Và thị trường đã nói với chúng ta rất nhiều điều, đã chuyên cần chỉ ra khá nhiều cơ hội tốt nhưng chưa được lắng nghe đầy đủ. Trong một lần gặp, cựu đại sứ Thuỵ Điển Anna Lindsted nồng nhiệt nói với tôi : “Ở Stockholm hiện nay đã có một số tiệm phở của Việt Nam được mở và có khách. Khí hậu lạnh Bắc Âu mà ăn phở Việt thì hấp dẫn lắm và hơn nữa, hiện nay, thức ăn Hoa nhiều mỡ dầu quá cũng bị ngán rồi. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các bạn đưa phở đến Thuỵ Điển”. Và chúng ta cũng đã tổ chức “Những ngày Việt Nam ở Thuỵ Điển” rất long trọng, song sau đó, lại không tiếp tục đưa sứ giả ẩm thực Việt đến nơi này. Trong khi đó, nhà hàng Thái có mặt ở khắp nơi. Cũng có phần vì thức ăn Thái cũng ngon, nhưng phần chính là vì đây là phương thức kinh doanh được chính phủ Thái khuếch trương mạnh mẽ liên tục bằng nhiều dự án, chiến dịch. Những năm trước, qua Chương trình franchise chuỗi nhà hàng Blue Elephant, chính phủ Thái đã hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nhân Thái bốn lĩnh vực, từ cung cấp mẫu thiết kế thống nhất, đồ nội thất, cung cấp đầu bếp và bồi phục vụ được huấn luyện chuẩn hoá, còn cung cấp cả hàng thủ công mỹ nghệ để trưng bày và bán kèm thức ăn tại mỗi nhà hàng ở nước ngoài. Các gia đình Thái có chút đỉnh vốn có thể được cho vay, được huấn luyện, và được cung ứng tất cả mọi thứ hàng hoá, công nghệ, nhân lực và được giúp quảng cáo rầm rộ khi mở nhà hàng Thái khắp nơi.
Còn chiến lược xuất khẩu mới đây của Thái cho những năm 2005 – 2010 lại có chương trình xúc tiến xuất khẩu nhất quán và mạnh hơn cho nhà hàng Thái ở hải ngoại với cái tên mới : Bếp ăn (Thái) của thế giới (Kitchen to the world) với các hoạt động công phu chuyên nghiệp là cấp giấy chứng nhận “Tiêu chuẩn chất lượng” được thế giới công nhận cho chuỗi nhà hàng mang tên “Thai brand” và huấn luyện cách nấu ăn “món Thái đích thực” cho thực khách các nước muốn thực hành nấu món ăn Thái. Kế hoạch này đã minh thị là phát triển từ 9.000 nhà hàng Thái ở nước ngoài hiện nay lên 20.000 nhà hàng trên khắp thế giới trong 5 năm tới.
Tôi nhớ lại câu chuyện : đầu tháng 11, tại Diễn đàn doanh nghiệp toàn cầu GES tổ chức tại Singapore, thương hiệu franchise Phở 24 của Việt Nam được đề cử tranh giải “Nhà franchise quốc tế của năm 2006”. Sau khi nghe doanh nhân trẻ Lý Quý Trung trình bày, cả Hội đồng giám khảo đều thán phục tính chuyên nghiệp của bài và người báo cáo, về tốc độ phát triển quá nhanh của thương hiệu cùng triển vọng phát triển bài bản và vững vàng của thương hiệu, nhưng họ phải đành không thể trao giải vì, thời gian xây dựng quá mới và vì vậy số lượng cửa hàng mua franchise không đủ đương cự lại với các nước khác. Nỗ lực của Phở 24 đến nay vẫn là của một doanh nhân đơn lẻ. Chỉ trong vòng ba năm, nỗ lực tự thân xây dựng chuỗi franchise của ông chủ trẻ Lý Quý Trung đã được một quỹ đầu tư bỏ ra 3 triệu USD để mua 30% cổ phần, nghĩa là đã có 10 triệu USD được tạo ra, thu hút thêm 3 triệu USD nữa vào vốn kinh doanh của xã hội. Triển vọng ngành kinh doanh của anh, phở và ẩm thực Việt Nam thực ra có sức hút mạnh và lớn hơn nhiều. Nhưng thay vì có sự hỗ trợ (quá chính đáng, khá muộn và cần thiết) của một chiến lược phát triển cấp quốc gia thì đến nay chẳng có gì cả và lại từng ngày, thị trường Việt Nam đang chứng kiến sức phát triển nhanh của những Pizza Hut, Highland Coffee, Lotteria, KFC (đã có 26 cửa hàng ở Việt Nam)…
Từ giữa năm 2006, đã có nhiều đoàn doanh nhân Singapore đến tìm người mua franchise Việt Nam cho các cửa hàng thức ăn nhanh của họ. Họ không tự đi đơn lẻ, mà có cả một chính sách ủng hộ cho họ vay vốn (bằng tín chấp ngân hàng dễ dàng), huấn luyện, chuyển giao công nghệ, tiếp thị quảng bá và kết nối các cơ hội tìm khách hàng bởi chính phủ Singapore.
Nhưng đó là những năm trước 2007. Từ nay, bối cảnh hậu WTO sẽ là : có cơ hội, nếu không tận dụng cơ hội kịp thời thì không phải chỉ là vuột mất cơ hội như trước nữa, mà là chịu thiệt hại kép : vừa mất cơ hội, vừa bị thiệt hại bởi cơ hội đó lập tức bị chiếm lĩnh và khai thác ngay bởi đối thủ cạnh tranh được cung cấp cơ hội từ WTO.
Trước đây, để phát huy thế mạnh của ẩm thực Việt Nam, phải tính tới xuất khẩu nhà hàng. Bây giờ thực tế thị trường cho một giải pháp hấp dẫn hơn : franchise cả trong nước lẫn nước ngoài. Nhưng cả hai giải pháp này đến nay vẫn đều còn mới quá với các nhà hoạch định chính sách? Liệu thị trường có “nương tình” chờ ta khệnh khạng, dềnh dàng chuẩn bị?
Để lỡ cơ hội khai thác thế mạnh từ ẩm thực Việt Nam, nỗi nhớ không nguôi của những người xa xứ, trong bối cảnh cạnh tranh hội nhập, đang trở thành một nỗi đau.
Kim Hạnh – SGTT