Từ bóng đá tới văn chương
Các nhà bình luận bóng đá thường dùng một cụm từ để, trong một số trường hợp, giải thích sự thất bại của một đội bóng : Các cầu thủ thiếu khát vọng chiến thắng.
Thú thực là lúc đầu nghe họ nói thế, bản thân tôi cũng lạ và thấy một chút gì đó khó hiểu : Chiến thắng, hay thành công, thành đạt, là cái đích của mọi hoạt động. Ngoài việc thỏa mãn nhu cầu tinh thần, nó còn liên quan trực tiếp đến công ăn việc làm, thu nhập, tiền thưởng.
Người đời thường chỉ thiếu năng lực chứ mấy ai thiếu khát vọng?
Nhưng xem kĩ một số trận bóng, thì thấy đúng như vậy.
Trên sân, cầu thủ như người mất hồn, lờ vờ, uể oải. Vẫn biết họ có mặt mà không hiểu họ làm gì trong 90 phút thi đấu. Hình như chưa đá đã tính rằng không có cách gì đá thắng. Thấy mình bất lực. Ngại va chạm. Khiếp nhược đến mức thấy bóng cũng không dám sút, người nọ đun đẩy người kia.
Thậm chí đôi khi, trước mắt chúng ta là một đội bóng cứ chạy loạn cả trên sân, song nhìn kĩ, chỉ là một sự liều lĩnh trong tuyệt vọng. Và người ta chỉ có cách bảo là ở họ đang thiếu hẳn khát vọng chiến thắng.
Mượn chuyện bóng đá để bàn thêm những nghề khác, hẳn có người cho là thô thiển. Song, ở đây, cái để chúng ta quan tâm tới hiện tượng là phần thực chất của nó. Bóng đá chẳng qua là một ví dụ, ta hiểu thêm về các hoạt động sáng tạo. Vậy thì, một căn bệnh thấy rõ ở bóng đá như trên đây vừa miêu tả có lẽ cũng có thể giúp cho việc bắt mạch chính xác hơn cái hiện trạng khó khăn đang ngự trị ở một số lĩnh vực sáng tạo khác, trong đó có có văn chương.
Trong xã hội hiện đại, như các nhà vật lí lí thuyết thường nói, không có gì là không thể xảy ra.
Hơi thở vô hình và chất kết dính
Trong quá trình hành nghề, một người viết văn thường thấy dậy lên trong lòng mình nhiều ao ước. Chưa làm đã ao ước, càng làm càng ao ước thêm. Nếu biết làm việc một cách hợp lí, người ta sẽ cảm thấy những ao ước ấy không hẳn xa vời, mà gần gũi như với tay là chạm được, đồng thời lại vẫn thiêng liêng đến mức nếu không đạt tới, thì xem ra đời mình chẳng còn chút ý nghĩa nào nữa.
Và đó chính là khát vọng.
Có cái khát vọng tự nhiên, khát vọng được trình bày, bộc lộ và trong chừng mực nào đó, đóng góp tiếng nói nhỏ bé của mình cho nhân quần xã hội.
Có cái khát vọng hòa nhập, khát vọng muốn được thông cảm, được chia sẻ, được làm dịu bớt những điều sôi nổi trong lòng.
Trong quá trình viết, lại nảy sinh cái khát vọng muốn tìm tòi và tự hoàn thiện về mặt nghệ thuật, nói cho văn hoa là là khát vọng xây nên một tòa lâu đài bằng ngôn từ, chưa ai trông thấy bao giờ, mà lại mĩ lệ đến mức những người khó tính nhất cũng phải trầm trồ khen ngợi!
Dù nhiều bộ mặt như thế, nhưng khát vọng vẫn chốt lại ở một điểm : Nó không phải là ao ước viển vông, mà bao giờ cũng là kết quả một sự suy tính sâu xa. Nó nằm trong tầm tay của người hiểu biết công việc, và trở nên nguồn sức mạnh thúc đẩy người đó nỗ lực dẫn tới.
Rồi ra, nó sẽ là cái hơi thở vô hình tồn tại bên trong sách, đến mức mãi về sau, mỗi khi tiếp xúc với tác phẩm, người đọc vẫn cảm nghe được hơi thở của nó.
Ngay cả khi người viết thiếu một chút may mắn trong lao động nghệ thuật, tác phẩm không trở nên hoàn thiện, để rồi không có được số phận tốt đẹp như tác giả mong muốn, thì cái phần khát vọng mà người viết đã đặt vào nó vẫn tồn tại và luẩn quẩn sau các dòng chữ.
Có thể nói một cách chắc chắn, không có ngoại lệ, rằng khát vọng chính đáng bao giờ cũng tìm được cách biểu hiện tác phẩm.
Ngược lại, một khi các trang sách không đủ sức lôi cuốn người đọc, trước mặt họ chỉ thấy một khối rời rẽ, nhợt nhạt… thì có phần chắc là họ đang phải tiếp xúc với những ngòi bút thiểu năng, thiểu lực, không có lấy một chút tha thiết tối thiểu cần thiết cho một công trình sáng tạo.
Đất bạc mầu – bình ắc quy, lâu không "sạc"
Sau khi bảo rằng đời sống văn chương gần đây chỉ có nền không có đỉnh, loanh quanh ở mức làng nhàng, một nhà văn đã nêu ra lí do để biện hộ, là trong lịch sử, vẫn có những thời điểm như thế : Chẳng những ở ta, mà ngay ở bên Tây, bên Tàu cũng có khi dăm bảy năm liền chẳng lẩy ra được tác phẩm nào đáng kể, vậy cứ bình tĩnh, không nên sốt ruột.
Đây phải chăng cũng là một gợi ý để chúng ta yên tâm chịu đựng sự thiếu khát vọng ở một số cây bút hiện thời ?
Ví dụ nếu ai có dịp đọc lại thời kỳ 1932 – 1945 sẽ thấy mấy năm từ sau 1940, nhiều người sáng tác cũng tự nhiên cảm thấy khốn quẫn, mệt mỏi hẳn. Nhà thơ Thâm Tâm từng có bài Vọng nhân hành trong đó nói tới hai dạng nhà văn bất lực lúc bây giờ: Một bên là Thằng bó văn chương ôm gối hận, còn bên kia Thằng thí cho nhàm sức võ sinh.
Cái tài của Thâm Tâm là ông biết chỉ ra rằng bên cạnh sự cằn cỗi bế tắc, thì nhiều khi chính do thiếu khát vọng mà con người cứ làm lung tung cả lên, cốt giải tỏa cái sức sẵn có và đỡ trống trải trong lòng.
Tuy nhiên cũng phải nói thêm là lịch sử không bao lặp lại hoàn toàn, ở hai thời điểm khác nhau.
Xưa nhiều người viết khi gặp bế tắc thường trốn vào im lặng, bẻ bút mà thề là không dính dáng gì đến văn chương chữ nghĩa nữa. Nay có hiện tượng nhiều người không viết được gì nhưng lòng vẫn nặng, không chịu rút lui, ngược lại, chằng bám lấy danh hiệu nhà văn để hưởng chút ưu đãi của xã hội. Hoặc xưa cũng có hiện tượng viết liều viết ẩu, nhưng những người có sống qua thời ấy cho biết thật chưa bao giờ sự làm sách làm báo hỗn loạn như bây giờ.