Natalia Goncharova, vợ ông kể lại rằng hồi mới cưới nhau, có lần ban đêm tỉnh dậy với tay lấy cốc nước, chợt tình cờ nhìn thấy bộ tóc giả của chồng để trên bàn, bà sợ quá kêu toáng lên. Nhà Pushkin học V.N. Kuzhovkin khẳng định rằng, sau khi Pushkin qua đời, bộ tóc giả của nhà thơ được bí mật mang sang Mỹ và trưng bày tại một bảo tàng tư nhân.
Ba mươi bảy năm sống trên cõi đời, con người đa tài và cá tính bốc lửa này đã kịp yêu nhiều phụ nữ, từ cô gái nông nô Maria Kalashnikova đến cháu ngoại của vị thống soái Nga lừng danh Kutuzov – Daria Fikelmon.
Một số phụ nữ nhờ có Pushkin mà đi vào sử sách.
Pushkin không khách khí với những người tình của mình, một khi ông đã chán rồi thì không còn gì có thể cứu vãn được: kể cả nước mắt, kể cả những lời thề thốt chung thủy đến tận mồ, kể cả những cơn thịnh nộ của người tình hay vũ khí của các đức lang quân. Dường như đơn giản là nhà thơ của chúng ta cởi bỏ trạng thái yêu đương này để rồi vài giờ sau lại lao vào vòng xoáy ái tình khác.
Trong tình yêu, Pushkin là người cuồng nhiệt, không kiềm chế và đôi khi cả ghen đến mức quẫn trí. Ông đã nếm trải một mối tình như vậy với Amalia Riznich, con gái của một nhà băng người Áo và vợ của một trùm tư bản công nghiệp cỡ bự. Phải mất rất nhiều thời gian, công sức và vượt qua hàng tá người hâm mộ, nhà thơ mới chinh phục được nàng. Ông ghen tuông một cách điên dại với chồng của Amalia, với những tình nhân khác, thậm chí với cả đám người hâm mộ. Ông theo dõi nàng, rình đón những chuyến xe đưa nàng trở về nhà, thậm chí một lần nhà thơ đã đuổi theo xe ngựa của người tình gần bốn dặm đường trong cái nóng như thiêu như đốt. Pushkin muốn biết người đẹp đi đâu trong cỗ xe của mình? Và lần này thì kẻ bị bỏ rơi không phải ai khác mà chính là ông.
Pushkin dằn vặt rất lâu vì sự "phản bội" này. Sau đó, Amalia Riznich qua đời vì bệnh lao phổi ở Italia, nơi đất khách quê người, trong sự lãng quên của chồng, người tình lẫn đám đông hâm mộ. Cái chết của nàng khiến nhà thơ hết sức đau khổ. Sau này Pushkin viết: "Vâng, vâng, những cơn ghen là một thứ bệnh, giống như dịch hạch, như cơn sốt, như trí tuệ bị tổn thương…". Những lời này được ông đặt vào miệng nhân vật Lensky trong trường ca "Evgeny Onegin".
Trong câu chuyện tình với cô gái nông nô Maria Kalashnikova, nhà thơ của chúng ta đã đi xa đến mức… một cậu bé đã ra đời, được đặt tên là Pavel. Đứa bé yếu ớt đến nỗi chỉ sống được hơn ba tháng.
Câu chuyện tình sau đây của nhà thơ với nữ bá tước Elizaveta Vorontsova, phu nhân của một vị tướng – tỉnh trưởng, đã để lại cho Pushkin quá nhiều phiền muộn. Không rõ Elizaveta Vorontsova có thực lòng yêu Pushkin không, nhưng việc nhà thơ có "để mắt" tới vợ mình thì bá tước – tỉnh trưởng Vorontsov đánh hơi rất nhanh. Ông khẩn trương đến gặp Sa hoàng phàn nàn về hành vi "nhẹ dạ" của nhà thơ. Kết quả là Pushkin bị đày tới làng Mikhailovskoye. Nhà thơ giấu kín trong lòng nỗi oán hận bá tước Vorontsov. Bạn còn nhớ những câu: "Một nửa bá tước/ Một nửa con buôn/ Một nửa người khôn/ Một nửa vô học…" – Đó chính là Pushkin viết về kẻ tình địch của mình.
Câu chuyện trên xảy ra trước cuộc gặp gỡ với Natalia Goncharova một vài năm. Bà trở thành vợ và là người tình thứ… 113 của Pushkin.
Theo Trần Hậu – CAND Online