Kỷ niệm 200 năm sinh (1809-2009) nhà văn trào lộng và huyền ảo kiệt xuất của thế kỷ XIX Nikolai Vasilevich Gogol, UNESCO đã coi 2009 là năm Gogol trên toàn thế giới. Dưới đây là những chuyện ít được biết về Gogol.
Thân mẫu của nhà văn Nikolai Vasilevich Gogol là Maria Ivanovna, từng sinh hạ được hai người con nhưng cả hai đều chết yểu, nên đưa ra một lời nguyền: nếu được sinh lần thứ ba, mà là con trai, nhất thiết sẽ lấy tên Thánh Nikolai đặt cho đứa trẻ. Bà xin vị cha đạo sở tại ngày đêm cầu nguyện cho bà cầu được ước thấy và quả là ứng nghiệm: nhà văn tương lai chào đời trong niềm hân hoan của cả nhà và dân xóm địa phương. Gia đình Gogol đã đến nhà thờ dâng lễ tạ.
*
Ở trường trung học, N. Gogol khai họ của mình là Yanovsky, mà trên thực tế, nhà văn mang họ kép Gogol-Yanovsky. Về sau, ở thành phố Petersburg, nhà văn được một người bạn học nêu câu hỏi:
– Vì sao cậu lại đổi họ?
– Trong đầu mình không có ý nghĩ ấy!
– Thế “Gogol” có nghĩa là gì?
– Vịt đực – Gogol trả lời, giọng khô khốc rồi lái câu chuyện sang hướng khác.
*
Trong trường Trung học Nezhinska, Gogol không phát lộ tài năng gì đặc biệt. Ông thầy dạy chữ Latin – Ivan Grigorevich Kulzhinsky – là nhà sư phạm duy nhất để lại những dòng hồi ức về trò Nikolai Gogol: “Cậu ấy học tôi ba năm mà chẳng học được gì cả… Trong giờ học, cậu ta thường đọc dấm dúi một cuốn sách tờ báo nào đó dưới gầm bàn… Đó là một tài năng không do nhà trường phát hiện hay nói một cách khác – không chịu chấp nhận trường ốc”.
Nhà văn Gogol. |
Bạn bè cũng chẳng hề đánh giá cao khả năng văn chương của Gogol, đặc biệt là trong lĩnh vực văn xuôi. Một bạn học là Kostantin Bazili từng khuyên Gogol: “Tập làm thơ đi, chứ đừng động vào văn xuôi nữa, văn của cậu ngớ ngẩn lắm. Cậu không thể thành một cây bút văn xuôi được đâu, chuyện đã rõ tựa ban ngày”.
*
Ấy thế nhưng trên sân khấu thì khác: Gogol là một diễn viên có tài vô song. Timofei Pachenko, một học sinh cùng trường đã đoán thể nào Gogol cũng hoạt động trong lĩnh vực sân khấu vì đây là người có tài lớn, có đủ các dữ kiện để diễn tốt trên sân khấu”. Đặc biệt thành công là khi Gogol diễn vai quý bà Prostakova trong vở Chưa đủ lớn. Được xem Gogol diễn vở kịch ấy ở Moskva hay ở Petersburg, khán giả đều tin rằng không một nữ diễn viên nào diễn đạt như vậy, chàng trai hồi đó mới mười sáu tuổi.
*
Trong trường, Gogol nổi tiếng là người biết giữ sách. Panteleimon Kulich – người đầu tiên làm chuyên khảo về thân thế và sự nghiệp N. Gogol – đã viết theo lời kể của đám bạn cùng lớp: “Người thủ thư phân phát sách để đọc lần lượt, học sinh phải ngồi tại chỗ quy định, không được rời đi đâu, đọc xong phải trả lại ngay. Gogol nhận cuốn sách như nhận một báu vật, cậu ấy đặc biệt thích những cuốn sách in khổ nhỏ”…
*
Trong trường học hồi ấy thỉnh thoảng vẫn phải dùng đến đòn roi. Hồi còn học ở lớp dưới, có lần Gogol phạm lỗi và, để tránh bị đòn, đã tuyên bố với bạn bè là mình sẽ phải giả vờ… điên. Nhưng mức kỷ luật đã được quyết sẵn và tổ kiểm tra của lớp xuất hiện. Gogol đột nhiên kêu rú lên, làm những cử chỉ kỳ dị khiến cho tất cả đều sợ hãi, vội vàng đưa anh vào bệnh viện. Gogol nằm liệt giường, bạn bè bí mật đến thăm và ra về với tâm trạng ủ ê: thế này là điên thật rồi. Hiệu trưởng nhà trường cũng phải hai lần vào bệnh viện thăm cậu học trò đổ bệnh.
Sau hai tuần chữa trị tích cực, Gogol mới chịu xuất viện trong con mắt nghi nghi hoặc hoặc của bạn bè.
*
Nhà văn vĩ đại bao giờ cũng nâng niu, trân trọng tất cả những gì liên quan đến cố hương và nhân dân Ukraina, tuy nhiên, Gogol chỉ viết văn bằng tiếng Nga. Trong một bức thư của nhà văn, chúng ta còn đọc được những dòng này: “Chúng ta cần phải viết bằng tiếng Nga, phải nhằm tới sự ủng hộ và đảm bảo của một thứ ngôn ngữ thống lĩnh đối với tất cả các tộc người ruột thịt của chúng ta. Đối với người Nga, người Czech, người Ukraina và người Serbia, vị thánh chủ đạo phải là ngôn ngữ của Pushkin”.
*
Có một giai thoại cho rằng hình như Gogol đã có lần muốn thay đổi đức tin. Hồi ở Italy, nhà văn làm quen với Zinaida Volkonska, một tín đồ Thiên Chúa giáo, và từng đến thăm ngôi biệt thự của nàng ở Roma. Tại đó, nhà văn gặp hai linh mục người Ba Lan và họ đã khuyên Gogol tìm đến đạo Thiên Chúa. Tuy nhiên, các nhà khoa học thời nay đã chứng minh sự thực không phải như thế: ngoài những ý kiến của Gogol đề cập trực tiếp đạo Thiên Chúa, còn có chứng cứ trong Taras Bulba của ông, mô tả Andry, trước khi phản bội người cha, y đã lẻn vào thành phố bị tạm chiếm, nơi có nhà thờ Thiên Chúa giáo.
Gogol coi Kinh Thánh là cuốn sách bất ly thân, mỗi ngày ông đều giở Kinh Cựu ước để đọc lại một chương nào đó. Trong các chuyến chu du khắp thế giới, nhà văn luôn luôn mang theo tượng Thánh Nikolai, đấng cứu tinh của mình.
*
Gogol là người không bao giờ giàu có. Nhà văn sống bằng gì? Một thời gian dài, ông được mẹ chu cấp tiền nong. Đến Petersburg, đương nhiên phải vào làm cho nhà nước, và từ năm 1893, khi chuyển từ công chức sang dạy học, ông bắt đầu cho công bố tác phẩm. Món nhuận bút lớn đầu tiên nhà văn nhận là khi vở kịch Viên thanh tra được công diễn, và vở này được in thành một cuốn sách riêng. Năm 1836, nhà văn rời Petersburg sang châu Âu, trong người chỉ vẻn vẹn không đầy ba nghìn rub. Khi tiền hết, từ châu Âu, nhà văn viết thư cho Zhukovsky đề nghị ông này tâu trình Nga hoàng cho Gogol được hưởng một khoản phụ cấp, nhà vua chấp thuận, chi cho Gogol năm nghìn rub. Trong những năm cuối đời, không ít lần Gogol phải xin tiền của bạn bè hoặc của triều đình, vì thu nhập từ việc viết không đủ cho nhà văn sinh sống. Cả đời, Gogol không có nhà riêng, toàn tá túc tại nhà bạn bè, hoặc ở trọ.
