9/08, 4:50 pm Chút tình cho “người sông Ngự”

“Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi con người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong những thân phận riêng tư”

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã khắc họa về Văn Cao như thế đấy!

Nhạc sĩ Văn Cao là một trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất Việt Nam, với những bản tình ca đẹp như thơ, những ý tứ khuất chìm, ẩn hiện với một tâm trạng nhẹ nhàng, bay bổng, hay những bản trường ca, anh hùng ca hừng hực lửa, từng khơi dậy ý chí của cả một thế hệ con người. Mỗi khi nhìn lá cờ tổ quốc tung bay ở một nơi nào đó, miệng lẩm nhẩm “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…” là ta lại nhớ đến hình ảnh một Văn Cao sừng sững.

Cùng tồn tại song song với lòng yêu nước, ý chí chiến đấu quật cường trong những bản hùng ca như Tiến về Hà Nội, Gò Đống Đa, Tiến Quân ca,… là một tâm hồn lãng mạn, đắm say, ngây ngất trước cái đẹp của tình đời, tình người trong những khúc nhạc tình tiền chiến. Văn Cao đã thoát khỏi được cái khuôn sáo cũ mèm bao bọc lấy nhạc tiền chiến ngày ấy, gieo vào nó một hạt mầm tươi mới nhưng vẫn tha thiết, đượm nồng. Mùa thu, mùa xuân bỗng trở nên thật lộng lẫy, quyến rũ, cái hương tình được hát lên thư thái, dẫn dắt hồn ta vào một chốn thần tiên diệu kỳ do tình yêu tạo dựng, một khe Suối mơ trong lành, một Bến xuân mơ mộng:

Suối mơ
Bên rừng Thu vắng
Dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng
Ngày chưa đi sao gió vương
Bờ xanh ngắt bóng đôi cây thùy dương…

Nhưng tiếng cầm thanh tao của Cung đàn xưa, lẫn cái khắc khoải của Thu cô liêu vẫn là những mảnh tình “vụn vặt”, khi Thiên thaiTrương Chi lần lượt chạm ngõ tâm hồn nhạc sĩ. Lấy tứ từ hai câu chuyện cổ dân gian, Văn Cao đã thổi vào đó những làn điệu da diết, khiến người nghe như lạc vào cái hố sâu của tâm khảm, của lòng người. Chuyện tình buồn của chàng thổi sáo Trương Chi ví như mối tình câm của gã lưng gù Quasimodo trong kiệt tác “Thằng gù nhà thờ Đức Bà” của Victor Hugo. Hai thế giới, hai xã hội, hai văn hóa, nhưng chung một số phận, chung nhịp tim thổn thức, khô héo bởi Esmeralda thiên thần hay Mị Nương kiều diễm…

Có chút chi cao quý
Trong hạt lệ âm thầm
Có chút chi thi vi
Trong mối tình lặng câm

Hồng hoa đương độ nở
Cứ hát khúc yêu đương
Đâu hay tình câm của
Tấm lá khô bên đường

(Quasimodo – Trụ Vũ)

Đò trăng cắm giữa sông vắng. Gió đưa câu ca về đâu?
Nhìn xuống đáy nước sông sâu. Thuyền anh đã chìm đâu!
Thương khúc nhạc xa vời
Trong đêm khuya dìu dặt tiếng tơ rơi.
Sương thu vừa buông xuống
Bóng cây ven bờ xa mờ xóa giòng sông

Ai qua bến giang đầu tha thiết,
Nghe sông than mối tình Trương Chi
Dâng úa trăng khi về khuya,
Bao tiếng ca ru mùa thu.

(Trương Chi – Văn Cao)

Và cũng có người cho rằng, hồn Trương Chi hay cũng chính là hồn người sông Ngự – hồn Văn Cao ở đó…

Trong lúc đêm khuya ai lóng tiếng cầm
Thu đã chìm xa xa ánh nguyệt đầm
Khoan khoan đò ơi. Tương tư tiếng ca
Chàng Trương Chi cất lên hò khoan
Đêm thu dài đến, khoan tiếng nhạc ơi
Nhạc ơi, thôi đàn…

(Trương Chi – Văn Cao)

Và lời tiên tri đã đúng. Ngày 10/7/1995, “viên ngọ
c trên bức khảm văn hoá – nghệ thuật của dân tộc Việt Nam”
(Nhà văn-giáo sư Đặng Thai Mai) đã “thôi đàn”, vĩnh viễn trở về cát bụi, sau một kiếp lữ hành…

Nhưng những tình khúc của Văn Cao, ngày ấy, bây giờ và mai sau, người ta sẽ còn mã i ngân nga, bởi nó không chỉ là nhạc, là lời mà còn là thơ, là họa, là tiếng nói thật lòng từ tận con tim.

K’Link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *