Lò dò vô trang web “Cựu sinh viên nổi bật” của Trường Đại học Chicago – Mỹ, thấy một danh sách dài có hình ảnh và thành tích của những người xuất thân từ trường này đã trở thành Giám đốc Ngân hàng, Chủ tịch Tập đoàn, Bộ trưởng Quốc phòng, khoa học gia và kinh tế gia đoạt giải Nobel, sử gia và chính khách làm nên lịch sử, nhà văn, đạo diễn nổi tiếng… Nhìn chung là những kẻ thành công trong xã hội. Nhà trường tự hào trưng hình ảnh họ như những tấm huy chương. Và căn cứ vào những kẻ được biểu dương có thể biết kỳ vọng hay mục tiêu giáo dục của trường. Chẳng phải nhà trường nào cũng nhằm đào tạo những kẻ thành công?
Nếu trả lời “Phải” thì chữ “thành công” sẽ có vô vàn định nghĩa khác nhau. Nếu “thành công” được hiểu như giàu có và địa vị xã hội, thì câu trả lời là "Không". Chẳng hạn, trường Davidson nêu rõ mục tiêu cơ bản của trường là “hỗ trợ sinh viên phát triển bản tính nhân đạo và trí tuệ, có kỷ cương và sáng tạo để sống cuộc đời cống hiến và lãnh đạo.” Để đạt mục tiêu này, Davidson đã chọn là một “liberal arts college” – dịch từng chữ là “Đại học nghệ thuật khai phóng”. “Nghệ thuật” thường được hiểu là âm nhạc, hội họa, kịch nghệ, văn chương… nhưng “nghệ thuật” dùng ở đây, theo nghĩa thời Trung cổ ở Âu châu, là những bộ môn tri thức được dạy trong trường học thời đó. Gọi là “nghệ thuật khai phóng” vì mục tiêu của truyền dạy những tri thức đó nhằm đào tạo con người tự do, thoát ra những mục tiêu kinh tế, học không phải để có bằng cấp kiếm sống, mà để theo đuổi khoa học theo nghĩa nghiêm túc của từ này, để trở thành trí thức.
Dĩ nhiên, từ thời trung cổ tới nay đã có nhiều thay đổi. Những môn triết học, thần học, thiên văn học, toán học cùng các môn khoa học tự nhiên không còn bao gồm trong từ “nghệ thuật” hiểu theo nghĩa ngày nay nữa. Nhiều người đã bỏ từ “nghệ thuật”, gọi chung xu hướng giáo dục này là “liberal education” – giáo dục khai phóng. Nhưng phần lớn vẫn thích giữ nguyên tên gọi “liberal arts college”. Các trường này phần lớn là trường tư, qui mô nhỏ, với số sinh viên từ 1.000 đến tối đa 2.500, chương trình cử nhân 4 năm, không có chương trình cao học hay hậu đại học, chú trọng vào dạy – học nhiều hơn nghiên cứu, tập trung vào các môn kiến thức căn bản : triết học, lịch sử, văn chương, ngoại ngữ, các khoa học xã hội và tự nhiên, toán, lý, sinh… Đa số sinh viên sau khi ra trường với căn bản kiến thức ấy tiếp tục vào các trường chuyên sâu, như trường y, hay theo đuổi các chương trình nghiên cứu hậu đại học, hay tự thiết kế chương trình học suốt đời từ cuộc sống.
Đặc điểm các trường này là tất cả sinh viên đều nội trú suốt 4 năm học. Do đó tạo được một cộng đồng nuôi dưỡng tính cách của những trí thức trẻ, thiết lập mạng lưới quan hệ bạn bè thầy trò thân thiết, bền bỉ. Những người ra trường rồi vẫn duy trì những quan hệ đó suốt đời. Nhiều trường nghệ thuật khai phóng tiếp tục tồn tại và phát triển chính là nhờ mạng lưới cựu sinh viên của trường : họ là nguồn đóng góp tài chánh quan trọng. Đầu niên học, chẳng những sinh viên đang học rộn ràng trở về trường, mà các buổi họp lớp của các khóa đã ra trường cũng tưng bừng. Bốn năm ở trường là bệ phóng, mạng lưới quan hệ thiết lập ở trường là nguồn hỗ trợ quan trọng lâu dài. Quan sát một buổi “họp lớp” ở trường Davidson, tôi thấy tình thầy trò, tình đồng môn của người ta cảm động lắm. Chắc những người thầy ở đó đã thực hiện phương châm : dạy là hành động của yêu thương.
Trường Davidson có kiến trúc rất đẹp : tất cả các tòa nhà đều xây bằng gạch thẻ màu nâu đỏ, nằm rải rác trong khuôn viên đầy cây xanh. Trường được xếp hạng 8 trong top 100 “liberal arts college” ở Mỹ. Không chỉ riêng ở Mỹ, loại trường này có ở nhiều nước khác, mặc dù gần đây, tôn chỉ giáo dục của các trường này đã ít nhiều lung lay, thay đổi. Mấy năm trước, giáo dục khai phóng đã nhường bước dần cho khuynh hướng giáo dục thực tiễn, nhắm vào đào tạo kỹ năng làm việc chuyên môn, tuy vẫn mang tên trường nghệ thuật khai phóng, nhưng chương trình giáo dục thực dụng hơn, mở thêm những ngành đào tạo nghề nghiệp như kỹ sư, luật sư, hay quản trị kinh doanh. Người ta đã lo rằng sự chuyển hướng này sẽ khiến cho nền giáo dục khai phóng dần dà biến mất không kèn không trống.
Người ta tiếc vì các trường giáo dục khai phóng đã đóng góp cho lịch sử và xã hội Mỹ những trí thức, lãnh tụ cộng đồng, và những nhà cách tân vĩ đại. Những người ủng hộ giáo dục khai phóng cho rằng chính trong suy thoái hiện nay, càng cần phải củng cố giáo dục khai phóng, đào tạo trí thức vì cộng đồng hơn là huấn luyện những kẻ tham lam vị cá nhân. Cuộc suy thoái kinh tế hiện nay khiến nhiều trường buộc phải có những thay đổi quan trọng liên quan đến tài chánh. Trường Davidson từ niên học này thực hiện chính sách “không nợ”. Học phí của trường vào khoảng 35.000 đô một năm. Trường tuyển chọn sinh viên theo tiêu chí “phẩm chất tốt, năng lực học thuật cao, bất chấp hoàn cảnh kinh tế, miễn là sẵn sàng chia sẻ những giá trị học thuật và hứa hẹn là người hữu ích cho xã hội.”
Nếu một sinh viên trúng tuyển mà không có tiền đóng học phí thì sẽ được cấp học bổng không hoàn lại, chứ không cần phải vay mượn. Vì vay nợ ăn học thì sau khi tốt nghiệp, người ta phải kiếm công ăn việc làm, phải kiếm tiền để trả nợ, mà cuộc mưu sinh có thể khiến cùn lụt những hoài bão lớn lao của tuổi trẻ. Nhà trường muốn rằng khi rời khỏi cổng trường này, người trí thức trẻ hướng đến những chân trời khoa học bao la hay nhận lãnh những trách nhiệm xã hội, chứ không bận tâm đến nợ áo cơm. Vậy những khoản tiền học bổng không hoàn lại đó ở đâu ra? Từ đóng góp của những người đã từ ngôi trường này ra đi và thành đạt.
Lý Lan – Báo Sinh viên