Tản văn
Chúng tôi men theo dòng Nậm Na tiến vào Điện Biên. Sông quanh co dưới núi, có quãng bãi cát dài in bóng đồng bào H’Mông dắt chó đi săn; có quãng đá nhô giữa lòng sông, nước réo lên sủi bọt. Sườn non, mép vực dâng lên những nhành hoa ban, cánh trắng vẫy gió rung rinh.
Ngày trước, cũng trên quãng đường này, giữa mùa hoa ban nở rộ, từng đoàn ngựa thồ của đồng bào H’Mông đưa thóc gạo, thực phẩm về cho chiến dịch Điện Biên. Nhiều cặp vợ chồng cùng đi. Chồng xách đèn chai, đung đưa soi nếp váy hoa của vợ. Đoàn ngựa bờm đeo bông đỏ, vó khua lộp cộp, vang vọng lưng đèo hoa ban. Hôm nay có phải họ, hay con cháu họ đang săn trên bãi cát, bóng áo chàm lẩn khuất dưới khóm hoa kia không?
Hồi ấy, dòng Nậm Na còn hung dữ lắm. Một trăm linh ba cái thác, có cái dài hàng cây số. Những chiếc mảng chở gạo từ Phòng Tô (Phong Thổ) về, có cái bị đắm, hàng mất, người như cánh hoa ban rụng, cuốn trong dòng thác trắng tinh. Chuyện các chiến sĩ công binh phá thác dưới nước sâu rét cắt thịt và bên trên, ruồi vàng đốt buốt như ong châm, đến đây, tôi càng hiểu thêm sâu sắc khi tôi ngâm mình trong dòng suối Tây Bắc, khi tôi nhìn những nốt tím bầm do ruồi vàng chích trên cánh tay người bạn gái cùng đi trên đường tìm hái hoa ban…
Tôi nhớ các chiến sĩ năm ấy, những người không mảy may nghi ngờ về thắng lợi của chiến dịch Điện Biên, nhưng cũng chưa hình dung hết tầm lớn của chiến thắng, cái tầm càng lớn với thời gian. Lúc đó, chưa ai quan tâm đặc biệt đến hoa ban. Điều mà họ quan tâm là ngọn thác và con ruồi… những khó khăn trước mắt và cụ thể của cuộc sống và chiến đấu lúc bấy giờ, kể cả sự hy sinh. Chúng ta, kể cả người nước ngoài, đều hơn một lần biết đến Điện Biên, nên lần này, tôi lên đây với mong muốn lấy cho được một cánh hoa ban đem về ép sách dành lại cho mai sau…
Hoa ban |
Hoa ban nở trắng và tàn đi trên núi rừng Tây Bắc hàng ngàn năm nay. Nhưng kể từ khi có chiến thắng Điện Biên, mọi người mới biết đến hoa ban. Quả cũng khó lấy. Đi suốt mấy trăm cây số đường Tây Bắc, tôi chỉ lấy được một ít hoa. Nhiều nơi, hoa ban dâng cánh trắng suốt vệ đường, tưởng chỉ với tay ra là lấy được. Thế nhưng khi dừng lại, mới thấy cây ban từ sườn đồi mọc vút lên ngang đèo, thấy đó mà không sao với tới. Thân và lá cây ban hao hao giống cây bằng lăng, loại cây lá to nở hoa tím vào mùa hè, có nhiều ở miền Nam và rải rác có quanh hồ Hoàn Kiếm. Nhưng cây ban cao hơn, thân mọc thẳng, bên trên tán lá xòe ra. Ban nở hoa về mùa xuân, khi mà những lá thưa úa vàng đã rụng rơi gần hết và mầm xanh chưa bật thức trên cành. Vì vậy, khi ban nở hoa thì màu hoa át hẳn màu lá, xa trông như những đàn bướm trắng chấp chới giữa sườn núi, lưng đèo. Cái màu trắng ấy tràn đầy trên núi non trập trùng màu biếc, trên những thung lũng xanh, trên những dòng thác trắng và bãi cát vàng của dòng Nậm Na khiến cho người lên Điện Biên hôm nay càng thêm tự hào, ngây ngất. Thực ra, hoa ban không hẳn tuyền màu trắng. Màu trắng là dành cho cái nhìn từ xa, cái nhìn chung bên cạnh màu lam, màu biếc. Còn nếu ta chịu khó cởi giày, tụt xuống lưng đèo (vì đi giày là ngã), bàn chân trần giẫm lên lá mục của cuộc sống lâu năm hay mũi nhọn của một búp cỏ tranh, lần mò gỡ những nhánh gai rứt tóc rồi trèo lên thân cây cao ngót chục mét – mà những cành khô, nếu đặt chân không khéo, sẽ gãy lìa đưa ta xuống dòng thác cuốn Nậm Na – thì ta sẽ được giáp mặt với vẻ đẹp yêu kiều của cả một cành ban đang độ nở hoa lóa mắt. Đến đây, ta càng thêm ngây ngất vì biết rằng, hơn cả hoa đào, hoa mai, hoa ban có một mùi hương kỳ diệu… Mùi thơm gợi mùi hương hoa đại nhưng dịu dàng hơn, xen thoảng một chút hương của hoàng lan và ngọc lan… Cầm nhánh hoa ban trong tay mới nhận thấy : hoa trắng ngả màu tím phớt, gần như thoáng hồng. Cánh hoa mỏng có hình dáng tương tự cánh đào nhưng dài hơn. Và lạ : Trong năm cánh hoa, một cánh có hơn mười sọc dài, tím ngát, trông lại giống cánh hoa phong lan phi điệp. Nhụy hoa hao hao giống nhụy hoa phượng, còn đài hoa thì lại giông giống hoa hồng. Trong hoa ban, dường như có cái đẹp, cái thơm của nhiều loài hoa quí xưa nay của nước ta vậy! Anh bạn tôi, một chiến sĩ Điện Biên năm xưa, bị vết thương cuối cùng ở bả vai tại đầu cầu Mường Thanh, trong ngày cuối cùng của chiến dịch, nói rằng, tiểu đội anh có lần nấu canh hoa ban ăn trong khi đánh giặc ở Điện Biên. Vâng, lúc ấy, điều nhớ nhất của anh về hoa ban là món canh ngọt mát. Còn tôi hôm nay, tôi ngồi sát bên cành, lặng người trước vẻ đẹp và mùi hương cao cả ấy của hoa ban.
Hương hoa ban quanh quẩn theo tôi một mùi hương quen thuộc, thương nhớ khi tôi vào thăm nghĩa trang Điện Biên. Hai hàng long não sum suê xanh mướt tỏa bóng mát rượi trên đường vào rộng mênh mông. Hai bên đài "Tổ quốc ghi công" to lớn, với chiếc mái bên trên uốn cong đặc biệt Việt Nam, tôi nhìn thấy hai gốc đại to, cổ kính. Giữa hàng trăm ngôi mộ, nổi lên bốn ngôi mộ lớn của các anh hùng Trần Can, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn. Không khí ban trưa trong nghĩa trang yên tĩnh và sâu lắng. Lá nâu phủ dày êm mặt đất. Các anh như vừa đặt lưng xuống, yên giấc ngủ ngon. Mùi hoa đại gợi nhớ hoa ban, quẩn quanh thơm ngát. Trên con đường kéo pháo năm xưa, và rất có thể, ngay lưng đèo nơi các anh lấy thân chèn pháo, hoa ban đã từng nở cánh, tỏa hương. Tôi đã có dịp đặt chân lên một quãng đường kéo pháo năm xưa, nghe tiếng máy ủi hôm nay reo lên san đất mở rộng mặt đường. Con đường xưa dẫn đến một trường học có những cô giáo vùng xuôi suốt năm bám trường bám đất và những em bé người dân tộc đi chân đất cắp sách đến trường. Con đường cũng dẫn đến những công trường đang xây dựng mới, một hồ chứa nước, một dãy nhà tầng… Hoặc có khi, nó dẫn đến một bản làng sâu hút, với những kho hàng lâm sản, hoặc dẫn tới những phiên chợ với các cô gái mới lớn trong những bộ áo quần dân tộc rực rỡ sắc màu. Trên đường các cô đi, bên nhà các cô ở, phảng phất hương hoa ban trong mùa hoa nở đẹp núi rừng. Các anh ơi, có lúc nào các anh thức dậy trên con đường kéo pháo năm xưa mà ngắm hoa ban hôm nay, các anh sẽ thấy nó vẫn trắng hồng tin tưởng và tím ngát thủy chung…
Đồi A1 không có ban, nhưng nhiều phượng. Nhụy hoa phượng gợi nhớ nhụy hoa ban. Mặc dù hoa phượng khác với hoa ban, rực lên như lửa. Tôi không biết hoa ban có trồng được ở thung lũng Điện Biên không, chắc là được. Nếu vậy thì thật hay, hoa ban nở trước, hoa phượng nở sau khiến cho người trở lại Điện Biên vào dịp chiến thắng hôm nay sẽ thấy mình đang đi "giữa mùa hoa nở". Khi tôi đến, xác xe tăng giặc Pháp trên đồi A1 vẫn còn, vẫn trong tư thế hùng hổ đang lao xuống sườn đồi. Có một chuyên gia quân
sự nước ngoài đến đây trông thấy cái vẻ hùng hổ như không gì cản được đó của khối sắt thép to lớn, tỏ ý thắc mắc : Tại sao nó lại bị chặn đứng được nhỉ? Người Điện Biên nhũn nhặn chỉ vào hai nấm mộ của hai chiến sĩ chưa biết tên nằm ngay bên cạnh, chỉ vào vết phá của thủ pháo dưới bụng xe. Đó là sự thật như hoa phượng đang rực đỏ trên đồi. Hai chiến sĩ ta, lúc hy sinh chắc chắn là không nghĩ tới hoa, vì khó khăn ác liệt và mối nguy to lớn đang lù lù trước mặt… Nhưng nhờ có những chiến sĩ chưa ai biết tên ấy mà hôm nay, tôi mới được đến đây với cánh hoa ban cầm tay và hương hoa ban ướp trong túi ngực. Có phải hương hoa ban làm tôi ngây ngất hay màu hoa ban tin tưởng thủy chung mà tôi thấy trong cành lá xanh và màu đất đỏ hiện lên dáng vẻ hiện đại và thư thái của Điện Biên ngày mai…
Từ Điện Biên trở về, tôi có thêm hoa ban. Và giò phong lan do một bạn địa chất tặng. Giò lan lấy được ngay trên đỉnh đồi ở Mường Phăng, nơi có hầm của Đại tướng Tổng Tư lệnh khi chỉ huy chiến dịch Điện Biên. Đứng ở đài quan sát trên đồi, tầm mắt có thể ôm hết núi rừng chung quanh và lòng chảo Điện Biên. Những anh công binh phá thác Nậm Na, ăn canh hoa ban, những chị dân công đẩy xe thồ qua đèo Pha Đin chắc cũng ít người có cái may mắn lên đỉnh đồi ở Mường Phăng. Nhưng tôi nghĩ rằng, trong một phút nào đó, ngồi nghỉ chân trên phiến đá, ngước mắt nhìn hoa ban trên đèo, dưới vực, tầm rộng của tâm hồn các chị các anh cũng đã ôm hết núi non sông suối của Tổ quốc mình. Chiến thắng Điện Biên cho tôi suy nghĩ ấy. Cho nên, nếu bạn chưa có dịp đến Tây Bắc ngắm hoa ban thì xin bạn cứ ngắm hoa mai, hoa đào, hay bằng lăng, phượng vĩ… Vì rằng trong hoa ban Tây Bắc dường như có những cái đẹp, cái thơm của nhiều thứ hoa quí và cả những loài hoa bình thường mộc mạc Việt Nam…
Tháng 5/1974 – 2010
TRẦN THANH GIAO – Theo SCLO