Công bằng mà nói, phải nhận biếng nhác, dối trá, tham lợi, cầu an, nịnh nọt, trơ tráo, rồi cái gì cũng cười, cái gì cũng cho là không quan trọng… là những thứ tính chung của loài người, nhìn vào dân nước nào cũng thấy. Mà cuốn sách tôi nói đây lại chỉ là một cuốn sách mang tính cách phổ thông, có lẽ là đã đăng tải làm nhiều kỳ trên một tờ báo nào đó bằng Trung văn trước khi in sách. Bởi vậy sẽ là vô lý nếu đòi hỏi nó phải có những phát hiện ghê gớm liên quan đến những khuyết điểm của người Trung Quốc (tên sách trong nguyên văn). Đúng ra, sự phân tích ở đây chỉ dừng lại ở chỗ làm cho người đọc thấy những mặt yếu kém trong dân tộc tính Trung Hoa và nói rõ chúng là phổ biến, là đang đầy rẫy trong cuộc sống chung quanh, từ đó giúp cho mọi người tỉnh táo, nghiêm túc hơn trong việc nhìn mình cũng như đồng bào của mình.

Tuy nhiên, theo tôi, Người Trung Quốc tự trào vẫn nổi lên giữa vô số sách vở  đang được dịch in và bày bán rộng rãi, ấy là vì nó đã giới thiệu được một xu thế suy nghĩ chi phối xã hội và xem như một định hướng của công tác nghiên cứu văn hoá ở Trung Quốc hiện nay.

Thứ nhất, hãy nhìn vào những ví dụ, những bằng chứng mà các tác giả đưa ra để nói về từng thói xấu một. Nhiều chuyện trong lịch sử được nêu ra, chẳng hạn Khổng Tử cũng thèm làm quan, Khuất Nguyên cũng thèm được dùng, Lý Bạch Vương Duy cũng có lúc nhờ cậy người có quyền thế để tiến thân. Rồi Dương Quýnh nhà thơ đời Đường tính hay tị nạnh, rồi Quách Mạt Nhược nhà thơ hiện đại kiêu ngạo chinese man khinh đời v.v… Thoát khỏi khu vực cấm kỵ không ai dám đụng tới để cùng chung số phận với người bình thường, những nhân vật lớn lại trở nên những dẫn chứng sinh động cho việc hình dung ra những nét căn bản của quốc tính.

Thứ hai, một điều quan trọng hơn là trong chừng mực nhất định, các tác giả bắt đầu tiến tới những khái quát tầm cỡ, một loại khái quát mà những ai muốn truy cầu sự thật một cách nghiêm túc không thể lảng tránh. Trong phần hay nhất của Người Trung Quốc tự trào là phần Nhân cách, người đọc được biết người Trung Quốc không chỉ xu thời, cầu an, sẵn sàng hối lộ thần thánh hoặc rúc đầu vào cánh cam chịu trước cuộc đời bất công… mà còn “coi nhẹ tri thức văn hoá, thù hằn tri thức văn hoá". Đây nữa : "Giảo hoạt là sự kết tinh thông minh tài trí của người Trung Quốc. Khuyết điểm lớn nhất của nó là đối lập chủ nghĩa lý tưởng với chủ nghĩa hành động, nó cười giễu mọi cố gắng của nhân loại… ”. Những kết luận như vậy vượt qua phạm vi một số ý kiến về một dân tộc cụ thể,  mà trở thành gợi ý để con người ở các dân tộc khác cũng phải suy nghĩ khi có nhu cầu tự nhận thức.

***
     
Ở nước nào cũng vậy, người dân thường cũng nghĩ đủ điều không hay ho về bản thân mình. Có điều, nói giăng giăng với nhau ở ngoài đường để cười giễu mình thì chẳng sao, nhưng thấy ai đó tính chuyện viết vào sách thì chính họ lại e ngại, cho rằng công khai hoá vậy là “vạch áo cho người xem lưng”, hoặc ghê gớm hơn là “hạ nhục dân tộc” và bảo nhau càng ít đả động tới chuyện này càng tốt.
 
Thế nhưng, do nhu cầu thúc đẩy xã hội phồn vinh, rồi các dân tộc đều có trưởng thành dần trong việc nhìn nhận bản thân. Tôi không có tài liệu trong tay nhưng biết rằng ở nhiều nước, loại sách người một nước tự cười mình, tự nói ra cái xấu của mình một cách nghiêm túc, loại  đó ngày càng nhiều. Chẳng những thế, người ta còn sưu tầm, nghiên cứu và cho in ra cả những loại sách đại loại người Anh dưới con mắt người Pháp, hoặc dân Pháp theo cách nhìn của dân Đức v.v… Những lời gọi là nói xấu ấy chẳng làm ai nản lòng, ngược lại chỉ giúp cho các dân tộc đẩy tới cái công việc thú vị là khám phá bản thân. Đi xa hơn, người ta còn khái quát : Một dân tộc không thể nên người nếu không qua giai đoạn tự nhận thức một cách khoa học, khách quan, trong đó có chấp nhận cả đau xót xấu hổ.
 
***
 
Với Trung Hoa, một dân tộc gần gũi với chúng ta và xưa vẫn được các cụ ta gọi là đồng văn đồng chủng thì sao? Người dân nơi đây thừa lòng tự hào về tài làm người của mình. Đất nước được xem là trung tâm của thế giới. Xã hội được xây dựng theo hình ảnh của thiên cung. Văn minh thì được gọi là hoa (không phải là bông hoa. Hoa đây, như trong Hoa Hạ, có nghĩa là đẹp, tinh túy, lộng lẫy… ).
 
Nhìn vào sách vở Trung Quốc được dịch in ra tiếng Việt vài chục năm nay, lâu nay, ta chỉ biết vậy và bảo nhau vậy.
 
Có biết đâu trong thực tế, sách vở bên ấy từ lâu đã có hướng nghĩ khác và đã dội sang bên ta.
 
Khoảng mươi năm nay, báo giấy cũng như báo mạng ở ta đã  trích in Người Trung Quốc xấu xí của  Bá Dương, một tác phẩm mà cũng như truyện chưởng của Kim Dung vốn thuộc mạch suy nghĩ của Đài Bắc – Hồng Kông và chỉ gần đây mới được in ở đại lục. Chúng ta cũng không nên ngại nhắc lại cái dẫn chứng đã quá cổ điển là tạp văn Lỗ Tấn với điều kiện bổ sung thêm : một Lỗ Tấn như vậy chỉ hình thành khi có sự chuẩn bị không khí của cả một thời đại. Một người đồng thời với tác giả AQ là Lâm Ngữ Đường. Ông này cũng thuộc loại nhìn con người Trung Quốc một cách khách quan. Giữa các trang sách hào hứng ca ngợi dân tộc mình, đôi khi ông dừng lại tự hỏi không hiểu sao đồng bào mình vốn cao nhã, thông minh mà có lúc lại ngớ ngẩn, tầm thường đến kỳ cục. Khi viết về chất giảo hoạt nói trên, các tác giả Người Trung Quốc tự trào đã phải dẫn Lâm Ngữ Đường là vì vậy.
      
Một cuốn sách khác cùng một xu hướng cũng đã được dịch ra tiếng Việt nhưng bị làm hỏng, đó là Mặt dày tim đen của Lý Tôn Ngô (1879 – 1944). Nguyên là trước khi nước Trung Hoa của Mao Trạch Đông ra đời, xã hội Trung quốc thời Dân quốc đã đi khá xa trên con đường hiện đại hoá, kể cả trong tư duy. Nhằm bắt mạch quốc dân tính, Lý Tôn Ngô  khởi xướng cả một quan niệm mệnh danh là Hậu hắc học, đại ý cho rằng anh hùng hào kiệt trong lịch sử Trung Quốc nói chung không mặt dày thì tim đen. Lý Tôn Ngô có cái mạnh là ông không dừng lại ở những chi tiết đời sống quanh mình, mà hướng cái nhìn vào lịch sử và ở đây, ông cũng không chịu bất cứ một hạn chế nào. Cả những thánh nhân, triết gia, anh hùng cái thế cũng được ông mang ra khảo xét và đánh giá bằng những tiêu chuẩn nhân bản.        
 
Sở dĩ một cuốn sách như Người Trung Quốc tự trào có thể  được biên soạn, ấy là vì trước đó đã có những nhà nghiên cứu dày công sưu tầm và mở ra những hướng mới trong suy nghĩ về quốc dân tính Trung Quốc.
 
***
 
Chuyện dân tộc tự trào mang ý nghĩa một bước đổi mới tư duy. Đứng ở góc độ mỹ học mà xét thì rõ là trong cách nhìn nhận có sự biến cải sắc thái. Sự việc xưa nay vốn đặt trong màn sương khói thiêng liêng tức có tính huyền thoại, nay được đặt trong sự tiếp xúc suồng sã, nên ban đầu thường khó chấp nhận. Song nghĩ cho cùng, đây là bước đi mọi dân tộc phải trải qua trên con đường lâu dài là hiện đại hoá và đặt mình trong cộng đồng nhân loại. Với ý nghĩa đó, có thể xem công việc các tác giả Người Trung Quốc tự trào là hết sức cần thiết : Quá trình khai phá của những Lý Tôn Ngô, Lỗ Tấn, Lâm Ngữ Đường, Bá Dương… phải tìm được cách thâm nhập vào công chúng rộng rãi thì mới có cơ dựng tạo được những kết quả chắc chắn.
      
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn – Theo TT&VH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *