Hội Nhà văn Việt Nam kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Chế Lan Viên (1920 – 1989) vào sáng 19/11 vừa qua. Buổi lễ có mặt người con trai thứ của ông – kỹ sư Phan Trường Định. Hơn 20 năm trước, sau lễ hỏa táng theo ý cha, anh Định và Vàng Anh đã đem một phần tro thả xuống sông Sài Gòn. Tháng 6 mùa Hè 1989, ông đã tan vào trời đất bao la, nhưng ánh sáng và phù sa thơ ông đến nay vẫn để lại những sự kinh ngạc cho bạn đọc.
Chân dung Chế Lan Viên năm 17 tuổi |
1. Tầm vóc và phong cách Chế Lan Viên làm nhiều người ngợp, biết là lớn, nhưng để thưởng thức đầy đủ thì rất “nặng”. Có hai tham luận ấn tượng nhất trong hội thảo này, của GS Hà Minh Đức và nhà thơ Trần Đăng Khoa.
“Em Khoa” là cách Chế Lan Viên gọi thần đồng một thuở, đã đem tặng băng lưu kho VOV, mời mọi người nghe Chế nói về thơ và đọc bài Người thay đổi đời tôi. Anh quả quyết: “Chế Lan Viên là một thiên tài. Thiên tài không nhiều. Tôi định nghĩa: Đó là trường hợp duy nhất, độc tôn không có tính lặp lại. Tập Điêu tàn thơ ổn định, khó tìm thấy sự đột biến, vậy mà Hoài Thanh đã nhìn thấy năng lực đi xa của Chế Lan Viên. Quả thực trong các thi nhân tiền chiến, chỉ có Chế Lan Viên chết rồi vẫn làm người ta kinh ngạc”.
Ông Nguyễn Cừ – Giám đốc NXB Văn học, tặng Toàn tập Chế Lan Viên cho Bảo tàng Văn học Việt Nam. GS Hà Minh Đức thân thiết với Chế Lan Viên, nghiên cứu khá kỹ về tác giả này. Ông mới cho ra mắt Chế Lan Viên – Người trồng hoa trên đá (350 trang, NXB Văn học). Theo GS Đức, Chế là người làm thơ trên nền kiến thức, khó nhọc và khắt khe, nên ông đặt tên sách như vậy. Tôi được xem toàn bộ toàn tập này và choáng váng về sức viết, tư duy lớn của bậc đại thụ thơ Việt Nam hiện đại.
2. Năm 1937, Chế Lan Viên mới 17 tuổi đã nổi tiếng với tập thơ đầu tay Điêu tàn và được Hoài Thanh (1909 – 1982) giới thiệu trân trọng: “Điêu tàn đột ngột xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị. Giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở nửa thế kỷ XX, nó đứng sừng sững như một cái tháp Chàm chắc chắn, lẻ loi và bí mật”.
GS Hà Minh Đức nhận định: “Tư duy Chế Lan Viên năng động, tài hoa, nhất là với Ánh sáng và phù sa, Hoa ngày thường, Chim báo bão. Sức nghĩ giàu suy tưởng của ông chính bởi ông chịu học”. Trong bài Cha tôi (10/1992) Phan Thị Vàng Anh (con gái nhà thơ) viết: “Một ngày của cha tôi bắt đầu vào lúc bốn giờ. Cha học cho đến lúc mẹ dậy. Học thơ, thơ từ cổ chí kim, học kịch, học văn, học cả những gì dường như văn chương không bao giờ thèm đụng tới. Cho đến lúc gần 70, cha tôi vẫn là học trò ngoan, bất chấp tuổi già mà len lỏi vào bất cứ góc nào của khu vườn văn hóa”.
Phát hiện tài năng, ghi nhận tài năng người khác và biết liên tài là điều ít thấy ở văn nghệ Việt Nam. Chế Lan Viên, trong kí ức của nhiều nhà văn tác giả lớp sau, luôn chỉ bảo, truyền lửa cho đàn em. Nóng tính và quyết liệt, ông luôn không thỏa mãn, không dừng lại và muốn các đàn em cũng phải chịu học, chịu đọc bởi chính niềm trân trọng nghệ thuật là tối thượng. Với ông thơ như một thứ đạo. Chế đánh giá nhà văn cao kịch bậc phả học liên tục cả khi đã được công nhận là thi/ văn sĩ, phải học để tiến lên thành nhà văn, lùi xuống cũng là nhà văn hóa. Như thế, với ông, nhà văn, nhà thơ trước hết phải là nhà văn hóa.
Thơ Chế Lan Viên nhiều lý trí, tính triết lý, khái niệm. Thơ đương đại hiện nay ngồn ngộn hình ảnh chuyển động mà chỉ nhằm đẩy thi ảnh thành ám tượng, gây xúc cảm thì hình ảnh của Chế Lan Viên lại thường là diễn tiến của suy nghiệm. Lối so sánh A thành B được sử dụng với tần suất cao biểu lộ khả năng khám phá các vấn đề sâu sắc của đời sống bằng sự biến đổi chuyển hóa của sự vật. Lối so sánh A là B nhằm khẳng định và nhấn mạnh điều diễn tả “là”, “thành”, “vẫn”, “chưa”, “như”, “chưa phải”, “phải là”, “đã là”, “tốt hơn là”, “lại là” xuất hiện dày đặc trong thơ Chế Lan Viên, kiểu thơ thông minh, tỉnh táo, lý tính. Những bài thơ có tính quy nạp, từ suy tưởng có chất triết học phản ánh tổng quan của người luôn muốn làm rõ, lý giải mọi lẽ theo quan niệm riêng. Ông viết ngay từ tựa tập Điêu tàn: “Làm thơ là làm sự phi thường”, quyết liệt, dữ dội bằng ý thức tìm con đường riêng. Thơ ông đa dạng, chuyển động theo hành trình cách mạng.
Vợ chồng nhà thơ Chế Lan Viên – Vũ Thị Thường và hai con gái của họ: Thắm, Vàng Anh (được cha bế) |
3. Tôi cố gắng “đến gần” và “kiếm tìm” Chế Lan Viên qua mảng thơ tình. Chàng Văn, bút danh ông dùng khi giải đáp những vấn đề về văn học nửa thế kỷ trước, hiếm khi duy cảm, nên thơ hơi “căng thẳng” và có lúc khô khan. Có phải điều gì, cái gì trên đời cũng cắt nghĩa, lý giải rành mạch và dùng lý trí để thúc đẩy chúng đạt như mình đòi hỏi đâu.
“Tìm” Chế Lan Viên thơ tình, tôi thèm đọc những câu thơ xuất thần, thăng hoa, thuần cảm không chứa chất lý lẽ. Sự dịu dàng sâu thẳm và đắm say khao khát của những rung cảm nguyên khôi loé sáng bất ngờ, không theo tiến trình tư duy triết luận. Chế Lan Viên quan niệm, nhà thơ sống trong đời phải lẫn với mọi người nhưng viết phải khác người, phải là mình. Thập niên 60, 70 thế kỷ trước, căn nhà ông ở khu 51 Trần Hưng Đạo, cửa sổ đề biển “Không tiếp khách quá 15 phút”. Khi làm Tổng biên tập tạp chí Tác phẩm mới, ông đến cơ quan đều đặn, đúng giờ, ngồi xuống bên bất cứ cái bàn nào trong hai căn phòng tại trụ sở 65 Nguyễn Du. Đi khỏi cơ quan, hay quên cái túi xách bằng vài nhàu nát, ông cuốc bộ một mạch dọc đường Trần Bình Trọng rẽ phải Trần Hưng Đạo vì “lối đi ấy mình hay gặp Thơ hoặc Thơ nó mai phục ở chỗ nào đó, mình đi qua, nó hiện ra riêng. Lối đi ấy là lối để “chăn Thơ”.
Chế Lan Viên luôn vật lộn, luôn tiếc thời gian, đầu óc không lúc nào thảnh thơi, yêu thiên nhiên mà chưa bao giờ dám bỏ hàng giờ để uống trà, thưởng hoa. Ông dạy con: “Phải học, học không phải để vui, mà để không ai giết được mình”.
4. Trong 5 người con ông, có con út nối nghiệp cha. Phan Thị Vàng Anh làm thơ từ nhỏ, sau thành một nhà văn tuy viết ít mà sắc sảo, cá tính. Chị có cả chục cuốn vở chép và ghi rõ ở bìa “Sách dạy cho Vàng Anh”. Ba chị chú ý khắt khe và thương cô út nhất, vì theo nghiệp văn. Vàng Anh vẫn là cô bé đi học với mẩu bút chì và bánh mỳ trong suy nghĩ của cha hay ưu tư, cả khi cô là sinh viên Y khoa như hồi bé “Cha nằm lắng qua màn/Nghe miền xa con hát/ Ngắm đôi mắt con tròn/Trời xa xa tít tắp/Thấy cả bàn tay con”.
Chế Lan Viên ưa làm vườn, những giò phong lan ông đem từ rừng, bụi hương nhu bên bờ ao ông để gội đầu, nấu cơm nước cho cả nhà mỗi sáng. Người viết và nghĩ điều lớn, lại có thể làm từng việc nhỏ bé vì người khác. Cả khi gãy tay, bó bột ông cũng viết bằng tay trái. Những ngày tháng cuối cùng, không nói không biểu lộ tình cảm được, một bộ óc thông minh thật hiếm thấy phải sống như đứa trẻ mới sinh.
Thật hiếm thấy thơ tự do của Chế Lan Viên và đây loạt thơ viết ở Cẩm Phả: “Tàu đến/Tàu đi/ Than/Cành phong lan bể”. Thơ Chế Lan Viên tích hợp tài hoa, niềm ham sống và muốn xây dựng cuộc sống đẹp đẽ, trong khiết. Hình ảnh ban mai thật đẹp. Tôi nhớ Tình ca ban mai: “Em đi như chiều đi/Gọi chim vườn bay hết”.
Đa tài, văn xuôi của ông nhiều giá trị dù có lần ông nói với Xuân Diệu “Tấm lòng văn xuổi từ nay xin chừa”. Bạn đời của ông, nhà văn Vũ Thị Thường (sinh 1930) được nhớ bằng các truyện ngắn nông thôn sinh động, đã đưa thu gom, biên tập và công bố 3 tập Di cảo thơ Chế Lan Viên, những cuốn sách nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1994, khi tác giả mất 5 năm) và sau đó là giải A với Hoa trên đá, giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996).
Có một bài trong loạt “Từ thế thi ca” lúc trọng bệnh, Chế Lan Viên nghị lực đã viết về cái chết: “Anh không ở lại yêu hoa mãi được/ Thiêu xong anh về các trời khác cũng đầy hoa/ Chỉ tiếc không có tình yêu ở đó/ Anh thành nhúm gio trong bình/ Em đừng khóc/ Ngoài vườn hoa cỏ mọc”.
Công chúng đồng tình với ghi nhận của nhà thơ Bằng Việt: “Chế Lan Viên là một nhà thơ đủ tầm vóc quốc tế”.
Theo Vi Thùy Linh – Thể thao và Văn hóa