhu cầu sáng tác của các họa sĩ ngày càng trở nên đa dạng và phong phú đã thúc đẩy sự ra đời của nhiều loại chất liệu tổng hợp khác và có lẽ bắt đầu từ trào lưu đó, giấy được khai thác như một chất liệu cho sáng tác. Dù vậy, cho đến nay, nó vẫn chưa được sử dụng một cách phổ biến như các loại chất liệu truyền thống khác.

Cũng giống như ở các thể loại khác, tranh xé dán cho phép người họa sĩ có thể thể hiện tác phẩm của mình theo nhiều phong cách khác nhau. Ở trường hợp của họa sĩ Lâm Chiêu Đồng, mặc dù thiếu các yếu tố để đối chiếu và so sánh, song, ấn tượng về các tác phẩm của anh nhìn chung là rất đẹp. Thuộc trường phái hiện thực, tác phẩm của Lâm Chiêu Đồng tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc cơ bản về bố cục và hình khối, đường nét và màu sắc. Tuy nhiên, phong cách Lâm Chiêu Đồng đã có thể xác định qua hai yếu tố nổi bật, đó là kỹ thuật thể hiện và nghệ thuật phối màu.

Tranh xé dán có những đặc điểm rất gần với tranh sơn dầu, đặc biệt là trong việc sử dụng những gam màu mạnh. Xuất phát từ đặc điểm cấu tạo của toàn bộ tác phẩm là sự ráp nối các chi tiết nhỏ với nhau, việc sử dụng các gam màu mạnh có tác dụng làm mờ nhạt các điểm nối, tạo ấn tượng liên kết mạnh mẽ và chặt chẽ hơn so với khi sử dụng các gam màu nhạt. Ở thể loại sơn dầu, một tác phẩm được coi là đẹp khi màu sắc thể hiện trong tác phẩm đó một mặt tạo ra được sự tương phản trong các chi tiết, mặt khác vẫn đảm bảo được tính logic và sự hài hòa trong cảm nhận về tổng thể. Tranh xé dán của Lâm Chiêu Đồng đã làm được điều đó. Hơn thế nữa, không chỉ gợi lên những cảm xúc thẩm mỹ đơn thuần, các tác phẩm của Lâm Chiêu Đồng còn có khả năng làm gợi lên những trạng thái tình cảm đẹp đẽ và êm đềm trong thế giới nội tâm của con người. Đó có thể là sự choáng ngợp trước vẻ đẹp lộng lẫy của một chiều hoàng hôn bình yên trong rừng tràm, là cảm xúc bâng khuâng và xao xuyến khi có một ngày bất chợt bắt gặp mùa thu nhẹ nhàng về trên phố vắng… Một khi đi sâu vào phân tích các chi tiết, ta mới nhận thấy rằng, nghệ thuật phối màu của Lâm Chiêu Đồng còn đạt đến sự điêu luyện và mức độ nhuần nhuyễn đáng kinh ngạc. Ở một cự ly, một khoảng cách đủ để xóa đi ý thức và cảm giác về chất liệu và kỹ năng thể hiện, các tác phẩm của Lâm Chiêu Đồng hiện lên với một vẻ đẹp thực sự trọn vẹn, dường như đó hoàn toàn là những tác phẩm sơn dầu hay tranh màu nước thuần túy, và ở đó, nghệ thuật phối màu tinh tế đã tạo ra hiệu quả sinh động và ấn tượng đến mức chính những tác phẩm màu nước hay sơn dầu chưa dễ đạt được : sắc rêu phong trên các bức tường cổ, những bóng mây lướt trên mái phố, ánh đèn đêm ấm áp thấp thoáng trong các căn nhà nhỏ, cây lá xào xạc đón gió hay mặt nước lay động phản chiếu bóng cỏ cây hoa lá… Tất cả đều rất thật, rất đẹp, rất khó quên. Như vậy, nghệ thuật tranh xé dán đã đưa kỹ năng phối màu của Lâm Chiêu Đồng lên đến một đỉnh cao…

Trong kỹ thuật thể hiện tranh xé dán của Lâm Chiêu Đồng, mặc dù không có gì thực sự đặc biệt, song bản thân sự tỉ mỉ và mức độ chính xác cao trong quá trình thực hiện tác phẩm của anh cũng đã xứng đáng được xem như những kỳ công. Mỗi tác phẩm của Lâm Chiêu Đồng là sự kết hợp của hàng trăm, hàng ngàn những chi tiết giống nhau và khác nhau, trong đó, mỗi chi tiết đều bắt buộc phải trải qua một quy trình nhất định, đó là chọn giấy màu, xé, thử và dán. Để thực hiện một tác phẩm có kích cỡ trung bình vào khoảng 40×40 cm, Lâm Chiêu Đồng phải mất một tuần lễ miệt mài lao động. Với những tác phẩm có kích cỡ lớn hơn, anh phải mất từ mười ngày đến hai tuần hoặc lâu hơn nữa mới hoàn thành. Dù vậy, lao động khó nhọc của Lâm Chiêu Đồng đã luôn được đền bù xứng đáng. Tranh xé dán của anh nhìn xa đã rất đẹp, nhìn gần lại có những thú vị riêng. Đúng ra, ở cự ly gần, thể loại tranh xé dán dễ bộc lộ những mặt hạn chế của nó, song Lâm Chiêu Đồng là người có khả năng khắc phục được những hạn chế đó. Bằng sự xếp đặt chi tiết chính xác đến từng milimét cộng với kỹ năng phối màu tuyệt vời, Lâm Chiêu Đồng có thể chinh phục được ngay cả những người xem khó tính nhất

 Lâm Chiêu Đồng sinh ra và lớn lên ở thành thị. Đề tài ưa thích trong sáng tác của anh bao gồm hai mảng chính là phong cảnh thiên nhiên và sinh hoạt đời thường của người dân lao động. Tuy nhiên, ở đây có thể nói ngay rằng, trong phần lớn tác phẩm của Lâm Chiêu Đồng không có sự tách biệt hoàn toàn giữa con người với thiên nhiên, mà ngược lại, hầu như trên mỗi tác phẩm của anh, ta đều cảm nhận được mối liên hệ, sợi dây gắn kết giữa thiên nhiên với con người rất chặt chẽ. Nếu ở những tác phẩm như “Quê hương còn mãi màu xanh”, “Phục sinh”, “Đánh cá”, “Phố vắng”, điều ấy được thể hiện một cách rõ ràng thì ở những tác phẩm như “Đèn khuya”, “Xóm mới”, “Trăng thanh”, “Bầu trời tuổi thơ” v.v… , mặc dù thiếu vắng bóng dáng của con người, nhưng mỗi chi tiết trong tác phẩm đều có thể gợi cho ta liên tưởng đến những hơi thở khi ấm áp, lúc êm ả, lúc lại tràn trề nhựa sống từ những hiện thực vốn rất sinh động và phong phú trong đời sống của con người. Để đạt đến nghệ thuật phản ánh không mà như có, có như không đó, Lâm Chiêu Đồng nếu không phải là người từng có nhiều những trải nghiệm giữa đời thường, thì ít nhất anh cũng là người có óc quan sát và cảm quan rất nhạy bén. Hoặc giả là anh có cả hai điều đó và trên thực tế, đó đều là những yếu tố rất cần thiết cho một người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật. Bên cạnh đó, Lâm Chiêu Đồng còn có mảng tranh tĩnh vật. Là người yêu cỏ cây hoa lá, tranh tĩnh vật của Lâm Chiêu Đồng luôn lấy hoa làm đối tượng chính để phản ánh. Xuân – hạ – thu – đông, mùa nào hoa nấy, song Lâm Chiêu Đồng thể hiện thành công nhất là các loại hoa như hoa đào, hoa mai, hoa sen, hoa súng và hoa tường vi.

Ngay từ khi mới tham dự Triển lãm Mỹ thuật tỉnh Vĩnh long lần đầu tiên vào năm 2001, Lâm Chiêu Đồng đã đoạt được nhiều giải thưởng. Ba tác phẩm tranh xé dán là “Rừng tràm”, “Tĩnh vật” “Xuân ca” đều đạt giải khuyến khích. Cũng trong năm này, anh còn đoạt được giải nhất Triển lãm Mỹ thuật ĐBSCL lần thứ 6 tổ chức tại Cà mau với tác phẩm “Quê hương còn mãi màu xanh”. Năm 2002, Lâm Chiêu Đồng đoạt giải khuyến khích tại Triển lãm Mỹ thuật ĐBSCL lần thứ 7 tổ chức tại Long an với tác phẩm “Phục sinh”. Sau đó, khi được chọn mang đi triển lãm tại Hà nội, tác phẩm này tiếp tục đoạt được giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt nam. Năm 2003, Lâm Chiêu Đồng không có tác phẩm dự thi. Năm 2004, anh đoạt được giải ba tại Triển lãm Mỹ thuật Vĩnh long với tác phẩm “Bầu trời tuổi thơ”. Năm 2005, tác phẩm "Mùa quê khô khát" của anh cùng lúc đoạt được hai giải thưởng, đó là giải nhất Triển lãm Mỹ thuật ĐBSCL lần thứ 10 được tổ chức tại Trà Vinh và giải tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt nam. Hiện tại, anh đang chờ đợi Triển lãm Mỹ thuật ĐBSCL lần thứ 12 sẽ được tổ chức vào tháng 8 sắp tới với tác phẩm mang tên "Xanh mãi những dòng kênh".

Ngoài việc sáng tạo nên những tác phẩm làm đẹp cho đời, cống hiến lớn nhất của Lâm Chiêu Đồng cho nền hội họa của Vĩnh long là anh đã khẳng định được một thể loại sáng tạo mới, một chất liệu mới, góp phần làm phong phú hơn đời sống mỹ thuật của tỉnh nhà và tạo một tiền đề thuận lợi cho những thế hệ họa sĩ kế tiếp…

 Trong cuộc sống đời thường, bên cạnh việc mưu sinh và sáng tác hội họa, Lâm Chiêu Đồng rất thích đi du lịch. Bản chất nghệ sĩ sâu sắc, Lâm Chiêu Đồng ưa việc rong ruổi một mình trên những nẻo đường đất nước. Với anh, đi là để khám phá. Khám phá thiên nhiên, khám phá cuộc sống, khám phá con người. Ấn tượng về những chuyến đi ấy sau này đã luôn đọng lại trong các sáng tác của anh, điển hình như các tác phẩm “Phố cổ”, “Chợ sau mưa”, “Rừng tràm”, “Xóm mới” v.v… Đó thực sự là những tác phẩm rất đẹp và rất có ý nghĩa với Lâm Chiêu Đồng. Đời anh, chỉ có một điều đáng tiếc rằng, có những giai đoạn mà gánh nặng cơm áo giữa đời thường đã khiến anh không thể dành toàn bộ tình yêu cho công việc sáng tác. Bằng không, với tài năng ấy, Lâm Chiêu Đồng sẽ còn để lại cho đời hơn rất nhiều những gì mà ngày hôm nay chúng ta biết về anh.

Thu Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *