Còn nhớ lúc nhỏ, khi được phát một bảng thăm dò gì đó, lâu quá nên quên rồi, ở mục “Mơ ước”, tôi ghi : “Mơ ước được làm nghề ngoại giao với nước mình”. Đứa bạn bên cạnh còn ghi : “Ước được làm cô Hiệu trưởng". Khoảng 15 – 16 tuổi, nhớ lại thấy mắc cỡ, mình viển vông gì đâu. Bây giờ, khi đã ngoài 30, tôi yêu những câu trả lời thật thà khi nhỏ đó biết chừng nào; vả lại, xấu hổ vì sao lúc 16 – 15 mình xấu hổ…
Trong việc dám phát biểu ra ước mơ của mình, quả thực, người lớn thua xa trẻ con. Đương nhiên thôi, vì sự can đảm của trẻ con thì chưa phải trả giá, khiến trẻ con thật thà.
Cách đây đã lâu, tôi đọc trên một tờ báo, có một bạn tên Trương Đình Anh (*) nói, anh mơ ước thành tỉ phú năm 35 tuổi và thành Thủ tướng ở tuổi 40. Rồi số báo sau, có một bạn tên Trần Công Vĩnh Học viết bài góp ý. Bạn Vĩnh Học thất vọng về Đình Anh trước phát biểu trên và lo âu : “Liệu có nên nói ra tất cả những điều chúng ta nghĩ, bất kể người khác sẽ suy nghĩ thế nào, hay không… Và điều nói ra ấy có thể làm cho mọi người nghĩ rằng mình là người đam mê vật chất và quyền lực? Mặt khác, ước mơ ở đây là mục tiêu, liệu người nói có đủ khả năng, điều kiện cùng bước đi thích hợp để thực hiện điều mình nói một cách chắc chắn không?”…
Chuyện đã lâu rồi. Đình Anh giờ không biết có còn nhớ tới ước mơ ngày xưa không và Vĩnh Học thì đang mơ ước gì… Mọi việc hẳn đã phải thay đổi
Nhưng ở đây, tôi lại nghĩ nhiều đến gợi ý của bạn Vĩnh Học (lúc đó) : Vì sự suy nghĩ của người khác, nên chăng chúng ta thủ tiêu suy nghĩ của chúng ta?
Sự thắc mắc này đã đẩy sang một lĩnh vực hoàn toàn khác không phải quyền lực hay vật chất nữa, mà là lĩnh vực đạo đức : Chúng ta nên sống giả không?
Quay lại chuyện trẻ con lắc đầu. Nếu cũng “cân nhắc" như Vĩnh Học gợi ý, thì tất cả bản thăm dò có mục “mơ ước” hôm ấy, trong cái lớp Năm của tôi sẽ chỉ thu được những câu trả lời chán ngắt và giống nhau, đại loại "mơ ước” thành con ngoan, trò giỏi. Sẽ không ai bắt bẻ được, bởi vì tất cả đều tròn trịa, vừa mức. Tất cả bọn trẻ con hôm ấy sẽ mang gương mặt của những đứa trẻ khiêm tốn chừng mực. Mỗi đứa bé sẽ lặng lẽ ôm ấp những ước mơ, nếu nó không thành công thì cũng chẳng sao. Nếu nó thành công thì lúc đó lại giả bẽn lẽn : “Ô, tôi thật không bao giờ mơ tới!". Nhưng may mắn, điều đó không xảy ra ở tuổi ấu thơ, cho nên, ai cũng còn nhớ về một tuổi thơ trong sáng. Điều ấy chỉ x ảy ra với thế giới người lớn, đầy thủ thế và khiêm tốn giả tạo, trước mỗi việc làm, câu nói, đều cân nhắc : Như thế này đã giống được đám đông chưa? Như thế này đã đủ đẹp trước mắt mọi người chưa?
Nếu mỗi cá nhân đều như thế, người ta sẽ có một xã hội giả dối, mặc đồng phục. Tôi vẫn thích một môi trường, ở đó, người ta được khuyến khích bày tỏ bản sắc của mình, và sẽ không có sự trừng phạt hay chê cười ở đây, bởi cuối cùng, chính mỗi cá nhân sẽ biết chịu trách nhiệm về những gì mình làm và mình nói.
Tôi không biết nhiều về Đình Anh, người (khi đó) có ước mơ tỉ phú và Thủ tướng. Tôi cũng không biết bây giờ, anh đã làm được phần nào điều đó không. Tôi cũng không chắc vài năm qua rồi, nhìn lại, anh có thấy lời phát biểu của mình buồn cười hay không buồn cười không… Chỉ biết lúc đó, lúc anh nói ra ước mơ của mình, anh đã chịu áp lực nhiều hơn chúng ta – những người dấu kín mơ ước, không nói ra. Đình Anh hẳn đã phải nỗ lực để lời phát biểu của mình thành sự thực. Vả nếu anh thực thi kế hoạch của mình bằng những đường hướng chính đáng, thì dù không thành công, tôi nghĩ anh cũng đã được sống một đời sống đầy lý thú trong thời gian đó. Vả lại nếu bất kỳ ai đó phấn đấu bằng một phương thức đúng đắn để thành Thủ tướng hay tỉ phú thì nếu không thành, những việc làm của người ấy, trên đường đi chắc cũng sẽ đóng góp nhiều cho xã hội hơn là một người không ôm một ước mơ nào.
Phan Thị Vàng Anh