Ông đến từ cửa biển Gành Hào lộng gió và ngồi trước mặt tôi bằng một phong thái khiêm nhường mà đĩnh đạc. Người ông gầy gò, nước da xanh tái, phục sức giản dị đến mức không thể giản dị hơn. Tất cả những điều ấy thông báo với người đối diện rằng, đó là một người nghèo khó, bươn chải. Thế nhưng, ở ông lại có những mặt đối lập, đó là vầng trán cao của một trí thức, nụ cười đôn hậu của một người tử tế.
Đặc biệt là giọng nói trầm ấm với những lời lẽ rất cẩn ngôn, chứng tỏ đây là một người rất thận trọng và có tư cách. Ông kể chuyện gia cảnh, chuyện đời ông với một câu chuyện lạ lùng, hiếm gặp. Tôi ngồi lắng nghe, có lúc mắt rơm rớm rồi ngẫm nghĩ : "Đời tôi thật may mắn khi duyên số run rủi được gặp ông để mà ngộ ra nhiều điều về lẽ người, lẽ đời".
Ông tên Nguyễn Minh Lý, dân Gành Hào thường gọi là ông Tư Lý. Cuộc đời ông lận đận lắm! Năm 18 tuổi, ông đã tham gia kháng chiến (năm 1964), cứ vừa học vừa làm, lấy nghề Đông y mà phục vụ cách mạng, phục vụ kháng chiến. Sau ngày thống nhất đất nước, ông được phong Lương y cấp quốc gia, được phân công làm công tác bảo vệ sức khỏe cho Tỉnh ủy Cà Mau. Rồi sau đó được điều về làm Trạm xá trưởng Công an tỉnh Cà Mau với quân hàm trung úy. Khi mối quan hệ của Việt Nam – Trung Quốc căng thẳng, ngành Công an có quy định mới về lý lịch, thế là vợ chồng ông phải chuyển ngành. Bởi vợ ông – bà Quách Kim Kế – là người Hoa. Còn ông thì có người chú ruột nằm trong một tổ chức phản động. Ông được điều về làm Trưởng khoa Đông y Bệnh viện huyện Giá Rai. Sau đó, được phân công về Trạm xá thị trấn Gành Hào và định cư ở cửa biển đầy nắng gió này đã gần 30 năm nay. Thuở ông mới chân ướt chân ráo đến, thị trấn Gành Hào hãy còn nghèo nàn, lạc hậu lắm. Nhà cửa thưa thớt, cư dân tứ xứ tụ hội về đây để đi đánh cá và đốn củi. Đường xá, trường học, bệnh viện gần như chẳng có gì. Muốn ra huyện Giá Rai hay Quốc lộ 1A chỉ có một con đường thủy độc đạo và mỗi ngày chỉ có một chuyến đò.
Thị trấn nghèo nhưng cuộc đời của vợ chồng ông còn rách hơn. Mấy chục năm đi kháng chiến, thuyên chuyển khắp nơi và lưng túi không có gì đáng nói. Khi ông đến Gành Hào, Liên doanh Thủy sản Gành Hào biết ông có nghề chữa bệnh nên cho ông mượn một căn phòng ở tạm để hành nghề y dược. Đêm nằm nghe sóng biển rì rào, vợ chồng ông cứ tự hỏi sao cuộc đời mình lại đắng cay và nghèo khó đến thế? Bây giờ, ông mới nghiệm ra rằng : con người có nếm trải nhiều đau khổ thì mới thấu hiểu, chia sẻ được những đớn đau của cuộc đời. Bởi thực tế bên ngoài bốn bức tường nơi ông ở, có người còn đau khổ hơn.
Ông không nhớ năm tháng, chỉ nhớ một hôm, có đôi vợ chồng trẻ mang đứa con bị sốt xuất huyết rất nặng đến cầu cứu. Hoàn cảnh vợ chồng trẻ này thật đáng thương! Nghe nói họ ở đâu tận Bạc Liêu, cầm cố hết đất đai để mua một chiếc ghe nhỏ, rồi để lại một ít gạo cho hai đứa con lớn chưa đầy 10 tuổi ở quê và dẫn theo đứa con út xuống Gành Hào đốn củi. Hơn nửa tháng nay thằng nhỏ bệnh, củi đốn được và cả chiếc ghe họ đều đem bán hết để trị cho con, giờ trong túi đã cạn tiền. Trong khi đó, họ nhận được tin nơi quê nhà, hai đứa con cũng đang bệnh. Khi họ đưa thằng bé đến ông Tư Lý thì nó bệnh nặng lắm rồi, nếu chở đi sẽ chết trên đường. Mà tàu về quê chỉ còn chuyến cuối 3 giờ chiều. Hai vợ chồng trẻ lâm vào thế ngặt nghèo nhất của cuộc đời. Họ tuyệt vọng nói với ông : "Chú Tư cho con gửi thằng bé lại. Nếu nó sống nó là con chú, nếu chẳng may nó chết thì chú lo hậu sự dùm". Nói xong, hai vợ chồng trẻ khóc như mưa. Trong buổi chiều mưa dầm ấy, họ đi như chạy, không dám quay đầu lại nhìn núm ruột của mình. Trước tình cảnh ấy, ông Tư đứng như trời trồng, không nói được gì. Đã là kiếp con người, đã từng bị thất cơ lỡ vận và thấu hiểu những nỗi đau thì có thể nói gì được trong tình cảnh ấy. Đêm đó, ông đốt lửa lên hơ mền và quạt cho thằng bé suốt đêm, rồi vận dụng những phương thuốc Tây y và cả Đông y để chữa bệnh. Vậy mà rồi nó sống đến ngày nay, gọi ông bà là cha mẹ, ở với vợ chồng ông cho đến mười mấy năm.
Một lần khác, khi ông Tư Lý đang chữa bệnh thì có một ông già với nước da xanh mét thập thò ngoài cửa. Ông cứ tưởng đó là người nhà bệnh nhân. Nhưng khi nhìn kỹ, thấy ông lão có thần sắc của một người bị bệnh. Ông gặng hỏi thì ông lão mới kể rõ sự tình. Ông lão bị con cái ruồng rẫy, không nhà không cửa nên phải xuống Gành Hào ở giữ vuông tôm để kiếm cơm ngày hai bữa. Mấy ngày nay, trong người ông bệnh nhiều, lại không có tiền nên không dám vào khám, bốc thuốc. Thế là ông Tư Lý trị bệnh miễn phí cho ông già. Trị xong bệnh, ông Tư Lý còn vào tận vuông tôm để xem sự thể ra sao. Khi biết được hoàn cảnh quá ngặt nghèo của ông già, ông Tư Lý gợi ý đưa ông già về nhà mình ở. Ông già mừng mà chủ vuông tôm cũng mừng như thoát nạn. Vợ chồng ông Tư Lý xem ông già như cha, các con ông thì xem như ông nội. Ông già ở với ông 16 năm. Khi ông qua đời, vợ chồng ông Tư Lý tổ chức ma chay, chôn cất rất tử tế. Các con ông để tang, người ngoài không biết cứ tưởng ông già ruột ông Tư Lý qua đời.
Trong những năm làm ở Trạm xá thị trấn Gành Hào
, ông Tư Lý đã chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh đời đắng cay, cùng cực. Một cô gái trẻ bị lừa tình, trốn cha mẹ lên bệnh viện sinh con cùng cô bạn. Sinh xong, cô đành đứt ruột nhờ cô bạn ẵm con mình đi cho. Hoặc một người đàn bà đông con, nghèo tả tơi manh áo, vào bệnh viện sinh con mà không có tiền, không có quần áo, tã lót gì cả… Sinh xong, người đàn bà này kêu cho con vì gia đình nghèo, không thể nuôi thêm một đứa nữa. Những năm đó, nhà nước chưa có trại trẻ mồ côi, làng SOS như bây giờ. Có những người sinh xong bỏ con lại bệnh viện, bệnh viện lại không có chức năng nuôi trẻ mồ côi, thế là bao nhiêu trẻ bị ruồng bỏ! Nếu không có ai xin nuôi thì ông Tư Lý mang hết về nhà. Có bữa ông đi làm về quảy theo một đứa bé đỏ lói, vợ ông chỉ biết đứng nhìn thằng bé mà khóc. Bởi vì "bỏ thì thương mà vương thì tội", gia cảnh ông bà cũng quá ngặt nghèo.
Hơn 20 năm ở thị trấn Gành Hào, vợ chồng ông Tư Lý đã phải ở đậu đến 4 chỗ, không có một cục đất chọi chim. Lương của ông Tư Lý thì ba cọc ba đồng, bà thì bệnh tiểu đường mà phải thức suốt đêm để may mùng thuê, ngồi riết đôi chân bà teo dần, còn lại nhỏ xíu. Vợ chồng bà có 4 đứa con ruột. Chỉ gồng gánh nuôi con khôn lớn và cho con ăn học là vất vả lắm rồi, vậy mà cứ lâu lâu, ông lại đem về một đứa bé. Thậm chí, có những đứa bé đang đi học phải bỏ ngang vì cha mẹ nghèo, thấy tội, ông cũng kêu về ở với ông để lo cho nó tiếp tục việc học.
Từ khi về đất Gành Hào định cư đến nay, ông Tư Lý đã nuôi đến 20 đứa bé. Chúng được làm khai sinh theo họ của ông, gọi ông bà là cha mẹ, được ông bà nuôi nấng, dạy dỗ khôn lớn và cho học hành tử tế như con ruột. Những người ở gần nhà ông nói rằng, đến nhà ông Tư Lý thì không phân biệt được đâu là con nuôi, đâu là con ruột. Có những đứa bé ở với ông từ khi mới sinh đến trưởng thành, học cấp II – III thì cha mẹ ruột chúng đến nhận và xin về. Ông rất tế nhị và hiểu biết trong việc xử lý. Thậm chí, có đứa khóc lóc không chịu rời cái tổ ấm nghèo khó của ông thì ông cũng khuyên nhủ, vì ông nghĩ, dù sao nó cũng về với ruột thịt! Khi chúng đi rồi, vợ chồng ông mới thấy buồn. Bao nhiêu năm chắt chiu, đùm bọc, giờ chúng khăn gói ra đi, ông nhìn theo cho đến khuất bóng mà rơi nước mắt. Và sau đó là những đêm mất ngủ đến với vợ chồng ông. Cứ thế, khi trưởng thành, chúng cứ đi dần và cho đến nay, chỉ còn 5 đứa không chịu về với ruột thịt. Đó là Nguyễn Thị Bé Hai (ông vừa gả chồng) và 4 đứa còn lại đang học, gồm : Nguyễn Loan Thảo (học cao đẳng), Nguyễn Phước Thảo (học đại học), Nguyễn Thị Bé (học cao đẳng), Nguyễn Diên Thảo (học lớp 10). Bốn đứa con nuôi này hiện đang ở chung với 2 đứa con ruột của ông Tư Lý trong một ngôi nhà ông thuê ở Cần Thơ để cho chúng ở đi học.
PHAN TRUNG NGHĨA – Theo SCLO