Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ngoài hai phần ba dành cho tuổi thơ, còn lại là truyện phiếm, tạp bút nhẹ nhàng, dí dỏm, trong đó, có một sáng tác khá nổi tiếng mà hầu như người đàn ông nào nhắc đến cũng gật gù: Sợ vợ, lợi hay hại. Ông “bình loạn”: Nhà văn Lỗ Tấn viết: Liếc mắt coi khinh nghìn lực sĩ – cúi đầu làm ngựa cho nhi đồng, nhưng không có vợ làm sao có trẻ con, nên đúng ra phải là “cúi đầu làm ngựa cho vợ ta”! Viết thì thế, nhưng thực tế thì sao?
Tình yêu mãnh liệt
Trái hẳn với cách nghĩ vợ của các nhà văn thì phải thuỳ mị, đoan trang, dịu dàng, nhẫn nhục… chị Tiếng Thu – vợ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, được cả chồng và bạn bè chồng vì nể vì trước kia, phần lớn họ đều là lính của chị, khi còn trong lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP).
Chị Tiếng Thu bên những nhân viên của quán Đo Đo. Ảnh: Trần Việt Đức |
Mười tám tuổi, học xong 12 thì đất nước giải phóng, chị tự nguyện lên rừng tham gia TNXP, rồi trở thành phó bí thư Đoàn của lực lượng. Anh lúc đó cũng gia nhập TNXP nhưng ở thành phố, vì lý lịch. Họ gặp nhau trong một lần sinh hoạt chung và sau đó không gì có thể ngăn cách họ được nữa. Lấy anh, chị bị kỷ luật, và từ đó chị cũng từ giã luôn lực lượng TNXP.
Năm 1986, chị sinh con, nhà không có một xu. Chị phải đội mũ sùm sụp che mặt ra chợ bán cái quần, cái áo để lấy tiền mua sữa cho con. Sau mấy tháng nghỉ hậu sản, đến ngày đi làm, chị phát hiện mình không còn gì để mặc nữa. Chị phải mặc quần áo cũ xin được của anh chị em trong nhà, của bạn bè thương tình mà cho. Toàn bộ số tiền anh chị kiếm được chỉ để nuôi bé Quỳnh Anh. Vì thế mà chị nói: “Tôi với anh hợp nhau nhất chính là ở chỗ thương con”.
Cũng vì thương con mà mọi dằn vặt, nghi ngại, đau đớn được xoa dịu, tỏ bày cho đến khi những nỗi cảm thông lớn dần và giết chết cái tôi ở mỗi người. “Cũng khó mà nói có một gia đình nào hạnh phúc từ đầu đến cuối, phải có một quá trình dài nhường nhịn lẫn nhau. Thời gian càng dài thì sự cảm thông càng lớn và tới giờ này mới dám nghĩ tôi có thể sống suốt đời với anh, chứ hai mươi mấy năm vừa rồi không suôn sẻ lắm, vì nhiều lý do: không hợp nhau về quan niệm, những ảnh hưởng râu ria bên nhà vợ nhà chồng, và cả những lúc khó khăn kinh tế quá căng thẳng. Mình cho rằng mọi cặp vợ chồng đều vượt qua được hết với điều kiện phải yêu thương nhau và nhịn nhau một chút. Giờ đây chúng tôi sống, nghĩ và yêu cũng khác xưa nhiều lắm. Anh bao dung, galăng hơn, còn tôi thì nhẫn nhịn, hy sinh hơn”, chị tâm sự.
Chị kể anh Ánh có một thói quen, đó là mỗi khi anh ngồi viết trên lầu, ở dưới nhà phải có chị hoặc con gái. Anh bảo phải có mặt những người thân, anh mới thấy được an tâm hoàn toàn và trong không gian của một ngôi nhà yên bình, anh mới viết được những câu văn hồn nhiên, đẹp đẽ cho mọi người. “Vì anh luôn muốn sự bình an, anh sợ cô đơn lắm, có lẽ do tâm hồn anh mỏng manh hơn người bình thường” – chị giải thích.
Và tìm thấy ý nghĩa cuộc sống
Trải qua một thời gian khốn khó, sau khi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã có vài tác phẩm “best seller” thì kinh tế gia đình tạm ổn. Chị nghỉ ở nhà mãi cũng buồn, gặp lúc mấy người cháu của anh ở quê lên than thở không có việc làm, gia cảnh nghèo khó, hai vợ chồng bàn nhau mở quán ăn. Quán chợ Đo Đo ra đời là vậy.
Hai năm đầu là thời gian vất vả nhất của chị, lây cả sang anh nữa. “Tôi cứ phải lấy lương của chồng trả lương cho nhân viên. Có khi không có tiền trả lương, tôi đành cho nghỉ gần hết. Tự mình dậy từ 4 giờ sáng đạp xe đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp và cả rửa chén bát… bây giờ tôi trả lương cho người rửa chén còn cao hơn cả người chạy bàn vì biết sự cực khổ của lao động là thế nào. Có những lúc bạn bè anh đến hỏi sao để vợ khổ thế. Nhưng tôi vốn là người đã làm phải làm cho bằng được. Cuối cùng thì những năm tháng ấy cũng đã qua đi. Giờ thì tôi đã có thể tạm yên tâm giao lại cho các em”. “Chị định giao lại cho các em? Làm sao chị có thể tin tưởng?” – Tôi hỏi. “Có chứ, tôi có một nguyên tắc không bao giờ thay đổi trong đời, đó là mọi mối quan hệ từ sơ đến thân, trước nhất đều bắt đầu bằng niềm tin. Kể cả người đó dù tốt, dù xấu, miễn là họ không đánh mất niềm tin nơi mình. Nhờ đó mà hiện nay, mặc dù các em không phải là máu mủ ruột rà, nhưng tôi đã có thể hoàn toàn tin tưởng giao cho các em toàn bộ nhà hàng này”.
Cũng chính từ những nhân viên đáng tin cậy của mình, chị Tiếng Thu đã thực sự tìm thấy ý nghĩa mới trong cuộc sống kể từ khi chị tạm rời bỏ lý tưởng cao đẹp ngày xưa. Chị nhận ra, giúp đỡ những người cùng khổ là một trong những điều mà ai cũng có thể làm được, làm một cách tận tình và thiết thực.
Cái quán ăn nhỏ bé ngày nào giờ đã là một tiệm ăn khá nổi tiếng với vài chục nhân viên thay phiên nhau phục vụ. Nhân viên của chị phần lớn đều ở quê lên, thất học, gia đình nghèo khó. Có cả những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn lên tá túc, rồi làm tại đây để kiếm tiền trả học phí. Ngoài lương, các em được ăn uống và ở miễn phí tại căn phòng trọ chị thuê cho nam riêng, nữ riêng. “Tôi có một nguyên tắc: “Chỉ giúp đỡ cho những người thực sự nỗ lực để vươn lên chứ không cứu đói giảm nghèo. Kể cả bà con ở quê muốn lên để xin tiền tôi cũng không hài lòng, mà nói nếu muốn thật sự có tiền, hãy kiếm nó trong công việc và lao động thật sự”. Chính vì vậy mà dần dần chị nhận ra được chân lý của cuộc đời mình: “Dù bây giờ anh Ánh dư sức nuôi vợ con nhưng tôi vẫn lao động vì tôi muốn giúp đỡ mọi người bằng chính sức lực của mình”.
Mới tháng trước, có một bữa tiệc diễn ra tại nhà hàng Đo Đo mà khách mời đều là nhân viên của quán, do chủ quán đứng ra thết đãi để ăn mừng bốn nhân viên ở đây vừa tốt nghiệp đại học.
Theo Ngân Hà – SGTT