Buổi sáng, trên đường chạy bộ tập thể dục, tôi thường gặp chiếc xe ba gác bán rau cải. Có khi là một xe dưa leo, có khi một xe củ cải trắng, sáng nay là một xe bầu.

Những trái bầu non mới hái, màu xanh non mát mắt, da bầu còn phơn phớt lông tơ. Năm ngàn đồng ba trái. Tôi biết phương thức kinh doanh đơn giản này, vì bà con tôi ở quê vẫn làm : Người bán, cũng là dân quê, thu gom môt xe đầy ắp rau củ tại nơi sản xuất (“ở trong rẫy”, như lời anh nói), đạp xe từ khuya đến sáng thì tới thành phố, bán cho đến hết, có khi hai ba ngày, thì đạp xe về rẫy lấy tiếp hàng bông (dưa, cải, đậu que, cà tím… tùy thời vụ), lại chở lên thành phố, lấy công làm lời. Mùa khô là lúc nông dân trồng hàng bông, ở những nơi có đủ nước ngọt để tưới cây. Trồng hàng bông cực lắm, chăm chút tưới bón mỗi ngày, đến khi thu hoạch mà dội chợ, không kiếm được đầu ra thì công lao cực khổ cầm như đổ sông đổ biển.

Hàng bông dễ hư, thu hoạch xong phải tiêu thụ ngay. Gặp lúc mưa trái mùa như mấy ngày nay, hàng bông có thể bị thất thu. Gặp thuận lợi, hàng bông trúng, tràn ngập các chợ, thì giá xuống. Trồng lúa dù sao cũng còn để ăn từ từ nếu không bán được. Lúa ế còn được báo chí kêu la dùm, nhà nước phải quan tâm, còn hàng bông thì nay thấy chợ tràn ngập đậu que, mai đầy nhóc dưa leo, mốt đâu đâu cũng thấy bầu bí, thì người ta chỉ thừa cơ hội hàng nhiều để mặc cả mua rẻ. Mùa thu hoạch hàng bông không kéo dài, không thường xuyên, và may là không cùng khắp mọi nơi, nên không ai thấy có trách nhiệm hay bận tâm lắm. Cùng lắm thì chép miệng rằng nông dân mình thiếu hiểu biết thị trường, cứ hùa theo nhau mà trồng, không nắm được cái này cái nọ.

 

Tôi hỏi anh bán bầu sáng nay : Bầu này của anh trồng hả? Anh gật đầu. Người mua đang lựa bầu cạnh tôi chỉ một cái xe đạp cách đó không xa, ghẹo anh ta : “Bầu của con nhỏ kia cũng của mày luôn, phải không?” Tôi bật cười vì kiểu chơi chữ bình dân của bà bạn. Nhưng anh chàng thật thà nói không, con nhỏ đó “đếm” lại của bà Năm. Bà Năm nào đó là người có quán ở ngay lề đường tỉnh lộ, nông dân trồng hàng bông tuốt trong rẫy, chỉ có đường mòn và đường bờ vô tới trỏng, phải tự gánh hàng bông ra gởi cho “bà Năm”, rồi những người như anh hay con nhỏ bán bầu đó chở ra chợ bỏ mối, và nếu không bị đuổi thì bám chợ bán lẻ luôn.

Con nhỏ đó mới đi bán nên chưa dám đi một mình, đi theo anh vài chợ cho quen, rồi mai mốt anh giao cho nó chợ này, anh đạp xe vô mấy khu dân cư rao bán cũng được. Bà bạn tôi lại cắc cớ bắt bẻ : “Mày nói bầu của mày, tức là mày có ruộng đất, sao phải đi bán hàng rong?” Anh nhà quê chừng hai mươi tuổi này trả lời : “Ở nhà có ba má và anh chị làm. Con đi bán có tiền hơn. Đếm lại của bà Năm thì được trả gối đầu, hàng dội chợ thì bà Năm chịu giá thấp, rồi ép lại giá nông dân. Bán hàng bông của nhà mình thì tùy chợ mà nói giá. Đằng nào cũng không lỗ. Lời lớn thì khó chứ lời chút chút cũng có".

Lời chút chút là bao nhiêu? Tôi làm con tính nhẩm. Mỗi trái bầu bán chưa được giá hai ngàn thì liệu lời được năm trăm hay một ngàn? Một xe ba gác chất đầy ắp bầu có thể khoảng hơn trăm trái. Anh bán bầu nói : Hên thì mỗi chuyến kiếm được chừng trăm ngàn. Mỗi chuyến tùy hàng tùy chợ mà kéo dài từ một đến ba bốn ngày. Ban đầu, anh chở hàng bông trong cái sọt trên yên sau xe đạp như con nhỏ kia, chở được ít, đi đường xa không có lời nhiều. Gần đây, anh chở hàng bằng xe ba gác, không bị bắt nên khá hơn. Anh là trai tráng có sức khỏe mà. Đi bán như vầy cực lắm, cũng đâu có gì vui, nhưng còn hơn ở nhà, đã không làm ra tiền còn bị bạn bè rủ rê nhậu nhẹt, rồi ông bà già rầy la.

Có một đận, ở nông thôn đến lúa gạo cũng không có người thu mua, và dân thành phố thấy những nông dân tự đem gạo lên các khu dân cư bán rẻ hơn gạo chợ một hai ngàn đồng một ký. Tôi đã quan sát một xe gạo nông dân ở chung cư Xóm Cải gần nhà tôi. Chiếc xe tải đậu ở góc đường, thành xe vẽ nguệch ngoạc mấy chữ số “Gạo : 5.000 đồng/ký”. Hai thanh niên chuyền từng bao gạo 50kg xuống xe theo yêu cầu của bà con. Có lẽ họ tính bán từng bao một. Nhưng dân đi chợ hay đi dạo sáng sớm không đem sẵn nhiều tiền, và có lẽ cũng không biết phẩm chất gạo ra sao, mặc dù giá thì đúng là quá rẻ, nên người ta dừng chân, đòi coi gạo, rồi mua thử năm bảy kg. Ban đầu người bán không biết làm sao, vì mở bao gao ra là dễ, nhưng rồi không có cân, cũng chẳng bao bì. Ông bèn chạy vô quán gần đó mua một bó bao ni-lông và chủ quán vui vẻ cho cân nhờ bằng cái cân của quán.
Chẳng mấy chốc là hết bao ni-lông, đồng thời tin tức cũng đã lan truyền khắp khu dân cư, người ta kéo đến khá đông. Tôi thấy vậy cũng lật đật chạy về nhà lấy tiền, rồi tiện tay cầm luôn một cái bao đựng gạo. Tới nơi thấy nhiều người cũng khôn ngoan không kém mình, người nào cũng thủ sẵn một cái bao, đứng xung quanh người bán gạo. Lúc này, ông không cân kí nữa, mà kiếm được một cái ca nhựa, theo ông là đã cân thử rồi, một ca gạo một ký. Và ông cứ xúc gạo vô những cái bao người ta chìa ra sẵn mà tính tiền. Khung cảnh khiến tôi nhớ lại thời mới hòa bình, mỗi lần gạo được phân phối về tổ dân phố lại diễn ra cảnh cả xóm xách bao đi lấy gạo về. Nhưng hôm sau, tôi trở lại góc đường thì không thấy cảnh đó nữa. Không biết gạo đã bán hết hay họ bị đuổi để vãn hồi trật tự lòng lề đường. Tuy nhiên, trên các báo đã xuất hiện thông tin về việc này, thậm chí có bài viết xót xa thương nông dân mình phải đi bán lẻ gạo.

Nhưng tại sao lại xót xa? Nếu nông dân có thể bán trực tiếp, hoặc qua càng ít trung gian, thì càng tốt chứ sao? Một trong những trở ngại lớn thật ra là từ bản thân người nông dân. Họ không tự nhiên mà có kỹ năng và kinh nghiệm mua bán. Họ cũng không có sẵn “chợ” để gặp gỡ trực tiếp khách hàng. Xưa nay, họ vẫn xớ rớ ở mấy góc chợ nhỏ, không sạp không quầy, thường phải bán bưng, bán chạy. Mà mấy cái chợ này bây giờ cũng bị qui hoạch hay không cạnh tranh nổi các siêu thị. Ở các nước tiên tiến, hệ thống siêu thị phát triển là nguồn tiêu thụ bảo đảm của nông dân. Nhưng vẫn có những “chợ nông dân”, có khi có chỗ cố định, thường thì là một bãi đất trống hay một đoạn đường được ngăn lại nơi dân cư đông đúc, trong một buổi của một hay hai ngày trong tuần, để nông dân tự đem sản phẩm đến bán. Họ cạnh tranh bằng sản phẩm tươi và giá cả không bị đội lên qua trung gian.

Khi nhà nước không thể bao tiêu hết nông sản thì tại sao không có những biện pháp khuyến khích nông dân tự đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng bằng cách thức họ có thể làm được ?

Lý Lan – Sài Gòn Giải Phóng thứ bảy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *