Nhiều ông than, đàn bà bây giờ chẳng phải như mẹ mình ngày xưa, lúc nào cũng đòi nắm quyền, quản chồng quản con như trại lính.

Ngược lại, cũng nhiều chị em than phiền đàn ông thời nay chẳng hề có chút uy, không dám chịu trách nhiệm, trăm thứ đổ lên đầu vợ, cái gì cũng “Tùy em!”.
 
Xem ra, gia đình Á Đông với vai trò “gia trưởng” của người chồng, người cha ngày xưa cũng có cái hay của nó, khi người vợ, người mẹ trong nhà hiểu được trách nhiệm của bậc gia trưởng trong việc xây dựng một nếp nhà chỉn chu, quy củ. 
 
Gia trưởng – Một nét văn hóa?
 
Không bao giờ đặt ra những quy tắc, cũng không bao giờ lớn tiếng nói vợ phải thế này, con phải thế kia, nhưng mọi người trong gia đình đều biết đâu là những việc được phép, đâu là những việc không được phép làm. Gia đình gốc gác miền Trung, chuyển vào Nam đã lâu, nhưng anh Chi vẫn giữ nghiêm những thói quen, nền nếp đã được dạy từ nhỏ. Con gái anh học xong là về nhà, tuyệt đối không được hàng quán lê la, không ăn cơm ở bất kỳ nhà ai. Con trai đúng giờ buổi sáng dậy tập thể dục cùng với ba, sau đó dắt xe ra sân, coi lại áo mưa, xăng nhớt trong xe của từng thành viên, lưu ý đặc biệt đến xe của mẹ. Người giúp việc chuẩn bị xong, cả nhà ăn sáng, uống cà-phê do mẹ pha, rồi mới mỗi người mỗi việc.
 
Căn phòng đẹp nhất của cả nhà không phải là phòng khách, mà là phòng học chung. Tối đến, hai con mang sách vở ra phòng học, ba mẹ cùng đọc sách, làm việc gì đó đến đúng giờ mới về phòng ngủ. Trừ phòng của ba mẹ, các phòng khác trong nhà không bao giờ khóa cửa. Đầu kết nối Internet và ti-vi chỉ đến phòng học chung, anh chị đều nhất trí hạn chế tối đa giờ xem ti-vi, màn hình máy tính quay ra ngoài để có thể dễ dàng kiểm tra nội dung truy cập. Khách khứa, bạn bè đến nhà cũng được hạn chế, không chỉ do nhà chật, mà do tính anh Chi nghiêm, nói chuyện trong nhà cũng chừng mực, vừa phải, không thể bô lô ba la ồn ào như ngoài phố.
 
Sống trong bầu không khí ấy, hai con của anh tự hình thành thói quen đọc sách. Phòng học cũng là một thư viện nhỏ. Trong khi những đứa trẻ bằng tuổi mê mải với truyện tranh, thì hai anh em được mẹ lên kế hoạch đọc từ Truyện cổ Grim đến Thần thoại Hy Lạp, Harry Potter… 
 
Chị Hường, vợ anh Chi, trong những câu chuyện phiếm với đồng nghiệp cũng thỉnh thoảng than vãn về tính gia trưởng của chồng. Hai đứa con chị không phải lúc nào cũng học giỏi nhất lớp, nhưng trước sự lo lắng của vợ, trước ý định cho con học thêm cô này luyện thi thầy khác, anh Chi cương quyết để con tự học ở nhà, dưới sự kèm cặp của cả hai vợ chồng. Hai đứa nhỏ không bị áp lực về xếp loại, xếp hạng, được đánh giá là ngoan và chủ động trong việc học.
 
Cô con gái khá chỉn chu, đầu năm được bầu làm Lớp phó Học tập, anh Chi tìm gặp Giáo viên Chủ nhiệm xin cho con bé được làm… "thường dân", với lý do con gái anh không xếp hạng cao trong lớp, làm Lớp phó Học tập dễ gây áp lực tâm lý cho bé. Giáo viên Chủ nhiệm ngạc nhiên đến nỗi bỏ hẳn một buổi ngồi trò chuyện với cô học trò nhỏ, sau khi hiểu nền nếp học tập, sinh hoạt ở nhà rồi mới chịu phân công học sinh khác.

Những mô hình như gia đình anh Chi không nhiều. Thậm chí nhiều người coi đó là một kiểu áp đặt cứng nhắc đáng phê phán. Song, đối với những thành viên trong gia đình ấy, việc tôn trọng những thói quen chung đã trở thành một điều tự nhiên. Bắt nguồn từ những nền tảng vững chắc của nếp nhà, những đứa trẻ cũng dễ dàng chấp nhận những quy định từ trường lớp, tôn trọng kỷ luật chung và tôn trọng bạn bè, thầy cô.

Gia trưởng – Một hình thức thể hiện quyền lực?
 
Lý do đổ vỡ gia đình của chị Hải bắt nguồn từ những thói quen không thể thay đổi của chồng. Lấy chồng được sáu năm, có hai con, nhưng chồng chị chưa bao giờ động tay vào cái cây lau nhà hay thử một lần rửa chén. Ly cà-phê buổi sáng, ly nước cam buổi chiều chị pha cho anh, uống xong là anh để lại ly giữa bàn, ai dọn mặc kệ. Chị đã phải chuyển bốn chỗ làm để đạt được một điều kiện là có mặt ở nhà buổi chiều trước khi anh về và tuyệt đối không đi công tác xa. Lắm lúc công việc cơ quan dồn dập, anh chị em đồng nghiệp đang phải cắm cúi làm, chị vẫn phải nói khó với mọi người xách giỏ về trước. Anh nhất định không cho thuê người giúp việc.
 
Chị than phiền thì anh bảo để đưa bà nội vào trông nom nhà cửa giúp, chị sợ cảnh “một cổ hai tròng”, thêm bổn phận làm dâu nữa, nên cắn răng chịu. Anh bảo chị đi làm cũng chẳng được bao nhiêu tiền, thấy cực quá thì ở nhà chăm lo con cái. Tiền bạc của anh ra sao chị chẳng bao giờ được biết, chỉ biết hằng tháng anh đưa một khoản nói là để lo việc chợ búa. Bức bối, ngột ngạt với hàng trăm thứ việc nhà, thêm vào sự không thông cảm của chồng, chị đâm đơn ra tòa ly dị, để được tự do sống như chính bản thân mình chứ không phải làm cái máy đẻ con và công cụ chăm sóc nhà cửa hay kẻ hầu người hạ cho bất kỳ ai…
 
Một trường hợp khác của gia đình anh chị Vũ – Tương: Anh Vũ vốn rất hiền lành, ở nhà vợ nói thế nào cũng được, nhưng hễ cứ vợ chồng con cái về thăm bên nội hay bên ngoại, là anh nổi máu gia trưởng. Vợ hơi chậm một chút là anh quát vợ, con ồn ào hay chưa kịp thưa gửi là anh quát con. Ban đầu, chị Tương hơi bị sốc, nhưng khi hiểu ra anh Vũ chỉ gia trưởng lúc có mặt họ hàng thôi, còn lúc về nhà vẫn ngoan ngoãn đâu vào đấy, thì chị chấp nhận. Anh Vũ được nước càng “thể hiện” nhiều hơn, đến nỗi có hôm còn bị bà cụ mắng: “Mày gia trưởng vừa vừa thôi, vợ con nó bỏ bây giờ. Lại học cái tính của bố mày đấy hử? Tao thì một đời chịu khổ, chứ đàn bà bây giờ nó không chịu lép đâu, xem chừng  đấy!”.