*
Về cuộc sống riêng tư của nhà văn, người đời rất ít biết. Như một số người cùng thời kể lại, họ có chứng kiến một lần nhà văn cầu hôn nàng Anna Vielgorskaya – con gái út của một nhà quý tộc rất gần gũi với hoàng gia. Tuy nhiên, cha mẹ nàng đã khước từ vì không muốn con gái rượu của mình đi lấy một “văn sĩ nghèo hèn”.
Về sau, Gogol có quan hệ với nàng Alexandra Smirnova, con gái một vị quan, xinh đẹp vào bậc nhất kinh đô, nhưng nàng rồi cũng thuộc về quan tổng trấn Kaluga. Còn bản thân nhà văn – ông đã không ít lần thú thực rằng, đó chỉ là một mối tình hão huyền.
*
Gogol là nguyên mẫu trong bức tranh Chúa giáng thế của Ivanov. |
Số phận đưa đẩy, năm 1838, Gogol gặp họa sĩ Alexandr Ivanov tại Italy, khi họa sĩ đang vẽ bức Chúa giáng thế, và cuộc gặp gỡ này đã đóng một vai trò hết sức to lớn trong sự nghiệp của cả hai người. Khi đó, họa sĩ làm phác thảo một nhân vật đứng gần đang thành kính nhìn Chúa Jesus, và kết quả là nhân vật này có diện mạo giống hệt Gogol. Đáp lại, năm 1842, ở lần xuất bản cuốn Bức chân dung có sửa chữa, bổ sung, xuất hiện một nhân vật mới, người đọc có thể dễ dàng đoán được nhân vật đó là họa sĩ Alexandr Ivanov.
Nói chung, Gogol đã đưa vào tác phẩm của mình hai hình tượng nhân vật họa sĩ cùng thời – Vnsianov và Ivanov. Đáp lại, hai họa sĩ này đã vẽ hai bức chân dung Gogol được đánh giá là đẹp nhất.
*
Lần đầu tiên Gogol thử bút là ở thể loại thơ, đó là trường ca Hanz Kychelgarten được xuất bản năm 1829 dưới bút danh V. Alov. Giới phê bình đã đón tiếp trường ca này với những ý kiến… chế giễu. Gogol bèn cùng gia nhân thu gom tất cả những cuốn Hanz Kychelgarten đang bày bán, mang về đốt sạch và hai tháng sau ông sang Đức.
Sau đó, Gogol còn phải ba lần đốt bản thảo của mình, lần đầu đốt nhật ký và hai lần sau là bản thảo Những linh hồn chết tập hai (lần đầu vào năm 1845, lần thứ hai vào năm 1852, ngay trước khi nhà văn từ giã cõi đời).
*
Gogol thường viết đi viết lại nhiều lần một tác phẩm, lần nào cũng có những sửa chữa, bổ sung quan trọng. Trong một văn bản, nhà văn thú nhận: “Chỉ đến sau lần viết lại thứ tám, lần nào cũng phải là viết tay, thì tác phẩm mới được coi là hoàn chỉnh và đạt đến đỉnh cao sáng tạo”.
*
Nữ sĩ katerina Alexandrovna Khitrovo kể lại rằng Gogol từng nói: “Nếu tâm trí nhà văn không tập trung vào những thứ quan trọng nhất, khi ấy đầu sẽ rỗng. Tựa như trái tim được sưởi ấm bởi tình yêu, sáng tạo không có lòng say mê thì không thể thành công”. Sau đó, nhà văn nhấn mạnh: “Những gì được viết ra mà không có lòng say mê thì đều lạnh và nhạt. Đôi khi ta có tâm trạng tự mãn: viết được cái gì đó kha khá, thấy hài lòng, nhưng sau đó mới phát hiện ra rằng như thế vẫn là chưa đủ. Không ít bậc thánh thần đã bị sụp đổ bởi cứ kiêu hãnh vì người ta đến quỳ lạy trước chân mình”.
Vẫn nữ sĩ Khitrovo có lần nêu nhận xét tại sao Gogol không chịu ghi chép. Nhà văn từng giải thích: “Tôi cũng có ghi chép đấy chứ, nhưng trong lúc đau ốm, tôi đã đốt sạch rồi. Nếu như tôi là con người tương đối bình thường, tôi đã giữ lại nhật ký, và chắc hẳn người ta cũng sẽ xuất bản thôi, nhưng nó có thú vị gì đâu, chẳng có gì bổ ích cả, làm như thế là xuẩn ngốc. Do đó tôi đã đốt hết đi”.
*
Cuối đời, Gogol mắc một căn bệnh kỳ lạ ở mũi và đã dùng con đỉa để chữa bệnh. Ông đã phải chịu đựng sự đau đớn vì kiểu chữa bệnh đó cho đến lúc chết. Cho đến bây giờ, cái chết của Gogol vẫn còn chứa đầy bí ẩn. Theo phỏng đoán của giới y học thời đó, thì chỉ có chứng bệnh “chờ chết” (necroscopy, còn có nghĩa “khám mổ tử thi”) mới có thể là nguyên nhân của cái chết sớm. Vốn hay tin vào những điều siêu phàm, dị thường, Gogol tin rằng cái chết đang đến gần, và mấy tháng cuối đời, ông luôn luôn nghĩ đến cái chết, thậm chí còn phác họa một cách chi tiết cuộc sống của mình để bước sang ở thế giới bên kia… Được biết, Gogol mắc bệnh tưởng, rằng mình sẽ bị chôn sống – chi tiết này làm sản sinh vô số giai thoại không biết thực hay hư. Mãi đến năm 1931, theo quyết định của chính quyền Xô viết, ngôi mộ của Gogol được di chuyển từ địa phận nhà thờ Thánh Danilov sang nghĩa trang Novodeviche. Cuộc khai quật này có hơn 30 người chứng kiến, nhưng họ đưa ra những chứng cứ hoàn toàn trái ngược nhau. Một người tuyên bố là khi đào lên, huyệt rỗng không, chẳng thấy dấu vết quan tài hoặc di hài nào cả. Người khác nói là không thấy có hoa cái. Người thứ ba kháo rằng hai tay người trong mộ đặt duỗi, xuôi theo thân thể, trong khi đó, theo thông lệ, khi liệm bao giờ cũng phải để hai tay người quá cố bắt chéo trước ngực.
Như vậy, nhà văn giả tưởng vĩ đại vẫn liên tục gây thắc mắc cho người đời, suốt từ thế kỷ XIX cho đến ngày nay.
*
Trên thế giới có hơn 15 tượng đài Nikolai Vasilevich Gogol, trong đó có nhiều tượng đài được đặt tại Ukraina, quê hương của văn hào. Tại đây, năm 1881 đã khánh thành tượng đài Gogol đầu tiên. Tại Petersburg và Moskva, mỗi thành phố có hai tượng đài. Một trong số tượng đài Gogol cổ nhất ở Nga được dựng tại Volgagrad, do những người hâm mộ tự nguyện đóng góp. Cuộc lạc quyên này diễn ra vào năm 1909, dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn. Ở ngoài nước Nga, phải kể đến tượng đài Gogol do nhà điêu khắc trứ danh Zurab Sereteli sáng tác, đặt tại trung tâm Roma, khánh thành năm 2002.
*
Theo chứng thực của Lev Ivanovich Arnolda thì Gogol có cảm tình đặc biệt đối với… giày, và trong tác phẩm Những linh hồn chết, thông qua nhân vật một tay mê giày ở Riazan, đã nhạo báng chính mình. Ai ngờ được, người mê giày và chuyên săn giày chẳng phải ai khác, đó chính là Gogol và chính nhà văn cũng công khai thú nhận điều đó. Chiếc va li của nhà văn chẳng phải là khác cỡ, nhỏ thôi, nhưng trong đó thường thì có ba đôi giày, có khi là bốn đôi, mà không có đôi nào mòn đế. Rất có thể khi ngồi một mình trong phòng, Gogol hay giở những đội giày của mình ra ngắm nghía một cách thích thú rồi sau đó lại tự giễu mình về sở thích kỳ lạ ấy.
Theo Đăng Bẩy – Người đại biểu nhân dân