(Đọc tập thơ "Đừng múc cạn nỗi buồn" của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh)
Thập kỷ 80 của thế kỷ 20 từng chứng kiến một sự đổi mới, bắt đầu từ tư duy, sau đến thực tiễn ở Việt Nam. Cuộc đổi mới đó cũng bắt đầu chia đôi nhận thức và hành động, người đi đầu đổi mới và người sợ đổi mới. Và hôm nay, chúng ta cùng chứng kiến, đất nước đã có bộ mặt khác, tươi đẹp hơn, giàu có hơn và thách thức tiếp tục cũng lớn hơn. Thách thức lớn hơn, tức là nền kinh tế – xã hội phát triển hơn!
Trong văn học, Nguyễn Huy Thiệp là một hiện tượng, độc giả cũng chia đôi, người cho văn Nguyễn Huy Thiệp hay, người cho dở. Nhưng rồi, văn Nguyễn Huy Thiệp vẫn còn đó. Ông không được trao giải thưởng. Có sao đâu, đời văn, chưa hẳn giải thưởng nhất thời đã là một thước đo.
Bây giờ, sau hơn 20 năm đổi mới, người đọc lại chia đôi khi đọc và đánh giá "Đừng múc cạn nỗi buồn" – tập thơ của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh. Có người cho rằng, tập thơ này hay nhất kể từ 1975 đến nay, và có người bỏ phiếu cho tập thơ này vào giải thưởng thơ năm 2009 của Hội Nhà văn. Có người cho rằng, tập thơ chỉ làng nhàng, hoa hậu phường! Điều này không có gì lạ, vì chúng ta đang ở vào thời kỳ mà thực tiễn thay đổi nhanh chóng và hình như tư duy chưa thay đổi kịp. Thang giá trị vẫn chưa ngã ngũ, cái mới chưa thắng cái cũ và ngược lại. Phê bình văn học chưa phát triển, chủ yếu vẫn là cách nhìn cũ. Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là tập thơ đã hiện diện. Tiếc rằng, tôi chỉ được đọc kết luận của hai phía mà chưa được ai chứng minh. Do số lượng phát hành quá ít (200 bản), nên ít người được đọc.
Tôi may mắn có tập thơ này và đã đọc nó nhiều lần. Vậy thực chất tập thơ này ra sao, hay nhất, hay là dở nhất? Biết rằng để trả lời câu hỏi này chẳng dễ dàng gì, nhưng tôi muốn nói với chính mình và những người bạn thân của mình vài cảm nhận về tập thơ này.
Nếu thơ là sáng tạo, sáng tạo trong phương pháp tiếp cận, sáng tạo trong cảm xúc, trong cấu tứ, trong ngôn ngữ thì "Đừng múc cạn nỗi buồn" có điều đó. Trong 49 bài thơ, tuy mức độ khác nhau, nhưng cái mới, lạ luôn có ở từng bài.
"Có phải trời theo gió vào mũi con
đất hoá thành cơm chui vào bụng con
sông nước mượn cơn khát chảy vào máu thịt con".
Viết như thế thì chưa từng ai viết. Nguyễn Thị Ánh Huỳnh không nói đến tình yêu thiên nhiên như bài học đầu tiên khi nói với con mình bằng sự áp đặt. Những hình ảnh tưởng lớn hoá ra rất bình thường, ai cũng thấy. Nguyễn Thị Ánh Huỳnh không chỉ dừng ở đó, đó chỉ là cái phôi thôi, tác giả đi đến cái bất ngờ hơn, khái quát hơn :
"Cái con nhìn thấy khi thức
nhỏ hơn nhiều lần từ giấc ngủ sinh ra!"
Tứ thơ rất tự nhiên, khi đọc xong, ta thấy một thiên nhiên đẹp và có ích bao nhiêu. Nhưng nó còn đẹp hơn nhiều qua giấc mơ. Phải yêu thiên nhiên, con người lắm mới có giấc mơ như thế. Đẹp ở đây được ẩn sâu! Đây không phải là một phát hiện rất thơ ư?
Có những câu thơ đẹp, mang lại cho ta sự thanh thản, yêu đời, và tất nhiên, yêu người hơn :
"Ngoài kia lông ngỗng đầy trời
mùa thu rắc lối cho người tìm em".
Viết như thế là rất mới. Lông ngỗng không xa lạ gì, nhưng lông ngỗng ở đây lại được tác giả mượn sự quen thân đó làm nhiệm vụ khác, giao liên cho tình yêu.
Bất ngờ trong thi tứ tưởng chẳng ai hơn Nguyễn Thị Ánh Huỳnh.
" – Kìa con coi ngôi sao Hôm
đang li dị bầu trời
để sớm mai thành đoá sao Mai".
Đọc những câu thơ trên, tôi giật mình trước một phát hiện rất thơ. Không theo lối mòn, thơ chỉ có lối đi vừa cho một người thôi. Nguyễn Thị Ánh Huỳnh đã đi trên con đường hẹp đó. Tứ thơ chặt chẽ, ý thơ bất ngờ, ngôn ngữ không xa với đời sống thực, vận động cùng đời sống, nên phía sau thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh lại chính là nỗi niềm con người hiện tại. Nỗi niềm đó buồn nhiều hơn vui. Trong xã hội Người, buồn lại là một giá trị sống, một minh chứng cao đẹp cho sức sống mạnh liệt của con người. Theo tôi, đây là một phát hiện lớn nhất của thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh. Thông qua những nỗi buồn, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh ca ngợi con người, trước hết là người phụ nữ. Tôi không cho rằng vì tác giả là nữ nên dễ chia sẻ với phụ nữ. Chừng đó chưa đủ, trong thế giới Người, phụ nữ tạo ra nhiều giá trị tinh thần Người đẹp nhất, nhưng họ cũng là người chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ. Vì vậy mà phụ nữ hơn ai hết có nhiều ước mơ thánh thiện nhất. Bài ca thiên nga, phải chăng là nỗi lòng, sự ước mơ chân chính của người phụ nữ về một cuộc sống thuỷ chung, sự đánh động một tình cảnh hiện nay mà họ phải gánh chịu? Tập thơ là một lời kêu thương và sự cảnh báo. Chỉ một lá thư của người cũ thời học trò mà làm nên đám cháy. Thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh kín đáo, ta sẽ đau cùng nỗi đau của người phụ nữ ấy, người mắc kẹt trong đám cháy cuộc đời. Trong thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, cuộc sống của người phụ nữ được bộc lộ tự nhiên. Con người trong lao động, nhiều khi nỗi vất vả không phải công việc nặng hay nhẹ, mà là sự lặp lại, nhàm chán. Trong gia đình, phải có tình yêu vô bờ bến, người phụ nữ mới có thể vượt qua sự nhàm chán đó. Không gian sống của họ thật bé nhỏ, giản đơn, bạn bè của họ là nồi, niêu, xoong, chảo, dưa, cà, mắm , muối… trong khi hồn họ bay bổng và rộng lớn như tất cả mọi người. Sự vô tình của những người đàn ông đã làm đau thêm nỗi đau tinh thần của người phụ nữ. Ai người có thể làm ngơ trước những câu thơ này :
"Sướng muốn chết khoảng trời xanh sau bếp
mưa cho suối chảy trong nhà
có khi trời xuống la đà nồi niêu".
Hay :
"Ba mươi năm
con mèo xưa đã mướp
mèo đánh mất khả năng gào
…..
Sướng muốn chết mùi dạ lan hương ngạt thở
ăn ở với cà với dưa
đẻ ra mắm muối mà chưa biết tình".
Nguyễn Thị Ánh Huỳnh vẫn tìm được những hình ảnh thơ nhất trong những việc tưởng tầm thường. Nếu chọn câu thơ có thể đứng riêng, tôi tiến cử câu này : Thương lá vàng làm con ở mùa thu. Lá không còn lá, mùa thu đâu còn mùa thu, chỉ một "con ở" bỗng chốc làm cả câu thơ sinh động hẳn lên. Thơ đậm đặc ở sau chiếc lá vàng ấy, nhờ sự liên tưởng, liên hoàn, thấp thoáng cuộc đời.
Người phụ nữ gánh trên vai mọi việc như đàn ông trong xã hội, thì họ vẫn phải gánh riêng gánh gia đình. Viết về nỗi đau người phụ nữ bằng những câu thơ bình thản đã cho ta thấy hình như nỗi đau ấy đã thành sẹo rồi, đã như không cần phải chữa nữa. Qua thơ, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh ca ngợi "Thiên nga", lên án "Đối thoại với bọ ngựa" và mơ ước "Hẹn hò"… Bài thơ hay trong tập này theo tôi là bài "Hãy đưa em về ngày xưa". Những khát khao rất phụ nữ, chính đáng và thánh thiện : được yêu.
Giọng Nguyễn Thị Ánh Huỳnh là đây :
"Giờ em gần gấp ba tuổi cậu
cậu còn nhỏ tuổi hơn các con em
…
Sao đêm đêm cậu vẫn trở về
lén lút hôn em?"
Cuộc đời còn có một sự thật khác, tình yêu người phụ nữ vẫn như sóng, nhưng người đàn ông lại quá vô tình. Trong những đêm bên "ông nội của cháu nội em" vẫn "ngáy như sấm", không hề để ý gì đến những khát khao đang cháy trong lòng, chị vẫn thức, mong muốn, thèm khát cậu trẻ trai xưa. Một bài thơ không dài, ít chữ đã gói hết nỗi buồn đau, bên bếp lửa nồng cháy lại có một bếp tro tàn. Bài thơ tài tình là ở chỗ, thời gian đã đổi thay, tình yêu như sắp dừng lại, mơ ước như mới bắt đầu. Khao khát ấy, mong muốn ấy chính đáng mà không được đắp đền.
Cả tập thơ là nỗi buồn nhiều khía cạnh, có cái không dễ nói, thế mà Nguyễn Thị Ánh Huỳnh đã diễn đạt được một cách trong sáng, gần gũi, đánh thức trong ta, những người đọc. Nguyễn Thị Ánh Huỳnh là người làm chủ cảm xúc, làm chủ ngôn ngữ. Đành rằng có nội dung, nhưng với thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, nội dung cũng giàu chất thơ. Nhưng chưa đủ, thơ lại bắt đầu từ cảm xúc, mong manh lắm, cả tập thơ đều mong manh như thế. Nhiều bài thơ trong tập thơ này ý tứ sâu xa được thể hiện với tầng ngôn ngữ thơ tối ưu. Tôi không thấy bài thơ nào trong tập không có tứ. Có tứ thơ là một điểm mạnh của nhà thơ. Nhờ tứ thơ mà ta bị bất ngờ, nhẹ nhàng mà rất thấm. Đi ngược lại nỗi buồn để người đọc thấy một tình yêu và giật mình với đôi khi có gì như ân hận. Thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh có khi hơi gào thét, nặng lời, ngạo nghễ, khi thủ thỉ nhẹ nhàng rất phụ nữ, nhưng ánh lên một sức
sống lớn, nhắc nhở một cái gì trong mỗi con người. Tập thơ mỏng mà nặng.
Cuộc đời này có những điều như thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, nhưng rồi tôi muốn gặp sự tin tưởng, đáng yêu hơn, có lối thoát hơn. Đôi khi thấy thơ giải thích, khi ấy, tôi thấy phía sau lưng thơ… Buồn là một giá trị sống, tôi muốn nhắc lại điều này. "Đừng múc cạn nỗi buồn", vâng, đừng múc cạn!
TS Vương Cường – SCLO