Nhiều du khách nước ngoài vẫn thường đến Việt Nam để thưởng thức phong cảnh, thức ăn, tiếp xúc con người, văn hóa. Nhưng đối với Joseph Duemer – một nhà thơ và giáo sư văn chương người Mỹ – thì “có một điều gì đó sâu sắc hơn, tinh tế hơn, lôi kéo tôi đến Việt Nam”. Khi ngồi trong xe du lịch chạy ngang qua công viên có bức tượng Lê Nin ở Hà Nội, năm 1996, Joe nhìn trẻ con chơi bóng đá, người lớn đi dạo, xe cộ đông đúc, ông thèm : “Tôi muốn nhập vào cuộc sống đó, chứ không phải ngồi sau lớp cửa kính này.”
Joe bèn sắp xếp công việc và gia đình để trở lại Việt Nam và ở lại suốt 9 tháng trong năm 2000 – 2001 với tư cách một học giả Fulbright, tiếp xúc với các nhà văn Việt Nam, nghiên cứu và dịch thơ Việt sang tiếng Anh. Trong thời gian đó, ông thuê một căn hộ ở Ngọc Hà, ngày ngày đi dạo trên đường phố, công viên, học tiếng Việt, hội nhập vào cuộc sống bình thường của dân chúng.
Rốt cuộc, ông có tìm được cái điều sâu sắc, tinh tế gì đó đã khiến ông đến đây? Tôi hỏi và ông trầm ngâm : “Đối với một nhà thơ, cảm xúc thường phức tạp. Tôi nhận ra người Việt coi trọng gia đình và cộng đồng, theo tôi thì mối quan tâm đến tập thể, bạn bè là lành mạnh; nhưng tôi không thoải mái lắm về thái độ không tôn trọng riêng tư của người Việt đối với cá nhân. Chẳng hạn, gặp tôi ở ngoài đường, người ta thường chào bằng câu : “Đi đâu đấy?” Phản ứng của một người Mỹ điển hình là : “Mắc mớ gì đến anh?”. Văn hóa Mỹ đành rằng quá tập trung vào cá nhân và không quan tâm nhiều đến những mối quan hệ trong tập thể, nhưng không dễ gì cho một người thích nghi khi chuyển từ thái cực này sang thái cực kia.”
Trở về Mỹ, ông mở một khóa học về Việt Nam, “Understanding Vietnam”, xuất bản tập thơ thứ ba, Magical thinking (Suy tư nhiệm mầu), trong đó có nhiều bài thơ cảm hứng từ Việt Nam. Nhân ông trở lại đây vào tháng 4/2009, tôi có trò chuyện với ông, như giữa bạn bè, về những điều mà bây giờ nhiều người thường thấy không có gì hứng thú, là chiến tranh và thơ. Dù sao, giữa hai nước đã có một cuộc chiến tranh…
Ông nói : “Tôi e rằng, phần lớn người Mỹ trẻ cũng giống người Việt trẻ không nghĩ ngợi nhiều về chiến tranh. Nhưng chiến tranh vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc đến cách nhiều người Mỹ nghĩ về thế giới, cho dù suy nghĩ của họ không trực tiếp về Việt Nam. Hầu hết sinh viên ghi danh vào lớp “Understanding Vietnam” của tôi không hiểu biết về cuộc chiến. Và hầu hết những gì chúng biết đều sai. Điều đó vẫn còn ảnh hưởng trên đất nước chúng tôi. Cho nên vẫn có những người ủng hộ Bush gây chiến ở Iraq…
Joe thuộc “thế hệ Việt Nam”, những người lớn lên trong cuộc chiến Việt – Mỹ (Ông ý tứ dùng cụm từ “American war” chứ không phải “Vietnam war” như phần lớn người Mỹ khác). Thời trẻ, ông chống chiến tranh, một phần vì không muốn đi lính. “Nhưng tôi cũng tin rằng, chiến tranh là một sai lầm kinh khủng.” Ông khẳng định. Phải chăng, ông đã đến Việt Nam để hiểu đúng về chiến tranh?
“Một phần nào. Sau khi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, phần lớn người Mỹ, kể cả tôi, đều muốn quên nó đi càng nhanh càng tốt. Chúng tôi nén chặt ký ức về cuộc chiến và không muốn nhận trách nhiệm, đối với cả cuộc chiến lẫn với người lính trở về của chúng tôi. Đó là thời kỳ hổ nhục cho nước Mỹ. Tôi đến Việt Nam sau khi chiến tranh chấm dứt 20 năm, là cơ hội để cố hiểu được về thời kỳ đó trong lịch sử nước tôi. Giải tỏa những ẩn ức chiến tranh, đồng thời tìm hiểu về con người và đất nước Việt Nam thật sự, nhằm làm sáng tỏ những chuyện hoang đường phát sinh từ sự lãng quên. Và bởi vì tôi là một nhà thơ, tôi tìm hiểu Việt Nam qua thơ ca.”
Những bài thơ về con người và đất nước Việt Nam trong cuốn sách mới nhất của Joseph Duemer, thành thật mà nói, đều thể hiện một cách nhìn Mỹ. Nhưng ông nhấn mạnh : “Đạo lý Việt Nam chất vấn vai trò tuyệt đối của cá nhân vốn phổ biến trong văn hóa Mỹ cũng là chủ đề lớn trong tác phẩm của tôi”. Thật ra, mối quan tâm của ông đối với thơ Việt Nam, và nỗ lực dịch thơ Việt Nam sang tiếng Anh rồi phổ biến chúng mới là điều khiến tôi quí mến ông hơn. Thơ không phải là thứ ai cũng dịch được, thậm chí có người cho là không thể dịch được thơ. Tôi thấy nếu thơ dịch được, thì để cho bản dịch cũng là một bài thơ, bản thân dịch giả phải là nhà thơ. Joe cho biết : “Gần đây, có nhiều tập thơ Việt Nam được xuất bản ở Mỹ, nhưng hầu hết chú trọng vào các nhà thơ thời chiến và thời mới hòa bình. Không có tập thơ nào, ngoại trừ tập do Đinh Linh biên tập, tập hợp được các nhà thơ trẻ Việt Nam. Cũng có một tập thơ khác xuất bản gần đây gồm nhiều nhà thơ Việt Nam hay, nhưng tiếc là dịch giả Mỹ, tuy cũng là một tên tuổi văn chương Mỹ, nhưng lại không am hiểu Việt Nam nên bản dịch không hay lắm.”
Chuyến về Việt Nam lần này, Joe hy vọng tiếp tục công việc tuyển và dịch thơ như đã làm năm 2000. Năm đó ông đã tuyển dịch hơn 30 bài thơ của 10 tác giả và xuất bản trên tạp chí thơ uy tín ở Mỹ là Poetry International. Lần này, Joe sẽ ở Hà Nội 2 tuần rồi vào miền Nam, gặp gỡ các nhà thơ, phỏng vấn, đồng thời tuyển chọn thơ để dịch và hy vọng sẽ xuất bản ở Mỹ.
Joe quan tâm đến thơ Việt Nam, bởi vì : “Việt Nam là một nơi rất hay, nhất là giờ đây đang phát triển về mặt kinh tế và mở rộng với phương Tây. Tôi muốn đọc và trò chuyện với những nhà thơ đương đại vì tôi muốn hiểu nhà thơ Việt Nam nhận thức vai trò của họ trong xã hội như thế nào. Trong lịch sử Việt Nam, nhà thơ rất được kính trọng. Nhiều bậc anh hùng Việt Nam làm thơ. Nước Mỹ không có truyền thống đó. Bây giờ, trong thời toàn cầu hóa, tôi thắc mắc nhà văn Việt Nam, đặc biệt nhà thơ, nhận thức bản thân trong một bối cảnh xã hội như thế nào. Qua báo chí Việt Nam, tôi đọc thấy văn chương vẫn còn quan trọng đối với người Việt. Chuyện như vậy không hề xảy ra ở Mỹ. Văn chương chả quan trọng gì đối với người Mỹ.”
Tuy chú trọng đến tính xã hội của thơ Việt Nam, nhưng vì bản thân Joe là nhà thơ, ông cũng thưởng thức những bài thơ vì giá trị nghệ thuật. Tôi đồng ý với Joe là nhà thơ luôn viết trong một bối cảnh xã hội, và điều này quan trọng vì nó ảnh hưởng đến cách người ta hiểu bài thơ. Bản dịch thơ Việt Nam của Joe thường mượt mà. Ông làm việc cẩn thận với đồng nghiệp Việt Nam, chỉ có điều là ông hay thắc mắc. Một trong những thắc mắc của ông là : “Tại sao các nhà thơ Việt Nam, nhiều người sống ở thành phố lớn, lại viết rất nhiều bài thơ về nông thôn? Đừng cười, tôi hỏi nghiêm túc đấy. Việt Nam đang trong tiến trình đô thị hóa dữ dội, nhưng dường như vẫn có một nỗi niềm hoài nhớ về cuộc sống giản dị hơn. Tôi không phê phán gì cả, chỉ quan sát thế thôi. Thật ra, phản ứng thơ ca tương tự đã xảy ra ở Anh thế kỷ 19 trong thời kỳ cách mạng công nghiệp, nhiều nhà thơ lúc đó bỗng xoay ra viết về chốn hương thôn.”
Lý Lan – Sài Gòn Giải Phóng thứ bảy