Lẽ thường, người nổi tiếng- bên cạnh cảm giác ngọt ngào bao giờ cũng phải chịu thêm nỗi "phiền phức" từ phía những người ái mộ. Không ít trường hợp, họ như thể con thú bị "săn đuổi" do tính tò mò của người đời gây nên. Bởi vậy, để giành được những khoảng khắc riêng tư cho mình, một số nghệ sĩ lớn đã tìm được những cách đối phó rất độc đáo, qua đó, họ đã dạy cho những kẻ đeo bám hết sức khó chịu những "bài học" nhớ đời.
Nhà văn Anh Livít Carôn, tác giả cuốn truyện kiệt tác viết cho trẻ em "Alixơ ở xứ sở diệu kỳ" (cuốn này đã được dịch ra tiếng Việt) lúc sinh thời được rất nhiều người hâm mộ. Có những độc giả cứ nhằng nhẵng bám theo ông ở nhiều nơi, tìm đủ mọi cách để thó được một vật gì đó của ông (đem về "bảo tàng" riêng).
Thậm chí, có người cứ nằng nặc xin được hôn tay ông giữa lúc ông đang bấn bíu khách khứa với lý do: "Xin được hôn bàn tay người đã viết lên tác phẩm Alixơ…". Dĩ nhiên Carôn đã từ chối với một thái độ nghiêm khắc: "Không được! Vì bàn tay này còn phải viết nhiều tác phẩm nữa".
Nhà văn Mỹ Mác Tuên (người rất quen thuộc với bạn đọc Việt Nam qua các tác phẩm: "Tôm Xoyơ", "Hoàng tử nhỏ và chú bé nghèo khổ"…) cũng từng "sống dở chết dở" vì phải đáp từ tấm lòng người hâm mộ. Có một dạo, ông liên tiếp nhận được những bức thư (kèm ảnh) của độc giả với nội dung là họ cho rằng họ rất giống ông.
Chết mệt vì phải trả lời những chuyện không đâu, Mác Tuên bèn thảo sẵn một bức thư trả lời cho tất cả những người đó: "Thưa ông, cám ơn ông rất nhiều về thư và ảnh ông gửi. Theo tôi, ông giống tôi hơn bất kỳ người nào giống tôi. Thậm chí tôi có thể nói rằng ông giống tôi hơn cả tôi giống bản thân mình. Xin thú thực, tôi còn có ý định dùng hình ảnh của ông để nhìn theo đó mà cạo râu nữa".
Vào những năm tháng cuối đời, văn hào Nga Lép Tônxtôi có thiên hướng được sống cuộc đời giản dị, hòa mình với nhân dân, tránh xa chốn tạp nham, xô bồ, giả dối. Bởi vậy ông rất lấy làm khổ sở khi có người quá ư chú mục vào cuộc đời ông, cố tìm mọi cách để gặp gỡ ông, phỏng vấn ông.
– Tại sao anh cứ nằng nặc đòi phỏng vấn tôi thế nhỉ? – Một lần, Lép Tônxtôi đã phải thốt lên với một anh chàng ký giả háo danh nọ.
– Thưa ngài Lép Nhicôlaiêvích kính mến! Chẳng lẽ ngài không biết rằng đến kẻ ngu ngốc nhất nước Nga cũng quan tâm đến ngài sao?
– Quả như vậy! – Tônxtôi gật gù, vẻ mỉa mai – Hôm nay tôi đã chứng kiến tận mắt điều đó.
Cũng có trường hợp cách đối phó của nhà nghệ sĩ lại hóa "lợi bất cập hại". Chuyện kể rằng, nhạc sĩ, kiêm nghệ sĩ pianô nổi tiếng của nước Nga là Rácmani Rácmaninốp vốn không thích việc các nhà quay phim chụp ảnh ghi hình ông. Một lần, đang ngồi trong tiệm ăn, bất thần ông thấy một anh thợ ảnh với chiếc máy lăm lăm trong tay lăn xả về phía ông.
– Hãy để cho tôi yên! – Nhạc sĩ nói – Ông không thể nào chụp được tôi đâu.
Vừa nói ông vừa đưa hai tay che mặt.
Vậy mà đến sáng hôm sau, khi xem báo, Rácmaninôp vô cùng sửng sốt khi thấy in trang trọng bức ảnh ông cùng tay che mặt, với dòng chú thích bên dưới: "Đôi tay này giá tới hàng triệu bạc".
Theo Quốc Thái – CAND Online