tản văn
Ga Vọng ngày xưa như thể ga xép đồng quê. Sau ga là vườn cây ngoại thành quen thuộc. Chích chòe ngân nga cành sấu ban mai. Chào mào líu lô trưa ổi chín. Tiếng họa mi tím mờ lối ngõ mưa bụi hoa xoan. Đêm mưa đầu hạ, dòng mương đầy ắp tiếng ếch nhái gọi nước sóng lừ. Bờ khoai nước như thể xanh hơn, lại như thể buồn hơn trong tiếng cuốc kêu khàn khàn khắc khoải trong ánh đèn khuya. Đôi cò lửa từ đâu bay về đậu trên nóc nhà ga, nghe tiếng còi tầu giật mình sải cánh về phía đầm Phương Liệt. Cà cuống nhiều vô kể, say ánh điện bay loạn xạ góc vườn.
Trước ga là khoảng sân rộng. Khi vắng tầu, cây sấu già buồn hắt hiu. Trong nắng đầu hè, cây lộc vừng thả chùm hoa đỏ. Cữ mưa ngâu, quả bàng chín vàng như ổi chín. Lác đác đó đây có đuôi diều phất phơ trong gió. Bụi xấu hổ e ấp chùm hoa trên dải phân cách giữa hai đường tầu. Tiếp đến là Đường số 1 thư thả bộ hành, xe đạp. Thỉnh thoảng, vài ô-tô chạy qua để lại phía sau vạt mỏng bụi đường.
Tầu chợ Hà Nội – Nam Định, Hà Nội – Thanh Hóa, Hà Nội – Vinh đều dừng ga Vọng. Ngày thường, nhà ga vắng vẻ, thưa thớt khách ra vào. Bác bảo vệ rỗi việc đâm ra nghiện thuốc lào. Ngày hai, ngày bảy âm lịch, phiên chợ Mơ, nhà ga náo nhiệt đông vui. Hàng hóa từ Thanh – Nghệ, từ châu thổ sông Hồng theo tầu chợ ra đây. Sản vật đồng quê, từ ga Vọng lên xích-lô, ba gác hoặc gánh bộ dọc Đại La về phía chợ Mơ. Mặt khác, đi tàu điện lên Cầu Giấy, lên Bưởi, có khi vào tận chợ Hà Đông.
Thuở ấy, tầu chợ và tầu điện là phương tiện giao thông công cộng gần gũi thân thiết với người lao động. Những ngày chợ Mơ, bác bảo vệ diện đồng phục mới, đi đứng thư thả nghiêm trang. Nói năng nhẹ nhàng dịu dàng. Nụ cười thường trực trên môi. Gặp các bà, các chị hoàn cảnh gia đình trắc trở, đôi mắt bác đượm nỗi buồn chia sẻ cảm thông. Thuở ấy, khách quý nhà ga. Nhà ga quý khách. Gặp nhau chào hỏi như thể ruột rà thân thuộc lâu ngày mới gặp. Kiểm soát vé ga chỉ là công việc tượng trưng, cho phải phép. Không mang mục đích tận thu. Không ai gian lận vé đi tầu. Trên tầu, nhà ga không có kẻ cắp, không người ăn xin. Chỉ có người bán hàng rong và người hát rong. Tiếng rao hàng ngân nga như tiếng hát. Câu hát xẩm than thân trách phận man mác nỗi buồn. Phòng đợi nhà ga có thùng nước tự giác. Hương vối ngọt ngào vị quê. Uống một chén, tự giác bỏ một xu vào hộp. Uống xong, tráng chén úp vào khay. Tự dốc hộp lấy tiền thừa.
Theo thời gian, ga Vọng mất dần vẻ đẹp tĩnh lặng ga xép đồng quê. Trở thành nơi dự phòng phía Nam của ga Hàng Cỏ. Từ ga Vọng, thêm ngả đường sắt đi về phía Tây dọc theo đường Tầu Bay. Đường này, đến Bãi Đá, thêm nhánh phía Nam hun hút vào công trường quân đội. Đường chính đi tiếp vào sân bay Bạch Mai, khu quân sự tuyệt mật của Phòng không – Không quân. Cũng từ đây, ga Vọng nhộn nhịp khác thường, bí mật khác thường. Nhiều khuya, những đoàn tầu quân sự trùm kín bạt lặng lẽ qua cầu Long Biên. Không dừng lại ga Hàng Cỏ. Đi thẳng xuống ga Vọng. Đi tiếp về phía Tây, vào thẳng sân bay Bạch Mai. Thời điểm ấy, đường Tầu Bay hạn chế khách vãng lai từ cầu sông Lừ đến ngã ba Kho Gạo. Hành lang Đông – Tây Hà Nội cậy nhờ phố Khâm Thiên.
Chiến tranh phá hoại lan về thủ đô, một phần ga Hàng Cỏ sơ tán về ga Vọng, khách tầu vào lên xuống tại đây. Ga Hàng Cỏ trúng bom, có lúc ga Vọng là ga trung tâm Hà Nội. Dọc Đường số 1, hai dãy hầm cá nhân có nắp đậy chong mắt ngày đêm quan sát bầu trời. Vườn sau, sân trước nhà ga từ dãy hầm chữ A bê-tông cốt thép chui sâu vào lòng đất. Bác bảo vệ đeo băng đỏ tự vệ. Loa pin trên tay, bác nhắc nhở bà con chờ tàu đường đi lối lại xuống hầm. Hà Nội báo động. Sân ga không một bóng người. Đầu đội mũ sắt, chắc súng trên tay, bác bảo vệ hiên ngang trong trận địa trực chiến. Hết báo động, bác mời bà con nhanh chóng rời hầm trở về nhịp sống bình thường. Bình thản rít điếu cày, đôi mắt bác lơ mơ trong khói thuốc lào.
Cũng dạo ấy, cầu Long Biên là tọa độ lửa. Bảo đảm thông tầu qua sông Hồng, từ ga Vọng thêm đường sắt đi về phía Đông ra phà Khuyến Lương. Bến phà xe lửa có một không hai trong lịch sử đường sắt Việt Nam. Ngã tư Vọng – đường bộ, thêm Ngã tư Vọng – đường sắt thành Ngã tư Kép duy nhất của thủ đô. Ga Vọng thành ngã tư thời chiến khẩn trương. Suốt ngày đêm vội vã tiếng còi tầu. Những toa hàng phủ bạt rời ga, lặng lẽ đi vào phương trời pháo sáng.
Một lần, vào khuya, chuyến tầu khách quân sự chầm chậm qua ga Vọng. Một người lính trẻ, không đúng, rất nhiều lính trẻ, tung những lá thư qua cửa sổ toa tầu. Những lá thư viết vội trên đường ra trận, không có tem, thậm chí không có phong bì, bay lả tả trên sân ga. Mọi người ùa ra nhặt. Ai nấy nước mắt lưng tròng. Bác bảo vệ nhặt được năm lá thư, năm địa chỉ khác nhau. Bình Liêu – Quảng Ninh, xóm Nước mát – Cao Bằng, thôn Gò mối – Lai Châu, Sơn Động – Hà Bắc. Thư về Nho Quan, ngoài phong bì “người phương xa” còn ghi thêm câu lục bát :
Xa nhau tình cảm dạt dào
Nhờ ông bưu điện chuyển vào tận tay.
Sáng mai, bác dậy sớm ra bưu điện chợ Mơ gửi thư bảo đảm về năm miền quê. Năm lá thư chắc chắn đến tay người nhận. Năm thư gửi đêm ấy, bây giờ đi đâu về đâu. Sau này, đường Giải Phóng nắn thẳng cửa ngõ phía Nam Hà Nội. Đoạn Đường số 1 cũ như cánh cung cong về phía Đông bị cắt lìa ra khỏi phố Vọng ngày nay. Đường sắt chạy song song với đường Giải Phóng, cắt đường Trường Chinh tại ngã tư cầu vượt. Đêm đêm qua đây, những đoàn tầu vào ra hối hả bánh xe.
Qua đất Vọng tầu không đỗ lại
Dãy phố vòng bên trái tiếng còi khuya
Chuyến tầu chót rời ga mãi mãi
Dõi theo tầu ga lặng lẽ ra đi…
Ga Vọng ra đi. Tầu điện cũng ra đi. Để lại trong tôi những kỉ niệm không còn địa chỉ.
Lê Đình Cánh – Theo tapchinhavan.vn