Đuổi kịp mấy dì đi bộ thể dục buổi sáng ở đoạn đường gần trường học, tôi nghe một người nói, gió thổi suốt đêm qua. Ờ, gió thấy sợ, đang có bão xa mà, một người khác đáp.
Bỗng dưng tôi nhớ những đêm xa xưa ngủ trong chòi vó, nửa khuya nằm nghe những người đàn bà bơi xuồng đi chợ sớm, cuộc trò chuyện rộn rã trong tiếng mái dầm chẻ nước lách tách, đôi khi cũng là chuyện ban tối gió giông.
Hồi đó tôi còn nhỏ, ngủ là ngủ như chết, chẳng hay trời đất gì. Sáng ra má kể trận gió đầu hôm còn xíu nữa đã làm bay nóc chuồng gà và có chút mưa lúc gần sáng. Có nhiều người đàn bà quê xứ mình nghe thấy cơn mưa, gió đó. Như thể họ thức suốt đêm, như thể họ chong đèn ngồi coi chúng. Nên họ biết đêm qua chó rộ sủa mấy chập, trẻ con ngủ mớ kêu ú ớ mấy lần, con chim cú đậu trên cây vú sữa kêu bao nhiêu tiếng…
Và đêm được vẽ lại bởi những người đàn bà thao thức. Hàng ngàn đêm trong cuộc đời. Họ ngủ nhưng tiếng ho khan của người già, tiếng cười khẽ của đứa trẻ trong mơ, con chó sủa, bầy vịt rộ, mưa giông bên ngoài… đã chẻ vụn những chiêm bao. Trong ký ức về vài người phụ nữ ruột thịt của tôi, có đến một nửa nỗi nhớ diễn ra trên nền đêm tăm tối. Nhớ bà ngoại nửa đêm hay xức dầu dừa vô mấy đầu tóc mượn rồi nhẹ nhàng chải chúng, nhớ má nửa đêm cạ gót chân vào cục đá mài dao để xoá bớt những vết nứt, những chai sần… Đó là những giây phút ngắn ngủi bạn yêu thương chính mình, sống vì mình, cho mình. Sau đó, bạn người ta đẹp vì người khác. Nhọc nhằn vì người khác. Có khuya giật mình thấy má rón rén bưng đèn đi ngang giường, tôi tốc mùng thò đầu ra tưởng đâu trời đã sáng. Má nói ngủ đi, còn khuya lắm. Tôi hỏi, vậy má thức làm chi? Ờ, con gà mái mẹ nó kêu hoảng quá, má ra coi có chuột bọ rắn rít gì vô quậy ổ gà không.
Một má một ngọn đèn. Cô độc. Hai mươi năm sau, dậy thăm chừng thằng nhóc con đang sốt, tôi thấy cái bóng cô độc in trên tường này quen quá, y như má, như bà ngoại. Hai mươi năm sau, dù có muốn hay không, tôi đã trở thành một người vẽ đêm, nghe gió mưa đêm, kể chuyện đêm… Và tự trả lời câu hỏi năm nào, người ta sao lại không ngủ, thức làm chi cho cực, ngủ sướng hơn.
Nhưng thức như một bản năng, mình không muốn, nó cứ đến. Mình thèm ngủ, mình muốn ngủ nhưng đêm cứ kể chuyện rầm rì. Một người đàn ông say đang hát nhừa nhựa ngoài đường. Đứa bé con nhà bên vách khóc ngằn ngặt. Xe cấp cứu hú còi. Nhóc con nằm giường bên, giãy đồm độp, chắc vía bị khủng long rượt. Gió vần vũ phành phạch cái mái che. Con mèo trườn qua làm cuốn sách rơi khỏi giá.
Lúc nhỏ tôi tưởng ở nhà lá, nhà rách, ở giữa vườn tược đồng bãi vắng vẻ người ta mới thao thức. Nhưng cái xóm chợ sôi động mà tôi từng ở trọ nhiều năm, hừng đông hàng xóm thường rộn rã kể chuyện đêm. Và những người đàn bà vận động buổi sớm mai, khu nhà họ ở rất sang trọng, chắc chắn và yên tĩnh, làm sao họ biết suốt đêm rồi gió chạy đuổi điên cuồng? Giữa những lớp cửa kính kín đến mức chuông gió không lay, có phải họ nghe gió bằng cảm giác, bằng bản năng, ký ức…?
Tôi chỉ chắc chắn một điều, khi tôi thức viết một trang sách, tôi biết giờ phút đó trong những ngôi nhà nào đó cũng có nhiều người đàn bà thức giấc. Để khép một cánh cửa, để ém lại vách mùng đã bị trẻ con đạp tung ra, để chờ tiếng gọi của đứa con còn chơi lêu lổng ngoài đường, để thảo một bức thư, để nhớ một người xa…
Cũng có người làm những việc vô cùng giản dị, chỉ là giũa móng chân hay đắp lên mặt một lớp mật ong…
Theo Nguyễn Ngọc Tư – SGTT