Sài Gòn mùa mưa nên chiều nào cũng mưa. Nguyễn Huy Thiệp gọi đây là thứ mưa hẹn giờ. Mưa kèm theo một ít giông cho thấy trời đất cũng biết nổi giông chứ không hoàn toàn hiền lành như người ở nơi khác vẫn nghĩ. Mưa nhanh và tạnh cũng nhanh, mà đã tạnh thì ráo hẳn. Y như tính cách con người.

Rất hợp cho nhu cầu thưởng lãm phòng trà khi đêm xuống. Đường phố duỗi ra nhẹ nhàng và vỉa hè tươi lại, vì vậy, người ta hay muốn một chỗ nào đó ngoài căn hộ của mình. Phòng trà được chọn có những viên gạch giả rêu, vòm cửa thấp kiểu cửa ngách đền đình, đèn lồng kiểu Pháp và sân khấu nhỏ kiểu ban công có hình ảnh trống đồng. Tiếng ghi-ta gỗ nhanh chóng đưa người ta vào thế giới cách biệt với bên ngoài. Âu cũng một kiểu sinh nhai, nhưng họ biết dùng tao nhã cho những người ưa thích tao nhã.

Ca sĩ độc diễn với ghi-ta cũng chính là người nghĩ ra kiểu phòng trà Hà Nội cổ này. Tóc xoăn dày, gương mặt và thể trạng của rock, nước da màu đồng và chiếc cần cổ khoẻ khoắn của Y Moan. Từ chiếc ghế có lưng dựa trên sân khấu ban công, ca sĩ ôm đàn, những bài hát theo yêu cầu được chuyển từ khách lên, không ngừng không nghỉ. Trịnh Công Sơn, Phú Quang và những tác giả thích hợp với đàn ghi-ta và tâm trạng hát rong một mình. Cứ thế, âm nhạc dập dềnh, như dòng sông nhỏ trôi mãi trôi mãi những nỗi niềm, những phận người, những khát vọng, những trải nghiệm, những buồn vui.

Muốn nghĩ về nhiều thứ, nhưng sự vất vả của người ca sĩ độc diễn cứ khiến phải quẩn quanh mỗi một điều. Những ngón tay không được phép chai. Sợi thanh quản chắc chắn không được phản thùng. Trái tim không được sạn sỏi. Cho dù khách có xao lãng hay ồn ào thì sự chán ngán của người hát nhất thiết không được lộ ra. Phục vụ, biểu diễn, cống hiến hay nghiệp chướng, hay thuần tuý manh áo bát cơm? Những ly nước lọc liên tục được tiếp thêm, các cô phục vụ liên tục đi vòng quanh các bàn ghi chép những ca khúc phải được hát theo yêu cầu. Càng nghe càng thấy xa rời nhu cầu thưởng thức, mà như bị cuốn đi, trong nỗi buồn nhân sinh kiếp nạn.

Nhớ lại những cảm giác không giống ai khi ngồi trước màn hình ti-vi có chương trình bóng đá. Những chàng trai trong lứa tuổi tươi đẹp nhất và những tư thế xông pha cảm động nhất. Rồi những cú ngã, những cú liều thân và cả những lần hứng chịu trò chơi hiểm chơi ác của đối phương. Không người mẹ nào chịu nổi những cảnh đó nếu nạn nhân là con trai mình. Nhưng đâu chỉ là tâm trạng của riêng bà mẹ liền nhau liền rốn với đứa con kia. Mỗi người phụ nữ là một bà mẹ, sự trải nghiệm giống hệt nhau của phân nửa nhân loại, dù người đó nghèo đến nỗi phải đẻ rớt ngoài đồng hay giàu sang như siêu sao Hollywood thì cũng nỗi trần ai ột ệt cưu mang và cũng cảnh banh da xẻ thịt để có một đứa con trên đời. Không loài vật nào yếu ớt như loài người, vì vậy, để một chàng trai xinh tươi và tài giỏi trên sân cỏ, chắc chắn phía sau anh ta phải là một bà mẹ công xá tuyệt vời.

Nhớ những lúc không tình cờ nhìn thấy một đoàn quân. Bao nhiêu là chàng trai thì ra một đoàn quân? Mỗi người một trái tim và trong trái tim ấy là hình ảnh mẹ chứ không chỉ là Tổ quốc. Mỗi người một tấm thân và thịt da xương cốt ấy ở đâu ra? Và rồi đòm một phát, chàng trai ấy có thể không đứng lên được nữa, có thể thành cát bụi theo cách nói thông thường và có thể thành liệt sĩ theo cách người ta vẫn tôn vinh. Chỉ có người mẹ là đau nỗi đau chỉ có một cái tên : nỗi đau con chết. Đoàn quân hiên ngang ấy vừa khiến người ta tin yêu ngưỡng mộ, nhưng chắc chắn, không người phụ nữ nào chỉ thấy có như vậy. Bởi lẽ chiến tranh không đi cùng với sinh tồn, bởi lẽ một đứa con không thể tự nhiên mà có và bởi lẽ, một đứa con có thể mang theo tất cả lẽ sống của một bà mẹ nếu nó không được trở về.

Nhớ những khi ở sau lưng mình trong những đêm lọ mọ thức khuya là dáng nằm buồn rầu của má. Con theo đuổi nghiệp con, má không hiểu gì và má đau lòng vì điều đó. Má nhìn con cặm cụi bên bàn viết, má vật mình thở dài, sáng ra, má ngồi bó gối chặc lưỡi hít hà : "Chết, chết, làm nghề gì moi tin moi óc, chết sớm có ngày con ơi!" Má ra chợ tìm mua những thứ ngày xưa con thích, má vô bếp lụi đụi nấu nướng, má nói để má bóp vai cho kẻo đơ cái cổ có ngày! Cùng lắm một tuần là má đã tháo chạy về quê, chừng như má không chịu nổi những điều con phải chia sẻ bằng trang giấy. Hình như không phải như vậy. Chắc chắn, má không chịu nổi cảnh đêm đêm mình được ngủ mà con gái mình phải thức để "moi tim moi óc ra ăn".

Người ca sĩ đêm đêm một mình một chiếu ôm khát vọng độc chiêu kia có còn bà mẹ để lo nghĩ cho không? Có khi nào bà ngồi suốt một buổi để nhìn con ôm đàn phụng sự thiên hạ không? Chắc chắn, ở bà sẽ có rất nhiều những khoảnh khắc lẫn lộn. Tự hào, tin yêu, lo lắng, xót xa và nghĩ ngợi. Chắc chắn, bà sẽ như má của mình khi nghĩ về cái duyên nghiệp của con. Danh vọng ư, tiền bạc ư, lưu danh ư, không, chắc chắn, bà không chỉ thấy có như vậy. Bà sẽ mang theo trong tâm tư của mình những giọt mồ hôi, những giờ khổ luyện và cả những đau khổ của vinh quang và thất bại của con. Cho đến khi xuống mồ, bà cũng sẽ mang theo nguyên vẹn nỗi niềm của một bà mẹ yêu con, nhưng không hiểu sao nó lại chọn con đường gian nan như vậy để làm một con người.

Đã khuya. Người ca sĩ vẫn ôm đàn hát cho bằng hết những bài trong những mẩu giấy mà người yêu cầu đã bỏ ra về. Cảm giác nặng trĩu càng đeo bám riết khi đám người hổ lốn ở bàn bên vẫn mải chuyện làm ăn và tán tỉnh. Cái gã mũ lưỡi trai đội ngược kiểu dân hip hop kia cứ xưng xưng với cô gái đối diện : "Anh tên Khoái, nhớ là anh tên Khoái nghen!". "Thiệt hôn, anh tên Khoái thiệt hôn?" Những cái bắt tay lặp đi lặp lại và những tràng cười khiếm nhã. Sao lại có những gã đi lộn địa chỉ như vậy đêm nay? Thấy buồn, buồn hoài trong khi tiếng ghi-ta vẫn kiên nhẫn mưu sinh và dâng hiến.

Dạ Ngân – SCL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *