Chợ tết

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,

Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh,

Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,

Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.

Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc;

Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,

Vài cụ già chống gậy bước lom khom,

Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ.

Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ,

Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu,

Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.

Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa,

Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa,

Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh,

Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh.

Người mua bán ra vào đầy cổng chợ.

Con trâu đứng vờ rim hai mắt ngủ,

Để lắng nghe người khách nói bô bô.

Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ,

Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán.

Một thầy khoá gò lưng trên cánh phản,

Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân.

Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,

Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ.

Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ,

Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.

Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu,

Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu.

Áo cụ lý bị người chen sấn kéo,

Khăn trên đầu đang chít cũng bung ra.

Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà,

Quên cả chị bên đường đang đứng gọi.

Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi,

Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa.

Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha.

Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết,

Con gà trống mào thâm như cục tiết,

Một người mua cầm cẳng dốc lên xem.

Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm,

Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh,

Trên con đường đi các làng hẻo lánh,

Những người quê lũ lượt trở ra về.

Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê,

Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ.

Đoàn Văn Cừ

Trên báo Ngày nay số xuân Kỷ Mão năm 1939 đăng bài thơ Chợ tết của Đoàn Văn Cừ với lời giới thiệu của tòa soạn: "Trong những lời đẹp một cách đơn giản và ý nhị, phiên chợ tết ở nhà quê hiện ra cùng với những hình ảnh ngộ nghĩnh, những dáng điệu kỳ thú dưới ngòi bút linh hoạt của ông Đoàn Văn Cừ. Đây không tả ngày tết, nhưng bao nhiêu nét vẽ rất đúng, rất tinh xảo cũng khiến ta tưởng tượng được quang cảnh ngày xuân ở nông thôn". Sau khi báo phát hành, Đoàn Văn Cừ còn nhận được thư của nhà văn Thạch Lam trong ban biên tập gởi động viên, cho rằng họ Đoàn đã tạo được cho mình “một lối thơ riêng, đặc biệt có nhiều màu sắc và tả cảnh".

Vợ chồng thi sĩ Đoàn Văn Cừ. Ảnh tác giả cung cấp

Cũng bắt đầu từ đó, trên thi đàn Việt Nam chính thức xuất hiện một thi sĩ mà tên tuổi gắn liền với những bài thơ về mùa xuân ngày tết vừa mộc mạc vừa độc đáo không lẫn vào ai được. Nhà thơ Đoàn Văn Cừ cho biết: “Sau khi bài thơ đầu tiên Chợ tết được đăng, tôi có cảm nghĩ một bài thơ đẹp khi cất cánh khỏi bản thảo, có thể ví với một ánh sao, tia lửa vừa lóe sáng; một bông hoa nở, một cánh buồm lộng gió vượt sông ra đại dương; một bóng chim băng mình vào vũ trụ. Trong hoàn cảnh đó, tiếng lòng của người thi sĩ có thể bứt ra khỏi bản thân để đi tới một chân trời xa lạ, muôn bến ngàn phương. Nếu gặp mắt xanh, được cả thời và thế, thơ anh sẽ đọng trong trí nhớ độc giả, đứng lại mãi với thời gian và không gian, trở thành bất tử”.

Đoàn Văn Cừ sinh năm 1913 trên vùng đất Nam Định văn hiến, nơi sản sinh nhiều danh nhân như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Trường Chinh, Nguyễn Văn Vịnh, Đinh Đức Thiện,… Nhà nghèo, sớm mồ côi cha mẹ, cậu bé họ Đoàn sống với bà nội. Cứ hễ đến tết, bà nội ngồi trong ổ rơm, mặc áo đỏ cho Đoàn Văn Cừ sang lễ tết bên nhà ngoại để thay người mẹ vắn số. Như sau này ông viết:

“Sáng hôm mồng một tết.

Đèn nến thấp xong rồi.

Bà tôi ngồi trong ổ

Mặc áo đỏ cho tôi

Ông tôi vừa thức dậy

Nằm ngó cổ trông ra

Trên ngọn cây đèn bóng

Trời lất phất mưa sa”

Đoàn Văn Cừ bước vào làng thơ với vốn kiến thức tự học là chính. Giống nhiều ngôi làng khác ở Bắc Bộ, làng Đô Quan cũng có nhiều đình, đền, chùa, miếu với nhiều lễ hội kỳ thú. Đó cũng là nguồn cảm hứng cho nhà thơ viết nên những bài thơ: Làng, Trăng hè, Ngồi đình, Tế thánh, Năm mới, Chợ làng vào xuân… Và không chỉ riêng làng Đô Quan mà Đoàn Văn Cừ còn được tắm mình trong lễ hội các làng lân cận như hội chùa Cổ Lễ, hội chùa Keo, hội chợ Yên, hội chợ Viềng… giúp “chất liệu” cho ông sáng tạo nên Chợ tết, Đám cưới mùa xuân, Đám hội…

“Trên bãi cỏ dưới trời xuân bát ngát

Một chị đương đu ngửa tít trên không,

Cụ Lý già ngừng lại ngửa đầu trông

Mắt hấp háy nhìn qua đôi mục kỉnh…”

Vâng, nhắc đến Đoàn Văn Cừ là người ta nghĩ đến thi sĩ của mùa xuân, của tết, của lễ hội. Điều gì đã giúp ông gắn bó và viết khá thành công với đề tài này? Nhà thơ thổ lộ: “Mùa xuân, ngày tết đễ gợi nhớ về cội nguồn dân tộc, làm thức dậy trong lòng ta những kỷ niệm, tình cảm thiêng liêng, sâu sắc, đằm thắm về gia đình, tổ quốc. Nhiều phong tục đẹp, sinh hoạt đẹp, cảnh sắc thiên nhiên đẹp diễn ra trong dịp này. Tôi sống trọn vẹn tuổi thơ, tuổi hoa niên ở nông thôn. Những cảm xúc, ấn tượng trữ tình dân dã, lành mạnh, thơm ngát hương đồng gió nội đã sớm quyến rũ tôi, đi vào tuổi vàng, tuổi thanh xuân đời tôi, máu thịt tôi, tâm hồn tôi; giúp tôi sau này, khi hồn thơ đã chín, viết nên những bài thơ, những bức tranh quê thơ mộng ngày xuân, ngày tết”.

Cùng với đền đài, lễ hội, thi ca, làng Đô Quan ruột thịt còn là nơi lưu dấu một tình bạn đẹp đẽ thời thanh xuân của Đoàn Văn Cừ với Nguyễn Văn Vịnh. Họ Nguyễn cũng mồ côi cha, được người mẹ nghèo tần tảo cố gắng nuôi ăn học, đặt nhiều hi vọng vào đức con duy nhất của mình. Hai chàng trai mồ côi cùng làng, học giỏi, có chí hướng đã kết thân với nhau. “Những hôm tối đến nhà anh chơi, gặp bữa thì ăn, nhiều tối không về, ngủ lại, hai đứa ôm nhau nằm trong ổ rơm, nói chuyện tới khuya. Không nằm thì tung chiếu ra, thắp đèn, chụm đầu ngồi đọc, viết, sửa thơ cho nhau. Bài thơ Trăng hè ngày ấy, viết được đoạn đầu, tôi đã toan bỏ. Anh đọc thấy được, khuyên tôi nên viết tiếp. Sau này báo Ngày nay in, Hoài Thanh và Hoài Chân chọn đưa vào thi nhân Việt Nam”- Đoàn Văn Cừ nhớ lại. Kỷ vật tình bạn đẹp đẽ mà họ Đoàn còn giữ tới nay là bức thư Nguyễn Văn Vịnh gởi cho ông năm 1941 trên đường phiêu bạt xa quê vào Nam. Bức thư viết dưới dạng văn vần, có nhiều câu rất đẹp:

“Làm sao hai đứa chúng mình,

Yêu nhau như những kẻ si tình yêu nhau”.

Hoặc:

“Cái gì như thể dây tơ,

Buộc người thơ với người thơ dặm ngàn,

Tôi xa, anh ở lại làng,

Liệu mà tô thắm nhuộm vàng cho quê”.

Điều mong mỏi của Nguyễn Văn Vịnh đã trở thành hiện thực. Không chỉ người bạn thân Đoàn Văn Cừ đã “tô thắm nhuộm vàng” cho quê bằng tài năng thi ca, mà ngay cả chính Nguyễn Văn Vịnh trên đường phiêu bạt vào Nam kiếm sống và tìm đường cứu nước, ông đã trở thành một tướng lĩnh tài ba, từng giữ trọng trách chính ủy Khu 8, rồi sau này là thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất trung ương. Một người bạn mà thi sĩ họ Đoàn luôn lấy làm tự hào.

Giống như Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Anh Thơ,… Đoàn Văn Cừ là một tên tuổi do Tự lực văn đoàn phát hiện từ phong trào Thơ mớ
i. Không chỉ bài thơ đầu tiên Chợ tết, mà cả những bài thơ thành công nhất trong sự nghiệp Đoàn Văn Cừ cũng được đăng tải trên diễn đàn của nhóm văn học lừng lẫy này. Nhìn nhận về Tự lực văn đoàn, bậc lão thành nói: “Tự lực văn đoàn đã để lại cho gia tài văn học nhiều tác phẩm có giá trị, xứng đáng được gìn giữ, nghiên cứu, khai thác, làm giàu tiếng nói Việt Nam, ngôn ngữ văn chương Việt Nam. Nhiều nhà văn, nhà thơ yêu nước chống Pháp, chống Mỹ, bước đầu đi vào nghệ thuật, có mặt trên văn đàn, được khám phá, cổ vũ, giới thiệu bởi Tự lực văn đoàn. Trên bầu trời thơ Việt Nam, bên cạnh ngôi sao thi bá Thế Lữ – chủ hội thi đàn mới Việt Nam, là hai ngôi sao sáng chói Xuân Diệu và Huy Cận. Công bằng mà nói, công lao đầu phát hiện, khích lệ tài năng thơ mới của đất nước thuộc về hai tờ báo Phong hóa, Ngày nay và Nhà xuất bản Đời nay do Tự lực văn đoàn chủ trương”.

Hơn 60 năm cầm bút, Đoàn Văn Cừ đã in gần mười tập thơ, trong đó đáng chú ý là Thôn ca I & II, Dọc đường xuân, Đường về quê me và được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt đầu tiên vào năm 2001. Giống như cuộc đời bình dị của mình, đối với thi ca ông chỉ có ước mơ khiêm tốn:

“Trong thơ góp một đường cày

Nước non gieo hạt mong ngày nở hoa”

Ông đã đi xa, nhưng ước mơ của thi sĩ ở ẩn thành Nam từ lâu đã thành sự thật. “Đường cày” của ông đã “nở hoa” trong tâm thức người yêu thơ, nhất là khi xuân về Tết đến.

Theo Phan Hoàng – Vietimes

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *