– TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI BA CUỘC THI BÚT KÝ ĐBSCL LẦN THỨ IV –

 

1. Ở chợ xép Mỹ Ngãi, Phường l, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, gia đình vợ chồng ông Lê Văn Vạng và bà Lê Thị Lại không giàu có như bao người nhưng ai cũng ao ước bởi vợ chồng hòa thuận, con cái hiếu thảo.

Doanh thu từ một quầy tạp hóa ở đường Lê Hồng Phong không dư dả nhiều nhưng cũng có chút tích lũy, các con của vợ chồng ông đều là con ngoan, trò giỏi. Hai người con gái lớn ngoài việc học cũng đỡ đần cho ba má khối việc. Đúng là "Ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng". Không chỉ lo buôn bán mà vợ chồng ông còn là một gia đình trí thức tiểu thương. Trong nhà, ngoài các mặt hàng tiêu dùng được cất về để bán lại theo kiểu cất sỉ bán lẻ còn có cả một thư viện nho nhỏ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau được ông Lê Văn Vạng chọn lọc rất kỹ rồi mua về làm tài sản chung cho cả gia đình. Ngoài việc học tập và rèn luyện ở nhà trường, từ thứ tài sản vô hình đó, các con của vợ chồng ông đã lớn khôn và trưởng thành. Dân gian nói "Cha mẹ sanh con, trời sanh tánh". Nếu như hai chị, hễ rảnh rỗi là vùi đầu vào đọc các tác phẩm văn học và những cuốn sách nói về gia đình, xã hội thì Nhã Phương lại dành phần ưu tiên cho lĩnh vực khoa học – kỹ thuật. Rồi, nếu như chị Hai, chị Ba vừa phụ ba má bán hàng vừa đọc sách thì Phương thà "hy sinh" thêm một, hai giờ sau khi học xong buổi tối, chứ đọc sách theo kiểu của hai chị thì "lợi nhuận" mang lại chẳng nhiều. Phương có một tính cách hiếm thấy ở tuổi trẻ có là công việc của ngày hôm nay không để lại ngày mai. Có những đêm mùa đông lạnh giá, một mình đánh vật với những bài tập hóc búa mãi tới nửa đêm về sáng mà vẫn chưa ra. Hai mắt cứ díp lại, vậy là xắn quần lên quá gối rồi cho hai chân vào xô nước lạnh, trong chốc lát, Phương tỉnh lại như sáo. Giải xong bài tập, Phương chìm vào giấc thật ngon, thật sâu. Đến lúc đi làm, bao giờ Phương cũng lên lịch làm việc cho ngày hôm sau trước khi đi ngủ.

Thấy con cái ngày càng có ý thức, ông bà Vạng càng phấn chấn. Cứ mỗi dịp hè về, nhìn các con báo công với ba má bằng những tấm giấy khen là vợ chồng ông "không ăn cũng no". Được ba má chăm sóc và dạy dỗ chu đáo, việc học của cả ba chị em Phương như mầm cây cắm sâu vào lòng đất; cội rễ bền, cành lá ngày càng phát tán, chẳng bao lâu nữa sẽ cho hoa thơm, quả ngọt. Nhưng thật trớ trêu, dường như con tạo trêu ngươi để thử thách nghị lực của người vợ và ý chí của các con. Năm 1996, khi Phương đang học lớp ll chuyên Toán trường trung học phổ thông thị xã Cao Lãnh cũng là lúc gia đình em lâm vào cảnh khốn khó. Ba bị tai biến liệt nửa người. Bao nhiêu tiền của gom góp, dành dụm từ tiệm tạp hóa như muối bỏ biển cho việc điều trị của ba. Phần thương ba bị bệnh, phần thấy má tất tưởi suốt ngày đêm chăm sóc và kiếm tiền thuốc thang trị bệnh cho ba, cả ba chị em Phương nản lòng muốn nghỉ học để phụ má. "Áo mặc sao qua khỏi đầu". Vào một đêm cuối thu, khi cả nhà vừa dùng xong bữa cơm tối, bà Lại nghiêm nghị bảo cả ba chị em Phương: "Thương ba, thương má thì ráng mà học cho giỏi, đứa nào nghỉ học là má từ". Má chỉ nói bấy nhiêu rồi lui vào phòng bên xoa bóp cho ba. Cả ba chị em Phương thút thít rồi tự động về phòng của mình. Sáng hôm sau, Lê Thị Hồng Ngọc nước mắt lưng tròng nhìn ba, nhìn má rồi lặng thầm trở lại trường Đại học Khoa học tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh, chị Hai Khanh vẫn phải tiếp tục theo đuổi ngành Anh văn tại trường Đại học Sư phạm Đồng Tháp. Thương ba má, Phương và chị Hai không ai bảo ai nhưng đều chung một suy nghĩ là phải phụ tiếp má việc nhà và trông coi cửa tiệm, mỗi đêm ráng học thêm một, hai tiếng đồng hồ. Nếu má mà quỵ luôn thì…

Không những việc học được đảm bảo mà Lê Văn Nhã Phương còn là tấm gương vượt khó học giỏi tiêu biểu của trường, của tỉnh, được nhận học bổng DOMESCO. Ngày Phương mang giấy chứng nhận học bổng "Vì nguồn nhân lực tỉnh nhà" của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Y tế DOMESCO "trình báo", cả hai vợ chồng ông Vạng không sao cầm nổi lòng mình. Nhìn những giọt nước mắt của ba chảy dài trên má. Phương biết việc học của ba chị em với ba má quan trọng biết chừng nào! Học giỏi cũng là cách báo hiếu vậy. Là học sinh giỏi toàn quốc môn Hóa học, tốt nghiệp trung học phổ thông loại giỏi, Lê Văn Nhã Phương được tuyển thẳng vào trường Đại học Dược thành phố Hồ Chí Minh, được Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Y tế DOMESCO cấp học bổng toàn phần xuyên suốt khóa học. Cả khu phố nhỏ chợ Mỹ Ngãi vui hẳn lên, ai cũng phấn chấn, rạo rực. Thành tích của Phương nhưng lại là niềm vui của bao người. Từ thầy cô, bạn bè đến chính quyền và các đoàn thể địa phương, bà con lối xóm đều đến chung vui với Phương và gia đình. Đã hơn một con giáp trôi qua nhưng những gì buồn vui đối với cậu học trò cưng Lê Văn Nhã Phương vẫn còn mới nguyên trong ký ức thầy Nguyễn Đình Huy. Chờ cho tôi uống xong ly nước mát, thầy cho biết: "Là giáo viên chủ nhiệm suốt ba năm, với tôi, Phương là một học sinh toàn diện cả về học lực và hạnh kiểm: hiếu thảo với cha mẹ, với thầy cô thì lễ phép và kính trọng, sống hòa đồng và luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn bè. Trong học tập và rèn luyện luôn thể hiện tính tiên phong, đầu đàn của lớp, của trường. Ở Phương có một tư chất hiếm thấy ở lứa tuổi học sinh, đó là tính tự giác rất cao. Không bao giờ để thầy, cô giáo nhắc nhở chuyện học bài, làm bài. Hơn thế, em còn chủ động tìm gặp thầy, cô giáo để trao đổi, đề xuất những suy nghĩ và cách giải quyết của mình. Hội đủ những tố chất như thế thì chuyện thành đạt của Phương như ngày hôm nay cũng là lẽ đương nhiên".

