Căn buồng khoảng 25 m2 – đại gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái quây quần từ 1952 – giờ là chỗ ở của vợ ông, nơi tiếp khách, nơi ăn cơm và là nơi bà "hành" nghề của mình : tiêm thuốc – 2.000 đồng/mũi. Những mũi tiêm nuôi nghệ thuật từ hồi còn 2 hào, tầm 7 giờ tối là khách cứ xếp hàng chờ "tiêm không đau". Chiều nào cũng phải ăn cơm sớm, thành lệ, đến giờ vẫn thế. Căn gác xép gỗ "không đứng thẳng lên được" làm chỗ cho ông Phái vẽ giờ đã được đổ bê-tông. Nội thất căn phòng dùng toàn đồ gỗ giả cổ, quanh các bức tường kín tranh của ông Phái và anh con trai – họa sĩ Bùi Thanh Phương. Anh cũng vẽ phố, nhưng "phố Phương" nhộn nhịp và tươi mầu hơn. Ngày trước, Bùi Xuân Phái vẽ những bức tranh chỉ bằng một – hai mầu mà ông có trong tay, toan đôi lúc là giấy báo, vỏ bao thuốc lá, vỏ bao diêm… Vẽ xong, ông nhét vào khe tủ, bạn bè đến chơi, đem ra : "Thích không, cho đấy!" – bà Phái kể vậy. Cũng có người sẵn sàng mò gầm giường lôi ra những "họa phẩm" tác giả vứt bỏ để đem về. Ông Phái chắc cũng không thích "hâm mộ" kiểu ấy. Ông chả từng viết : "Lưu lại cái dở, cái xấu không khác gì những tên hại dân hại nước lưu lại cái "tên tuổi" xấu xa!".

Bức cỡ nhỏ vẽ năm 1986 là một trong hai bức họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ vợ và gia đình còn giữ lại được, bức kia là một phác họa – nữ y tá cùng túi bông băng, trên tay áo còn đọc được dòng chữ Phòng Y tế – Quận Hoàn Kiếm.
Kháng chiến đã chọn cho cô Nguyễn Thị Sính nghề y tá và người chồng. Chàng ở Thuốc Bắc, nàng ở Đinh Tiên Hoàng cùng chị gái – anh rể có họ với gia đình Bùi Xuân Phái nên họ biết nhau từ nhỏ. Nhưng vào tận đến Thanh Hóa, anh Phái, lúc ấy làm báo Vui sống, mới nhận ra cô em vẫn chơi với mấy đứa cháu gọi mình bằng chú, nay đã lớn. Bà kém ông bảy tuổi. Họ đến với nhau không gặp trở ngại gì. Bà giấu không cho biết ông tỏ tình như thế nào, chỉ xác định : "Ông Phái tính cũng nhát". Theo bà, hồi ấy ông chỉ có điều kiện vẽ vào sổ tay nhưng cũng ít, sau không giữ lại được.

 

Họa sĩ Văn Dương Thành – người được họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ chân dung nhiều nhất

Bà không nhớ ông đã vẽ mình bao nhiêu bức, cũng như không để ý xem ông có bao nhiêu người mẫu. Chỉ biết, ông vẽ bà mọi nơi mọi lúc, đang cho con bú, đang ngủ, mặc áo dài mới… Vợ anh Phương bình luận : "Ông vẽ cô mẫu nào cũng thành giống bà hết : gò má cứ cao vút lên!". Họa sĩ Văn Dương Thành cho biết, ông Phái vẽ chị cả thảy 300 bức, chị vẽ ông cũng đến 50. Bà Phái công nhận : "Nhiều người cũng bảo mặt cô ấy có nét giống tôi". Bức vẽ bà mặc áo hoa trông nghiêm nghị, hơi khắc khổ, bức vẽ chị Thành má đỏ sặc sỡ – gợi nhớ đến chèo (giống Vân dại).

Họa sĩ Bùi Xuân Phái

"Có yêu mới lấy, nhưng lấy ông kể cũng cực lắm, mình phải quán xuyến hết, ông cứ như trên mây ấy… Bây giờ mới gọi là được hưởng cái lộc của ông. Người ta bảo, khổ trước sướng sau!". Trên mây là thế nào hả bà? "Là không biết gì về cuộc sống thực tế. Nhiều ông còn biết đi chợ mua mớ rau, cân gạo giá bao nhiêu… Ở nhà, ông được ưu tiên số 1 – cái gì ngon lành phần chồng, con, rồi mới đến mình". Ngoài 40 tuổi, ông mới được Hội Mỹ thuật cho vào biên chế, mới có lương hằng tháng. "Lúc bấy giờ, ông vẽ cho mình, thấy đẹp thì vẽ thôi. Các em trong nhà, bạn bè thích cái nào cho luôn. Năm 1980 – 1981 bắt đầu bán được tranh, ông phấn khởi lắm. Triển lãm cá nhân lần đầu tiên cũng là cuối cùng năm 1984 bán được một số. Hồi ấy, chiều nào cũng có khách, vui lắm!". Nhưng có người nói là ông Phái không muốn bán tranh vì nhiều tiền quá lúc bấy giờ có khi cũng phiền? "Ông ấy cứ hay nói đùa thế… Ông ấy còn bảo, tôi là người vẽ, bà là người bán!".

Ông Phái mất giữa năm 1988 vì ung thư phổi, bức ký họa cuối cùng được ông vẽ trên giường bệnh. Nhà chật, tang lễ cử hành ở Hàng Buồm. Mãi đến năm 1990 – 1991, gia đình mới mua thêm được hai căn buồng trên gác. "Lúc ấy có tiền tranh… Cứ bảo sao không bán tranh. Không bán thì không có tiền. Tất cả vì cuộc sống", bà nói với một giọng bình thản. Ông Tùng, một người bạn của ông Phái thì không tiếc lời : "Sau khi anh chết, anh còn nuôi bao nhiêu bạn bè bằng tranh tặng, cả tôi nữa. Tiền bán tranh đủ cho con tôi một căn buồng và một số thứ khác. Trên thế giới không có một họa sĩ nào hào phóng như anh Phái!".

Mạnh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *