Bây giờ, tôi xa Hà Nội đúng 1.730 km sau khi đã cộng thêm quãng ga Hoà Hưng với Thanh Đa. Như mọi người, tôi yêu Hà Nội – tình yêu tự nhiên không cần lý giải. Thời nằm hầm ngủ hố, tôi vẫn có Hà Nội bên mình qua chiếc radio nhỏ xíu bất ly thân, nghe công khai "Hà Nội niềm tin và hy vọng", nhưng cũng từng nghe lén "Huế – Sài Gòn – Hà Nội" của Trịnh Công Sơn qua giọng vàng của Khánh Ly. Nức nở khát vọng hoà bình, hàn gắn, dựng xây. Rồi hoà bình và thống nhất thật, dù Hà Nội được mô tả với rất nhiều lăng kính, nhưng tôi không a dua khi chưa có kiểm nghiệm của chính mình.
Hãy nhắm mắt lại khi nhớ để cảm nhận bằng hết ký ức của các giác quan. Hà Nội hiện ra trong tôi những gì? Nghèo khó buồn cười và hào nhoáng ngổn ngang ư? Tôi ra Hà Nội lần đầu khá muộn, mãi mùa thu 1984. Hà Nội dạo ấy còn nghèo tơi tả, nghèo bất động, nhưng đó là cái nghèo tự trọng, giấy rách còn giữ lấy lề. Nhà văn DTH mừng tôi bằng một xâu chim ngói. Mấy cô bạn ở NXB Phụ Nữ mang tới một nải chuối trứng cuốc trứ danh. Sự thơm thảo ý nhị của những món quà ít tiền nhưng nhiều nghĩa. Sau này, tôi ra Hà Nội thường hơn trước khi ra hẳn với Thủ đô. Bạn bè hay sớt cho tôi khi chiếc khăn len, đôi vớ mới và sau này thì hoa. Không ở đâu nhiều hoa để tặng nhau như ở Hà Nội, và tôi dám chắc, cũng không ở đâu người cho và người nhận cùng có sự háo hức tinh khôi khi ở giữa là một bó hoa.
Nhớ mãi cảm giác tức ngực khi lần đầu đứng ở khu Kim Liên chứng kiến một dòng xe đạp cuồn cuộn giờ cao điểm đổ ngược về phía mình. Hộc tốc và lam lũ. Nhưng cảnh tượng đó đã là gì so với dòng xe máy gầm rú trên lòng đường nguyên kích cỡ xưa. Không còn tức ngực nữa, mà là kinh hãi. Từ Dream I, rồi Dream II và giờ thì toàn xe tay ga mông bự, chừng như Hà Nội đã bỏ xa Sài Gòn qua cách người ta xài phí và ăn chơi. Nhiều lúc tôi tự hỏi, Hà Nội đang trôi về đâu vậy? Lúc ấy, cảm giác tuyệt vọng của một đứa trẻ mồ côi trong tôi thật rõ ràng. Và tôi gặp nhiều "đứa trẻ" như mình ở khắp nơi. Chúng tôi đau khổ hỏi nhau rồi mạnh ai nấy cắm cúi bước mà không có câu trả lời.
Mới năm ngoái đây thôi, tôi quyết định ra đường một mình vào chiều ba mươi Tết. Chỉ để xem khi không còn làn sóng người nhập cư thường nhật thì Hà Nội còn lại cái gì. Những vỉa hè yên tĩnh, xứng đáng để người đi bộ vận măng-tô và đi ủng đẹp. Và những người thu dọn vệ sinh cùng với những cô hàng hoa trên xe đạp mời chào. Hà Nội hiện ra cái lõi xưa, bình thản và ngăn nắp. Đúng rồi, tôi lâng lâng vui. Nếu không nhiều hoa và nhiều những người bán hoa dạo khắp ngõ ngách Hà thành thì Thủ đô ta còn ô trọc nhiều nữa. Tôi dừng lại với một cô nàng, mua hết chỗ bông hồng cổ, không quên dặn đừng vứt rác xuống đường, mỗi người sạch một chút thì Hà Nội mới sạch được em ơi! Ngày Tết, ai cũng ưa lay-ơn, hay hồng Pháp hay ly ly, tôi lại thích mùi cổ kính và mong manh của những bông hồng leo trước sự xâm lấn ồ ạt của các loại hoa Tây. Nhớ những cô bạn ở NXB Phụ Nữ cùng ưa thích hồng cổ như mình và nhớ cả những lần ôm hoa lên máy bay để khoe với bà con Sài Gòn rằng hoa Hà Nội nhiều cội nguồn chứ không dễ dãi như hoa Đà Lạt.
Khi hay tin vườn đào Nhật Tân bị biến thành một dự án, vợ chồng tôi có mặt ngay trên triền đê ấy để tiễn đưa thầm lặng một thời. Từ lâu đã không còn đê ổi trong thơ Xuân Diệu, nay sắp ra ma một rừng đào và cứ thế, sẽ mất mát thêm những gì gì nữa đây? Ngơ ngác buồn ngơ ngác hỏi nhau. Nhớ mãi cảm giác đi thảng thốt giữa những gốc đào không còn đất sống. Ai đã làm gì Thủ đô của tất cả chúng ta? Giận mà thương đâu chỉ là một khúc dân ca thấm thía hay của riêng vùng Nghệ Tĩnh. Thực ra, đó là một triết lý sống trung hậu nhưng khoan hoà của người Việt nói chung. Nhưng mà…
Tìm mãi mới mua được ở chợ hoa giả của Thanh Đa mấy bông hồng cổ. Người bán nói bông giả nầy nhập từ Trung Quốc, chớ Việt Nam đâu làm nổi thứ bông đẹp như vầy. Trời ơi, dù tự ái dân tộc có nổi lên đùng đùng thì cũng phải thừa nhận, riêng thứ hồng giả này giống thật y như thật. Cắm lên bàn thờ, ai đến cũng trầm trồ, tìm ở đâu ra mà bông đẹp vậy, chỉ giúp coi. Thật tình không thích hoa nhựa, nhưng vì quá nhớ hồng cổ mà đành đưa bông giả lên bàn thờ và vẫn nhớ để một cái bình không bên kia cho hoa tươi ngày rằm và mồng một. Quả nhiên, những cành hồng cổ luôn khiến mình ngước lên, quá giống và quá đẹp. Nó đúng là Hà Nội xưa, Hà Nội từ xa mỗi khi nhớ về. Cũng như khi ta ngắm quả đất từ khoảng cách vô vọng thì ta chỉ thấy quả đất thật xanh, thật tròn và thật là đáng nhớ, thế thôi.
Khi mới vừa nghe Hà Nội dựng phố hoa quanh Hồ Gươm, chúng tôi đã nói với nhau : "Không hợp thời một chút nào". Vì sao? Vì sau trận lụt lịch sử, Hà Nội không còn hoa để chơi và người Hà Nội cũng không còn tâm thế vui của Tết nhất. Lại nữa, khủng hoảng toàn cầu, nền kinh tế nhỏ bé của chúng ta như con thuyền nan trước sóng cả, mấy ai hồ hởi mà vui hoa? Lòng dân nổi sóng, sao người ta không nhận thấy điều đó để trấn an thiên hạ bằng nhiều cách khác? Và một Hà Nội rộng nhất thế giới, nhiều nông dân nhất thế giới đã làm cho Hà Nội đi quá xa với lịch sử văn hiến của nó rồi. Bạn có tin không nếu có người cho rằng, nhiều cư dân mới còn chưa biết đi xe đạp và còn chưa thạo tiếng Việt phổ thông? Không nhiều thứ để tự hào nữa rồi. Chúng ta vẫn yêu Hà Nội – tình yêu tự nhiên, nhưng mà…
Khi đã phải cầu viện tới những bông hồng giả cổ Made in China, đủ biết chúng tôi đã khổ tâm như thế nào. Sự thật này quá phũ phàng, nhưng nó đúng là vậy. Bạn giận hay thương, hay giận mà vẫn thương một Hà Nội ngổn ngang bời bời méo mó?
Dạ Ngân – 1/2009