2. Ngày Phương lên thành phố nhập học, bầu trời miền Tây được gội sạch sau trận mưa đêm càng trở nên tinh khiết, trong và cao vời vợi. Đó là sự giao hòa, đồng cảm giữa tạo hóa với lòng người. Hoàn tất thủ tục nhập học, Phương dành hẳn một ngày để suy nghĩ và sắp đặt cho việc học. Trước hết là tìm cách tiếp cận làm quen với mấy anh, chị học giỏi, được nhận học bổng của các khóa trước. Công việc tiếp theo là tìm việc để làm thêm. Mặc dù đã có học bổng của DOMESCO nhưng hoàn cảnh gia đình như vậy, nhất quyết không để má phải lo nghĩ về chuyện tiền bạc cho con ăn học ở chốn Sài Gòn. Bao nhiêu dự định trong kế hoạch là có bấy nhiêu phương án kèm theo, Phương cân nhắc, ngắm nghía nó rồi khuyên tròn vào ô học bổng đỏ chót giống như triện của vua chúa ngày xưa. Học chưa hết năm thứ nhất, má của Phương bị bệnh tai biến không đi lại được. Trước tình cảnh "họa vô đơn chí" đó, chị Hai Khanh xin chuyển sang thi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm chuyên ngành Anh văn rồi về nhà chăm sóc ba má để hai em Ngọc và Phương tiếp tục theo đuổi bút nghiên. Nuốt nước mắt vào trong, càng thương ba má và chị Hai, Phương càng gồng mình lên để học. Vào những lúc cao điểm, có ngày Phương chỉ ngủ hai, ba giờ đồng hồ trong ngày, người gầy rạc đi, ai cũng lo Phương gục mất nhưng rồi nghị lực và niềm tin đã giúp Phương vượt qua hoàn cảnh, vượt qua chính mình để tỏa sáng trong giới sinh viên nước nhà. Những năm tháng học ở Sài Gòn, Phương nghiệm ra: Muốn "cày" dai, "cày" khỏe thì phải học sinh viên miền Trung, định hướng cho tương lai lâu dài phải tìm đến sinh viên miền Bắc. Học phải có chơi mà muốn chơi phải chọn bạn (bạn chí cốt). Phương vẫn còn nhớ, có một lần ba đưa Phương cuốn sách để đọc, trong đó có một câu danh ngôn hết sức thâm thúy: "Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ cho anh biết, anh là người thế nào". Chỉ trong một thời gian ngắn, Phương đã có được những người bạn cùng mục đích, cùng chí hướng luôn vui – buồn có nhau. Càng chiêm nghiệm, Phương càng thấy kinh nghiệm của người xưa thật đáng quí. "Ôn cố để tri tân", cái lẽ ở đời là vậy. Ngoài giảng đường thì thư viện của trường và thành phố là hai địa chỉ quen thuộc của Phương trong suốt thời gian theo học đại học.

Dẫu biết "Sinh – lão – bệnh – tử" là qui luật nhưng sao chuyện đau, chuyện buồn lại cứ dồn dập đổ xuống mái ấm gia đình Phương đến thế! Trong vòng bốn năm từ 1996 đến 1999, ba chị em Phương liên tiếp chịu đựng ba nỗi đau. Năm 1999, khi Phương đang học năm thứ hai thì ở quê nhà, ông Lê Văn Vạng không thắng nổi định mệnh, để lại trên cõi đời người vợ đáng thương và ba đứa con tội nghiệp. Một lần nữa, Phương lại đặt con đường sự nghiệp của mình lên bàn cân. Quyết định: Học để báo hiếu, Phương "cày" còn hơn cả sinh viên miền Trung. "Bắc cầu nào, đi cầu đó", học tập và rèn luyện với tinh thần vì ngày mai lập nghiệp, học để cho má vui, cho ba mãn nguyện nơi chín suối, không những nhận học bổng của trường dành cho sinh viên xuất sắc mà Phương còn được nhận học bổng lớp tiếng Pháp đặc biệt. Mười hai năm học phổ thông, Phương học môn ngoại ngữ tiếng Anh, vào đại học bắt đầu học tiếng Pháp. Để vượt qua điểm yếu đó, Phương tập trung dồn sức cho giai đoạn đầu chỉ sau một thời gian ngắn, trình độ Pháp ngữ của Phương đã "bằng chị, bằng em", làm đà cho sự bức phá có một không hai trong suốt khóa học mà bằng chứng sinh động nhất là việc Phương bảo vệ luận văn tốt nghiệp đại học bằng tiếng Pháp đạt loại giỏi. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc, Lê Văn Nhã Phương được chọn đi du học sau đại học, ngành bào chế dược phẩm tại Cộng hòa Pháp.

3. Hành trang Phương mang theo đến xứ người tiếp tục con đường học vấn của mình là những kiến thức, kinh nghiệm được tích lũy trong thời gian học tại Đại học Dược ở thành phố Hồ Chí Minh. Cái khó của du học sinh Việt Nam ở nước ngoài nói chung và Cộng hòa Pháp nói riêng là rào cản ngôn ngữ và văn hóa. Để vượt qua nó, ngoài lợi thế sử dụng tiếp Pháp như người bản địa, Phương nhanh chóng hòa nhập với giới sinh viên Pháp để tùy tục "khi nhập gia" vào cái nôi văn minh của nền văn hóa phương Tây. Những kỹ năng tự chủ thời học phổ thông và quá trình tự đào tạo trong suốt thời gian học đại học đã giúp Phương không ít trong việc tích lũy, tìm tòi và khám phá: Làm việc theo nhóm, đến thư viện, bảo tàng, triển lãm, hội chợ, giao lưu với các nhà sản xuất, đề xuất và chất vấn Giáo sư, Phó Giáo sư trên giảng đường… trở thành việc làm bình thường đã giúp Phương khẳng định được năng lực của mình. Bảo vệ luận án thạc sĩ loại giỏi, Lê Văn Nhã Phương được giữ lại tiếp tục nghiên cứu bảo vệ luận án tiến sĩ. Một kết quả trên cả sự mong đợi. Chẳng ai muốn gián đoạn con đường học vấn của mình nhưng với Phương, đây là bài toán cần phải cân nhắc, tính toán thật kỹ. Ở quê nhà, trên giường bệnh má đang trông ngóng từng ngày; vả lại, gần chục năm nay được tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Y tế DOMESCO cưu mang, bao bọc mà chưa có được một sự đền đáp nào cả. Được nhà trường bảo lưu danh sách tu nghiệp sinh nghiên cứu, bảo vệ học vị tiến sĩ, Phương về nước làm việc cho Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Y tế DOMESCO để báo đáp ân tình và được chăm sóc má vào các ngày nghỉ cuối tuần.

Sống có trách nhiệm với công việc, xem công ty như gia đình, lấy công việc làm niềm vui, Phương luôn được Ban lãnh đạo tin tưởng, được đề bạt giữ chức vụ Giám đốc bộ phận xuất nhập khẩu và Hợp tác quốc tế, trụ sở đặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Trẻ cả về tuổi đời và tuổi nghề nhưng giám đốc Lê Văn Nhã Phương vẫn tự tin vào khả năng của mình. Tự tin nhưng không tự bằng lòng, có như vậy mới tạo được động lực để phấn đấu và cống hiến cho sự phát triển bền vững của công ty. Những kỹ năng và kiến thức tích lũy được trong thời gian du học tại Pháp đã phát huy tác dụng giúp cho giám đốc trẻ Lê Văn Nhã Phương rất nhiều trong việc điều hành và giải quyết công việc trực tiếp với các đối tác nước ngoài. Ngoài 6.000 đại lý của công ty ở 3 tỉnh, thành trong cả nước, Lê Văn Nhã Phương cùng các cộng sự của mình đã góp phần đưa các sản phẩm của công ty đến với khách hàng của hơn ba mươi nước thuộc các châu lục trên thế giới. Quyết tâm góp một phần sức lực nhỏ bé của mình để công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Y tế DOMESCO trở thành tập đoàn kinh tế lớn mạnh trong một tương lai gần theo chiến lược phát triển của công ty là tâm nguyện của Lê Văn Nhã Phương.

Không chỉ tận tâm, tận lực với công việc điều hành ở bộ phận Xuất nhập khẩu và Hợp tác quốc tế mà giám đốc trẻ Lê Văn Nhã Phương còn là một thành viên năng nổ trong các hoạt động xã hội của công ty. Hàng năm, vào các dịp lễ tết, tổng kết năm học hay mùa khai trường rồi thiên tai, bão lũ, Phương đều sắp xếp công việc để cùng các cô chú, anh chị trong chi bộ, chính quyền, công đoàn và đoàn thanh niên đi tặng quà các gia đình chính sách, các hộ nghèo, học sinh – sinh viên vượt khó học giỏi. Những việc làm tưởng như rất đỗi bình thường đó ở công ty như giọt phù sa bồi đắp cho tâm hồn Phương về lòng nhân ái, sự sẻ chia với những số phận nghèo khó như chính công ty đã cưu mang, bảo bọc mình trong suốt mười mấy năm qua. Từng nếm trải gian khó, Phương càng thương phận nghèo hơn bao giờ hết. Tôi vẫn còn nhớ, trước khi bay sang Pháp tiếp tục học tập, nghiên cứu bảo vệ luận án tiến sĩ, Lê Văn Nhã Phương đã tạo được một dấu ấn đẹp trong lòng sinh viên và khán giả truyền hình khi Phương đại diện cho Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu y tế DOMESCO trao học bổng cho sinh viên các trường đại học vượt khó học giỏi được tổ chức tại trường đại học Đồng Tháp vào dịp đầu năm mới 2008 – 2009. Cảm phục và ghi nhận thành tích học tập của các bạn trẻ sinh viên nhưng Phương cũng không ngần ngại nói thẳng những điểm yếu của sinh viên hiện nay, đó là thói quen chờ giao công việc mà chưa tự giác xây dựng kế hoạch, tự tìm kiếm công việc để làm. Lệ thuộc vào người khác – cho dù đó là thầy của mình – là một rào cản mà mỗi sinh viên cần phải tự mình tháo gỡ để xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu. Được ngồi ở giảng đường đại học là ước mơ của bao bạn trẻ nhưng đó chỉ mới là sự khởi đầu. Muốn có được một việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp đại học, ngay từ khi còn là sinh viên, mỗi một sinh viên hãy trang bị cho mình những yếu tố cần thiết như trình độ ngoại ngữ, kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm hoạt động theo nhóm… mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các nhà tuyển dụng. Và một điều hết sức quan trọng là khi thời cơ đến thì hãy nhanh chóng nắm bắt lấy vì nó không đến với mình lần thứ hai trong đời.

4. Sau bốn năm trải nghiệm những kiến thức, kỹ năng có được từ giảng đường vào công việc thực tế, giỏi về chuyên môn, giàu kinh nghiệm, Phương quyết định trở lại nước Pháp tiếp tục nghiên cứu bảo vệ luận án tiến sĩ ngành bào chế dược phẩm vào tháng 10 năm 2008. Về quê đón tết Kỷ Sửu năm 2009, dù bận rộn với bao công việc nhưng Phương vẫn thu xếp dành trọn cho tôi một buổi tại tiệm café Tây Việt trên đường Thiên Hộ Dương ở phường 4, thành phố Cao Lãnh. Trong cái se lạnh của đất trời phương Nam mấy mươi năm mới có một lần, vừa nhâm nhi tách café, chúng tôi vừa đàm đạo về chuyện người, chuyện ta, về đời sống thường nhật trong cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu… Trong những câu chuyện không có chủ định được bắt nguồn từ mạch chảy của cảm xúc và suy tư giữa hai người, điều làm tôi tâm đắc nhất là cách nhìn, cách nghĩ của Nhã Phương về giá trị của tri thức trong xu thế hội nhập: "Khi mỗi sản phẩm làm ra được thẩm định tốt – xấu theo tiêu chí tỉ lệ phần trăm chất xám nó chứa đựng là bao nhiêu thì vai trò của tri thức là vô cùng quan trọng, nó quyết định sự sống còn của mỗi cá nhân, doanh nghiệp và cả cộng đồng xã hội. Tri thức là thứ tài sản vô hình, vô giá. Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói thiên niên kỉ thứ III là kỷ nguyên kinh tế tri thức đâu anh!".

Vâng! Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ hình dung được vị Giám đốc trẻ này là người như thế nào rồi! Sau tết Nguyên Tiêu năm 2009, Phương lại sang Pháp tiếp tục cuộc hành trình tiềm kiếm "tài sản" để sống và làm việc hữu ích nhất cho bản thân và cộng đồng.  

NGUYỄN TRỌNG QUẾ (Đồng Tháp)     –  ThThe – Theo SCLO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *