Người bạn trẻ tổ chức chuyến đi chơi Yeoung-mun-sa, một cảnh chùa cổ trên núi, nơi có cây bạch quả (ginko) 1.100 tuổi. Bạn đang học cao học ở Seoul – Hàn quốc. Chuyến đi chơi nhằm cuối tuần, bạn báo trước sẽ kẹt xe, mọi người chuẩn bị tinh thần, nhưng vẫn không ngờ đoạn đường đáng lẽ chạy xe trong một giờ lại phải đi những 4 giờ; chuyến về cũng kẹt, nhưng chỉ mất 3 giờ thôi. Thành ra, một ngày đi đường để viếng chùa vài ba tiếng đồng hồ. Chỉ kịp dạo qua khuôn viên chùa, ngắm cổ thụ, chụp ảnh, rồi… xuống núi.

Cây bạch quả vào thu

 
Nhưng chuyến đi thật tuyệt vời. Không chỉ vì tiết trời mát dịu, đường lên núi róc rách tiếng suối reo, cây bạch quả ngàn tuổi đang lúc xanh mởn, trái non mới to bằng đầu ngón tay, mái chùa ngũ sắc nổi bật trên nền xanh biếc của núi rừng.

Người đi chùa rất đông, già trẻ đều có, nhưng ít khách du lịch Âu Mỹ. Nơi này có vẻ như nơi nghỉ ngơi vui chơi cuối tuần của các gia đình. Có khu bảo tàng Nông nghiệp bền vững truyền thống, trẻ con tò mò ngắm cá bơi trong ruộng lúa nước, có con ốc ăn cỏ, có con nòng nọc sẽ nở ra con cóc ăn côn trùng, nên không cần thuốc trừ sâu diệt cỏ dại. Đẹp nhất là những hàng cây bạch quả trồng khắp vùng, dài theo lề đường.

Tất nhiên, đi chơi thì có cả ăn uống, chuyện trò, có những chia sẻ khiến tình nghĩa nồng thắm hơn, có cả những trục trặc bộc lộ văn hóa ứng xử của từng người, từng dân tộc. Người bạn trẻ nói, nhân có mẹ của cô X sang chơi, muốn đi chùa nên bạn mới có dịp đi cùng, ngoạn cảnh và biết thêm về vùng này. Tôi hiểu là đi chơi xa đương nhiên tốn kém, cả tiền bạc lẫn thì giờ, mà học bổng đâu có nhiều và chuyện học hành đâu phải rảnh rang. Ngay cả Seoul, bạn cũng chưa từng đi hết, nhiều nơi cũng chẳng có dịp đi qua. Mà riêng gì bạn chỉ du học ở đó hai năm, nhiều người ở cả chục năm, thậm chí sinh trưởng tại chỗ, cũng không hề biết hết, hay đi đến những danh thắng của xứ mình.

Không phải ai cũng có niềm ham thích hay có điều kiện để đi đó đây. Hồi còn dạy ở Việt Nam, tôi nhớ mỗi dịp lễ, hè, Công đoàn tổ chức đi chơi đều dùng đến những biện pháp gần như… cưỡng chế, tỷ dụ mất điểm thi đua, bị trừ tiền thưởng, vậy mà một số người vẫn kiếm được lý do chính đáng để ở nhà. Và họ vẫn là những người tử tế, hiểu biết, dù chẳng bận tâm cái điều mình sống trên một đất nước có kỳ quan thiên nhiên đẳng cấp thế giới là vịnh Hạ Long, hay sống cách kỳ quan khảo cổ có một không hai là Angkor chỉ một ngày đường, mà mình không bao giờ đi tới những nơi đó, tận mắt ngắm nhìn cái mà người các nơi trên thế giới bay hàng ngàn dặm đến để thưởng thức.

Sau này, có lúc phải đi đó đây hơi nhiều, tôi hiểu ra, không đâu như nhà mình cả, được ở nhà mình là sướng nhất. Nhưng nếu còn sức khỏe, thì giờ và có điều kiện thuận lợi, tôi vẫn tranh thủ đi chơi, quan niệm mỗi một chỗ trên thế giới này là một cuốn sách bất hủ về thiên nhiên và con người nơi đó, cuốn sách duy nhất người ta phải đến tận nơi mà đọc, không thể đọc qua “thông dịch” của những lời tường thuật, sách du ký, phim tài liệu. Cho nên, có cơ hội du học thì cũng nên du ngoạn xứ người. Dù mục tiêu của bạn là lấy cho được bằng cấp hạng xuất sắc, hay lĩnh vực bạn học là phần cứng máy tính, chứ không phải ngành nhân học hay có ý định viết văn tả cảnh như tôi, những chuyến du ngoạn cuối tuần hay dịp hè là những cơ hội đừng nên bỏ qua. Tôi không bảo đảm là những chuyến du ngoạn sẽ đem lại cho bạn những cơ hội hợp tác, thăng tiến, hay thành tựu gì. Trước tiên, và căn bản, đó là một đối xử đẹp với tâm hồn mình, và một dịp thư giãn cho bản thân.

Hầu hết, các bạn chung khóa cao học với tôi ở Wake Forest – Mỹ, là dân Mỹ, nhiều người đồng thời làm việc toàn thời gian hay bán thời gian, có người đã có vợ, chồng, hoặc con cái. Họ chắc chắn bận rộn hơn tôi. Mà nước Mỹ của họ thì họ có gấp gáp gì chuyện đi tham quan. Vậy mà cuối tuần, nhất là những cuối tuần dài, đi liền ngày lễ, được nghỉ lâu, tôi đều nhận được những lời họ rủ rê đi chơi chỗ này chỗ kia. Tôi không bao giờ từ chối những rủ rê đó. Một cuộc đi dạo với “người bản xứ” qua một vùng núi đem lại cho tôi những hiểu biết và cảm xúc không kém gì đọc một cuốn sách trong thư viện. Mà nhiều năm sau, khi đã tốt nghiệp, rời khỏi xứ đó, để tất cả sách vở lại, những cảm xúc và hiểu biết của chuyến du ngoạn ấy vẫn tươi tắn và ấm áp trong lòng tôi.

Lý Lan
Báo Sinh viên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *