Từ xa xưa, mùa xuân và tuổi trẻ thường gắn liền với nhau. Xuân này, chúng ta phiêu du cùng văn trẻ để cùng trải nghiệm và khám phá, cùng mừng vui và hy vọng. Còn gì thú vị bằng.

Nghiệp văn lọ là trẻ già

Văn chương vốn xưa nay được coi là nghiệp chướng, nên chẳng mấy ai quan tâm nhiều đến tuổi tác của người văn. Ấy vậy mà, chỉ cách đây chừng hơn một tháng, có Hội nhà văn nọ đưa ra quyết định khá thú vị và bất ngờ với những người viết trẻ. Từ nay trở đi Hội thành lập giải thưởng Nhà văn trẻ bên cạnh giải thưởng chung đã có từ trước của Hội. Theo đó, người muốn được trao giải Nhà văn trẻ bắt buộc tuổi đời không được quá 30, tức là phải sinh từ năm 1980 về sau. Thế nhưng, điểm mặt các hội viên của Hội hiện nay, may mắn lắm mới tìm ra được một người sinh năm 1980. Như thế, với quy định này, hai tình huống có thể xảy ra là:

Thứ nhất, sẽ khuyến khích các nhà văn trẻ cả trong và ngoài Hội cố gắng viết thật hay để có thể được vinh danh Nhà văn trẻ một cách chính thức. Tuy nhiên, sự cố gắng chủ quan của các cây bút trẻ dù rất quan trọng, nhưng không quyết định được tất thảy vấn đề, vì còn phụ thuộc vào Hội đồng chấm giải. Vậy nên, sự may rủi của các ứng viên tham dự giải có thể chỉ chưa đến một phần trăm, nhưng cũng là xác suất không thể không tính đến. Oái oăm thay là một ứng viên nào đó, nếu lần này trượt, thì cơ hội đăng quang giải thưởng Nhà văn trẻ sẽ vĩnh viễn tuột khỏi tầm tay.

Thứ hai, giải thưởng đó chỉ cốt sinh ra cho đủ mâm bát, chứ chẳng bao giờ trao được cho ai cả, vì một nghìn lẻ một lý do khác nhau.

Nhưng, xem ra trong suốt năm con đại Hổ vừa qua, nhiều cây bút trẻ cũng xông pha đáo để. Vì “đã mang lấy nghiệp vào thân” rồi mà, viết đâu lụy giải, cầu danh làm gì. Chính cốt là được nói lên điều mình muốn nói, in ra cho nhiều người đọc. Và nếu có cơ may thì tham gia diễn đàn, làm quả PR cho bốc. Cánh báo chí được thể tung hô, giật tít nóng, nâng cấp lên một vài chân kính nữa, đại loại như: Thể xác hay tâm hồn lưu lạc? Người gọi ai?,… thì cơ hội được giải không phải là không có với tất cả mọi người. Thế là cả làng cả tổng, cả phố cả phường biết tên, quen mặt. Còn nếu như con cá giải thưởng Nhà văn trẻ lần này giật hụt ắt sẽ là con cá nhỏ, vứt. Ta sẽ câu con cá giải thưởng Nhà văn choai choai, thậm chí Nhà văn già sau này còn to hơn gấp cả chục lần giải thưởng Nhà văn trẻ chứ chẳng phải chơi. Vậy là bất chấp tuổi tác hay giải thưởng, các bạn trẻ cứ thế mà xông vào, làm cho nhiệt độ đời sống văn chương nước nhà năm qua có lúc tăng lên đến vài chục độ. Vui, vui thật!

Gieo quẻ văn trẻ đầu xuân

Với những gì gặt hái được từ vài năm nay, nhất là trong năm con đại Hổ vừa qua, có lẽ văn trẻ trong năm con tiểu Hổ này cũng chưa thể tự mình tách khỏi nguồn mạch đó. Có chăng là một số cây bút trẻ sẽ đẩy đến đỉnh những vấn đề mà họ quan tâm cả về phương diện đề tài, phong cách và bút pháp thể hiện.

Một tác phẩm của Trang Hạ

 

Điểm mặt các truyện ngắn, tiểu thuyết trong vài năm qua, chúng ta thấy ngoài khuynh hướng tìm tòi những cái mới lạ cả về đề tài, cách thể hiện mà có người gọi là khuynh hướng “lạ hóa” xuất hiện từ đầu những năm 2000, còn có một số khuynh hướng khác cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều cây bút trẻ trong vài năm trở lại đây và sẽ vẫn còn ám ảnh họ trong nhiều năm tới, như khuynh hướng tính dục, nhiều người gọi là sex, khuynh hướng bình dân và gần đây nhất là khuynh hướng trinh thám,…