Hình thức thường gặp nhất của tính gia trưởng là sự thể hiện quyền lực của ông chủ gia đình, đòi hỏi, ra lệnh, bắt buộc những người còn lại trong gia đình phải làm thế này, không được làm thế kia, cái này là đúng, cái kia là sai không được cãi… Đã có “trưởng”, ắt phải có “thứ”, gia đình được phân cấp thành người trên kẻ dưới, trong đó kẻ dưới phục tùng vâng lệnh người trên, và chỉ có một người trên duy nhất. Khi không phục tùng, quyền lực của “trưởng” – của người trên, bị xúc phạm, và người ta có xu hướng dùng một hình thức áp đặt nặng nề hơn, một quyền lực lớn hơn, không loại trừ cả quyền xúc phạm thân thể, bạo lực gia đình, để khép kẻ dưới vào khuôn khổ.

Những hình thức kỷ luật hà khắc, bạo lực, quát tháo này đã mang tiếng xấu cho sự “gia trưởng”, nhưng thực sự, “gia trưởng” có xấu đến thế? Có nên phải tận diệt tuyệt đối tính gia trưởng trong các đức ông chồng hay không?

Gian nan giữ lấy nếp nhà
 
Lấy chồng, người phụ nữ nào cũng mong muốn có một bờ vai vững chắc để nương tựa. Sự vững vàng của người đàn ông – trụ cột của gia đình, không chỉ là sự vững vàng về mặt kinh tế, mà còn là sự vững vàng về mặt nhân cách. Quyết đoán và dám chịu trách nhiệm về những quyết định của mình cũng là một khía cạnh tích cực của tính gia trưởng. Cho dù xã hội có thay đổi, trong gia đình, vai trò của người vợ có mạnh dần, bình đẳng dần, nhưng do những tố chất tự nhiên quy định, người phụ nữ vẫn mong muốn thuận theo lẽ thường “nương bóng tùng quân”, nếu bóng tùng quân đủ vững vàng và mạnh mẽ.

Muốn thể hiện vai trò “gia trưởng”, bản thân người “trưởng” đó cũng phải tuân thủ những quy định chung của cả gia đình. Nếu đặt nếp nhà làm trọng, tất cả mọi người trong gia đình đều có nghĩa vụ gìn giữ một nền nếp chung. Không thể tạo ra những đặc quyền, không thể đặt ra những lề lối khuôn phép mà bản thân mình không tuân theo. Ví dụ, trường hợp gia đình anh Chi, khi anh chị quy định chỉ truy cập Internet ở phòng học chung, phải quay màn hình máy tính ra ngoài để không giấu diếm nội dung truy cập, bản thân anh chị cũng phải dạy con và làm gương cho con việc không tùy tiện đọc thông tin cá nhân của người khác, theo kiểu tiện thể đứng sau lưng xem mà không được sự đồng ý của con. Khi dạy con gái chưa lấy chồng tuyệt đối không ăn cơm ở nhà người khác, bản thân chị cũng phải giữ rất nghiêm quy định này. Những khi thăm hỏi họ hàng thân tộc, bận đến đâu anh chị cũng phải đi cùng con, cùng ăn cơm khách. Giờ học buổi tối, giờ tập thể dục buổi sáng… các con cùng cha mẹ thực hiện. Chị cho biết, “còn khó hơn về làm dâu nhà chồng”, nhưng thấy các con được rèn luyện trong một nếp nhà nghiêm túc, chị mừng. 

Khi giáo dục gia đình được chú trọng, khi được nuôi dạy trong một “nếp nhà” cơ bản và có tính nhân văn, nhân cách của trẻ được hình thành một cách vững vàng. Những giá trị cơ bản và cốt lõi của gia đình được xác định và gìn giữ, sẽ bớt dần nỗi lo trẻ sa ngã, đổ vỡ, hay lệch lạc nhân cách sau này. Làm được vậy thì “gia trưởng” cũng được, cái uy của người cầm cân nảy mực trong gia đình sẽ luôn được đề cao, tôn trọng. Phụ nữ không mong muốn lấy chồng để rồi nắm quyền sinh quyền sát trong nhà, cũng không mong muốn lấy một anh chồng gọi dạ bảo vâng. “Gia trưởng” cho đúng đắn vẫn được chị em tôn trọng, nếu xứng mặt trượng phu…
 
Theo Hoàng Mai – PNO 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *