Về An Giang và đồng bằng sông Cửu Long vào mùa này, ta sẽ thấy vui. Trên suốt đường đi, cảnh lúa chín sau mùa gặt hái được nông dân chứa đầy bồ, đầy vựa khiến lòng ta náo nức. Ngoái đầu nhìn lại, ba mươi năm trước, đây vẫn là niềm mơ ước của hằng triệu nông dân quê ta. Đã qua thời "Ngoài đồng lúa chín vàng mơ, trong nhà mờ con mắt". Năng suất, sản lượng lúa trong mùa vụ của người gieo trồng, thời nay, đã đạt rất cao với nhiều kỹ thuật canh tác. Giờ đây, tất cả đã là hiện thực : Hạt lúa không chỉ là nguồn cung cấp lương thực dành cho bữa ăn hằng ngày của dân ta. Hạt lúa, ngày nay, đã là hàng hoá.
Không còn chờ đợi những bữa cơm gạo mới đầu mùa thơm lừng nữa. Tâm cảm của nông dân quê ta, bây giờ, đã khác. Sau khi gieo trồng, gặt hái, người quê ta đã lo đến chuyện bán buôn sản phẩm của mình sao cho được lợi. Vừa qua, những vựa lúa của nông dân miền Tây Nam bộ nóng bỏng kinh tế thị trường với được giá, rớt giá từng đồng, từng chục, từng trăm là một điển hình.
Cuộc sống đang làm một cuộc chuyển đổi lớn lao, quan trọng ở nông thôn An Giang và đồng bằng sông Cửu Long. Khi vựa lúa miền Tây Nam bộ đã trở thành hàng hoá, thái độ ứng xử của tất cả có liên quan phải thay đổi khác đi, từ quy trình gieo trồng để đạt năng suất cao nhất, cho đến chất lượng hạt lúa, cho đến sự điều tiết của lưu thông phân phối trên bình diện xã hội. Người gieo trồng còn nghĩ đến tìm giống lúa nào để đáp ứng cho bữa ăn ngon của người tiêu dùng trong nước và thị trường xuất khẩu lúa gạo ra nước ngoài; lại còn lo cạnh tranh với gạo ngon ở nước ngoài nhập vào trong nền kinh tế hội nhập nữa. Nhưng tất cả vẫn còn là một cuộc tập dượt; và ta đã thấy sự hụt hẫng của nông dân quê ta trong vụ rớt giá vừa qua.
Để có được hạt lúa, mà xưa nay ai cũng mệnh danh là hạt vàng bởi sự gắn bó với cuộc sống, ngoài sự cần cù, chịu cực, chịu khổ, nông dân quê ta còn phải đương đầu với thiên tai hạn, lụt nữa. Ở miền Bắc, miền Trung là lũ ống, lũ quét, rét đậm, rét hại… Ở miền Tây Nam bộ là sâu bệnh, lụt lội, hạn hán hằng năm. Người miền Tây Nam bộ có thể điều chỉnh được hệ thống thủy lợi, chủ động việc tưới tiêu do đã suốt mấy mươi năm cải tạo ruộng đồng, đào, vét kinh mương, đắp đê ngăn lụt từ dòng Mêkông, lại tháo cống xả nước lụt vào cho ruộng đồng mầu mỡ… Tất cả để cho hạt lúa đồng bằng sông Cửu Long luôn xứng danh là hạt vàng, là vựa lúa miền Nam.
Từ xưa đến nay, người làm ra hàng hóa chưa hẳn là người kinh doanh giỏi. Họ, những người làm ra của cải cho xã hội, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, luôn bị sức ép của giá cả thị trường, từ con tôm, con cá đến hạt lúa, cây mía, củ khoai… Nhưng, không thể " trăm dâu đổ đầu tằm" được! Người nông dân miền Tây Nam bộ còn cần sự quan tâm của xã hội, còn cần sự hỗ trợ của nhà nước trong quản lý, điều tiết trong lưu thông phân phối; ở góc độ này, là vô cùng cần thiết, là chính sách đối với người sản xuất nông nghiệp. Lợi nhuận của người trồng lúa không quá nhiều so với sức sản xuất và so cả với nhiều mặt hàng khác trong tiêu dùng của xã hội, dù hạt lúa vẫn luôn là hạt vàng trong đời sống của đất nước ta. Trước sự thành bại của hằng triệu nông dân trong hoàn cảnh thiên tai và sức ép của nền kinh tế thị trường, lòng người đau như thể ta đau. Vẫn mong mùa sau và những mùa sau nữa, người nông dân miền Tây Nam bộ vẫn trụ vững trên mảnh đất của mình , vượt qua cơn lốc của giá cả thị trường như đã từng vượt qua thiên tai, lũ lụt hằng năm, tiếp tục tạo ra mặt hàng lúa gạo cho xã hội, tiếp tục với đời làm nên những mùa vui.
Nguyễn Lập Em – Theo SCL