1. "Đôi bờ" là tập thơ đầu tiên của Ngô Thị Thu Vân, một tác giả nữ vừa viết truyện ngắn, vừa làm thơ, vừa làm báo và liên tiếp gặt hái nhiều giải thưởng thơ – văn trong, ngoài khu vực ĐBSCL các năm qua. Đọc thơ chị là chạm đến những day dứt của sự dang dở, chia ly.

Người ta nói, cái đẹp thì thường dở dang. Sự dở dang làm người ta nhớ mãi. Cái dở dang tạo nên nhiều tiếc nuối. Điều dở dang là tiếng thở than khôn nguôi. Đọc tập thơ "Đôi bờ", những cung bậc, sắc thái của tình yêu không trọn vẹn như một phạm trù thẩm mỹ : Cái Đẹp trong sự dang dở chiếm một tỷ lệ khá đậm đặc. Các bài : Đôi bờ, Rồi cũng xa rồi cũng xưa, Nghe em hát chợ tình, Chị tôi, Thành phố ngày em về, Người từ chia nửa vần thơ, Dan díu, Bên kia con dốc, Tàn cuộc, Tha thứ, Đêm Đà Lạt là những câu chuyện tình yêu trai gái dang dở, chia cách.

2. Trong tập "Đôi bờ", tính nữ trong thơ chị cũng là một nét đẹp được khai thác ở ba góc độ.

Một là, sự giằng xé trong một trái tim yêu với những nỗi nhớ mong, chờ đợi để được bên nhau, hạnh phúc, nhưng cuối cùng vẫn chia phôi, xa cách :

“Em mới biết
đôi bờ cách nhau tám ngàn ba trăm ba mươi mốt mét
bằng chiều dài con sóng

xa quá một tầm tay”.

(Đôi bờ)

Sự hữu hạn của một khoảng cách không gian, địa lý đo được. Bằng sự hữu hạn của một hình ảnh tượng trưng. Nhưng lại vô hạn trong một khoảng cách ngắn ngủi. Lời trần tình nhẹ nhàng mà xót xa, đau đớn. Những con số tám ngàn ba trăm ba mươi mốt mét  không còn là những con số của toán học, không còn là khoảng cách địa lý đo đếm được nữa, mà đã là những con số thơ ám ảnh, day dứt. Các bài Thành phố ngày em về, Người từ chia nửa vần thơ, Không dưng, Sinh nhật một mình… nằm trong mạch này.

Hai là, sự đồng cảm  thân phận người con gái lấy chồng xa, làm dâu dưới một mái nhà.

Tự xa xưa, trong văn chương Việt Nam, tình cảnh người con gái làm dâu luôn gắn chặt với những sự khổ đau, giày vò, giằng xé từ thế hệ này đến thệ hệ khác. Và cứ thế tiếp nối trong những lời ca dao buồn truyền kiếp : Chiều chiều ra đứng ngõ sau…

Nhưng trong xã hội hiện đại hôm nay, hình ảnh ấy đã có sự thay đổi. Thay đổi từ trong hành động đến cách nghĩ về cả hai phía : mẹ chồng, nàng dâu; họ không còn là những thái cực nghịch cảnh, mà đã có sự dung hòa, đồng cảm, chia sẻ :

“Cùng thổi khói bếp chiều
cùng giặt một cầu ao
trong đục chia nhau
đôi dòng nước lạ”.

Và sâu xa, nhân ái hơn :

“Bởi bến ấy bây giờ mẹ đã khơi trong”.
(Khơi trong)

Ba là, ngôn ngữ thơ là những lời tự tình, trần tình nhỏ nhẹ, sâu lắng của người con gái, người phụ nữ trong những giai đoạn khác nhau trong tình yêu nam nữ qua các bài Tự sự, Chị tôi, Chở… Kết cấu từng bài thơ xinh xắn, trọn vẹn trong một chỉnh thể nghệ thuật  như các bài Tỏ tình, Chia sẻ, Để lại…

4. Thành công ấn tượng nhất trong tập thơ "Đôi bờ" là tứ thơ. Có thể thấy trong toàn tập, mỗi bài đều có sự gia công, chỉnh chu tương đối hoàn chỉnh, thống nhất từ hình thức đến nội dung. Tính hoàn chỉnh, chi phối các yếu tố trong thơ chị đã tạo nên được tứ thơ. Mỗi bài thơ trong tập thơ đều có tứ riêng. Tứ thơ trong thơ chị đôi chỗ đã tạo nên những hình tượng có tính biến hóa, sáng tạo. Từ đó tạo cho người đọc nhiều cảm giác mới lạ, thú vị.

Có bài tứ thơ đã hé lộ ngay từ nhan đề như : Đôi bờ, Cho con, Nhớ Tết

Có bài tứ thơ chạy theo chiều dọc. Đọc Khơi trong là tâm trạng, tình cảnh chung của phận làm dâu nhưng nay đã khác xưa.

Có bài tứ thơ chạy theo chiều ngang của mạch cảm xúc. Đọc Thơ viết trong bệnh viện từ các ý nhỏ gộp lại thành ý lớn cho toàn bài, đó là sự đồng cảm của nhà thơ về niềm lạc quan sống của một người chiến sĩ thương binh – nghệ sĩ LHD.

Đọc Thời gian là một tứ thơ hay lý giải về thời gian qua các dòng thơ hội thoại giữa con và mẹ  để cuối cùng đi đến kết luận : thời gian mà người mẹ dành cho con vẫn là vô bờ bến.

Tứ thơ trong thơ chị không chỉ biểu hiện qua cách nghĩ, cách cảm, mà còn ở cách cấu trúc, cách sắp xếp, tổ chức ngôn từ. Bài Nước mắt chảy xuôi cũng là tình cảm, nỗi nhớ của người mẹ dành cho con mình khi xa cách nhưng cách khai thác của tác giả có sự linh hoạt, “lạ hóa”. Đó là những dòng đối thoại xen với những dòng độc thoại. Tình cảm nhớ thương tưởng như xưa cũ nhưng rất hiện đại. Câu chuyện lòng rất riêng mà cũng phổ biến, muôn thuở.

Lời thoại của người con :

Ngày lễ nghỉ bù
con đi làm lương tính bằng hai
chắc lại không về thăm mẹ được…

Lời độc thoại của người mẹ :

Lương con tính gấp đôi
còn nỗi nhớ con mẹ biết tính mấy lần cho đủ

Nỗi niềm thương nhớ con trong bài thơ này được tái hiện bằng một hình ảnh khá độc đáo, rất riêng và cũng thật lạ :

Mỗi lần nhớ con chị lại lật tờ hộ khẩu
thấy tên nó dưới tên mình như thấy nó kề bên.

Nhưng nỗi nhớ hàm chứa thật sâu lắng trong tờ hộ khẩu cuối cùng vẫn phải nghe một lời thoại khá đau lòng :

Mẹ ơi, vài bữa nữa
con về…
cắt hộ khẩu mang lên.

Dẫu có nghiệt ngã, phũ phàng, nhưng tấm lòng người mẹ vẫn mãnh liệt, bao la; bởi một tâm niệm bất tử “Nước mắt bao giờ chẳng chảy về xuôi”.

Bài thơ kết cấu bằng ba đoạn thoại, hai nhân vật và một tấm lòng – lòng thương con như biển hồ lai láng của người mẹ.

Tuy nhiên, trong tập "Đôi bờ" nhiều lúc vẫn có cảm giác bị hụt hẫng bởi đâu đó đôi câu, dăm dòng thơ thấp thoáng nhịp, ý thơ của nhà thơ này : “Em cũng không biết nữa/ vì sao em yêu anh” (Chia sẻ). “Đôi ta chỉ bấy gió trăng/ ái ân dan díu có ngần ấy thôi” (Dan díu). "Van em đừng đứng dưới mưa/ kẻo anh hồn phách như vừa tiêu tan” (Van em), kiểu lập ngôn của thy sĩ nọ : “Em là thiên thần nhỏ/ trong đêm thánh vô cùng… / Ừ! Thì em con gái/ Ừ! Thì ta con trai/ Thôi! Không nói dông dài/ Mình thương nhau nghe nhỏ” (Tỏ tình) v.v… Dẫu biết sự ảnh hưởng, vay mượn, tác động, nhập tâm qua lại trong văn học nghệ thuật nói chung là tất nhiên, khó lòng tránh khỏi. Tuy vậy, nếu sự ảnh hưởng đó “lộ” quá sẽ tạo nên cảm giác nghi ngờ về năng lực tạo nên nét riêng, cá tính sáng tạo của tác giả.  

Xét ở một góc độ khác, có thể thơ chị là hình thức ngụy trang của những dục vọng, những dồn nén tình cảm, sinh lý bị đẩy lùi vào tiềm thức. Tập thơ Đôi bờ thấp thoáng là hình ảnh người con gái, thời thiếu nữ, thời làm vợ tích tụ những nhiều ẩn ức hình thành nên một loạt những ý tình dở dang có tính ám ảnh chăng?

Tác phẩm văn học với nhiều tầng nghĩa, mơ hồ, không dễ gì đánh giá, nghiên cứu qua dăm ba trang hay đóng khung trong những nhận định nhất định. Không ai có thể đọc một lần là xong. Không ai là duy nhất đúng. Không ai có tiếng nói phán quyết cuối cùng. “Đôi bờ” thơ ca rộng mở, phong phú, giàu có hơn lên nhờ tình yêu say mê, trong sáng của mỗi chúng ta.

Nguyên Tiêu Tân Mão 2011

Nguyên Tương – Theo SCLO 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *