Cái nhà chúng tôi cũng nghèo, nhưng nhà anh đâu có phải là nhà, nó là cái lều chăn vịt, cạnh đường, mãi gần chùa Sét, muỗi giăng hàng, muỗi mịt mùng trong một không gian ẩm, hẹp, tăm tối. Trong căn phòng hũ nút ấy có một người rung đùi, hát, gì nhỉ, “Trở về Xurientô”, đọc thơ, bàn chuyện triết học, nói những điều mộng hão đâu đâu. Chàng Đờ Raxtinhắc của tôi rách đến mức muốn có một cái cổ cồn, một cái cổ tay áo khuy măng-sec để che chiếc áo rách ở bên trong cũng chỉ là một giấc mộng. Vâng, chính là ở đó, ở cái nơi tưởng chừng không có một chút ánh sáng ấy, lại hình thành một nhân cách : vừa mãnh liệt, bản lĩnh, tự tin, lại cũng yếu đuối và… ngớ ngẩn. Trong ngôi nhà ấy, dưới mái trường ấy, trong những cam go vật lộn ấy, anh như được thoát xác. Anh thăng hoa với những bài thơ chảy miết, với sức viết khủng khiếp, liên tục. Chuyện rằng, sau này có người hỏi anh có bao nhiêu bài thơ, anh đáp gọn lỏn : “Hàng yến!”. Anh vẽ tranh, viết ca khúc, viết tiểu luận phê bình, kịch, phim nhựa, phim truyền hình. Có lẽ, không gì ngoài sức sống của ngòi bút đã làm nên những tài sản hiện hữu của anh, giúp anh sống để tiếp tục viết. Và khởi đầu của những sự thăng hoa ấy chính là ngày anh bảo vệ luận án tốt nghiệp “Nghệ thuật Truyện Kiều”. Không ai có thể ngờ (nhất là tôi), rằng Đỗ Minh Tuấn dám lao vào mảnh đất đã được cày xới kĩ, có những cây đa, cầy đề và rất nhiều thành tựu này. Luận án dài 250 trang (qui định là 50 trang, anh “phạm qui” đến 5 lần), nhất là dán xông thẳng vào một lĩnh vực rất hóc : nghệ thuật.

 
Tôi nhớ những đoạn, trường đoạn tài hoa về nhạc, hoạ trong Truyện Kiều. Buổi bảo vệ chật ních người, tôi đứng ở cửa ra vào, tự trào và tự hào. GS Đinh Gia Khánh nói, đại ý : Mấy hôm trước mắt tôi bị mờ, vậy mà đọc luận án này, hình như mấy hôm nay thấy mắt sáng ra. GS Nguyễn Tài Cẩn ngồi hơi xây lưng về phía Hội đồng Giám khảo, gật gù. Bản thân tác giả biện luận về việc “phạm qui” : “Vì trình độ có hạn, nên tôi không thể viết ngắn hơn". Luận án đạt điểm ưu. Nhưng đến bây giờ, tôi vẫn nói với bạn bè là nó xứng đáng với bất kỳ học vị gì. Ra trường, anh về Viện Triết, học Đại học Sân khấu Điện ảnh, là đạo diễn và tiếp tục xông pha trên mọi thể loại. Lần được phân phối căn hộ tập thể đầu tiên (có sự can thiệp tích cực của một nhà thơ lớn), anh bảo tôi : “Đây là thắng lợi của tri thức!”. Biết anh hay đao to búa lớn, nhưng tôi mừng rú vì từ nay, anh thoát kiếp lều vịt. Rồi anh sang Paris đúng dịp kỷ niệm 200 năm Đại Cách mạng Tư sản Pháp (1989). Năm 1992, anh cho xuất bản liền tù tì 4 tập thơ, và sau đó là các cuốn khảo cứu, phê bình, lý luận dày dặn : Nghệ thuật trữ tình của Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1995), Ngày văn học lên ngôi (1996), 6 phim truyện (1987 – 2004), ít nhất 13 phim truyền hình (1989 – 2009), 3 kịch (2001 – 2009), tiểu thuyết “Thần thánh và bươm bướm” (2009), vài triển lãm tranh trong và ngoài nước.

Nhưng trước hết, vẫn cần phải nói, Tuấn là một thi sĩ. Một thi sĩ tự bản năng, bản chất, thiên phú. Anh viết không ngơi tay. Chúng tôi vẫn đùa là đầu tư cho thơ bao giờ chi phí cũng rẻ nhất. Là nhà soạn nhạc, anh phải có dương cầm. Là họa sĩ, phải có toan, màu. Là nghệ sỹ múa, phải có phục trang, chi phí giữ gìn hình thể. Làm thơ, chỉ một chiếc bút (bi 1.000 – 2.000, giá hiện thời), một tờ giấy (giấy gì cũng được : vỏ bao thuốc lá, giấy đã viết một mặt, biên lai, giấy xé từ vở học sinh, sổ tay). Thơ đối với Đỗ Minh Tuấn thật sự là một sự giải thoát, là sự cứu rỗi, là sự tự định nghĩa, làm rõ cái Tôi để chỉ rõ, tan hòa, cộng sinh cùng cái Ta. Thơ Tuấn là “cho mình” và cho “những ai đau khổ, buổi tối cạnh cầu, cạnh cống cạnh rãnh, cạnh bờ tường ủ rũ”. Chất tự sự, tự bạch, không che dấu, trở đi trở lại với các tô-tem, mô-típ lồng ghép với các ý niệm về mỹ cảm, đạo đức, nhân sinh và không thể thiếu, các ngụ ý triết học. Ta thấy có bóng dáng tôn giáo, những trải nghiệm, ẩn ức, phép ẩn dụ, phép tự biện, có những cách ngôn và đồng dao. Về lý tưởng thẩm mỹ, cũng có thể coi là tuyên ngôn thi ca, Đỗ Minh Tuấn quan niệm : “Thế là hết/ Hết cái thời lương tâm ta bé bỏng/ Vần điệu du dương cắn nhẹ tâm hồn/ Thế kỷ này lương tâm mọc răng khôn/ Cắn xé thói đời/ Cắn xé tệ quan liêu phàm tục”.

Định đề trên được giải thích rõ, bởi những “vần điệu du dương” ấy là bắt nguồn từ “Những nhà thơ yếu mềm ướt át/ Đã dựng ngai vàng nơi đuôi con mắt/ Ban luật lệ đầy sách dạy làm thơ/ Giam mắt người trong những giấc mơ”. Nhà thơ khẳng định, thi ca hiện đại là “Cho giấc mơ bắt vần cùng thực tại” (Về Mai-a-cốp-xki, Tỉnh giấc, các đoạn trích cùng bài, phần nhấn mạnh là của chúng tôi). Về mặt văn học sử và lí luận, ta thấy có bóng dáng tuyên ngôn thơ hiện đại, bắt đầu từ Apôline, với việc từ chối các xa-lông khách thính, những bóng hồng hư ảo, những “điệu du dương”, để “giấc mơ bắt vần cùng thực tại” để những xe lửa, tàu điện, thuốc lá, tiếng ồn, bụi phố, người nông phu lam lũ ào vào thơ. Không chỉ đưa bút chì thước kẻ vào ngôn ngữ như cách Xốt-xuya đã làm, mà táo bạo phá bỏ “lối mòn, cái ách” của thơ cũ để phanh phui cả “thói quan liêu phàm tục” trong thơ, cho ước mơ cất tiếng. “Như đồng hồ/ nhảy lò cò qua những vực lặng yên” (Về Mai-a-cốp-xki, bài đã trích).

Và đây, xin bạn hãy dõi theo chân dung tự thuật của nhà thơ, xem cái Tôi của anh không ngần ngại cất lời : “Tôi trần trụi không có áo, không có tên… / Đom đóm và tôi cùng bay trong kí ức… / Còn tôi vẫn say mê bông súng tím trên đầu/ Tôi vẫn thích vớt những chiếc lá tròn căng trên mặt bát làm cái trống xanh”. Vì nhà thơ : “Không có đồ chơi tuổi nhỏ” nhưng “Tôi lăm le mua đàn lạc đà trên cung trăng/ mua hoa lay-ơn/ tặng cho người cụt tay vẫn đến vào buổi tối – Không mang theo đèn… / Tôi thường bỏ đi ngồi cạnh cây táo già cụt ngọn của nhà bên”. Và đây là tóm tắt, là ký họa một nét cái gọi là Tôi của thi sĩ, sau những mờ chồng đã phần nào làm rõ nhân cách : “Tối nương tựa vòng cây/ Tôi là con sâu làm tổ trong im lặng/ Không sợ gì hơn những tiếng thở dài” (Mẹ tôi – Người hay lo, trích đoạn II, III, V, VI).

Những bài thơ dài, dạng trường ca hoặc có cấu trúc kiểu trường ca của Đỗ Minh Tuấn không ít. Nhưng “Mẹ tôi – người hay lo” giống như một tổ khúc giao hưởng 6 đoạn, 
một chủ đề. Đây là một tác phẩm nhà thơ bộc bạch hết tâm can, nói hêt nỗi lòng với mẹ, về mẹ, đồng thời phần nào đề cập một bối cảnh xã hội cần phải cởi thoát, nhưng trước hết, viết về mẹ là viết về cái riêng, cái đặc thù trong cái phổ quát. Viết về người sinh thành vĩ đại nhất là rất khó, vì đó không phải là đối tượng để giải phẫu, mà một chiều ngợi ca lại sáo, dễ giả. Ở đây, tác giả chọn một đối ứng, là quan hệ hữu cơ giữa anh và mẹ để từ đó, nhấn chân dung của Bà. Phép ẩn dụ, các hình ảnh, hình tượng mang tính biểu trưng trong bài sau này thường được tái hiện trong các mô-típ sáng tạo khác của Đỗ Minh Tuấn. Chân dung này nhiều chiều góc, là chuyện kể xen những ngẫm ngợi, hồi ức : “Mẹ tôi chải đầu/ đầy sân tóc bạc… / Bà tôi buông chiếc gậy lìa đời/ Mẹ phải dành dụm dần từng que hương để đốt cho bà… / Mẹ bới nát cánh đồng tìm một củ khoai bị quên… / Mẹ vừa sinh tôi, gió lay dàn nhót/ Tôi trần trụi không có áo, không có tên/ Chiếc áo mẹ khâu phải khoác trên lưng con chó vàng cho nó chạy quanh sân/ Mẹ tôi đuổi theo cướp lại lấy phước… / Ngôi nhà như con thuyền trôi lang thang trên đất/Mẹ tha theo từng nắm giẻ, từng cái chổi… / Nỗi lo ùa vào nhà tôi/ Như con chó dại đi lạc/ Mẹ tôi nuôi nó từng ngày/ Bằng quả tim đầy nước mắt”. Nhà thơ dõi theo nỗi lo, sụ tần tảo chắt chiu, những bề bộn công kia việc nọ trĩu vai, lằng nhằng bám đuổi : “Mẹ tiếc từng buổi làm, ốm không dám nghỉ/ Sớm sớm, mẹ tôi đứng như một pho tượng gỗ… / Đăm đăm nhìn cuối đường nhận mặt ô-tô… / Một chiếc xe lừ lừ bỏ bến/ Mẹ thấy như cả tuần lễ trôi qua rồi… / Mẹ tôi – nỗi lo âu mặc áo vá vai không biết ngày chủ nhật… / Cái bề bộn ngổn ngang như là phác thảo của sự tan nát”.

Đây, những hình ảnh lạnh và đắt, 4 câu 2 nhịp : “Khúc củi to cháy dở từ Tết trước còn giữ nguyên cái đầu than đen/ đứng ở góc nhà kia, đợi Tết sau cháy tiếp”, và (nối mạch) “Cái mâm gỗ mẹ dùng từ ba mươi năm trước/ mỗi bữa cơm gợi nhớ cả cuộc đời”. Rồi “Đếm kỹ từng đồng lương /Mẹ cất trong áo gối… / Từ đầu năm đã tính chuyện rải lá dong đón mùa xuân về”. Vì : “Tết mua sớm là Tết rẻ”. Những câu thơ như sát muối : “Những đồng xu be bé/ Lanh canh những chuỗi cười/ Và thế rồi/ lật sấp/ Nước mắt mẹ tôi rơi”. Trong ngôi nhà ấy, “Mẹ tôi chống lại từng hạt bụi, từng giọt nước vừa hoen? Không cho những đồ đạc trong nhà thành kỷ niệm”. Và “Tôi đập mạnh vào bàn làm rung cả cốc chén/ Nhạc Bethoven xoàn xoạt… ?Tôi rải nhiều tiếng cười vào tận trong bếp/ Khi mẹ xây xong lâu đài của mẹ bằng những cái chai/ Tôi giành lấy ngày mai, đựng trong một cái hộp” (?!). Ở đây, phép đối ngẫu theo kiểu đối vị, đối âm và những phúng dụ có tính biểu trưng, tích hợp trong tác phẩm này, dễ nhận thấy trong những sáng tạo trước/ sau này của anh. Đó là hoa gạo đầu làng, đom đóm, bông súng tím, cái trống xanh, con gà khổng lồ, hương hoa chanh, lạc đà trên cung trăng, cây táo già cụt… Bên cạnh những phúng dụ có sức khái quát như “Mẹ chống chọi với những cơn bão táp nhân danh một kỷ nguyên” là những câu lơ lửng như tuột ra từ đáy sâu tiềm thức, không “lập qui” với những mảng nào, câu nào, ví dụ “Sự quên lãng có bộ lông mềm mại/ Và cơn mưa – vị khách xua đuổi khóc lóc ngoài hàng hiên” hay “Mặt trời bị băm ra bởi những chiếc lá xanh quen đùa cợt”. Chớ có đi tìm cách lý giải những câu thần chú hay bí tích này. Nó là những khối lập thể. Nhưng có nó, nhịp thơ đỡ căng, vì phải nói thật, bài thơ này đọc khá mệt. Nghệ thuật hay bút pháp của anh không nằm ở câu, nó không phải là những nét nhấn để hoàn thành một hình ảnh, những chấm phá của quốc họa hay cái mượt mà của tranh lụa. Nó là những mảng, những khối sơn dầu đặt thành từng lớp, cuồn cuộn, dày dặn, nhà thơ chú mục vào ý tưởng, dựng tượng, cân nhắc những phán đoán, những ngụ ý, bắt các chi tiết phục tùng cái toàn cảnh.

Đỗ Minh Tuấn cũng là người “Tự mình gây chướng ngại rồi tự mình vượt qua" (Nhật ký, X, Thơ tình). Âu cũng là một nét tính cách, hay bản ngã của anh. Anh rành về phép tự biện. Anh là người quyết liệt bảo vệ chính kiến một cách cực đoan. Nhưng anh là người hoà nhã, thua thiệt trước người thân và bạn bè. Lúc hàn vi, cùng đi đánh trống ở trường cậu tôi, tôi hát, đọc sách, anh nhặt rau, thổi cơm. Có lần, anh đưa tôi một ít tiền, bảo là công xá gì đó vì một việc tôi giúp anh. Tôi cũng không biết là việc gì. Anh giải thích tôi cũng không hiểu. Cứ đưa tiền thì tôi cầm. Lại có một dạo, người ta xa lánh anh vì những bất đồng này nọ. Anh hỏi tôi. Tôi nói tôi không để ý những chuyện ấy, mặc kệ họ, lúc nào tôi cũng ở cạnh anh. Xưa, cứ mùng 5 Tết, tôi đến nhà anh ăn bánh ch
ưng rán. Sau, tôi cũng bỏ cái lệ tốt đẹp ấy. Anh ốm, tôi không đến thăm. Vợ tôi kêu. Tôi đáp rất bửa : “Tuấn không phải là người để ý những chuyện vặt ấy đâu, quan trọng gì!” Và tôi cũng nghĩ vậy. Nhiều chuyện khác. Nói chung là tôi khá bửa! Anh có nhiều danh hiệu, giải thưởng, tôi miễn kể ra. Và những bất cập trong cuộc đời. Con đường anh đi, nó khắc khoải, tranh đoạt, cam go giữa người nghệ sĩ và một con người thế tục, phải sinh nhai, phải đấu tranh để tự khẳng định. Gia đình (cả lớn lẫn nhỏ) cũng là một gánh nặng với anh. Anh uống bia, cũng vẫn chỉ đôi cái nem chua vài củ lạc như xưa. Có tiệc tùng, anh cũng ăn như để cho no, vẻ thực bất chi kỳ vị. Nhưng đó là con người Thực, không chút tô vẽ, của anh.

Tôi vẫn nhớ câu “Những binh đoàn thẳng tắp một màu da” anh đọc hồi ở trường. Anh mong ngày văn học lên ngôi, anh đầy tự tin, không hề mặc cảm, việc nghệ sĩ Việt chiếm những cái đỉnh của thế giới không phải là việc phải tranh luận mất thời giờ.

Tôi thì tôi tin anh – một trong những bạn học hiếm hoi mà tôi rất tự hào. Vì, điều mà tôi tin nhất, đối với Tuấn, người nghệ sĩ tự cho mình là đã, đang, sắp ở một cái đỉnh nào đó cũng đồng nghĩa với tự sát. Cách nhìn và hành động của anh là như vậy.

Hà nội, 1/2010
Tấn Phong
Nguồn : Văn nghệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *