Có một câu hỏi chung, hơi cũ, dành cho hai người : “Khi ngồi trước trang giấy trắng, ông nghĩ gì?”. Vẫn thế, theo cách rất Trang Thế Hy : “Cái gì mình không yêu mến hay chưa kịp yêu mến thì đừng giả bộ yêu mến”. Mọi sự giả bộ đối với Trang Thế Hy đều lố bịch. Còn Nguyên Ngọc, bao giờ cũng vậy, “quyết liệt yêu, quyết liệt giữ lấy sự chân thành và giữ lấy tự do cho chính mình”.

Tôi bỗng nhớ lời của cựu tổng thống Pháp F.Mitterrand : Lang bang phóng túng là bản chất của sự sáng tạo.

VỀ HAI BỨC HOẠ CHÂN DUNG

Nhà văn Trang Thế Hy đón mọi người trong căn chái bề ngang chừng ba mét, chiều dài sáu mét vừa xây xong. Mùi sơn hãy còn. Đặt tay lên tường, sơn dính trắng. Chỗ này khi trước là khoảng sân nhỏ, có cây xoài, dưới gốc lủng lẳng những giò lan rừng… Có những giò lan trổ bông, nhưng cũng có nhiều giò lan lưa thưa lá. Cái chái nhà nhỏ lắm, xây theo kiểu nhà tiền chế, mái vòm lợp tôn chỉ vừa đủ để bộ bàn nước bằng xi-măng cẩn sành sứ của nhóm bạn Nguyễn Duy, Nguyễn Trọng Chức chở từ Sài Gòn xuống tặng ông cách đây ít lâu. Tự trào về cái chái nhà mới, Trang Thế Hy nói dõng dạc : “Há chẳng phải đời sống của ta được nâng cao ngang tầm với sự phát triển kinh tế đất nước đó sao”. Nụ cười của ông khi đó thật hóm hỉnh.

Ông mang bức chân dung do Nguyễn Trung vẽ, ông bảo, vừa làm xong cái khung và từ nay có chỗ cho tấm tranh này. Ông nói với mọi người rằng, Nguyễn Trung không vẽ chân dung ông, mà vẽ “Nỗi buồn mang gương mặt Trang Thế Hy”. Một nhận xét xác đáng và rất Trang Thế Hy. Ông thường luận giải về nỗi buồn. Tôi nghe ông nói rất nhiều lần : Viết văn trước hết là để tu thân, là đương đầu với nỗi buồn, để giảm đau, vượt lên nỗi đau và tồn tại.

Giống như Trang Thế Hy, Nguyên Ngọc cũng được hoạ sĩ Đinh Quang Tĩnh vẽ và post lên mạng một tấm chân dung. Hỏi về bức hoạ này, Nguyên Ngọc nói : “Hồi tôi làm báo Văn nghệ, Đinh Quang Tĩnh có vẽ nhiều chân dung tôi. Có một số bức khá. Không hiểu vì sao anh ấy lại đưa ra bức mới này, bức kém nhất – không phải xấu hay đẹp trong bút pháp, mà vì hoàn toàn không có chút chất Nguyên Ngọc nào cả. Hôm trưng bày, anh Văn Như Cương ngồi cạnh tôi cũng bảo thế. Thôi cũng chẳng nên nhắc đến cuộc ấy làm gì”. “Thế chất Nguyên Ngọc là chất gì vậy, thưa ông?” – Tôi hỏi. “Chất tinh tuý và sang trọng của sự thô mộc một cách tự do” – ông nói.

CẢ HAI ĐỀU “HAM” CÔ GÁI TRẺ

Dông dài chuyện Đông – Tây – kim – cổ, những câu thơ tình tuyệt hảo của R.Tagore về tình yêu trong cuộc hò hẹn lần này của hai ông nhà văn già rồi cũng nhường lại cho câu chuyện văn chương của những người trẻ. Ông Trang Thế Hy kể, trước đây, ông và nhà văn Sơn Nam thường gặp nhau mỗi năm một lần vào những ngày đầu năm. Câu chào bằng tiếng Pháp thường được hiểu là : Có gì mới? Có một năm, ông Sơn Nam tự dưng trả lời ông dông dài : “Năm nay, trong Nam có chuyện nông dân biểu tình, ngoài Bắc có Nguyễn Huy Thiệp viết truyện ngắn hay”. Chột dạ, ông sửa lại câu của Sơn Nam : “ …Trong Nam trúng mùa, ngoài Bắc có Nguyễn Huy Thiệp viết truyện ngắn hay”. Thời đó, ông Nguyên Ngọc là người dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho văn chương của lớp Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài… Cả hai ông đọc gần như không sót và nhớ kỹ giọng điệu từng truyện của mỗi người. “Còn với Nguyễn Ngọc Tư?” – tôi hỏi. Được biết hai ông đọc khá kỹ từ tản văn, truyện ngắn đến Cánh đồng bất tận, Gió lẻ của cô. Nguyên Ngọc là người mail truyện Gió lẻ cho mọi người khi báo Sài Gòn Tiếp thị chưa khởi đăng. Ông nói : “Gần đây, một số tạp bút của Nguyễn Ngọc Tư có hơi chững lại, không còn giữ được nhiều sự thâm trầm và sắc sảo như trước. Nhưng có lẽ cũng không sao, người ta viết lên xuống là thường. Tôi vẫn tin Nguyễn Ngọc Tư. Cô ấy rất có bản lĩnh. Một trong những nét bản lĩnh đó là cô luôn thấy văn chương của mình có vấn đề, luôn thấy cần thay đổi, đồng thời vẫn là mình.

Gần đây, trong một bài viết, Tư đã nói rằng cô sợ mình “nhạt” đi. Một người viết biết được như thế là rất giỏi. Chắc Tư còn tự thay đổi, sẽ khác đi, mà vẫn là Tư. Chỗ hay thứ hai của Tư (có lẽ gần giống Trang Thế Hy) là cô ấy vừa coi văn chương là chuyện rất quan trọng, thậm chí có lẽ Tư là nhà văn có chất chuyên nghiệp nhất hiện nay ở ta. Cô biết văn chương là chuyện trọng đại. Nhưng đồng thời cô cũng biết, nói cho cùng ra, đó cũng không phải là chuyện quan trọng nhất ở đời. Vừa là nghiệp, vừa là một trò chơi, vừa là cuộc đời, vừa là giấc mộng. Có đó, mà cũng không có gì cả. Cũng đừng quan trọng hoá nó. Cô ấy cũng có “cái chung thuỷ hờ hững” của Trang Thế Hy – Người hiền của văn chương Nam bộ. Nếu thêm một đặc điểm nữa của Tư : Tư là một nhà văn rất xã hội, nhưng xã hội một c&aacute
;ch rất văn học, rất nghệ sĩ. Không văn học “minh hoạ” hay “ám chỉ” như kiểu đang tầm thường, nhạt phèo bây giờ. Chính vì vậy, qua những bức xúc thời sự, Tư có cái tài biến nó thành cái nhân loại. Cánh đồng bất tận là một ví dụ đặc sắc”.

Họ có cùng một tình yêu văn chương và trân trọng những tài năng trẻ. Chữ nghĩa đối với họ là điều thiêng liêng. Kỹ lưỡng từng chữ một.

Không khác với ý kiến của Nguyên Ngọc nói về Nguyễn Ngọc Tư, Trang Thế Hy hay kể những câu chuyện, những quan sát trực diện của mình về Tư. Ông bảo : “Con nhỏ đó tinh tế lắm. Nó dám nói rằng vì có một ông già trên 80 tuổi hò hẹn với nó nên nó phải ba chân bốn cẳng chạy nhanh tới gặp, vì nếu trễ hẹn thì đâm ra thất thố”. Có một hôm, Tư đến thăm và ngủ lại nhà. Đêm khuya, sợ Tư mệt, ông hỏi : “Nhỏ buồn ngủ chưa?”, Tư trả lời gọn hơ : “Chú chưa ngủ sao con dám buồn ngủ được”. Đến hừng sáng, Tư tự quảy túi, len lén đi mà không chào từ biệt vì sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ của ông. Ông hay dùng từ “Viết thấy ghê” để chỉ những tạp bút sắc sảo và những truyện ngắn, truyện vừa có tầm khái quát cao của Nguyễn Ngọc Tư. Từ Cánh đồng bất tận đến Gió lẻ, Trang Thế Hy đã xem Tư như là người đồng thời, người chia sẻ được nỗi đau thân phận con người.
Trong câu chuyện bàn luận giữa hai nhà văn già và cô gái trẻ, tôi xen vào hỏi một câu : “Vậy Nguyễn Ngọc Tư “ham” hai nhà văn già này hay ngược lại?”. Đôi mắt sâu, tinh anh trên khuôn mặt nhăn nheo của Trang Thế Hy đang cười. Ông bảo : “Dường như cả ba người chúng tôi : Trang Thế Hy – Nguyên Ngọc – Nguyễn Ngọc Tư – đang “ham” nhau!”.

Tôi chưa gặp Tư để xác tín điều này.

Minh Nguyễn – Theo SGGP Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *