Nuôi 20 đứa con nuôi và 4 đứa con ruột là một gánh nặng, làm cho vợ chồng ông Tư Lý xác xơ, còi cọc. Cái nặng thứ nhất là về kinh tế, cái nặng thứ hai là những mâu thuẫn đời thường tất yếu sẽ xảy ra trong cuộc sống chung chạ giữa con ruột và con nuôi. Ông kể : "Hồi tôi mới về, Liên doanh Thủy sản Gành Hào cho ở đậu. Nhưng sau đó, họ thấy tôi nghèo mà còn làm phước nên hóa giá luôn cho căn nhà. Thế nhưng, áp lực nuôi con ăn học lớn quá, tôi phải đành bán căn nhà ấy để trang trải chi phí học hành cho chúng". Hai vợ chồng già và một cô con gái út mù ở đậu trong một căn nhà của bạn để làm cật lực hàng tháng gởi tiền, gởi gạo lên nuôi 6 đứa con còn học tại Cần Thơ. Hàng ngày, ông đi làm ở trạm xá, ngoài giờ hành chính thì về chữa bệnh, bán thuốc và châm cứu cho bà con. Vợ ông thì may mùng thuê, còn cô gái út mù cũng góp phần với ông kiếm tiền trong việc châm cứu, xoa bóp. Một người lành, một người bệnh và một người tàn tật phải làm cật lực để nuôi 6 người, thật là căng thẳng. Mà tiền ông làm ra nào có bao nhiêu, chủ yếu là làm phước. Phương châm của ông là cần kiệm để dồn sức nuôi con.

Gia đình ông sống đời thanh đạm và khổ hạnh, còn ông thì sống lối sống của thầy tu. Hơn 20 năm qua, ông không ngồi quán cà-phê một lần nào. Cũng 20 năm đó, ông không dám chi tiền cắt tóc. Tóc ông dài quá thì vợ con lấy kéo cắt giùm. Và cũng hơn 20 năm ấy, ông không may một bộ quần áo nào. Quần áo ông mặc là do những người nhớ ơn nghĩa cứu mạng may cho. Có lúc, ông bung ra làm ăn bằng cách lên Xóm Lung thuê một vuông tôm để nuôi tôm, cua. Rồi mùa vụ thất bát liên miên, gia đình cùng quẫn, ông không dám dẫn vợ con về Gành Hào. Một bữa nọ, có một người từng thọ ơn ông tình cờ gặp, anh ta kêu ông về lại Gành Hào rồi hứa cho mượn đất, cất nhà cho ông ở. Thấy ông do dự, anh này kêu xe và tự tay chất đồ đạc của ông lên xe chở về Gành Hào. Ông về đứng trước căn nhà bà con xúm xít cất cho mình mà ứa nước mắt! Suy cho cùng, luật đời thật là sòng phẳng! Nếu sống bằng việc nghĩa thì dù người thọ ơn không trả, người khác cũng trả thay. Có năm, bà con gom góp cho ông đến 61 táo gạo. Rồi hết người này kêu cất nhà cho ông ở đến người khác. Không có tiền nhưng ông có thể mua thiếu gạo bất cứ lúc nào. Và những chiếc xe tải mà ông gửi gạo lên Cần Thơ nuôi con ăn học ít khi họ lấy tiền. Nhờ thế nên khó khăn cũng dần vơi, các con ông vẫn tiếp tục việc học. Ông luôn nói với tôi những điều trái ngược : "Người ta cho tôi nhiều hơn tôi cho họ".

Ông Phạm Văn Quận, nhà ở thị trấn Gành Hào, nói với tôi : "Vợ chồng ông Tư Lý đầu tắt mặt tối, ít có thời gian dạy dỗ con cái, mỗi năm chỉ lên Cần Thơ thăm con một hai lần, vậy mà không biết vì sao đám con "hỗn hợp" ấy lại sống nền nếp lạ lùng!". Nền nếp ở đây là lối sống cần kiệm, thuận thảo và hiếu hạnh. Là con nhà nghèo, có khi chị em mặc chung chiếc áo dài, buổi sáng em mặc, buổi chiều chị mặc. Sách vở, dép giày của chị dùng năm trước, năm sau chật không dùng thì cất kỹ để cho em dùng năm sau. Biết cha mẹ khó khăn, hai đứa con nuôi của ông Tư Lý xin được việc làm thêm ở bệnh viện. Tới tháng lãnh lương, chúng đều mang về đủ để chi xài chung. Mỗi lần lãnh lương, chúng ra chợ mua về con vịt quay để 6 chị em ăn, chứ không đi ăn riêng bao giờ. Hè đến là chúng về nhà ông như về tổ ấm. Đứa nào cũng làm quần quật việc nhà. Thấy mẹ bị bệnh tiểu đường, thấy cha quanh năm không có một chiếc áo mới, mấy đứa con nuôi ông đọc báo thấy có phương thuốc hay là dành dụm tiền mua thuốc gởi về cho mẹ, mua áo gởi cho cha. Ông Tư Lý lại nói với tôi những điều rất trái ngược : "Con nuôi tôi nó có hiếu hơn con ruột".

Điều khó hiểu của ông Phạm Văn Quận nhưng nó lại là điều dễ hiểu của tôi : ông Tư Lý không dạy con bằng lời, mà bằng chính việc làm của ông, chính cuộc đời ông nó quy định cái khuôn phép sống cho chúng. Ông sống khổ hạnh để dành dụm nuôi con thì con ông sẽ cần kiệm trong lối sống. Ông sống không tỵ hiềm, tính toán, lấy sự tích đức làm mục tiêu cho nghề nghiệp. Ông đầu tư cho con học ít hay nhiều là căn cứ vào học lực của chúng. Như Nguyễn Phước Thảo, là con nuôi, học đại học, nhưng hai đứa con ruột của ông chỉ học cao đẳng. Ngay từ bé thơ, đám con ông đã quen với lối sống ấy rồi, làm sao chúng có thể sống khác hơn được? Đây cũng là luật đời cả đó thôi : "Gieo nhân nào thì gặt quả ấy!".

Chia tay với ông Tư Lý, tôi tự nói với lòng rằng tôi sẽ đến nhà ông Tư Lý, tận mặt nhìn ngắm bà vợ, cô con gái út mù và 6 đứa con đang học ở Cần Thơ của ông. Tôi sẽ ngắm căn nhà cất trên mảnh đất mượn của ông… để tận mắt nhìn ngắm một góc cuộc đời đẹp như pha lê đang lẩn khuất ở vùng biển Gành Hào lộng gió. Và chắc rằng, tôi sẽ yêu cuộc đời hơn, thấy mình muốn sống với nó hơn, bởi vì cuộc đời đẹp ngoài sức tưởng tượng của ta, đẹp như chuyện cổ tích.

PHAN TRUNG NGHĨA – Theo SCLO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *