Dân tộc Mông sống trên những triền núi cao Tây Bắc có đến năm ngành khác nhau : Mông Hoa, Mông Đen, Mông Đỏ, Mông Trắng, Mông Xanh. Tuy có khác nhau một số nét trên trang phục và phong thục tập quán, nhưng lại có điểm chung là yêu thích nhảy múa, ca hát. Có thể nói, tiếng hát với người Mông như cây xanh cần nước, như con người cần lửa muối.
Trong hội “Sài sán”, tức hội chơi núi đầu xuân, những lần gặp nhau qua mỗi phiên chợ, mùa gặt lúa trên nương, đám cưới… người Mông đều dùng tiếng hát làm phương tiện thể hiện tình cảm với nhiều thể loại : "Khâu xìa plềnh" – tình ca, "Già xông" – đón dâu, "Hcầu slẩu htâu" – thể loại chỉ dùng trong đám ma…
Người ta có thể hát thành lời, hoặc gửi qua tiếng khèn, kèn lá, đàn môi… Mỗi thể loại, mỗi nhạc cụ đều có những sắc thái biểu cảm độc đáo, đặc biệt là những bản “Khâu xìa plềnh” nồng nàn, say đắm. Phải chăng, đó là sức lôi cuốn ở chất trữ tình, ở những cung bậc bất tận ở tình yêu, và trong mỗi nhịp điệu tiết tấu giản dị đã được những đôi trai gái thổi vào hơi thở của tình yêu chân thật, trong sáng, nồng cháy như chính cuộc đời của họ.
Tình ca Mông có hành trăm bản, được truyền từ đời này sang đời khác, cội nguồn là cuộc sống, tình yêu nuôi những bản tình ca bất diệt.
Ta hãy nghe chàng trai ngỏ lời với bạn tình :
Đêm nay đôi ta ngồi đã muộn
Gà gáy giục chín năm mười sáu tiếng
Đôi ta không có lòng thì thôi
Có lòng thì hãy mau cất tiếng lên giọng.
Lời ca như lời thủ thỉ tâm tình, chân thật, thẳng thắn. Song chỉ mới gặp nhau, chỉ nghe lời hát làm sao hiểu bụng nhau, bởi vậy cô gái không khỏi phân vân :
Giờ này trời đã về khuya
Sao đã lượn vòng đổi ngôi, sương phủ trắng
Em chỉ biết miệng anh nhưng chưa biết tim anh.
Người Mông sống giữa thiên nhiên hùng vĩ, những ngọn núi mờ sương cao vút trong mây, những con thác tung bọt trắng xóa, gió ngàn lồng lộng tiếng chim ca. Họ sống, lao động, yêu nhau giản dị, chân thành và mãnh liệt :
Yêu nàng anh yêu lắm, lòng anh yêu nàng
Say đắm lắm cô nàng ơi,
Ra về thương nhớ vô cùng
Nhớ mãi ngày này năm sau…
Chắc là đôi trai gái bén duyên nhau qua tiếng sét ái tình, làm cho đôi lứa thổn thức nhớ mong khôn nguôi :
Em về em không ngủ, em nằm mơ nhớ tiếng anh
Kìa là anh, anh về bên em
Anh đứng bên giường, em yên giấc ngủ.
Vị ngọt của tình yêu có sức hấp dẫn đến say lòng bởi những giai điệu nhẹ nhàng, tinh tế, da diết, bố cục gọn với nhịp điệu thay đổi diễn tả mọi trạng thái của con tim.
Khi đã hiểu và tin nhau, người con gái mạnh dạn tỏ bầy :
Đây là lời em dặn, người yêu ơi
Hôm gặp nhau dối lòng, hát rằng chỉ nhớ mẹ cha
Nhưng lòng em nhớ anh, bạn tình mong đợi
Người yêu ơi!
Rồi người con gái trao cho chàng trai của lòng mình chiếc khăn kỷ niệm :
Yêu anh em dệt khăn này
Lòng em nhớ người em tặng.
Dù xa nhau bao tháng ngày, khăn bên người là em luôn bên anh
Người ơi!
Họ hẹn nhau :
Em chờ đến ngày anh trồng lúa
Trồng xong nương ngô anh đón em về.
Tình yêu của họ nảy sinh trong cuộc sống lao động, hình tượng thơ giản dị, nhưng chuyển tải bao điều thầm kín, mộng mơ.
Song tình yêu đâu phải chỉ có vị ngọt, nhiều đôi lứa yêu nhau không lấy được nhau, họ phải đối mặt với sự thật nghiệt ngã :
Vì anh đi xa, em phải lấy chồng
Giờ chồng em không còn nữa
Đời em cực khổ vô cùng
Còn đâu ngày xưa…
Và hàng năm, những mối tình không thành tìm đến với nhau nơi chợ tình Khâu Vai. Họ ôn lại những ngày xa tươi đẹp mộng mơ, để rồi khi chia tay như được tiếp thêm nghị lực, niềm tin yêu trong sáng :
Không được làm ruộng thì làm nương
Không được làm vợ thì làm người tình.
Trong phong tục hôn nhân của người Mông, người phụ nữ có quyền lựa chọ bạn tình. Sau khi hai bên trao đổi ý kiến và thống nhất, nếu đồng ý họ sẽ tổ chức “kéo tay”. Người con gái được “kéo tay” về nhà chồng, nếu ưng ý, cô gái ở lại ba ngày đêm, tỏ ý ưng thuận. Nếu không vừa ý, cô gái bỏ về, duyên sẽ không thành. Với dân tộc nào cũng vậy, hôn nhân tự nguyện là nền tảng của hạnh phúc. Cũng chính vì vậy, với người Mông, họ luôn thẳng thắn bày tỏ :
Tay em biết cầm kim khâu áo
Anh yêu em
Em yêu anh
Em không có lòng thì thôi
Có lòng thì về, ta ở với nhau một đêm
Tay em biết xe sợi chỉ đen
Em không có lòng thì thôi
Có lòng thì về, ta ở với nhau một ngày…
Ôi lời thơ sao mà đẹp đến thế, vừa mạnh dạn bày tỏ, vừa tế nhị gửi vào đó những ước muốn về tài năng, đức hạnh của bạn tình…
Dân ca Mông với những bản “Khâu xìa plềnh” thật phong phú và đặc sắc, phản ánh tâm tư, ước nguyện vươn tới hạnh phúc vẹn tròn, thấm đượm tình người và tình đời, chắp cánh cho con người vươn lên, phấn đấu vì những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.
Trần Vân Hạc – Theo SCLO