Với kết quả 9/9 phiếu (tuyệt đối), Dị hương, tập truyện ngắn của nhà văn Sương Nguyệt Minh đã được xướng tên đầu tiên trong buổi công bố kết quả Giải thưởng Văn học 2010 của Hội Nhà văn Việt Nam (diễn ra ngày hôm qua, 10/1 tại Hà Nội).
1. Dị hương là tập truyện ngắn thứ 6 của nhà văn Sương Nguyệt Minh (sau Đêm làng Trọng Nhân, Người ở bến sông Châu, Đi qua đồng chiều, Mười ba bến nước, Chợ tình). Gồm 9 truyện ngắn: Đêm thánh vô cùng, Đàn bà, Mùa trâu ăn sương, Đêm mùa Hạ tuyết rơi, Bên dòng Tonle Sap, Đồi con gái, Cha tôi, Cái nón mê thủng chóp và Dị hương; tác giả tự nhận đó là một bước ngoặt trong đổi mới bút pháp nghệ thuật của mình, “là một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện thực, lãng mạn và huyền ảo”.
Tác phẩm Dị Hương và nhà văn Sương Nguyệt Minh |
Tập truyện ngắn đề cập đến nhiều vấn đề xã hội như: Nỗi cô đơn của con người hiện đại, khủng khiếp nhất là cô đơn bên vợ con ở ngay chính trong căn nhà của mình (Đêm thánh vô cùng). Đó là chuyện người lính già suốt đời trận mạc trở về cuộc sống đời thường bơ vơ, không hòa nhập với lối sống hiện đại, quay cuồng, hưởng thụ sống nhanh mạnh, gấp gáp của vợ con (Cha tôi). Đó còn là tình yêu vừa lãng mạn, vừa thực dụng, si mê, đắm say và xót xa, giật mình khi cái quý báu, thiêng liêng với người này thì lại không đáng giá nửa đồng kẽm, chỉ đáng “chổi cùn rế rách” của người kia. Trao gửi tình yêu, tình cảm hay kỷ vật không đúng người thì cũng chẳng khác gì đem vòng ngọc đính kim cương tặng người dân da đỏ chỉ thích đeo dây rừng ở cổ tay (Đêm mùa Hạ tuyết rơi)…
Đặc biệt, câu chuyện về anh hùng và mỹ nhân, bao lực và cái đẹp, chiến tranh và hòa bình là những vấn đề đặt ra riết róng trong truyện ngắn Dị hương. Bi kịch của con người ở chỗ: nhiều khi cái đẹp bất lực và bị đè bẹp trước bạo tàn.
2. Nhà văn Sương Nguyệt Minh “khoe”: “Dị hương in năm 2009 khác biệt với những ấn phẩm văn chương tả thực khác ở chỗ bút pháp huyền ảo luôn trộn lẫn với hiện thực và được cộng hưởng lãng mạn đã làm nên sinh động, phung phú, cuốn hút. Yếu tố tính dục trong tập truyện ngắn Dị hương dày đặc, nhưng không trần trụi, tự nhiên chủ nghĩa mà là các chi tiết nghệ thuật phục vụ ý đồ tư tưởng tác phẩm, được viết bằng sự tinh tế, gợi cảm, đẹp và sang trọng”.
Thường là, trong 1 tập truyện ngắn thì có cái hay, cái khá, lại có cái trung bình, thậm chí là yếu. Nhưng, chất lượng các truyện ngắn trong tập Dị hương được đánh giá là rất đều. Có lẽ vì lý do đó mà Dị hương đoạt 9/9 phiếu chăng?
Huy Thông – Theo Thể thao và Văn hóa