Có một chân lý khá phổ biến trong giới nghệ thuật: Sự thành công bao gồm 1% tài năng và 99% công sức. Có nghĩa là, để đạt đến thành tựu rực rỡ trong nghệ thuật, bao giờ các tác giả cũng phải chịu khó dày công khổ luyện. Một số ví dụ sau đây sẽ chứng minh điều ấy.
Nhà văn Satôbriăng – người đã viết lại một bài bút ký tới 17 lần. |
Tài năng vĩ đại như Flôbe cũng phải viết đi viết lại tác phẩm "Bà Bôvary" nhiều lần. Chỉ một truyện ngắn cỏn con mà có lúc Môpátxăng cũng phải viết lại đến 5 lần. Bandắc khi đưa bản thảo đến nhà in vẫn còn nấn ná sửa chữa bằng những chấm xanh chấm đỏ chi chít. Kỷ lục viết nhiều lần có lẽ thuộc về Satôbriăng, ông đã viết bài bút ký "Một đêm ở châu Mỹ" đến 17 lần.
Nhà văn Henri Đuvơnốt bao giờ khi viết cũng phải chuẩn bị ba loại giấy có màu sắc khác nhau, dùng cho các việc chép, sửa lại. Đã từng có giai thoại về ông: Một người bạn hỏi xin Đuvơnốt bản thảo cuốn tiểu thuyết vừa xuất bản, nhà văn bèn dẫn bạn đến một cái hòm đựng hơn một trăm hai mươi bảy tập giấy và bảo: "Đây, bản thảo của tôi".
Để hoàn tất thiên tiểu thuyết sử thi đồ sộ mấy ngàn trang "Chiến tranh và hòa bình", văn hào Lép Tônxtôi đã phải sửa chữa lại bản thảo đến… 7 lần. Trước ông, Gôgôn, một nhà văn trứ danh khác của Nga, sau bảy năm nghiền ngẫm và viết tập hai quyển "Những linh hồn chết" đã không thoả mãn với mình và đốt cháy bản thảo trước khi từ trần.
Đốtxtôiépxki, mặc dù đã nhủ mình: "Cái tiểu thuyết tôi sắp viết (tức quyển "Anh em nhà Karamazốp") đã làm tôi băn khoăn ba năm nay nhưng tôi chưa muốn viết vội vì tôi muốn viết thong thả, như Lép Tônxtôi, Tuốcghênhép", kỳ thực tác phẩm chỉ được ông hoàn thành sau đó ngót nghét… chục năm.
Thông thường, nói đến sự thành công của các nhà văn, cái trước mắt và gần như duy nhất người ta đề cập tới là năng lực trí tuệ, có mấy ai hay nó cũng vất vả không kém gì những loại hình lao động chân tay khác.
Cứ hình dung, vào thời đại chưa có máy chữ, máy phôtocopy, chưa nói đến máy vi tính như bây giờ, việc các nhà văn như Bandắc, Huygô, với hàng "núi" bản thảo dày tới mấy chục ngàn trang, thì xử lý sao đây, nếu không phải là lặng lẽ sử dụng đôi bàn tay như một người lao động chân tay thực thụ.
Theo Quốc Thái – CAND Online