Những tác phẩm tiêu biểu cho khuynh hướng sex phải kể đến: Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Giày đỏ của Dương Bình Nguyên, Chờ tuyết rơi của Đặng Thiều Quang, các truyện ngắn trong tập Vũ điệu thân gầy của Từ Nữ Triệu Vương, Linh bacardi, Phạm Ngọc Lương. Tuy nhiên, khuynh hướng này còn được thể hiện cả trong những tác phẩm viết về một đề tài rất mới mẻ và nhạy cảm so với truyền thống văn chương Việt, đó là vấn đề quan hệ đồng tính cả nữ và nam trong các tác phẩm: Song song của Vũ Đình Giang, tập truyện Những đốm lửa trên vịnh Tây Tử của Trang Hạ và trước đó là tiểu thuyết của Nguyễn Quỳnh Trang,…

Dù mức độ đậm đặc trong nội dung mô tả những vấn đề đó cũng như bút pháp của từng người có khác nhau, nhưng tựu trung các tác giả trẻ không chỉ tỏ ra am hiểu tường tận vấn đề sex về khía cạnh đời sống, mà hơn thế nhiều trang viết chứng tỏ họ là những người rất say sưa khi nói đến vấn đề đầy tế nhị này. Điều đó chứng tỏ các cây bút trẻ hôm nay đã vượt qua được quan niệm mà người xưa thường gọi là “dâm thư”. Tuy nhiên, ngoài việc mạnh dạn xác lập một quan niệm văn chương mới, thì không ít tác phẩm viết về vấn đề này quá thô thiển, tục tĩu theo kiểu nói lấy được, khiến những người có văn hóa đọc e dè, thậm chí còn cảm thấy bị xúc phạm khi tiếp cận với các tác phẩm thuộc loại này.

Đi liền với xu thế hướng đến những vấn đề đời sống thường nhật của con người, thì khuynh hướng bình dân hóa là một cái gì đó rất dễ nhận thấy. Đọc các tác phẩm như Phải lấy người như anh của Trần Thu Trang, Gái điếm của Nguyễn Văn Học, Chuyện tình New York của Hà Kin và Khi nào anh thuộc về em của Cấn Vân Khánh,… sẽ thấy rất rõ. Nhưng điều đáng nói ở đây là khuynh hướng bình dân hóa chỉ cách sự nôm na hay dễ dãi quá đà trong văn phong miêu tả chưa đầy một sợi chỉ. Ưu thế của khuynh hướng này là phục vụ được nhiều đối tượng độc giả hôm nay. Nhưng mặt trái của nó là làm giảm các giá trị thẩm mỹ của tác phẩm văn chương một cách đáng kể, khiến độc giả rất dễ nhàm chán. Khuynh hướng này chính là con dao hai lưỡi mà không phải bạn trẻ nào cũng đủ “chưởng lực” để làm chủ nó.

Sang năm tiểu Hổ, có thể khuynh hướng truyện trinh thám sẽ chiếm ưu thế. Vì theo đặc tính của 12 con giáp thì cả hai con đại Hổ và tiểu Hổ đều thích phiêu lưu, mạo hiểm, nên khuynh hướng trinh thám sẽ rất hợp cách. Năm đại Hổ mới là những phác thảo ban đầu về diện mạo để sang năm tiểu Hổ, nó sẽ định hình hơn và thu hái được những kết quả bất ngờ?

Trại hoa đỏ của DiLi được một số người đánh giá là bước đầu đã biết học hỏi kiểu truyện trinh thám pha chất kinh dị của văn chương Trung Quốc. Với Trại hoa đỏ, DiLi đã gây được một sự bất ngờ thú vị, vì nó đã đặt nền cho một khuynh hướng văn chương mới. Chỉ tiếc là Trại hoa đỏ chỉ được bạn đọc đón nhận từ khía cạnh mới lạ về đề tài, còn về giá trị thẩm mỹ mà tác phẩm văn chương cần phải có thì dường như tác giả đã “bỏ quên” ở đâu đó. Còn Phan Hồn Nhiên lại thử sức mình ở một đề tài mới mang tính hiện thực huyền ảo với Những đôi mắt lạnh được lớp độc giả mới lớn ưa thích. Đến The Joker, Phan Hồn Nhiên lại tiếp tục gặt hái được thành công mới với một tác phẩm vừa trinh thám, vừa tâm lý xã hội, là một trong những cuốn ăn khách nhất tại thời điểm đó.

Với chỉ vài ba tác phẩm xuất hiện trong năm qua chưa thể nói gì nhiều về một khuynh hướng phi truyền thống, rất mới vẻ trong đời sống văn chương nước nhà, nhưng chắc chắn đây là một tín hiệu đáng mừng về một khuynh hướng mới hứa hẹn một vụ mùa bội thu cho văn chương nước nhà.

Cao Hạ Lang – Theo Sức khỏe và đời sống
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *