Anh Liên Văn Lợi, chủ doanh nghiệp tư nhân Đức Lợi, (doanh nghiệp có ba chiếc tàu chợ Đức Lợi I, Đức Lợi II, Đức Lợi III) đưa tay xoa bụng làm một con tính như thế này : Chỉ một tàu chợ đầu tư vốn lưu động hơn một trăm triệu đồng đã có thể khắc phục cho từ 30 đến 35 tàu cá không phải cất công vào ra giữa đất liền với ngư trường, giảm chi phí nhiên liệu khoảng 40.000 lít dầu cho mỗi tàu cá. Số dầu này sẽ được đưa vào khai thác liên tục, kết quả ấy thật khó tính là bao nhiêu. Tàu chợ của tôi mỗi tàu, mỗi chuyến như thế nhận bình quân 50 tấn cá các loại. Ở đây không chỉ nói nhận được cá ít hay nhiều, mà là cá tươi. Cá tươi mà lại lớn mới có giá trị kinh tế cao, khách hàng quốc tế rất ưa chuộng.
Muốn mua cá lớn thì tàu chợ phải cất công tìm kiếm với các chủ ghe lưới cản. Lưới cản là loại phương tiện đánh bắt với hình thức cố định một đầu lưới, đầu còn lại được thả trôi theo chiều nước chảy. Loại lưới này có mắt lưới kích cỡ tương đối lớn, mỗi mắt có đường kính khoảng từ tám phân đến một tấc. Lưới được thả ở tầng sâu dưới mặt nước biển. Cá hoạt động dưới tầng sâu so với mặt nước biển là loại cá ngừ, cá chim, cá nhám hoặc là cá cờ. Các loại cá này không ưa sống trôi nổi trên tầng nước cạn, nó có ưu thế là cứng đầu, chịu đựng được với độ áp suất cao của nước biển.
Cá ngừ, cá thu là loại cá hợp khẩu với khách hàng Nhật Bản, Trung Quốc. Họ thường xuyên đặt mua hết các loại cá này với bất cứ nhiều hay ít.
Sinh hoạt của anh em thuyền viên trên tàu chợ không phải lúc nào cũng tất bật. Những khoảng thời gian chờ tàu cá đến trao đổi, anh em túm tụm bên nhau ngay ở trên sàn tàu. Họ cụng ly côm cốp một trăm phần trăm theo khẩu lệnh một… hai… ba… dô! Ai không uống bia thì thảnh thơi ngồi bên lề câu mực. Mực mới câu còn tươi rói, cứ thế bỏ vào nồi nước dấm chua trên chiếc bếp ga nhỏ đỏ lửa chờ sẵn… Cách ăn mực kiểu này vua chúa thời xưa mơ cũng chẳng có. Rau xanh các loại trộn với hoa chuối xắt nhỏ làm thức độn với mực luộc nước dấm chua. Hoa chuối có khi chỉ cần lấy tay cầm đập vào mạn tàu rồi xẻ đôi… Món này đúng ra là phải uống rượu đế đựng trong chai nút lá chuối khô mới bắt miệng.
Chủ tàu không cho uống rượu, mà chỉ cho uống bia thôi. Theo chủ tàu thì : Sức vóc này uống bia, đái cái là hết chứ còn "tích thủy" ở đâu nữa mà say với xỉn. Chứ uống rượu á, nó ngấm, nó nghía vào trong người, gặp mưa, thấy sóng, chỉ có mà "bai".
Chủ tàu thường khích tướng mấy anh em khi thấy mực luộc, cá thu hấp tương còn lưng tô : "Rau muống còn ăn vã được, mực cá là của trời của biển mà bỏ là tội chết nghe chưa?". Nghe giảng giải thế, anh em nhìn nhau mà thấy sợ! Sợ cái nhân tình thế thái, sợ cái linh khí của trời biển, sợ tiền oan nghiệp chướng. Ăn vã mực, cá riết cũng thành quen, hợp thung hợp thủy. Tiếng của trời biển âm dương hòa hợp, tôm cá giao hoan.
Đang lúc hứng chí, một thuyền viên tàu Đức Lợi I chừng ba mươi ngoài tuổi, nước da ngăm rám nắng nhưng không làm mất đi cái dáng vẻ thư sinh. Anh từng thi tú tài trượt, về nhập cuộc làm nghề tàu chợ. Anh lý sự : Đặc tính của thời gian trôi chảy là tuần hoàn, tượng trưng cho cái sự tuần hoàn đó là cái vòng tròn. Anh em thử nhìn lên trời xem nó có tròn không nào? Thế cho nên cụ Nguyễn Du nói trong truyện Kiều rằng :
Trăm năm tính cuộc vuông tròn
Phải dò cho tới ngọn nguồn lạch sông.
Thế ta chẳng đã ra tới biển mà buôn mà bán rồi chứ còn "ngọn nguồn" với "lạch sông" cái gì nữa. Có đi như vậy mới biết trời tròn là sao, đất vuông là sao để còn tính cái chuyện trăm năm chứ!
Anh còn kể lúc chưa lên tàu Đức Lợi này, anh hành nghề xe ôm. Đời cũng lắm chuyện cười mà không dám cười. Anh nói : Mình đi biển có nghề đi biển. Có người sinh ra chẳng học nghề gì mà chỉ học độc một nghề "hỏi". Để nhớ lại coi, lúc xe đi qua trạm kiểm soát, anh đi, hỏi giấy; anh về, hỏi giấy. Vừa qua khỏi trạm, quên mũ quay lại lấy cũng hỏi giấy rồi mới cho vào, cho xe ra lại hỏi giấy. Nhận giấy trình thì phải đọc. Mươi mười lăm phút đánh vần mới đọc xong cái giấy cũng chừng ấy chữ.
Anh ta đơn giản hóa câu chuyện bằng một triết lý vì sao anh bỏ nghề xe ôm : Học cách kiếm sống thì không khó, mà cái khó là học cách sống. Mỗi chuyến đi biển như thế này mình chả học được khối điều đấy sao.
Dứt lời, anh còn tính như ông chủ tàu cá Trọng Tuyết Lê Hữu Triệu đã từng tính : Về phía tàu đánh cá, có thể tiếp tục bám lấy ngư trường đang đánh bắt, nhất là khi gặp luồng cá đang di trú. Không bỏ lỡ thời cơ luồng cá đông ken. Không phải bỏ phí thời gian vào ra đất liền tầm ba bốn ngày, mà đã cho tàu cập bến thì muốn hay không cũng phải giải quyết tâm lý cho thuyền viên xả hơi ở nhà từ một đến hai ngày. Mỗi lần vào ra như thế thiêu đốt nhiên liệu cả ba mươi, bốn mươi ngàn lít dầu… Nói chung là lợi, lợi vô số kể.
Còn tàu chợ Đức Lợi như ông chủ mình đây, mua được cá tươi về bỏ mối cái rụp rồi nhắm chừng mà ra khơi nữa, mỗi tàu bỏ túi ba, bốn chục triệu cho một chuyến đi là cái chắc.
Cứ tính đi, mỗi tàu mười lăm thuyền viên, một ngày, dài ngày, một tàu, ba tàu, cứ thế mà nhân lên xem doanh nghiệp tư nhân Đức Lợi đã thu hút được bao nhiêu ngày công lao động. Như anh em mình đây, mỗi tháng đi ba, bốn chuyến, mỗi chuyến ba đến bốn triệu đồng một người, lương thế có mà nằm mơ.
Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu từ năm 2011 đến 2015 về thủy sản biển là "Tăng cường đánh bắt thủy sản xa bờ. Chú trọng phát triển đa dạng các dịch vụ phục vụ kinh tế biển". Phục vụ là gì à? Đâu phải chỉ tàu to tàu nhỏ, tàu có công suất cao; cũng đâu phải chỉ có tiền ở các nhà băng hay kho bạc, mà vấn đề là phải biết tiêu tiền như thế nào? Tiêu vào các loại dịch vụ nào để phục vụ cho kinh tế biển?
Sẽ là hiện thực, trong thời gian này, Bạc Liêu đã và đang đầu tư cho phát triển "Khu kinh tế Gành Hào", "Cảng biển Gành Hào", "Cảng cá Hiệp Thành", "Cảng cá Cái Cùng"… tạo một vành đai đô thị ven biển trên dưới năm chục ki-lô-mét từ Gành Hào giáp tỉnh Cà Mau đến Nhà Mát thuộc thành phố Bạc Liêu.
Một vành đai đô thị tiếp giáp với vành đai xanh rừng mắm là con đê Trường Sơn hùng vĩ nằm sóng soài án ngữ sóng biển Đông.
Trong các cửa biển của Bạc Liêu thì cửa biển Gành Hào là cửa biển lớn nhất, có độ sâu trong sông từ mười lăm đến mười sáu mét, là cửa ngõ quan trọng cho tàu cá biển Đông ra vào mua bán và trú bão.
Hiện toàn tỉnh có 346 tàu khai thác biển xa bờ, trong đó riêng Gành Hào của huyện Đông Hải đã có 191 tàu. Biển xa bờ là biển có độ sâu từ ba mươi mét trở lên.
Sẽ là một thiếu sót khi nói về tàu chợ mà không nói đến Cảng cá Gành Hào. Đây là một dự án của tỉnh, tháng 3 năm 2005, tỉnh bàn giao cho huyện với tổng vốn đầu tư gần 28 tỷ đồng. Cảng cá chính thức đi vào hoạt động từ tháng một năm 2007.
Cảng cá Gành Hào hiện có mười chín vựa để thu mua thủy sản. Các tàu thường vào Cảng để mua bán phần lớn là tàu của các tỉnh Vũng Tàu, Bến Tre, Trà Vinh, Bình Định, Kiên Giang. Phương thức mua bán ở Cảng có khác so với tàu chợ là thường thì các chủ vựa ứng trước cho chủ tàu cá từ hai mươi đến năm mươi triệu đồng, gọi là tiền đặt cọc cho chuyến ra khơi. Các vựa chỉ hoạt động ban ngày, đêm tàu về phải neo đợi vì các vựa đều nghỉ cả. Tàu đợi vựa chứ vựa không đợi tàu.
Chủ vựa Thanh Tâm cho biết : sau khi cá được cân giao thì vựa phải phân loại :
– Tôm thì đem gia công tại Công ty chế biến, sau đó mới bán lại cho ngay chính Công ty chế biến nơi nhận gia công ấy.
– Loại cá phân đem bán cho Xí nghiệp chế biến thức ăn gia súc.
– Loại cá có giá trị thì vựa thuê xe đem bán cho các chợ lớn ở các tỉnh.
– Riêng về mực, chủ tàu cá muốn bán cho ai thì tùy.
Nếu vận hành trôi chảy thì cung cách làm ăn cổ truyền này cũng tạm gọi là "xuôi chèo mát mái". Nhưng cái vướng lại ở ngay chỗ vựa cá. Sau khi thu mua được mà đưa đi tiêu thụ thì gặp không ít khó khăn. Khó ở chỗ khi xây dựng thị trấn Gành Hào, người ta chỉ làm những cái cầu theo dạng "tiểu nông", nghĩa là chỉ phục vụ cho những chiếc xe có trọng tải từ ba tấn trở lại. Nếu vậy thì riêng trọng tải xe cũng đã nặng khoảng 1,5 tấn, còn lại hàng hóa chỉ được chở tối đa là 1,5 tấn. Đối với chở cá, tôm thì phải có đá để ướp làm lạnh mới tránh được hư hao. Trong số 1,5 tấn hàng này đã có 400 kg đá lạnh, như vậy một chuyến xe chỉ chuyên chở 1,1 tấn cá hoặc tôm mới được qua cầu.
Sau nhiều lần cầu được gia cố để khắc phục khó khăn, nay cầu cho xe có trọng tải 5 tấn lăn qua. Với phép tính như trên thì mỗi xe cũng chỉ chuyên chở được 2,6 tấn tôm, cá là nhiều nhất.
Mỗi vựa hoạt động trên Cảng cá cũng phải gồng mình cõng đủ thứ phí. Thuê mặt bằng 100 m2/ vựa, chủ vựa tự xây dựng theo mẫu mã quy định của Cảng, hàng tháng đóng phí thuê mặt bằng 375.000 đồng. Vựa phải thuê xe chở hàng, mỗi lần xe vào ra Cảng cũng phải nộp phí 10.000 đồng, cá qua Cảng cũng phải nộp phí 10.000 đồng/ tấn. Do vậy mà tàu cá phải chi phí tăng, tốn kém, hao phí đủ thứ vì vựa cá có nộp đi chăng nữa thì tất tần tật vẫn đổ lên đầu tàu cá. Nhưng ngược lại là cái vòng luẩn quẩn : "Nếu tàu cá xuống thì chủ vựa chúng tôi cũng chuyển nghề theo" (chủ vựa Thanh Tâm nói vẻ bi đát).
Chủ vựa cá Ba Chư thì cho rằng có Cảng cá rất thuận tiện, lợi ích cho từ người khai thác biển đến người tiêu dùng. Nhưng cái khổ sở thì vẫn còn đó, "Cái cầu mới là đầu nỗi khổ", rồi đến cái cân. Có 19 vựa thì không vựa nào có cân giống cân vựa nào. Tàu cá có người còn mang theo cân đi để cân cá. Làm riết thành quen. Quen rồi rên cũng quen luôn. Rên quá tàu cá nản không vào Cảng nữa. Suy cho cùng, khổ còn là ở cái… cân không bằng.
Ông cha ta đã dạy : Cùng thì bí, bí thì thông, không thông thì tử!
Tàu chợ đã khai thông cái cùng, cái bí của lề thói làm ăn chỉ biết đến lãi mà không vì cái lợi. Vì lãi nên họ đối phó nhau để vì mình. Còn nếu vì lợi thì người ta đã không trưng ra cái lý thuyết "thiệt hơn", mà là hợp sức làm ăn sao cho mọi người đều có lợi, mọi người cùng có ăn.
Thật ra, mô hình tàu chợ này không phải lần đầu tiên mới có ở Bạc Liêu, mà nó đã hình thành từ hơn mười năm trước ở Minh Hải. Tàu chợ lúc đó chỉ hoạt động ven cụm đảo Hòn Khoai, hòn Đá Bạc… Cái kiểu như đón chặn để mua cá bên ngoài cửa biển trước khi tàu cá vào đất liền.
Bây giờ, tàu chợ Đức Lợi là một trong nhiều các tàu chợ khác vận dụng phương thức "mua tận gốc, bán tận ngọn", tức là mua cá ngay tại ngư trường, bán trực tiếp cho nhà chế biến xuất khẩu hoặc người tiêu dùng là đầu mối ở các chợ trong và ngoài tỉnh.
Anh Liên Văn Lợi nắm chặt tay tôi nói như một lời nhắn gửi : Làm ăn bây giờ không thể chậm chạp như tập thể dục dưỡng sinh được. Thường thì "nhân bần tật trọng" (người nghèo thường bệnh nặng). Mình bây giờ phải cố gắng sao cho dẫu có nghèo cũng không lâm trọng bệnh, có như thế mới làm ăn được, đi lên được.
Từ giã Cảng cá Gành Hào, xe tôi lao nhanh giữa hai hàng thông reo vi vút. Xen lẫn tiếng thông reo là tiếng sóng biển Đông vượt qua rừng phòng hộ và theo chúng tôi mà hoan hỷ, mà tiễn biệt, mà hy vọng, mà đợi chờ.
Thanh Thủy (Bạc Liêu) – Theo SCLO