Sinh năm 1986 nhưng Trà My nhỏ nhắn như một đứa trẻ lên 10. Đôi chân tật nguyền của cô ngúc ngắc sau chiếc khung sắt có bánh xe. Giọng nói cô khó nghe, hầu như chỉ ê â, ú ớ… Nên Trà My thực sự gây bất ngờ khi ra mắt tập truyện ngắn đầu tay.
Giấc mơ đôi chân thiên thần tập hợp 20 truyện ngắn, được Trà My sáng tác trong suốt 6 năm trời. Buổi lễ ra mắt cuốn sách vừa diễn ra sáng nay (12/6) tại Khoa Sáng tác và Lý luận, Đại học Văn hóa Hà Nội.
Phương tiện di chuyển của Trà My là chiếc khung sắt có bánh xe. |
Trong lời đầu sách, Như một lời cảm ơn, Trà My viết: "Đây là những gì tôi đã chắt chiu trong vòng sáu năm qua, là những nỗi niềm, mơ ước, suy nghĩ, cảm nhận của tôi về cuộc sống. Và đó cũng chính là sự khát khao của một cô gái không may bị khuyết tật, nhưng vẫn luôn luôn nuôi mơ ước được sống, được cống hiến như bao người bình thường khác".
Trần Trà My sinh ra tại thị xã Đông Hà, Quảng Trị, là con cả trong một gia đình có 4 chị em. Sau một trận ốm từ bé, chân Trà My bị teo ngắn lại không thể tự di chuyển, bàn tay co quắp khó cầm nắm, còn giọng nói không được tròn vành rõ tiếng, chỉ có thể ú ớ trong miệng. Chính vì vậy Trà My không được đến trường. Nhưng bằng sự tự học và nghị lực phi thường, cô bé biết đọc, biết viết, cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, biết sử dụng máy tính và dần dà biết làm thơ viết văn. Viết như để nói ra những ước mơ, khát khao không thể ngân lên thành tiếng của mình.
Một người bạn cùng cảnh ngộ đến chia vui với Trà My. |
Không được đến trường, không thể tiếp xúc trải nghiệm với cuộc sống bên ngoài như người bình thường, Trà My khắc phục sự hạn chế về vốn sống của mình bằng cách đọc báo, lên mạng, lắng nghe và quan sát. Thế nên, độc giả sẽ bất ngờ nếu tìm thấy trong Giấc mơ đôi chân thiên thần những câu chuyện về sự sa đọa, hư hỏng của giới trẻ, chuyện ngoại tình, sự kỳ thị giàu nghèo, sang hèn trong xã hội… chứ không chỉ quẩn quanh trong nỗi đau của cô gái tật nguyền. Đâu đó, trong truyện này, truyện nọ, My viết còn non nớt, cấu trúc truyện còn đơn giản, nhưng mỗi chi tiết, mỗi cách nhìn, sự quan sát của tác giả đều bộc lộ cảm nhận của một trái tim nhân ái, giàu lòng trắc ẩn. Trà My cũng không ngần ngại bộc lộ mình, không ngần ngại hé lộ những giấc mơ còn dang dở. Nếu truyện của Trà My chưa thực sự chắc tay thì ít nhất nó cũng rất chân thật, khơi gợi khát khao sống và thức dậy nghị lực phấn đấu ở mỗi con người.
Hạnh phúc vì cuốn sách ra đời, nhưng Trà My vẫn rất trăn trở, liệu cô có được chiếu cố hay không. Tuy nhiên, bà Vũ Kim Thanh, đại diện nhà xuất bản Lao Động – nơi đỡ đầu tác phẩm của cô, đã nhận xét: "Chúng tôi đọc bản thảo và coi nó như sáng tác của một tác giả chứ không phải của một người tật nguyền".
Trà My và cô bạn thân Lê Na. |
Tại buổi lễ ra mắt sách rất đông đảo bạn bè, người thân đã đến chia vui với Trà My, có cả những người đồng cảnh ngộ, lẫn những người nổi tiếng biết đến cô qua sách báo và những cuộc trò chuyện trên mạng. Nhà thư pháp Trịnh Tuấn tặng cô bốn chữ: Chí – Mỹ – Tình – Phục. Anh nói: "Tôi đặc biệt cảm phục Trà My, nghị lực của em đã làm cho người khác cảm thấy cuộc đời đáng yêu hơn".
Còn đạo diễn Nguyễn Hữu Phần xúc động kể lại sự gặp gỡ giữa ông và cô gái: "Trà My gọi điện và nhắn tin cho tôi, bày tỏ ước muốn được viết kịch bản phim. Khi tìm hiểu về cuộc sống của em, tôi rất ngạc nhiên. Tôi hy vọng, My vẫn tiếp tục nuôi giấc mơ viết. Viết trước hết để thỏa mãn nhu cầu được bộc lộ, được giãi bày những ước vọng trong chính bản thân mình".
Và ngày ngày, trên từng trang viết, từng entry blog, Trà My vẫn hồn nhiên bày tỏ ước mơ: "Ước mơ về một giọng nói chuẩn hơn, ước mơ được thành công bằng chính khả năng của mình và ước mơ sẽ có một ai đó đủ bản lĩnh và giàu sự đồng cảm để đứng cạnh tôi".
Theo Hà Linh – eVan