Hai tiếng “Đồng Rùm” đi vào ký ức của tôi kèm theo ba chữ “kinh tế mới”. Những câu chuyện liên quan nghe thật dễ sợ : đất ở đó cuốc xuống một cái là nghe “beng” một cái, lưỡi cuốc mẻ nẩy lên vì chạm miểng bom. Người ở đó chỉ gồm hai loại, nhưng thực ra cũng là một : dân Quận 4 bị đưa đi kinh tế mới và thanh niên xung phong xuất thân từ dân tứ chiếng bụi đời. Cuộc sống ở đó như thế nào? Những năm 1978 và 1979 thường được người thành phố nhắc lại như những năm mới hòa bình, nhưng dân “cố cựu” ở Đồng Rùm nhớ đến như một thời ác liệt của chiến tranh biên giới Tây Nam, của đói khát, bệnh tật, chết chóc. Họ nghe câu hỏi cuộc sống hồi đó như thế nào chỉ lắc đầu : Cực hết biết, nói ra cô cũng không hình dung nổi đâu.

Tôi đến Đồng Rùm vào tháng tư, ngay sau một trận mưa sớm vừa đổ xuống buổi chiều, khiến không khí nồng nồng âm ẩm mùi đất “hà hơi” lên không gian đã oi ả nhiều ngày. Hôm sau, trời lại trong veo, nóng rang người, bức bối, không một chút gió. Những rừng cây cao su đứng im lìm, xanh âm u, nhưng ngay cả dưới bóng râm trong rừng cũng không thấy dễ chịu. Mồ hôi cứ rịn ra, rin rít như không thể bốc hơi. Hít thở sâu chỉ thấy thêm ngột ngạt. Ở trong nhà quạt máy chạy vù vù, chỉ khiến thêm nhức đầu. Chắc là do thể tạng tôi yếu, chứ dân ở đây quanh năm vẫn sống bình thường, bất chấp cái nắng nóng nổi tiếng của Tây Ninh.

Đi theo người học trò cũ thăm đất lập nghiệp của vợ chồng nó. Ngoài mười mấy mẫu cao su, Trân có một cửa hàng bán vật liệu xây dựng. Mấy năm trước, nhờ cao su được giá, nhiều người khá lên, xây cất nhà cửa. Dọc con đường đến Suối Dây, nhiều ngôi nhà đã xây xong, kiến trúc và bề thế trông như những ngôi biệt thự ở bên Tây. Dù là ở nơi nhiều người nghe tên hãy còn rùng mình là Đồng Rùm, đất mặt tiền vẫn có giá. Những người làm ăn thất bại đã bỏ đi, những người đang trụ lại là người có đất và cơ sở kinh doanh. Người nghèo ở xứ này hiện nay là dân nhập cư, từ miền Bắc vào, đi làm mướn trong đồn điền hay các vườn cao su tư nhân. Hay đi rà miểng bom.

Ba mươi mấy năm sau khi chiến tranh chấm dứt, tôi không tin vào tai mình khi nghe nói người ta vẫn tiếp tục đào lên vỏ đạn miểng bom. Nhưng rõ ràng, dài dài theo con đường không ít những trạm thu mua sắt vụn. Tôi ghé một trạm, thấy một đống lụn vụn rỉ sét đổ ngoài sân, cầm thử thấy nặng mới tin là kim loại, hỏi mới biết là đầu đạn, vỏ đạn, hay mẩu vụn của bom đạn gì đó. Trong nhà còn chất nhiều thứ to hơn, còn chút hình thù có thể xác định chúng nguyên là cái gì. Nhưng người chủ trạm cũng còn trẻ, nói cái này xích xe tăng, cái kia miểng pháo, thì tôi nghe vậy chứ cũng không biết căn cứ vô đâu. Tôi có xem qua một CD do Mỹ làm, có liệt kê tên hiệu kèm hình chụp các thứ vũ khí Mỹ đã sử dụng ở Việt Nam. Nhưng giữa hình chụp nguyên mẫu và tàn dư thực sự của chúng là một khoảng cách mà trí tưởng tượng của tôi không vượt qua nổi.

Rà miểng – Ảnh : Lý Lan

Khi gặp những người đi rà miểng sắt, tôi càng bất ngờ. Lúc này, nước lòng hồ Dầu Tiếng đã rút xuống, bờ bãi ven hồ lộ ra lài lài. Ở chỗ xa mép nước nhất, người ta đã trồng khoai mì cao lúp xúp. Ở sát mép nước là mặt bùn mới mọc cỏ lún phún, bước chân xuống bị lún ngập mắt cá chân. Ở chỗ đó, có ba người đang đeo cái máy rà kim loại, thận trọng rà máy trên mặt đất, dừng lại, để máy sang một bên, dùng cuốc hay leng đào đất lên. Có khi đào một cái hố to cỡ cái thúng chỉ lượm được một mẩu vụn gì đó cỡ ngón chân cái, có khi moi lên một miếng gì đó to to hơn bàn tay.

Sắt vụn tùy thời điểm giá cũng trồi sụt như mọi thứ khác ở xứ mình, vào lúc tôi hỏi thì trạm thu mua khoảng 1.000 đồng một ký. Nếu chỉ moi được mấy thứ lụn vụn này thì một ngày chỉ được mấy chục ngàn. Nếu hên, trúng vài cục lớn thì được cả trăm ngàn, vài trăm ngàn, có khi cả triệu. Sắt nặng. Mà không cần vốn liếng, ngoài trừ một cái máy rà kim loại và cây cuốc. Hồi xưa, nhiều người làm giàu nhờ những thứ tàn dư cuộc chiến này. Bây giờ khó hơn, nhưng cũng sống được. Chỉ không biết chết lúc nào. Hỏi anh nhắm bao giờ phải chuyển nghề, anh nói còn lâu, trong rừng, trong đồn điền còn thiếu gì. Biết bao giờ xứ này mới hết miểng bom đầu đạn.

Rừng hóa ra chỉ còn một lõm, lọt thỏm giữa bạt ngàn cao su. Phía giáp đường nhựa có cắm tấm bảng ghi “Khu di tích lịch sử – căn cứ Đồng Rùm”. Vài lối mòn vương vãi rác khó hủy như hộp xốp, bao ni-lông, có thể là do những người đi tham quan hay cắm trại bỏ lại. Đi một chút thì bí lối vì le hay tre trúc mọc khá dày. Ngoài ra, các thứ cây khác lưa thưa, vài cây dầu cao cao nhờ ở mặt tiền nên khó cưa trộm. Theo Nghị quyết về kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2006 – 2010 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh thì khu rừng này rộng 32 ha, được xếp vào loại rừng đặc dụng. Tôi không biết đo đạc, đi vòng vòng chút xíu đã hết rừng, không dè 32 ha mà có chút bẻo.

Đồng Rùm đi vào lịch sử chiến tranh như là nơi Mỹ đổ quân xuống miền Đông trong trận càn Junction City (được Việt hóa là Gian-xơn xi-ti). Theo đại tá Phạm Hữu Thắng (Viện LSQS Việt Nam) thì “Trong cuộc hành quân này, quân Mỹ đã huy động tới 31 tiểu đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn tăng thiết giáp, 17 tiểu đoàn pháo (256 khẩu), 9 phi đoàn máy bay phản lực chiến đấu, 5 tiểu đoàn máy bay trực thăng vũ trang, 3 phi đoàn máy bay vận tải, 22 máy bay trinh sát cùng một lữ đoàn thủy quân lục chiến và 8 đại đội biệt kích ngụy, với quân số khoảng 45.000 tên và hơn 1.000 xe tăng, xe thiết giáp”. Cũng theo tác giả này : “Trận tập kích Đồng Rùm là trận đánh lớn nhất của chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty” và “tiêu diệt được cơ bản cụm quân địch ở Đồng Rùm, góp phần đánh bại âm mưu tạo bàn đạp tiến công căn cứ Dương Minh Châu của địch.” (Trích báo Quân đội Nhân dân, ngày 6/4/2008)

Bây giờ, hai chữ Đồng Rùm chỉ tồn tại trên tấm bảng ghi chứng tích lịch sử cắm ven rừng. Xứ này, người ta đã quen gọi là Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Ngay cả ký ức thời “kinh tế mới” cũng đã nhạt nhòa. Tại sao không cứ gọi nơi đây là Đồng Rùm? Tại cái tên nghe ghê quá chăng. Chắc hồi xưa, bom đạn nổ rùm rùm nên kêu là Đồng Rùm? Nhưng một người già giải thích : Đồng này ngày xưa có nhiều cây rùm đuôn (còn kêu chùm đuôn) nên gọi là Đồng Rùm. Không biết phải không. Nhưng tôi nhìn những cái tên khác trên bản đồ vùng này thấy hay lắm : Lò Gò, Chàng Riệc, Suối Bà Chiêm, Suối Tà Ôn… Những cái tên còn ít nhiều gợi lại ký ức rừng miền Đông.

Lý Lan – Sài Gòn Giải Phóng thứ bảy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *