Tôi về Tạp chí Văn nghệ quân đội nhận công tác vào đúng ngày sinh của mình – ngày 11 tháng 1 – năm 2008. Thực ra không phải tôi chọn ngày này, bởi lẽ ra thì đã đến nơi từ tối hôm trước, nhưng do thay đổi lịch trình, chiếc xe cho tôi đi nhờ đã nghỉ đêm ở dọc đường. Sáng ra xe đến Hà Nội, lúc 9 giờ rẽ vào phố “nhà binh”.
Hôm đó là một ngày nắng ấm. Tạp chí vừa họp giao ban xong. Nghe nói trong lúc đang họp, nhà văn Khuất Quang Thụy có nhắc đến tôi, người lính mới, bằng một câu nói vui: “Giờ này, đồng chí Nghĩa đang trên đường hành quân về đơn vị. Nếu đến sớm thì kịp dự giao ban”.
Nhà số 4 Lý Nam Đế với tôi không phải nơi xa lạ. Những năm trước, mỗi lần về Hà Nội, tôi thường đến chơi với nhà văn Sương Nguyệt Minh ở Ban Văn xuôi. Nhưng ngày đầu về cơ quan không khỏi bâng khuâng, nhất là giữa tiết đông, trong một ngày nắng hồng như thế.
Làm lính mới cũng chỉ được ít ngày thì nghỉ Tết, tôi về nhà ở Lào Cai. Mùa xuân năm ấy, các tỉnh miền núi phía Bắc rét dữ dội. Đường vào Sa Pa leo lét những đống lửa thui thịt trâu bò chết rét. Người dân nơi đây ngập chìm trong buồn thảm lo âu, trai gái từ Hà Nội đổ lên chơi thì vui sướng hò reo trước một vùng núi đồi trắng tinh ướp trong băng tuyết. Tôi thoáng chạnh lòng khi trong đầu nhen lên một ý nghĩ: “Họ là công dân Hà Nội đấy. Từ nay, mình cũng là người Hà Nội như họ rồi”. Thực lòng, vì nhiều nguyên nhân, dù đã quyết định từ biệt núi đồi thân thương, cho đến lúc này, tôi vẫn chưa mặn mà với những chốn phồn hoa đô hội.
Những ngày đầu ở Văn nghệ quân đội, tôi thấy cô đơn vô cùng. Cuối mỗi buổi chiều, mọi người về hết, chỉ còn tôi và vài anh em chưa có nhà riêng ở tại cơ quan. Đêm trong ngôi nhà cổ này rất tịch mịch, chỉ nghe tiếng gió xào xạc giữa những lùm hồng xiêm, lùm nhãn. Tôi mới về nên cơ quan chưa sắp xếp được phòng riêng để ở, phải ở nhờ mấy tháng tại phòng của Phùng Văn Khai. Nhà văn họ Phùng bản tính phóng khoáng, thô mộc, ngồi mâm rượu như ngồi giữa Lương Sơn Bạc, khí phách ngút trời. Hết lòng với bạn bè nhưng thấy tôi hiền lành, đôi khi hắn cũng bắt nạt. Có đêm hắn đi đâu về, người thoảng hơi men, hai mắt gườm gườm, đuổi tôi ra khỏi phòng. Tôi đứng nấp ở đầu nhà, trong gió rét, một lúc sau nghe thấy tiếng bước chân rón rén khẽ khàng như kẻ trộm, hình như ai đó rình mò, rồi một bàn tay to bản bất ngờ chộp mạnh lấy tôi. Khai hiện ra trong bóng đêm, giọng vẫn hăm dọa gầm gừ nhưng vẻ mặt đầy lo lắng: “Mày có về phòng không thì bảo? Trời ơi, rét mướt thế này”.
Rồi cũng đến ngày tôi được ở một phòng riêng như mọi anh em, tại tầng ba, có biển đề tên treo trước cửa. Năm ấy tôi đã 36 tuổi, chưa có gia đình, phụ nữ thường xa lánh tôi, chẳng hiểu tại sao. Tôi cũng chẳng cần. Tự tôi lau dọn căn phòng, sạch đến nỗi không tìm ra được một hạt bụi. Bên giá sách tôi đặt chiếc bình kiểu cổ, cắm vài bông uất kim hương, tất nhiên hoa giả thôi, nhưng trông cũng đẹp mắt. Ngày thường hay ngày nghỉ cuối tuần, tôi đều khép cửa, quyết tâm sống đời tao nhã, mặc ngoài kia tường đông ong bướm đi về. Hàng xóm của tôi là nhà văn Nguyễn Thế Hùng, một đấng nam nhi lẫm liệt tình trường, người đầy ma lực đối với phụ nữ, kẻ được phong tặng danh hiệu đẹp trai nhất cơ quan (riêng tôi không thừa nhận điều này). Thấy phòng tôi không bao giờ có tiếng dép của đàn bà, Hùng tỏ ra ái ngại. Tôi biết trong thâm tâm y rất coi thường tôi. Cứ chiều chiều, y lại cởi trần, mặc độc chiếc quần đùi để khoe cơ bắp, thảnh thơi như một mụ góa hồi xuân ra tưới mấy chậu hoa trước cửa. Nghe tiếng nhạc tiền chiến với những Thiên thai, Thu vàng, Bóng chiều xưa… dìu dặt thoát ra qua khe cửa phòng tôi, y dỏng tai rồi nói khích, giọng lần nào cũng dài ra vóng vót: “Trần mà như thế, kém gì tiên!”.
Ở Văn nghệ quân đội thường có chim ríu rít bay về. Chim có khi bay thành đàn, lấp lánh, lượn qua mái cong ngôi nhà số 4, về phía sau khu nhà tập thể quân đội qua một vùng bồng bềnh hồng xiêm. Ở tại cơ quan một thời gian, tôi phát hiện ra trong ngôi nhà cổ này còn có sóc. Những con sóc nâu lẩn trong lùm nhãn, rúc rích tìm quả ăn. Lần khác, tôi lại nhìn thấy sóc chạy thoăn thoắt như búi giẻ nâu trên cành cây sấu dọc đường Lý Nam Đế. Mười năm sống ở miền núi Lào Cai, tôi chưa nhìn thấy sóc lần nào, giờ về một khu phố ở trung tâm Hà Nội chẳng ngờ lại gặp những con vật hoang dã này. Nhìn chúng bỗng thấy lòng yên tĩnh lạ. Sống giữa thủ đô mà được bầu bạn với chim, với sóc, đến tiên cũng chỉ được thế là cùng.
Những tháng ngày cô đơn êm ả ấy rồi cũng qua. Để trở thành quân nhân, tôi được cử đi tham gia một khóa huấn luyện quân sự, bởi tôi xuất thân là thầy giáo trường sư phạm, hiểu biết về quân đội không được bao nhiêu. Ngày ấy, trong con mắt Nguyễn Thế Hùng, Đỗ Tiến Thụy – những người đã xông pha đời lính lâu năm – thì tôi chỉ là cái anh thư sinh chân yếu tay mềm, lơ mơ chả biết gì, mô phạm đến phát ghét. Một buổi sáng mùa thu, tạm biệt sóc, tạm biệt chim, tôi lặng lẽ khoác ba-lô lên đường. Khổ thì chịu, mấy tháng thôi, chí trai vạn dặm sá gì. Xác định tinh thần trước như vậy nhưng khi vào cuộc, tôi cũng thấy sợ, chẳng bao giờ tôi quên được những ngày tháng ấy. Trước khi về công tác tại Văn nghệ quân đội, tôi đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam và đang làm dở dang luận án Tiến sĩ, nhưng khi bước vào môi trường huấn luyện này thì nhà văn hay Tiến sĩ đều bé hết. Tôi dè dặt e sợ trước bất cứ vị chỉ huy nào, nhất là cái anh cán bộ giảng viên trẻ hơn mình bốn tuổi, anh này rất hắc. Đứng trong hàng ngũ, tôi nơm nớp lo sợ bị anh ấy gọi tên, bắt trả lời những câu hỏi rắn như đinh hoặc yêu cầu bước ra khỏi hàng để thực hiện động tác. Thực ra, tôi học hành ngoan ngoãn và khả năng tiếp thu chẳng đến nỗi nào, nhưng bản tính hay lo thì như vậy. Tôi hô tập hợp đội ngũ rất dõng dạc, “xung trận” cũng quyết liệt, bắn súng cũng cừ khôi, chỉ có mỗi việc đi đều là nhầm lẫn lung tung, lúc nào cũng thấy mình lạc ra khỏi hàng ngũ. Còn nhớ mãi năm ấy mưa lụt, cả một vùng quanh nơi chúng tôi ở thoắt biến thành hồ nước trắng mênh mông, đêm mất điện ăn mì trong ánh nến. Huấn luyện ở trường được ít tháng thì đi dã ngoại xa tại một vùng đồi. Chúng tôi đi, từ lúc rặng cây ven bãi tập của trường còn xanh, đến khi trở về cây đã ngả màu đỏ rực. Những đêm rét buốt dậy đi gác, ngắm trăng suông thấy nhớ cơ quan, nhớ căn phòng của mình da diết. Mỗi lần về Hà Nội (thường thì nửa tháng được về một lần), bước vào cổng ngôi nhà thân quen, nhìn hoa đại vãi đầy sân như tuyết, bâng khuâng vô cùng.
Sau mấy tháng huấn luyện trở về, tôi đã có phần rắn rỏi phong trần. Nhà văn Đỗ Tiến Thụy khen tôi “chất lính ngùn ngụt”. Ánh mắt của Nguyễn Thế Hùng dành cho tôi cũng ấm áp hơn. Nhưng thấy tôi cứ lủi thủi một thân một mình mãi, nguy cơ ế vợ đã rõ, cả cơ quan lại bắt đầu lo. Một chiến dịch PR cho tôi được ráo riết tiến hành. Các trang blog của anh em trong Tạp chí đều đưa thông tin tốt đẹp về tôi. Nào là tôi đảm đang, tôi chỉn chu, tôi sạch sẽ, ai lấy được tôi là có phúc, nào là tôi hết sức đẹp trai (mặc dù theo nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, “nhan sắc của Phạm Duy Nghĩa, may lắm thì được xếp loại trung bình khá”). Tiếng lành đồn xa, nhưng nhiều tháng qua đi, từ phía cộng đồng phái đẹp vẫn không hề có phản hồi. Có lẽ họ nghĩ rằng hàng càng kém chất lượng thì quảng cáo càng nhiều. Mọi người trong cơ quan nhìn tôi ái ngại. Nguyễn Xuân Đại – cậu lái xe cho thủ trưởng – cũng thương tôi, một tối kia quyết định chở tôi đi tìm vợ. Về chuyện này, nhà văn Nguyễn Thế Hùng đã tường thuật khá kĩ trong một bài viết in trên Văn nghệ quân đội nên tôi không kể lại dài dòng nữa, chỉ xin khái quát sơ lược thế này. Tôi và Đại tìm vào một ngõ nhỏ, phố nhỏ, đến nhà một cô nàng dáng người xinh nhỏ mà Đại mới quen. Nàng làm ở ngân hàng và đang theo một khóa cao học. Sau màn giới thiệu đôi bên, nàng nói nàng chưa nghe nhắc đến Tạp chí Văn nghệ quân đội bao giờ. Trung sĩ Đại gỡ điểm cho nàng bằng cách cho biết Văn nghệ quân đội là nơi nhà thơ Trần Đăng Khoa từng công tác, nàng đáp rằng không biết Trần Đăng Khoa là ai. Đại hỏi nàng có biết nhà văn Nguyễn Minh Châu không, nàng lắc đầu; hỏi nàng có biết Nguyên Ngọc không, nàng kêu giời ơi không biết đâu, không biết không biết không biết. Tóm lại là các nhà văn nổi tiếng từng làm việc ở Văn nghệ quân đội, nàng không hề biết tên ai. Hỏi gì nàng cũng trả lời nhát gừng bằng thứ ngôn ngữ rất củ chuối. Tôi nản quá, giục Đại “bỏ của chạy lấy người”. Trên đường về, sau nhiều phút im lặng bẽ bàng, Đại trách tôi thiếu kiên trì. Tôi thừa nhận nhưng vẫn hậm hực. Không biết tới Tạp chí Văn nghệ quân đội, thôi cũng được, tôi sẽ tha thứ cho nàng, nhưng lẽ nào lại không biết đến tên các nhà văn đã được đưa vào nhà trường? Hay nàng chưa học hết phổ thông?
Về sau này, tôi còn gặp phải không ít người như cô nàng thạc sĩ tương lai ấy. Đừng có tưởng Trần Đăng Khoa cũng như cá trê rau muống quả cà, ai ai cũng phải biết nhé. Trần Đăng Khoa là cái ông nào, anh biết kệ anh, đây còn có khối thứ cần phải biết hơn nhé. Thôi cũng chẳng trách họ được. Không thể bắt người khác thích cái mà mình thích, quan tâm cái mà mình quan tâm. Hơn mười năm làm thầy giáo dạy văn, tôi đã thấy rất nhiều giáo viên – thạc sĩ văn học không thèm biết đến Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái… vẫn cứ lên lớp dạy văn như thường. Nhưng thôi, đó lại là chuyện khác.
Ở Văn nghệ quân đội, tôi thích nhất những ngày áp Tết. Có cái gì đó rất bâng khuâng, khi ngoài đường kia nườm nượp người xe, trong ngôi nhà cổ kính của cơ quan vẫn yên tĩnh. Đồ gốm sứ được bày bán la liệt ngay trước cổng, bên tường rào sắt dưới bóng cây đại trầm ngâm, và ven bức tường chạy dọc toà nhà, như một đường viền của tấm khung làm đậm thêm nét trầm mặc xa xưa cho bức tranh chung của Nhà số 4. Những lúc ấy, hơi xuân phảng phất, thấy lòng cứ nôn nao lên nhớ một cái gì không rõ, chỉ thấy văng vẳng trong mơ hồ ca khúc Gửi người em gái của Đoàn Chuẩn – Từ Linh: Hà Nội chờ đón Tết, vắng bóng người đi/ Liễu rủ mà chi… Về trưa, từ phía đường Phùng Hưng vọng lại tiếng còi tàu chạy về phương Bắc, về những miền xa ngút ngàn mây núi, lòng càng thêm bồn chồn những ý nghĩ xa xôi.
Tôi thường ngồi một mình trong phòng làm việc vào ngày nghỉ cuối tuần để cảm nhận hết cái tĩnh lặng của Nhà số 4. Mở cánh cửa sổ ra chỉ nhìn thấy cây lá xao xác bên ngoài (ở Hà Nội có lẽ không nhiều cơ quan có cây trồng ngay sát các phòng ban như thế). Những ngày nắng ấm, ngoài gió, dường như có cái gì đó cứ xôn xao lên trong các vòm cây. Và đến khi màn đêm buông, tất cả trở nên tịch mịch, khắp trong ngôi nhà cổ, một không khí linh thiêng bao trùm. Nơi đây, trên cầu thang, trên sàn gỗ, các khung cửa… đã in bao dấu văn nhân. Những đêm rời phòng làm việc về khuya, cứ đẩy cửa ra lại cảm giác trên hành lang mờ tối có bóng người. Nhà văn Đỗ Bích Thúy có lần đề xuất việc gắn trong mỗi căn phòng một tấm biển đồng ghi tên các nhà văn đã từng sống và cống hiến tại đây – một việc làm thật ý nghĩa.
Cảm giác về sự tinh khiết, trong sạch cũng là cảm giác tôi thường có khi ở trong Nhà số 4. Nó hiện hữu trong mỗi nếp ngói cổ xưa, mỗi phiến lá rơi, mỗi cánh hoa đại trắng ngần trên sân như tuyết đọng. Nơi đây thực sự mang không khí chay tịnh của một ngôi chùa. Tôi gọi ngôi nhà Tạp chí của mình là Chùa Văn.
Ở trong ngôi chùa ấy, con người ta dường như cũng trong sáng hơn. Dẫu hoàn cảnh thế nào, không thể sống nhỏ nhen tầm thường được.
Dù chỉ là trong ý nghĩ.
Phạm Duy Nghĩa – Theo VNQĐ