Tôi đã đến đây nhiều lần, vào nhiều tháng khác nhau trong năm, nhưng lần nào cũng thấy hoa nở khắp nơi. Đường cỏ trước và sau nhà sáng tác bạt ngàn hoa bìm tím, hàng rào trước các ngôi nhà nhỏ xinh hoặc các biệt thự lộng lẫy lúc nào cũng đầy hoa lan tiêu, hoa giấy, hoa tường vi, hoa mimoza… đủ màu, khi thì êm mát, lúc lại rực rỡ, khi khiêm tốn, lúc kiêu sa…
Đó là Đà Lạt mơ màng mà kiêu hãnh, một Đà Lạt có sức hấp dẫn muôn người. Thiền viện Trúc Lâm nằm bên bờ hồ Tuyền Lâm có các nhà sư người nước ngoài mắt xanh râu rậm khoác áo cà sa đứng nghiêm cẩn đưa nén nhang cho từng du khách bước chân vào cửa ngôi chùa chính. Đó là một nét đẹp và lạ của nơi tu hành mà lần đầu tôi thấy. Sau khi chúng tôi đến thăm vườn tượng của nghệ nhân Phạm Văn Hạng và được ông cho xem 3 cuốn thơ mà ông đã bỏ ra 6 cây vàng để đúc thành các trang thơ bằng đồng có cả chữ Việt, chữ Anh và chữ Hán cùng vườn tượng với rất nhiều phụ nữ trong các tư thế khác nhau. Sáng sớm hôm sau, nhà thơ Nguyễn Thị Mai – Trại trưởng – chạy sang phòng tôi và Bùi Kim Anh đọc hai câu thơ tả nghệ nhân rồi bảo chúng tôi làm thơ nối tiếp cho vui! Câu thơ của chị vô cùng nghịch ngợm:
"Hỡi người nghệ sĩ thân yêu
Bàn tay đã tạc rất nhiều vú mông…
Bùi Kim Anh cười:
– Thơ mày sex quá Trại trưởng ơi. Tao chịu không thể làm tiếp được. Để đến bữa ăn nhé!
Và đến bữa ăn, khi nghe Mai đọc xong, nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà đòi sửa một chữ cho… sex hơn:
"Hỡi người nghệ sĩ thân yêu
Bàn tay đã nặn rất nhiều vú mông… "
Chúng tôi lại được cười vỡ nhà.
Các bữa ăn của trại thường rất vui. Có hôm, nhà thơ Y Phương bỗng ngạc nhiên:
– Sao hôm nay vắng thế nhỉ?
Thì ra từ hôm đến, đây là bữa ăn đầu tiên thiếu các bạn văn chương của Đà Lạt hoặc các bạn từ nơi xa nghe tin đã đến thăm và tán dóc rất vui cùng chúng tôi. Đó là các nhà văn, nhà thơ Phạm Quốc Ca, Lê Công, Bùi Minh Quốc, Phạm Quang Trung, Vương Tùng Cương, Thanh Liễu của Đà Lạt, Nguyễn Thánh Ngã, Khaly Chàm, Nguyễn Tấn On, Nguyên Kiến Thọ, Khuất Thanh Chiểu… của các vùng miền khác. Tôi đã được các bạn đọc cho nghe những bài thơ mới viết đêm qua, đầy cảm hứng. Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm gửi qua e-mail những câu thơ rất Đà Lạt:
"Vừa đủ lạnh để khơi nguồn máu nóng
Vừa đủ êm để cảm xúc dâng trào
Vừa đủ lạnh để Pren dội thác
Vừa đủ chiều để vi vút thông reo… "
Ở Đà Lạt, chúng tôi gặp nhà thơ Dư Thị Hoàn, người đã mua 1.000 m2 đất trong rừng và đang cùng bạn bè phật tử xây các "am" nhỏ trong một thung lũng hoang sơ của thành phố hoa để cùng nhau tập thiền. Chị đang ăn chay nên nhất định không đến ngồi cùng chúng tôi trong các bữa "ăn mặn", mà chỉ đến đọc thơ và khoe lợi ích của thiền. Có lẽ thấy nhà thơ như trẻ ra, khỏe mạnh, cười sảng khoái nên nhà thơ Bùi Kim Anh – một người đang rất bận rộn với một đàn cháu nội, ngoại – cũng bỗng muốn thiền như Dư Thị Hoàn. Đang đêm, chị đánh thức tôi dậy để nghe bài thơ chị vừa hoàn thành trong… mơ:
"Ôm trong đời chữ giá như
Trở đêm thức lại tương tư cảnh thiền
Ôm trong mộng chữ bình yên
Cởi ra buộc lại ưu phiền chẳng hay
Ngả xuống vạt cỏ mà say
Câu thơ nhẹ tiếng, lời bay lên trời… "
Khi chúng tôi cùng đi trên lối thông vắng vẻ và trầm mặc vào Dinh 1 của Bảo Đại, nhà văn Huỳnh Thị Thu Trang tâm sự:
– Bà nội em có họ với hoàng hậu Nam Phương, chị ạ. Khi nào có dịp về Tiền Giang, em sẽ đưa chị thăm Gò Công quê em, cũng là quê của Nam Phương. Mỗi lần đến Đà Lạt, em đều một mình đi lại con đường này, bên trái kia là nhà thờ Bảo Đại xây riêng cho hoàng hậu đến cầu kinh. Em có viết một truyện lịch sử đặt tên là "Dấu giày trên cỏ’’, nhắc đến bà…
Tôi nhìn Thu Trang và nói vui để mong xóa nét buồn hoài niệm trên gương mặt nhà văn:
– Con gái Gò Công chắc đều đẹp người đẹp nết như em và bà Nam Phương, đúng không?
Hầu hết nhà văn trong trại viết đều có "biệt danh", ví dụ chúng tôi gọi nhà văn Nguyễn Hiệp ở Bình Thuận là "Hiệp sĩ" vì anh rất nhiệt tình giúp đỡ các nhà văn nữ, nào là chụp ảnh, mà thường là rất đẹp, xách giúp túi, cầm hộ áo rét khi trời bỗng nóng lên. Nhà văn Lò Cao Nhum thì có biệt danh là "Vệ sĩ". Anh là người đã cùng nhà thơ Nguyễn Tấn Việt đi từ Hà Nội vào Đà Lạt. Chẳng may, anh Việt không hợp khí hậu cao nguyên nên bị ốm, anh phải đưa vào bệnh viện cấp cứu, thức đêm trông nom anh Việt và thường xuyên vào thăm anh khi các con anh đã đến. Đây là một nét buồn bất ngờ của trại. Nhà thơ Trần Hoàng Vy của Tây Ninh làm thơ chân dung các nhà văn dự trại, trong đó khen ngợi Lò Cao Nhum:
"Cháo bưng, nước rót quên mình
Bạn thơ, thôi cũng bởi tình tri âm… "
Và anh đùa trêu nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà:
"Ngọc Hà dải yếm đứt phăng
Van "Đừng gọi chị bằng em", chị nhờ… "
Nhà văn Lê Đình Trường, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Đất Mũi cũng được Trần Hoàng Vy khắc họa:
"Đến từ xứ sở rạch, kinh
Trang văn đặc sắc quê mình, Cà Mau"
Nhà văn Trần Quốc Toàn, một cây viết cho thiếu nhi của TP.HCM, đến dự trại muộn, nhưng anh đã làm không khí trại viết vui nhộn hẳn vì bữa nào cũng nói cười rổn rảng, gọi các cháu bé đến tặng sách và yêu cầu các cháu đọc thơ. Điều bất ngờ là các cháu bé con anh chị em cán bộ của nhà sáng tác cũng thuộc thơ của vài người bọn tôi (đã đưa vào sách giáo khoa) khiến ai cũng rất vui. Chúng tôi gọi anh là "Toàn trẻ con!". Còn nhà văn Vũ Đức Nghĩa từ An Giang đến thì chúng tôi gọi là anh Hai Lúa, vì anh kể chuyện anh đã bị bọn "ăn bay" của Sài Gòn cướp mất chiếc áo khoác anh vắt ở giỏ xe khi đi dạo phố…
Cảm ơn Hội Nhà văn và mọi người. Chúng tôi đã có một chuyến đi ý nghĩa. Chắc chắn sẽ có nhiều trang viết đáng đọc từ trại viết này. Đó là không kể mỗi chúng tôi đều có thêm nhiều bạn mới, những người bạn văn chương đã đọc nhau từ lâu mà nay mới gặp rồi thân thiết…
Tháng 4/2011
Phan Thị Thanh Nhàn – Theo SCLO