Người chơi sách, đọc sách, sống với sách sẽ nhìn thấy nơi mỗi cuốn sách một số phận thăng trầm, dịch biến. Nên tác phẩm này của cụ Vương không chỉ nói về một thú chơi phong lưu, mà còn chạm đến số phận của sách, và cả số kiếp của con người phía sau chúng.

Năm 1960, ông Vương Hồng Sển in cuốn Thú chơi sách. Gần hai mươi năm sau, ông viết thêm cuốn thứ hai, cùng chủ đề nhưng trong một bối cảnh khác. Ban đầu ông định gọi chơi sách là “một thú”. Nhưng, vì “một”, Hán tự, có nghĩa là “chết”, là “mất”, nên nói “một thú” nghĩa là không còn hứng thú gì nữa (hoá ra: chơi sách ngày nay đã là thú chơi bị mai một?). Lật con chữ lên, đắn đo mãi các chiều kích của nó, rồi ông quyết định viết về nghệ thuật chơi sách trong thời chứng kiến nhiều dâu bể. NXB Trẻ, trong lần in cuốn di cảo này, đã lấy một cái nhan sách gần hơn, dễ hiểu hơn rút ra từ tên một bài trong sách, như một cách gián tiếp trả lời cho câu hỏi đặt trong ngoặc đơn ở trên: Cuốn sách và tôi – thú phong lưu sót lại.

Chuyện đặt nhan sách tưởng là chuyện nhỏ của người lắm chữ lại hay đùa bỡn như cụ Vương, hoá ra lại mọi chuyện lại có cái lý – xuất phát từ nỗi ưu tư thời cuộc và thứ căn nguyên vận mệnh nội tại của nó.

Thời cuộc mà cụ Vương nhắc đến nhiều nhất được phóng chiếu qua số phận của những cuốn sách quý, những người chơi, đọc và sống với sách. Đó là những câu chuyện rất cảm động trong một cục diện lịch sử đổi thay đã xáo trộn đời sống của mọi thứ, trong đó có sự thay đổi của một “trường đọc”, một đời sống khác của sách, của người gắn với nghiệp bút mực, sách vở ở Sài Gòn. Nhiều người bỏ quê hương ra đi, gia tài để lại là những tủ sách quý gom góp chắt chiu sau nhiều chục năm. Phận sách cũng long đong, ra chợ trời, vào tay ve chai giấy vụn, may mắn thì gặp người nâng niu mang về, bằng không phiêu dạt chẳng biết đâu lần…

Cái giật mình của Vương Hồng Sển khi không còn nhận ra trang bìa một cuốn sách mà mình trân quý sau nhiều ngày xáo xào, cất giấu cho thấy mối ưu tư về một “trật tự mới” trong số phận sách vở, trí thức.

Cuốn sách cũng kể về những người hết lòng với sách đã phải cam lòng cắt bỏ nhiều trang trong cuốn sách mình từng nâng niu trân trọng để khỏi bị liên luỵ, cũng có người lần lần ra chợ trời thấy sách chính mình viết được bày bán mà không tài nào mua nổi…

Nếu gọi chơi sách là thú phong lưu thì sự phong lưu ấy, vào thời điểm ông viết cuốn sách này ít nhiều bị thách thức bởi thực tế vừa hài hước vừa chua chát của cuộc sống mà ông thể hiện với một giọng kể chất u mặc thượng thừa. Nếu ở cuốn trước, ông say sưa viết về một thiên đường khi miên man bàn về những chất liệu giấy, bọc da quý, nghề đóng sách, những chiếc tủ danh mộc… thì ở cuốn sách này, ông chỉ nói về sự giữ gìn niềm say mê hứng thú với sách, qua việc kiếm tìm nguồn sách, đọc, chia sẻ chữ nghĩa, viết lách với nhóm những bạn bè cùng thời mà ông quý mến, trân trọng (Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Hiến Lê, Lê Thọ Xuân, Đoàn Quan Tấn).

Nhưng rồi, điều đáng quý nhất là qua những tương tác với cộng đồng văn hoá đọc, ông nhận ra: “Chứng nào như tật ấy, người miền Nam không chơi sách đẹp thì chơi sách chứa chuyện hay, và không chơi giấy sang thì chơi sách in trên giấy nhựt trình cũng được, và “thú chơi sách” cuốn 2 nầy, sẽ nói về “nghề ra chợ trời lượm mót sách còn sót lại” mặc kệ xấu rách, miễn chuyện được hay và có ý – nghĩa răn đời”.

Và từ chỗ cái cái gạch nối liên kết giữa phận sách – đời người, ông viết về bản thân: “Biết là một việc trái mùa, nhưng sách với tôi, làm sao quên nhau được, mà may phước, tôi còn sách đầy nhà, nên vì sách, tôi biết chút gì tôi nói để tỏ cảm tình riêng với sách. Sách là bạn tốt không biết chữ “bạc tình”.

Nhận mình chỉ nói “chuyện khào” về cái “lạc thú” chơi sách, đọc sách và viết lách nhưng có thể nhận ra phía sau những “chuyện khào” được sắp xếp theo một trật tự tản mạn rất đặc trưng ấy là một ngọn lửa có thể truyền đi hơi ấm và ánh sáng sẻ chia cho những ai còn ưu tư với sách ngày nay.

Nỗi băn khoăn của cụ Vương về việc đặt nhan đề cho cuốn sách là câu chuyện hài hước nhưng nhiều tự vấn, cho những ai thời nay còn coi chơi sách, đọc sách là thú chơi tao nhã, phong lưu.

Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên – SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *