Tôi dắt cháu tôi đi tìm con suối mà tôi đã kể cho nó nghe nhiều lần: “Hồi nhỏ dì Hai thích đi chơi suối, hái trái sim tím, trái cơm nguội đen ăn ngon lắm, rồi lội suối bắt cá lòng tong, cá lìm kìm chơi vui lắm”. Cháu tôi ngong ngóng miết mới tới ngày hôm nay, được theo dì về quê ngoại, tìm con suối thần thoại của tuổi thơ.

Cái háo hức của đứa bé bây giờ chưa từng biết về dòng suối hòa với nỗi bồi hồi của con bé hơn 30 năm trước thường chơi bên dòng suối nay đang trở về tìm lại hang cúc xưa. Bé Bi biết không, con cúc nhỏ xíu như hạt cát vậy. Nó đào hang trong cát, miệng hang hình cái phễu nhỏ xíu trên mặt cát, dễ thương ơi là dễ thương. Buổi sáng mình ra bờ suối, ngồi thụp xuống tìm cái miệng hang con cúc, thổi nhẹ nhẹ cho cát dưới đáy phễu bay đi. Nhớ là thổi nhẹ thôi, rất nhẹ, để con cúc không hay biết gì hết. Nó cứ yên trí ngủ say dưới đáy hang cho đến khi cát bị thổi bay hết, và con cúc bị lộ ra, luống cuống xoay trở tứ phía, chỉ còn một cách thoát thân duy nhất là lại vùi mình vô trong cát.

Cát vét từ lòng suối lên rất mịn, nhuyễn và trắng phau. Người ta phải thường xuyên vét cát trong lòng suối đắp lên hai bờ, lại cắm những cọc tre dọc bờ suối để giữ cát. Tre mọc thành rặng xanh um dài theo hai bờ suối , cành và ngọn tre giao nhau tạo thành một vòm xanh che bên trên con suối . Nhìn từ trên gò cao, dòng suối giống một con rồng tre xanh uốn lượn qua những rẫy cà, rẫy mướp. Lội theo dòng suối chẳng khác naò đi vào lòng một hang động ngoằn ngoèo hun hút, róc rách tiếng nước chảy, rì rào tiếng gió thổi qua lá tre, thỉnh thoảng ánh nắng xuyên vào làm mặt nước lấp lánh.

Từ xa hai dì cháu có thể nhìn thấy con suối rồi, tuy tôi nhận ra nó nhờ ký ức chứ không phải bằng hiện thực. Cháu tôi bảo nó không giống con rồng xanh chút nào, mà giống con trăn già da mốc thếch. Tre đôi bờ thưa thớt , xác xơ. Tôi đổ thừa cơn hạn vừa rồi làm con suối cạn queo gần một tháng. Nhưng tôi cũng đoán là mươi năm gần đây, dân số làng tôi đông quá, người khá lên cũng nhiều mà người nghèo đi cũng đông. Trẻ con lội suối bắt được con gì cũng kể là thức ăn, mụt măng nào vừa nhú lên mà bị nhìn thấy là bị bẻ ngay.

Hai dì cháu đến bên bờ suối, sự so sánh của cháu tôi tỏ ra chính xác. Cát bây giờ không trắng phau, hoặc vẫn có màu trắng đó, nhưng vì lẫn quá nhiều rác rưởi nên ngó nó dơ dơ. Cháu tôi hăm hở lội xuống suối, nhưng tôi giơ tay giữ nó lại, như một phản xạ khi thấy nó sắp dẫm chân vô vũng lầy. Nước suối không trong ngần như xưa, mà lòng suối cũng không còn lộ ra những viên sỏi đủ màu lẫn trong cát êm như dòng suối tôi còn nhớ. Nhờ mấy trận mưa vừa qua, con suối lại róc rách chảy, nhưng nước đục lợn cợn, mùi hôi hóa chất cùng chất thải công nghiệp theo dòng suối vào từng con mương thấm vào những mảng vườn măng cụt sầu riêng. Phất phơ hai bên bờ suối những bao ni-lông và các thứ rác của xã hội tiêu dùng như ống hút, dây thun, giấy gói quà, bình nhựa đủ dạng màu kích thước, chén dĩa xài một lần, băng vệ sinh, . . .Không đến nỗi ngổn ngang như một bãi phế liệu hay đống rác ngoại thành, nhưng mỗi thứ có một ít đại diện cũng đủ làm tôi đứng lặng yên nghe đứa nhỏ trở về trong tôi bật khóc.

Mỗi khi mưa lớn, con suối trở thành cuồng lưu, nó cuốn theo dòng chảy mọi thứ từ rừng đầu nguồn và suốt hành trình qua những gò đồi nương rẫy, rồi mới cặp theo đường làng đổ vào một con rạch nhỏ chảy ra sông Búng, con sông này ra khỏi địa phận làng tôi thì được gọi là sông Sài Gòn. Hồi nhỏ, mỗi khi mưa tạnh, tôi thường chạy chân đất ra bờ suôí khi dòng nước còn cuồn cuộn chảy xiết. Tôi hồì hộp tìm kiếm trong những cành lá cây gẫy rụng bị cuốn theo dòng rồi vướng vào những gốc tre. Đôi khi một chiếc thuyền xếp rất công phu bằng giấy học trò, nhưng đã te tua sau hành trình baõ táp, mệt mỏi tấp vào chân tôi. Tôi lượm lên tỉ mỉ mở lần theo từng đường gấp, thán phục sự khéo léo của người nào đó, ở xa lắm trên nguồn, chắc là phía Tân Khánh hay Tân Uyên, cố đọc trong những vết mực lem luốt một thông điệp gì đó mà chiếc thuyền con đã chở đến tôi. Rồi khi con suối nguôi ngoai, hay đã mệt mỏi, dòng nước trở lại vẻ bình lặng, ung dung róc rách, tôi xé trong tập của mình một tờ giấy, nắm nót đề câu gì đó, rồi phỏng theo đường xếp của chiếc thuyền kia, tự mình xếp một chiếc thuyền khác, thả xuôi dòng suối chảy qua làng, dặn dò nó hãy đi thật xa, trôi ra Búng, trôi tới Sài Gòn, mở trí tưởng tượng của tôi đến một thế giới huy hoàng rực rỡ tận phương trời xa xôi đó. Bây giờ từ phương trời xa xôi đó tôi trở về làng nhìn rác rưởi của “thế giới rực rỡ huy hoàng” tấp vào đôi bờ con suối tuổi thơ tôi…

Tôi lẩm bẩm như người mê nói với đứa cháu: “Hồi xưa , h
ồi dì còn nhỏ . . .”. Đứa bé nghiêng đầu nghe bằng một nửa tai, như những đứa trẻ bây giờ nghe chuyện cổ tích. Nó không thắc mắc gì về những rác rưởi trôi lềnh bềnh theo dòng nước. Sông suối bây giờ chảy qua một khu công nghiệp và một khu du lịch trước khi chảy qua làng. Những thứ nó quăng lên bờ thôi thúc những đứa trẻ vườn măng lớn vội lên để xin một chỗ làm mướn trong khu công nghiệp Singapore , hay chân tiếp viên nhà hàng máy lạnh ở công ty du lịch.

Đứng bên con trăn già da mốc thếch bây giờ, tôi nhận ra mình đã thành một bà dì, đang cố gắng dụ dỗ cháu bằng chuyện cổ tích. Hồi xưa, có một dòng suối trong mát ngọt lành chảy qua vườn măng cụt sầu riêng, có một chiếc thuyền giấy chở ước mơ qua làng, thôi thúc một đứa bé làm thơ…

Tùy bút của Lý Lan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *